Trong bài viết này, tôi đóng góp những ý kiến hết sức nhỏ, mong rằng việc ra đời những chính sách, quyết sách trong mùa dịch sẽ đạt được hiệu quả tối ưu.

Chúng ta đều biết rằng để ra một chính sách công đều phải tuân theo một trình tự khoa học. Việc đưa quyết sách trong thời dịch bệnh cũng không đi ra ngoài trình tự này.

Trình tự đơn giản nhất cũng phải qua 5 bước sau: (1) Nhận diện vấn đề, sắp xếp thứ tự ưu tiên, (2) Thiết kế/xây dựng chính sách/quyết sách hoặc nhỏ hơn là một quyết định, (3) Đánh giá, dự báo và hạn chế rủi ro (4) Thực thi chính sách/quyết sách hoặc thực hiện những quyết định, (5) Đánh giá kết quả và điều chỉnh chính sách/quyết sách. 

{keywords}
 Đo huyết áp chờ tiêm vắc xin tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Tôi xin bàn về những vấn đề hiện nay liên quan đến dịch bệnh như là một ví dụ để chúng ta suy ngẫm về những gì mình đã làm, đang làm và sắp làm. Những vấn đề hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt được xếp theo thứ tự ưu tiên là:

- Số bệnh nhân tử vong do Covid-19 tăng. 

- Chủng ngừa chưa đạt tỉ lệ mong muốn để bảo vệ người dân khỏi tử vong.

- Số lượng lây nhiễm chưa kiểm soát được.

- Sản xuất, vận chuyển lưu thông hàng hoá giảm mạnh.

- Đời sống của người dân lao động khó khăn.

Mỗi vấn đề cần được giải quyết theo đúng các bước mới mong đạt được hiệu quả mong muốn. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ muốn chỉ ra khía cạnh cơ sở khoa học để làm chính sách và đưa ra quyết định trong giai đoạn khó khăn hiện nay. 

Để đưa ra những chính sách/quyết sách/quyết định (bước 2, bước quan trọng nhất), chúng ta phải chẩn đoán vấn đề của mình. Không thể đưa ra một chính sách/quyết định mà cơ sở chứng cứ khoa học chưa đầy đủ. Rất nhiều ý kiến cho rằng trời ơi đang dịch bệnh, thời gian đâu lo nghiên cứu, thống kê làm gì, không cần thiết. 

Thực ra điều này sẽ dẫn tới kết quả của chính sách/quyết sách sẽ khó đoán. Chẩn đoán vấn đề sẽ phải dựa trên 3 yếu tố:

Cơ sở dữ liệu

Ví dụ chúng để đưa ra quyết định cấm shipper, taxi, ta cần có số liệu tỉ lệ mắc bệnh của shipper và tài xế taxi là bao nhiêu. Tỉ lây bệnh từ họ là bao nhiêu. Hoặc có nhiều người dân cho rằng phải cách ly tất cả F1, F0, vì họ nguy hiểm cho cộng đồng, điều này không sai, nhưng lãnh đạo ngành y tế TP.HCM cần có cơ sở để quyết định cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà.

{keywords}
 Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin tại trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn sáng 30/7. Ảnh: Thanh Tùng

Rõ ràng là dựa trên số lượng của 2 đối tượng này quá lớn, vượt mức chứa và khả năng chăm sóc của các cơ sở thu dung, nhưng thành phố nên nắm rõ mật độ người trong các khu cách ly, tỉ lệ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Các tỉnh thành khác nếu số ca mắc thấp, mật độ và tỉ lệ lây nhiễm chéo thấp hoặc không có thì vẫn có thể cách ly F0, F1. 

Tương tự, chúng ta tiến hành lockdown, là người dân tôi luôn tuân thủ, nhưng luôn trông chờ được biết 2 chỉ số quan trọng để quyết định lockdown: R0 (hệ số lây truyền - thước đo mức độ lây nhiễm của một bệnh truyền nhiễm), R(t) (hệ số lây truyền hiện tại) là bao nhiêu. Tại sao nước Anh lại dám đưa ra quyết định chấm dứt mọi biện pháp phong toả, xin phép không phê phán đúng sai, nhưng chắc chắn họ đã dựa trên rất nhiều cơ sở dữ liệu để thuyết phục.

Tính khả thi và hệ lụy

Chính sách/quyết định đưa ra có thực hiện được không, nếu áp dụng kết quả như thế nào, chi phí là bao nhiêu (tính chi phí - hiệu quả), có những hệ lụy nào theo sau (lợi ích và nguy cơ). 

Ví dụ nếu ta cấm một phần shipper, tài xế taxi, điều này thực hiện hết sức dễ dàng qua một tờ công văn, nhưng hệ luỵ tiếp theo là gì? Shipper giao hàng cho người trung lưu, người giàu, họ có tiền, tài khoản ngân hàng để chi trả; còn người nghèo xếp hàng dài từ 5h sáng đi chợ, siêu thị mua thực phẩm theo ngày vì không có tiền mua số lượng lớn và không có tài khoản để đi chợ online.

Khi cấm shipper, người giàu chen chân với người nghèo, thế là lại tập trung đông người tại một chỗ, vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch. Vậy tại sao không tìm cách để bảo vệ, huấn luyện và vận hành lực lượng này?

Cấm toàn bộ taxi đã dẫn tới hệ quả ngay trước mắt, người già, người bệnh nặng do hay không do Covid đều không biết đến cơ sở y tế bằng phương tiện gì. Người giàu có ô tô, người nghèo và trung lưu phải gọi cấp cứu 115. Nếu không là bác sĩ sẽ không biết rằng mỗi loại bệnh nặng đều có khoảng thời gian vàng để cấp cứu, qua thời gian này chắc chắn tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề, như đột quỵ, chấn thương sọ não, cột sống, gãy xương, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi… 

Nếu có cơ sở dữ liệu thống kê tốt thì chắc chắn biết ngay trung tâm cấp cứu 115 không thể đảm đương nổi việc vận chuyển bệnh nhân (số lượng xe cấp cứu, số lượng tài xế, số ca vận chuyển trung bình trong 1 ngày trước khi có dịch và khi có dịch), trong khi hàng nghìn xe taxi trùm mền để đó. Chúng ta vẫn có cách tháo gỡ nếu muốn.

Việc giao cho các quận huyện thành lập các bệnh viện thu dung F0 có triệu chứng nhẹ cũng tương tự, công văn chỉ đạo thành lập sẽ rất nhanh, nhưng tính khả thi như thế nào? Chọn cơ sở nào để xây dựng, nguồn lực gồm chi phí hạch toán để xây dựng bệnh viện trên số giường là bao nhiêu, ai cung cấp tiền, tiền có hay chưa, trang thiết bị dù rất đơn giản (giường, mền, drap, …), bình oxy, máy đo huyết áp, nhiệt kế, máy đo SpO2, còn vật tư tiêu hao nữa, chạy đâu ra với số lượng lớn và một số tiền hạn hẹp. 

Quan trọng nhất là nguồn nhân lực phục vụ, lấy đâu ra… rồi bệnh nhân trở nặng hệ thống vận chuyển thế nào, liên thông giữa các tầng thu dung hoạt động thế nào… Biện pháp nào để giúp đảm bảo tính khả thi?

Việc truy vết F0, cho tới nay con số ngày càng tăng, tổng chi phí là bao nhiêu, hiệu quả thế nào, có cách nào khác hiệu quả hơn, nhanh hơn, chi phí thấp hơn không. Đa phần sẽ có lời giải nếu có cơ sở dữ liệu đầy đủ.

Dự báo và hạn chế rủi ro

Rủi ro khác hệ luỵ, hệ luỵ có thể dự đoán được, rủi ro đôi khi không tiên đoán được. Ví dụ chúng ta tiêm chủng phòng bệnh, nhưng một ngày nào đó virus biến đổi gen theo một kiểu gì đó thoát khỏi miễn dịch từ các thuốc chủng ngừa, đó là rủi ro ta đoán được nhưng kiểu đột biến gen của virus thì không đoán được. Lockdown, chủng ngừa nhưng người dân không tuân thủ, không chịu đi chủng ngừa (như ở Mỹ) cũng là một rủi ro, khi đó chính sách rất tốt nhưng vẫn không đạt hiệu quả. 

Vậy hạn chế rủi ro có khi được, có khi không. Chính vì vậy, một chính sách hay một quyết định sẽ luôn có hạn chế nên luôn phải được đánh giá (bước 3) và điều chỉnh liên tục (bước 5).

Nói như vậy để lãnh đạo và ngành y tế luôn có một phận hỗ trợ trong mùa dịch để làm ra chính sách/quyết sách (nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu) bên cạnh bộ phận thực hiện chính sách. Điều này giúp chúng ta luôn ở động thái sẵn sàng thay đổi, điều chỉnh và người dân cần hiểu điều này để biết tại sao có những chính sách được đưa ra và thực hiện nhưng không có được hiệu quả như mong muốn, người dân phải có trách nhiệm để góp phần hạn chế những rủi ro này. 

Thực thi: Lãnh đạo trao quyền 

Bước 4 là thực thi chính sách/quyết sách, điều quan trọng để thành công ở bước này chính là công việc trao quyền của lãnh đạo. Lãnh đạo trao quyền cho các cơ sở y tế, các địa phương thực hiện chính sách, nhưng phải song song với công tác chuẩn bị, thiết lập hệ thống, huấn luyện, hỗ trợ,  giám sát và đánh giá.

Hiểu điều này chúng ta sẽ hiểu tại sao các bệnh viện thu dung, bệnh viện dã chiến ở tầng 1, 2, 3 cũng như y tế địa phương quản lý F1, F0 không triệu chứng tại nhà hiện nay gặp khó khăn và lúng túng, nhất là trong việc theo dõi, phát hiện và chuyển bệnh nhân trở nặng lên tầng trên. 

Người Việt Nam ta có tố chất linh hoạt trong mọi tình huống, các quyết sách được đưa ra nhanh, có thể lúc đầu thực hiện lúng túng nhưng được điều chỉnh nhanh, linh hoạt để vận hành trong thực tế. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ bởi khoa học thì thành công sẽ chắc chắn hơn. Giờ đây, khoa học cứu được con người, không chỉ có khoa học cơ bản, khoa học lâm sàng mà còn cả khoa học về quản lý, tổ chức y tế.

PGS.TS Vũ Minh Phúc

Giải bài toán tử vong do Covid-19

Giải bài toán tử vong do Covid-19

Bài toán thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay, đó là con số tử vong do dịch bệnh.