Ngày 13/4/2018, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhận được văn bản đánh dấu cột mốc bước ngoặt trong lịch sử ngành. Đó là Quyết định số 520/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về lộ trình sắp xếp, sáp nhập hệ thống chi cục thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Theo đó, ít nhất 50% tổng số các chi cục thuế phải bị cắt giảm, sáp nhập đến cuối năm 2020.  

Bước ngoặt  

Dù đã biết trước tinh thần trong nhiều cuộc họp trước đó, nhưng quyết định trên vẫn mang lại đầy tâm tư cho rất nhiều người trong hệ thống. Một quan chức thuế kể lại: “Hôm phổ biến Quyết định, rất nhiều người buồn, không khí lặng lẽ bao trùm. Nhiều người đã phấn đấu cả đời nhưng cơ hội thăng tiến không còn nữa”.

Cho đến thời điểm đó, ngành thuế đã thực hiện nhiều cải cách phù hợp với Nghị quyết 19 về cải cách thủ tục hành chính và nâng cao môi trường kinh doanh của Chính phủ. Gần 100% doanh nghiệp tại Việt Nam đã khai thuế điện tử, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế. Tuy nhiên, số cán bộ thuế trong toàn ngành vẫn lên đến hơn 80.000 người. 

Ở không ít nơi, ngành thuế vẫn phải duy trì cán bộ để thu thuế, thực hiện “quản lý nhà nước”, dù số thuế thu được 1 tháng không bằng nửa so với lương của họ. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chỉ số “sự phục vụ của công chức thuế” chỉ đạt 5,36 điểm năm 2014, 6,36 điểm năm 2016, chỉ ở mức trung bình.

{keywords}
Tổng cục thuế giảm hàng nghìn lãnh đạo chi cục, tổ/đội ở địa phương. Ảnh: Lương Bằng

Bộ máy cồng kềnh, đồ sộ bao nhiêu thì càng níu kéo ngành thuế khỏi những nỗ lực cải cách và hiện đại hóa bấy nhiêu. Trong nhiều năm, thời gian doanh nghiệp dành cho việc khai nộp thuế ở Việt Nam trong các báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới luôn ở vị trí rất thấp. 

Năm 2013, ví dụ, thời gian nộp thuế trung bình của các nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm, trong đó Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines 193 giờ, Malaysia 133 giờ, Brunei 96 giờ, Singapore 82 giờ, còn Việt Nam thời gian nộp thuế là 876 giờ, cao hơn 5 lần so với mức trung bình của Asean-6.

Nếu không có cải thiện, nguy cơ Việt Nam không thể theo kịp các quốc gia trong khu vực là nhãn tiền.

Phải từ thể chế

Trong Nghị quyết 19 đầu tiên của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh năm 2014, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho ngành thuế: Cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6. Đó là một áp lực rất lớn .

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: “Điều đầu tiên tôi quan tâm khi về Bộ là cải cách thể chế. Chuyện ngân sách lúc nào cũng phải lo rồi, nhưng để giải quyết căn cơ thì phải từ thể chế. Điều quan trọng là làm sao tháo gỡ khó khăn cho sản xuất phát triển vì nguồn thu phải là từ sản xuất mới ổn định”.

Ông Dũng cho hay: “Tôi rất ủng hộ việc Chính phủ ra Nghị quyết 19 cải thiện môi trường kinh doanh. Có những vấn đề thâm căn cố đế bao nhiêu năm nay phải thay đổi. Tôi nói với các cán bộ thuế, chúng ta phải vượt qua chính mình vì chính chúng ta đẻ ra thông tư, nghị định, và kể cả luật làm vướng chân doanh nghiệp. Điều đó một phần do vấn đề tư duy, một phần vì vấn đề lợi ích, mà nay chúng tôi phá bỏ được”.

{keywords}
Báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh năm 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố ghi nhận cải cách mạnh mẽ và tăng bậc xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số

Suốt từ năm 2014 đến nay, Nghị quyết 19 và hiện nay là 02 đã đặt ra cho ngành thuế những chỉ tiêu rất cụ thể, có liên hệ với khu vực và quốc tế, gây áp lực liên tục. Kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế thời gian vừa qua có bước tiến bộ rất lớn.

Đến năm 2017, chỉ số nộp thuế chung của Việt Nam trong báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới tăng 81 bậc, xếp hạng 86/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong ASEAN, Việt Nam đứng sau 3 nước là Singapore, Thái Lan, Malaysia. Điều này cho thấy, không gian cải cách còn mênh mông, miễn là có quyết tâm.

Trong một cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Tài chính cuối năm 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam đứng lên cam kết, “ngành thuế sẽ vượt lên chính mình để thực hiện cải cách, đổi mới”.

Những nỗ lực của rất nhiều lãnh đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, và đặc biệt là Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã dẫn đến Quyết định số 520 kể trên với mục tiêu cắt giảm 1/2% tổng số các chi cục thuế trên cả nước.

Cho đến đầu năm 2020, toàn hệ thống Thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục. Số lượng chi cục sau khi hợp nhất còn lại là 415 (kế hoạch là giảm còn 420) từ tổng số 711 chi cục, vượt thời gian trước 10 tháng theo Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ trưởng Tài chính. 

Hàng ngàn vị trí đã được cắt giảm mà hệ thống vẫn vận hành trơn tru, không hề gây xáo trộn trong khi vẫn đảm bảo được thu ngân sách và quản lý nhà nước.

Thế giới ghi nhận

Người giảm, công nghệ tăng đã dẫn đến những thay đổi rất lớn trong công tác cải cách thủ tục hành chính, có tác động tích cực đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội, cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Ngành thuế sẽ vượt lên chính mình để thực hiện cải cách, đổi mới

Theo Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tài chính xếp thứ 2/18 bộ, cơ quan ngang bộ. Về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam đánh giá, Bộ Tài chính 7 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng khối các bộ, ngành.

Báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh năm 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố ghi nhận cải cách mạnh mẽ và tăng bậc xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số, tăng 22 bậc từ thứ 131 lên 109/190 quốc gia. 

Phần lớn các chỉ tiêu quyết định đến chỉ số này đều có sự cải thiện. Trong đó, thời gian nộp thuế giảm từ 498 giờ xuống 384 giờ. Trong số giờ này có 94 giờ giảm là nhờ cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về khai thuế Giá trị gia tăng và 20 giờ giảm là nhờ những cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp. Số lần nộp thuế của Việt Nam cũng giảm 4 lần (từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020).

Như vậy, với chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, tiệm cận mục tiêu đến năm 2021, chỉ số nộp thuế tăng lên 30-40 bậc.

Không gian cho cải cách còn mênh mông

Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thủ tục hành chính thuế năm 2019 đạt gần 78%, tăng cao so với thời kỳ trước đó. 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét, ngành Thuế đã lấy chuẩn mực của thế giới làm chuẩn mực để cải cách, đồng thời lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu hướng tới cải cách thủ tục hành chính. 

“Tôi rất xúc động khi Bộ Tài chính đã luôn sát sao, đồng hành cùng với VCCI tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, từ đó sửa đổi, bổ sung chính sách thuế cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách”, ông nói.

Tuy nhiên, không gian cải cách vẫn còn mênh mông phía trước để mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp và chứng tỏ tinh thần kiến tạo. Ngành thuế được yêu cầu tiếp tục nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội lên 7 - 10 bậc. Những nhiệm vụ nặng nề đó có thể hoàn thành khi có quyết tâm của lãnh đạo và cả hệ thống ngành thuế.

Tư Giang - Lan Anh

Khi ngân sách từng có thời 'đi dây'

Khi ngân sách từng có thời 'đi dây'

Nỗ lực củng cố tài khóa để góp phần ổn định nền tài chính quốc gia lành mạnh và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô là một nỗ lực bền bỉ, kéo dài suốt nhiều năm qua.