LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu phần cuối bài thuyết trình của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả cho công cuộc phát triển.

Tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng

Về đầu tư, Việt Nam cần tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, các dự án tạo sức lan toả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sớm hình thành hệ thống cao tốc Bắc - Nam. Không có quốc gia nào phát triển được mà thiếu đường cao tốc.

{keywords}
3 dự án cao tốc Bắc - Nam được chuyển sang đầu tư công sẽ được khởi công từ tháng 9/2020

Hàn Quốc thời Tổng thống Park Chung Hee làm đường cao tốc 460 km trong vòng 2,5 năm, trở thành điều kì diệu với thế giới.

Việt Nam chúng ta, ngoài đường dây 500kV, đường mòn Hồ Chí Minh, có gì? Vì sao chúng ta chưa làm nên điều kỳ diệu như các quốc gia khác?

Từ năm 2010 đến giờ, chúng ta mới xây được có 400km đường cao tốc, còn tới hơn 1.300km nữa. Từ Hà Nội đi Nghệ An mất 5-6 tiếng. Mà theo kế hoạch phải đến 2030 mới làm xong đường cao tốc. Trong khi đó, hệ thống cảng biển, hàng không, hạ tầng số, đường bộ… đều cần được nâng cấp.

Giữ đất, giữ rừng ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên thay vì đặt mục tiêu phát triển kinh tế quá cao

Tôi muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng hệ thống hồ chứa, từ Tây Nguyên đến Trung Bộ, đến đồng bằng sông Cửu Long. Sông Cửu Long bị ngăn dòng làm thủy điện, giảm lượng nước về Việt Nam, làm nước biển dâng, xâm ngập mặn vào đất liền, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nếu ta có hồ chứa, có kênh liên thông thì vừa tích trữ vừa chuyển được nước cho đồng bằng sông Cửu Long, An Giang về Tây Nam Bộ, từ sông Tiền sông Hậu… Không có hồ chứa thì tới 85% lượng nước ngọt sẽ chảy ra biển mất.

Một số địa phương ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên khó thu hút đầu tư vì xa xôi, vì thiếu các cảng biển và thiếu nguồn nhân lực. Như vậy có nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cao hay không?

Không thu hút được đầu tư, kể cả FDI, thì làm sao mà chuyển dịch kinh tế và tăng trưởng GDP cao được. Vì thế, theo quan điểm cá nhân tôi, cần giữ đất, giữ dân, giữ rừng, giữ đoàn kết, ổn định thay vì đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế quá cao ở các khu vực này. Nếu không, địa phương nào cũng đòi làm sân bay, đường cao tốc, khu công nghiệp… rất tốn kém mà lại ít hiệu quả.

Số tiền đó ta có thể tập trung vào các vùng động lực giúp họ phát triển nhanh hơn, đóng góp ngân sách nhiều hơn, từ đó điều tiết về các vùng kia để làm những dịch vụ y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng...

Thay đổi tư duy quản lý và quản trị quốc gia

Thay đổi tư duy quản lý và quản trị quốc gia là thực tế phải suy nghĩ. Thay vì tiền kiểm, hãy chuyển sang hậu kiểm. Cái gì khó thì làm thử nghiệm, nếu được thì nhân rộng ra, chứ không nên tư duy hẹp hòi, chặt chẽ quá mà cản trở phát triển. Trong quản lý, nếu vướng về văn bản, thì cần xử lý linh hoạt, năng động vì mục đích chung chứ không hình sự hóa các mối quan hệ về kinh tế.

{keywords}
Nền nông nghiệp nên hướng đến sản xuất hữu cơ

Về phát triển nông nghiệp, chúng ta ủng hộ phát triển nền nông nghiệp hiệu quả cao chứ không phải nền nông nghiệp công nghệ cao. “Hiệu quả cao” là gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ; còn “công nghệ cao” là đẩy nhanh sản lượng. Đẩy nhanh sản lượng mà không biết bán cho ai là luôn dẫn đến tình trạng được mùa mất giá. Nền nông nghiệp nên hướng đến sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch.

Nhân lực, vật lực, tài lực

Muốn phát triển bất cứ lĩnh vực nào cũng phải có nguồn lực như nhân lực, vật lực và tài lực …trong đó, nguồn lực có bao nhiêu, quản lí như thế nào và sử dụng ra sao đều phải tính toán từ góc độ hiệu quả.

Nguồn nhân lực có chất lượng thấp, tỷ lệ lao động có tay nghề rất thấp. Chúng ta kêu gọi thu hút đầu tư công nghệ cao mà chất lượng nguồn nhân lực như thế này thì khó. Chúng ta đang nói đến chuyện đón làn sóng FDI mà không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì đón thế nào? Còn nhớ trước đây hãng Intel mời sinh viên của 5 trường đại học ở Việt Nam đến kiểm tra trắc nghiệm tiếng Anh, chỉ có 40% đạt.

Nguồn nhân lực bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta có lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ năng, còn trong tuổi lao động ở các địa phương nhưng lại không xây dựng được cơ sở dữ liệu về lực lượng này để khi doanh nghiệp cần là huy động được ngay.

3,8 triệu ha đất là cho phát triển nông nghiệp chứ không phải chỉ cho trồng lúa

Việc sử dụng vật lực là đất ở nhiều địa phương còn chủ quan và lãng phí. Nhiều tỉnh cứ tập trung bán đất để thu ngân sách là rất đáng lo lắng vì đất đai là tài nguyên không nở ra được. Một số địa phương sử dụng rất lãng phí đất, nhà đầu tư xin bao nhiêu cho bấy nhiêu, không cần biết họ làm vậy có đúng hay không, không cần biết họ cần 500ha hay 1.000ha.

Nhiều địa phương không thẩm tra, không thẩm định, không có định mức cấp đất. Địa phương giao nhiều đất cho các nhà đầu tư mà nhà đầu tư không làm gì hay chỉ là một tí để giữ đất là chết. Có những dự án nhà đầu tư không bỏ vào đồng nào suốt 17 năm nay, rồi bán lại hàng trăm tỷ đồng cho nhà đầu tư khác. Tức là họ ăn trên lưng nhà đầu tư khác, ăn trên lưng nhà nước. Bán hết đất rồi thì nhiệm kỳ sau thế nào, con cháu sau này thế nào? Tôi cho là không thể lấy tiêu chí bán đất để thu ngân sách nhà nước làm thành tích được.

Chúng ta có 3,8 triệu ha lúa. Nếu chúng ta giữ diện tích đất lúa cao quá sẽ không có đất để phát triển được công nghiệp và dịch vụ. Làm lúa giá trị gia tăng thấp, được 10 triệu đồng/ha trong khi làm sản phẩm khác đạt được 100 triệu đồng hay hàng tỷ đồng.

Có nghĩa làm lúa thì giá trị thấp lắm, nông dân rất vất vả. Người nước ngoài nói Việt Nam đang lo an ninh lương thực cho thế giới, trong khi nông dân chúng ta thì nghèo khổ. Đây là vấn đề tư duy và chắc chắn việc này phải thảo luận. Cá nhân tôi cho rằng, 3,8 triệu ha đất là cho phát triển nông nghiệp chứ không phải chỉ cho trồng lúa.

Phải có tầm nhìn

Việc sử dụng tài lực dàn trải, lãng phí, công trình chỉ cần nhỏ thì lại xây to, xây xong không khai thác hết. Có nơi, xây đường rộng 70m, tức là lớn đến mức máy bay hạ cánh được, nhưng lại không để làm gì, cả ngày không có bóng dáng xe cộ qua lại.

Có nhiều tỉnh làm nhiều thứ rất to như trụ sở, tượng đài, quảng trường, đường cao tốc… Tôi về một địa phương nói, các anh chỉ cần làm đường tốc độ cao thôi, chưa cần làm đường cao tốc, nhưng quy hoạch, giải phóng mặt bằng một lần, ở giữa giải phân cách làm to ra sau này không phải giải phóng mặt bằng nữa mà vẫn đảm bảo quy hoạch.

Tuy nhiên, phải có tầm nhìn. Về Quảng Trị, tôi khuyên cần có trục động lực 12km, mỗi bên mở ra 100m, nối với vùng biển, tạo trục trung tâm hành chính. Với 12km đường sẽ có 240ha là giá trị vô cùng lớn cho phát triển.

Việt Nam đang ở thời điểm ngàn năm có một để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững. Nếu chúng ta không nhanh chóng tận dụng cơ hội, thì sẽ gặp nguy cơ tụt hậu xa hơn, khoảng cách phát triển với các quốc gia sẽ xa hơn, bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và mục tiêu trở thành nước phát triển khó hơn. Đây là thời điểm đòi hỏi chúng ta chủ động hoạch định, quyết định cho tương lai của đất nước.

Chưa bao giờ chúng ta có thế và lực tốt như hiện nay để vươn lên. Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, bao gồm EVFTA và CPTPP, chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng 4.0 với nhiều cơ hội để chuyển mình nhanh chóng, trỗi dậy. Vì thế, trong một số vấn đề phát triển, chúng ta cần có tư duy phải vượt lên trên trước chứ không đi theo, đi sau.

Chỉ khi mang tư duy đó, chúng ta sẽ nắm bắt được cơ hội để bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới tiến bộ, văn minh.

Tư Giang 

Có rất nhiều người tài nhưng họ chưa trở thành nguồn lực của đất nước

Bài 2: Có rất nhiều người tài nhưng họ chưa trở thành nguồn lực của đất nước

Giờ đây người tài đang ở đâu? Họ ở nước ngoài? Nhiều người tài chỉ làm chuyên viên, nghiên cứu, không được phát huy hết khả năng của mình - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trăn trở.

Muốn đuổi kịp các nước, Việt Nam phải chạy nhanh, chạy bền

Bài 1: Muốn đuổi kịp các nước, Việt Nam phải chạy nhanh, chạy bền

Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Chúng ta đang cố gắng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, vấn đề là họ không đứng đợi…