Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người đảm nhận cương vị Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ tháng 11/2014 - 6/2018 có những chia sẻ trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Coi trọng khu vực trong chiến lược chung

Đại sứ cho biết thông điệp chuyến thăm Đông Nam Á lần này của Phó Tổng thống Mỹ?

Khi một phó tổng thống - nhân vật số 2 của nước Mỹ, lại trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ - đến khu vực thì chắc chắn thông điệp đầu tiên là rất coi trọng Đông Nam Á trong quan hệ với Mỹ, coi trọng Đông Nam Á trong chiến lược chung đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

{keywords}
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Reuters

Chính Tổng thống Biden trong chiến lược chỉ dẫn tạm thời về an ninh quốc gia cũng nói rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một trong những trọng tâm của nước Mỹ - một khu vực năng động cả về địa chiến lược, địa kinh tế và nước Mỹ có lợi ích tại đây. Khẳng định sự gắn kết với khu vực này, Mỹ củng cố mạnh mẽ lại hệ thống quan hệ đối tác và đồng thời mong muốn cùng với tất cả các nước xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ, vì hoà bình, an ninh và thịnh vượng.

Thứ hai, trong chuyến đi này, Phó Tổng thống Mỹ chọn 2 nước là Singapore và Việt Nam. Chắc chắn rằng, trong nỗ lực chung, hai nước theo cách nhìn của Mỹ là vừa có đà quan hệ song phương, lại vừa có vai trò vị trí đáng kể trong đóng góp chung vào hòa bình, an ninh khu vực.

Ông đánh giá thế nào về thời điểm Phó Tổng thống Mỹ thực hiện chuyến thăm này?

Thứ nhất, chính quyền mới tại Mỹ bắt đầu nhiệm kỳ vào cuối tháng 1 năm nay, tới nay là 7 tháng. Vào thời gian này, nước Mỹ và thế giới trong hoàn cảnh rất đặc biệt, đó là phòng chống Covid-19. Chưa kể chính quyền mới nên phải định hướng ưu tiên và triển khai hàng loạt chiến lược đối nội, đối ngoại.

Nếu nhìn rộng ra có thể thấy, nước Mỹ trong những tháng gần đây bắt đầu triển khai những chiến lược đối ngoại cả về châu Âu lẫn châu Á. Khi Mỹ bắt đầu định hình một cách rõ hơn chiến lược đối ngoại và triển khai một cách tích cực, thì châu Á - Thái Bình Dương là khu vực rất quan trọng.

Điểm thứ hai, nước Mỹ coi trọng ASEAN, coi trọng các đối tác là thành viên trong khối với tư cách là đa phương và song phương.

Thứ ba, dường như sau thời gian tập trung vào đối nội, phòng chống dịch bệnh, sau giai đoạn đầu có chút xao nhãng với Đông Nam Á thì đây là lúc, bằng những chuyến thăm cấp cao, Mỹ khẳng định mạnh mẽ mong muốn gắn kết với khu vực.

Vào thời điểm này, Mỹ và các nước trong khu vực có rất nhiều điểm song trùng cần hợp tác như câu chuyện duy trì hòa bình, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, chung tay phòng chống dịch, duy trì kinh tế và chuỗi cung ứng không bị đứt quãng…

Tầm mức quan hệ Việt - Mỹ

Cá nhân Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ Việt - Mỹ kể từ đầu năm đến nay?

Dưới thời chính quyền của ông Biden, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục đà phát triển, thể hiện rất rõ ở việc hai bên tiếp tục trao đổi, liên hệ với nhau ở cấp cao và các cấp. 

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh

Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì quan hệ kinh tế, thương mại hai nước vẫn tiếp tục đà phát triển. Nếu như năm ngoái, thương mại hai chiều đạt hơn 90 tỉ USD, trong 6 tháng đầu năm nay, con số này là 53 tỉ USD.

Mỹ tiếp tục hợp tác với Việt Nam về khắc phục hậu quả chiến tranh như tẩy độc sân bay Biên Hoà, tháo gỡ bom mìn, và vừa rồi hai bên có bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Tháng 7 vừa qua, tàu tuần duyên lớp Hamilton mà Mỹ chuyển giao cho Việt Nam đã cập cảng an toàn…

Tóm lại, Mỹ luôn coi trọng và muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương và đa phương với Việt Nam. Mỹ tiếp tục khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ như nhấn mạnh tôn trọng thể chế chính trị của nhau, mong muốn Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng.

Hiện tại, quan hệ Việt - Mỹ ở tầm mức nào, thưa ông?

Nếu chúng ta nhìn vào mọi khía cạnh song phương, rồi quan hệ ở tầm khu vực và toàn cầu có thể thấy mọi vấn đề đã trải dài ở cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng...

Câu trả lời là, quan hệ Việt - Mỹ đã ở tầm chiến lược và nói rộng ra, mối quan hệ này mang cả tính toàn diện và tính chiến lược.

Và chỉ dấu cho quan hệ giữa Mỹ với khu vực, với Việt Nam trong thời gian tới?

Một Đông Nam Á phát triển năng động, với cấu trúc khu vực được định hình đang đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh có lợi cho từng nước và cả khu vực. Trong suốt thời gian qua, kể cả các nước lớn có cạnh tranh với nhau nhưng đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Việc tiếp tục gắn kết với khu vực và coi trọng vai trò của ASEAN vẫn là hướng đi tới đây của nước Mỹ.

Hợp tác giữa Mỹ và ASEAN sẽ ra sao khi nổi lên những vấn đề thách thức kể cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống? Về phòng chống dịch bệnh, Mỹ đã đưa ra hàng loạt cam kết giúp đỡ các nước trên thế giới và đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Tới nay, Mỹ đã viện trợ 23 triệu liều vắc xin cùng với trang thiết bị và tiền bạc cho các nước trong ASEAN trong đó có Việt Nam. Về duy trì khu vực hòa bình, ổn định và dựa trên luật pháp quốc tế, không chỉ có ASEAN và Mỹ mà đòi hỏi hợp tác của các nước trong và ngoài khu vực như câu chuyện Biển Đông hay sử dụng nguồn nước Mekong.

Nước Mỹ thời gian qua có nhiều thay đổi. Nên từ nay và sắp tới, Mỹ cần tái khẳng định cam kết và lòng tin với khu vực này.

Với Việt Nam, trước mắt chúng ta đang tập trung phòng chống dịch, khu vực và thế giới cũng vậy, dẫn tới việc đứt quãng chuỗi cung ứng. Từ đó dẫn tới yêu cầu kiểm soát dịch bằng vắc xin, duy trì hoạt động tối thiểu trong chuỗi cung ứng… Các bên phải hợp tác ra sao để thúc đẩy vấn đề này.

Về gắn kết về kinh tế, thương mại không phải chỉ là câu chuyện riêng trong quan hệ Việt - Mỹ, mà là cả với châu Á - Thái Bình Dương. Nước Mỹ gắn kết với khu vực ra sao thì Việt Nam cũng sẽ là một bộ phận trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, trong sự gắn kết đó.

Cơ hội của Việt Nam

Về mặt tổng thể, Việt Nam có cơ hội nào để tăng cường quan hệ với các nước, nhất là quan hệ với Mỹ?

Trong quan hệ chung, nếu Việt Nam bình ổn, phát triển, hội nhập tốt cùng với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa thì đây là yếu tố rất quan trọng để chúng ta vừa hội nhập, vừa chơi với tất cả các nước và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước.

Trong quan hệ quốc tế, những đối tác lớn, đối tác là trung tâm chính trị, kinh tế thế giới luôn có tác động hai chiều. Một là tạo ra không gian cho mình làm ăn, phát triển kinh tế nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng tạo ra môi trường hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế. Quốc gia nào cũng thế, nếu như chơi được với tất cả các nước và các trung tâm kinh tế lớn, cùng đan xen lợi ích, cùng nhau xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển.

Đây cũng là lúc cần rà lại quan hệ Việt - Mỹ, tính chuyện đặt tên quan hệ như thế nào nếu nhìn vào danh sách gần 20 nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Đã tới lúc phải suy nghĩ, có lộ trình sớm, vì lợi ích của Việt Nam, và để xứng với tầm quan hệ hai nước. Thực chất quan hệ Việt - Mỹ đã có cả tính chiến lược và tính toàn diện như đề cập bên trên. 

Diệu Thuý 

Vị trí Việt Nam trong hoạch định quốc phòng của Mỹ với khu vực

Vị trí Việt Nam trong hoạch định quốc phòng của Mỹ với khu vực

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thực hiện chuyến công du Singapore, Việt Nam và Philippines. Đây là chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á của một quan chức hàng đầu trong chính quyền Biden.