Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng. Ảnh: TTXVN |
Trong cuộc họp đó với Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét bổ sung giải pháp miễn giảm một số sắc thuế, kéo dài thời hạn giãn, hoãn các khoản phải trả, phải nộp của doanh nghiệp trong thời gian 6 -12 tháng tới.
Trong một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về thực trạng của doanh nghiệp bị tác động của đại dịch Covid-19, có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 1 tháng trước khi đến 80% doanh nghiệp cho biết khó có thể trụ vững sau 12 tháng tới.
Đại diện doanh nghiệp nói: “Tình hình doanh nghiệp đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất khó khăn và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việc đề xuất giảm 30% số Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho ngân sách nhà nước trong thời gian tiếp theo |
Một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy số liệu cho biết, tới hơn 39% doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh; có tới 30% doanh nghiệp dự định rút khỏi thị trường; gần 52% doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ; không có nguồn thu để bù đắp là 43,4%; 60% doanh nghiệp bị sụt giảm nguồn thu.
Trong bối cảnh Nhà nước cũng khó khăn vì phải tăng chi cho chống dịch trong khi vẫn phải đảm bảo cho các loại chi khác, xin miễn giảm thuế là "đặng chẳng đừng" dù không ai muốn.
Trong động thái hưởng ứng đề nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 10 người (doanh nghiệp siêu nhỏ) trong năm 2020; doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 100 người (doanh nghiệp nhỏ) trong năm 2020.
Thay vì việc phải lập hồ sơ gửi cơ quan thuế xem xét giảm thuế, doanh nghiệp căn cứ quy định nêu trên tự xác định số thuế được giảm khi kê khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Tính đến đầu năm 2020, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu tính cả số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động, ngừng hoạt động, giải thể trong 5 tháng đầu năm nay thì hiện cả nước có 762.400 đang hoạt động, trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm gần 4%.
Như vậy, nếu được Quốc hội thông qua sẽ có trên 709.000 doanh nghiệp được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020.
Doanh nghiệp đề xuất Nhà nước cần miễn thuế cho họ. |
Ông Dũng nói: “Việc đề xuất giảm 30% số Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho ngân sách nhà nước trong thời gian tiếp theo”.
Về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với các đề nghị của Chính phủ, và như vậy sẽ có tới 93% số doanh nghiệp - là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2020, mức giảm là 30%.
Bộ Tài chính cho biết, cần phải giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và và nhỏ vì họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trong khi đó, chính sách này lại không bao gồm các doanh nghiệp vừa và lớn. Lý do là Bộ Tài chính cho rằng điều này nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Nếu ưu đãi cả doanh nghiệp có quy mô vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam (trên 97%) đều được hưởng ưu đãi. Điều này không mang nhiều ý nghĩa ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp vừa với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong khi nhóm doanh nghiệp vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn như vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ.
Trên thực tế, từ khi thế giới phải cách ly chống dịch Covid-19, Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế. Nhiều nước có quy định áp dụng mức thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn mức thuế suất phổ thông như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Brasil…
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu thực hiện việc giảm thuế trên sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 15.840 tỷ đồng. Tuy nhiên, số giảm thu này sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư; đồng thời, sẽ góp phần tăng thu từ Thuế thu nhập doanh nghiệp vào giai đoạn tiếp theo do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Tô Hoài Nam cho rằng, đề xuất giảm thuế này như trận mưa rào tươi mát giúp cộng đồng doanh nghiệp trong lúc đặc biệt khó khăn. “Đề xuất giảm thuế của Bộ Tài chính là đúng thời điểm, có ý nghĩa với từng doanh nghiệp. Đặc biệt, với doanh nghiệp siêu nhỏ, được miễn thuế rất ý nghĩa với họ, vì nó không chỉ là miễn thuế, mà còn giảm áp lực về chi phí tuân thủ, không phải dành thời gian quyết toán thuế, để họ tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh”.
Đề suất miễn, giảm thuế của Bộ Tài chính nhằm nuôi dưỡng nguồn thu được các chuyên gia đánh giá cao.
Ông Lê Xuân Trường nói, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì có 2 nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn nhất.
Nhóm thứ nhất: Các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực bị suy giảm nhu cầu hoặc bị khó khăn bởi nguồn cung nguyên liệu hoặc lao động như du lịch, khách sạn, dệt may, da giầy, kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu… Đối với nhóm này, Chính phủ đã thực hiện gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất trong 5 tháng. Ngoài ra, còn giảm một số khoản lệ phí.
Nhóm thứ hai: Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhóm này do nguồn lực tài chính mỏng manh nên dễ bị tổn thương. Đối với nhóm này, lần này Chính phủ đề nghị Quốc hội giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020.
Tôi nghĩ rằng với đặc thù khó khăn của các nhóm đối tượng khác nhau thì các chính sách tài khóa hỗ trợ các doanh nghiệp này là rất phù hợp. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bên cạnh được gia hạn nộp thuế, còn được hưởng thêm hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Với số thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến giảm là 15.840 tỷ đồng, đây chính là nguồn tài chính hỗ trợ cho họ vượt qua khó khăn”.
Ông Vũ Đình Ánh nói, theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2020 khoảng 15.840 tỷ đồng. Nếu chia ra con số 709.000 doanh nghiệp thì con số hưởng lợi của mỗi doanh nghiệp không nhiều. Tất nhiên, dù ít nhưng cũng giúp doanh nghiệp có một khoản nhất định để đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc các chi phí khác.
Mục đích quan trọng nhất là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thì cần giải pháp đồng bộ chung trong các chính sách của Bộ Tài chính, cũng như các chính sách khác của Chính phủ. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nói riêng và các doanh nghiệp nói chung, cái khó khăn nhất hiện nay là vận hành lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ nên rất cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành. Khi giúp được doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh sớm để họ có thu nhập nộp thuế thì con số 30% nó mới thực sự ý nghĩa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính: cần tiết kiệm chi
Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có nghĩa là Nhà nước hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp khó khăn nhưng đã tự tìm mọi cách phát triển và có tiềm năng phát triển, nếu được hỗ trợ sẽ phát triển tốt hơn. Nhà nước không thể và cũng không nên hỗ trợ những doanh nghiệp kém cỏi. Ở đây, sự can thiệp của Nhà nước phải tôn trọng quy luật thị trường, phải chấp nhận quy luật cạnh tranh, những doanh nghiệp có năng lực kém, không phù hợp với thị trường phải chấp nhận bị đào thải.
Trong bối cảnh hiện nay nếu khả năng cho phép thì hỗ trợ được nhiều hơn thì tất nhiên là tốt hơn cho các doanh nghiệp, nhưng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp còn phải đảm bảo cho Nhà nước vẫn có đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi Nhà nước.
Để giải bài toán cân đối ngân sách Nhà nước, theo tôi, sẽ có 2 hướng cơ bản: Thứ nhất là tiết kiệm chi. Cần rà soát kỹ để cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, đặc biệt là các khoản chi hoạt động hành chính, hội họp… của các cơ quan Nhà nước, hoãn lộ trình tăng lương cơ sở. Thứ hai, là tăng cường các giải pháp chống thất thu ngân sách như nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế; nâng cao hiệu quả đôn đốc thu nộp thuế, giảm nợ thuế.
Tư Giang - Lan Anh thực hiện
Khi Thủ tướng nhấn mạnh ‘đổi mới tư duy phát triển’
- Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, tất cả chúng ta phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ”.