LTS: Người tài không được hình thành từ giáo dục - đào tạo đơn thuần, họ hình thành từ nhu cầu thực tiễn của thời đại, của cuộc sống. Cần hiểu nhân tài là gì? Nếu mong muốn cầu nhân tài, thu hút được người tài để xây dựng đất nước giàu mạnh, chúng ta phải tạo các điều kiện thích hợp như thế nào? 

Tuần Việt Nam trân trọng đăng tải bài viết của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía độc giả.

{keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: Lê Anh Dũng


Không biết vì sao nhiều người để ý tới bài nói đã lâu của tôi về chủ đề này. Có lẽ nguyên do  nằm ở chỗ ai ai cũng mong mỏi có nhiều hiền tài được sử dụng để chấn hưng đất nước.

Nay VietNamNet yêu cầu chia sẻ thêm, tôi thấy rất khó đáp ứng vì chủ đề này thuộc loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”, thậm chí có thời còn hình thành hội hay câu lạc bộ về vấn đề nhân tài. Vả lại, tôi đã ở tư thế “ếch ngồi đáy giếng” từ lâu nên cũng không thể bổ sung điều gì mới mẻ. 

Tuy nhiên, tôi xin làm rõ thêm đôi điều.

Nhiều vị tiền nhân đã từng nêu cao vai trò của nhân tài đối với quốc gia. Vấn đề còn lại là làm sao những ý tưởng cao đẹp của họ thấm sâu vào cuộc sống mà thôi.

Lâu nay khi nói tới “hiền tài” chúng ta thường liên tưởng tới những người kinh bang tế thế, trị nước giúp đời. Điều đó đúng nhưng chưa đủ vì nghề gì, tầng lớp nào chẳng cần và chẳng có những người tinh thông nghề nghiệp, đam mê công việc, đau đáu tìm cách đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, nếu mỗi người trong chúng ta phát huy hết tài năng của mình thì nước nhà sẽ sớm giàu mạnh, “sánh vai cùng bè bạn năm châu”.

Tất nhiên, đội ngũ lãnh đạo - quản lý và các nhà văn hóa, khoa học “hiền tài” có thể tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh hơn, rộng hơn. Để khơi dậy trí tuệ của họ, cần có cả một hệ thống cơ chế, chính sách thỏa đáng.

Cho tới nay, một số ngành và địa phương riêng lẻ từng đưa ra những cơ chế, chính sách này nọ song xem ra chưa thành công lắm. Còn trên phạm vi cả nước dường như vẫn chưa có được một hệ thống cơ chế, chính sách tổng thể và hữu hiệu để nhằm thu hút nhân tài.

Cho dù cơ chế, chính sách đóng vai trò rất quan trọng song tấm gương và tấm lòng của những người sử dụng nhân tài ở mọi cấp vẫn là một nhân tố tạo nên sức hút mạnh mẽ nhất. Và Bác Hồ chính là tấm gương sáng ngời về phương diện này.

Thế hệ chúng tôi còn nhớ rất rõ, thậm chí được trực tiếp tiếp cận các vị nhân sỹ lừng danh của đất nước tham gia Chính phủ, trong số đó không ít vị xuất thân từ các danh gia vọng tộc.

Qua các cuộc tiếp xúc với họ, tôi cảm nhận rất rõ rằng. họ đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến chủ yếu do lòng yêu nước và sự khâm phục đối với tấm gương và tấm lòng của Bác Hồ. Chúng ta dễ dàng tìm thấy những minh chứng cho điều này qua những bức thư đầy tình người của Bác gửi các các vị nhân sỹ trong Tuyển tập Hồ Chí Minh.

Ở đây tôi chỉ xin lẩy ra mấy đoạn trong bức thư của Bác gửi bác sỹ Vũ Đình Tụng hồi tháng Giêng năm 1947 (Cụ Tụng từng là Bộ trưởng Thương binh trong Chính phủ kháng chiến) khi được tin con trai cụ hy sinh ngoài mặt trận. Bác viết:”Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột… Họ là con thảo của Đức Chúa (gia đình cụ Tụng theo đạo Thiên Chúa - tác giả)… Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ…Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc…”.

Với tấm gương và tấm lòng như vậy thì hiền tài ắt một lòng một dạ phụng sự nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Kỳ tới: Nhân tài - Người là ai, đang ở đâu?

Vũ Khoan

Ông Vũ Khoan: ‘Việt Nam không thể chạy đua theo con đường đó’

Ông Vũ Khoan: ‘Việt Nam không thể chạy đua theo con đường đó’

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, tất cả vấn đề hiện nay là do chúng ta, do cơ cấu kinh tế chứ không phải do tác động của hội nhập.