Bộ Chính trị vừa có kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đây được xem là sự thể hiện ở tầm cao nhất quan điểm của Đảng về những tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo - những người chịu trách nhiệm chính trong việc cùng toàn dân đưa sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo tiếp tục lập nên những kỳ tích mới.

Kết luận của Bộ Chính trị được ban hành trên cơ sở một đề án của Ban Tổ chức Trung ương với những nghiên cứu, đánh giá và đúc kết bài học kinh nghiệm về những gì đã làm được, những gì còn hạn chế, tồn tại trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng thời gian qua.

Thực tiễn ghi nhận đã từng có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá ra khỏi sự ràng buộc của cơ chế, mà theo họ, đã bộc lộ một số điều bất hợp lý, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Chấp nhận mạo hiểm với kỷ luật của Đảng, họ chỉ biết lấy sự vô tư trong sáng, lấy sự toàn tâm toàn ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân làm đảm bảo cho sự bứt phá, vượt rào của mình. Bởi những cán bộ lãnh đạo ấy không cam tâm nhìn dân đói, nước nghèo. 

Khơi dậy khát vọng cống hiến

Có thể kể đến một số trường hợp tiêu biểu như chuyện khoán sản phẩm của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, hay khoán quản đến tận hộ, nhóm hộ của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành; chủ trương bù giá vào lương của Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính (tức Chín Cần), hay chuyện “xé rào” trong việc xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, trao quyền tự chủ sản xuất, phân phối cho doanh nghiệp theo thị trường… của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng bí thư)…

{keywords}
Ông Chín Cần (thứ 2 từ phải qua) và tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy Long An trao đổi
về đề án “Đổi mới giá - lương - tiền”. Ảnh tư liệu của Tỉnh ủy Long An

Làm lãnh đạo cơ sở, họ đã nhận ra từ cuộc sống những thứ không được ghi trong nghị quyết; đã dám “nhìn thẳng vào mắt dân” để hành động. Họ đã tiên phong đi tìm chân lý từ thực tiễn cuộc sống để bổ khuyết những điều còn thiếu trong những bài học về công tác lãnh đạo, quản lý đất nước.

Có thể khẳng định rằng, thành công của những mô hình đột phá ấy đã góp phần kiến tạo nên đường lối đổi mới của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ cho đất nước. Nhưng cũng không thể không nói rằng, lực cản trên con đường đi lên cũng không hề nhỏ, mà trách nhiệm của Đảng - trong vai trò lãnh đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước phải giải quyết.

{keywords}
Ông Kim Ngọc (giữa) trong một cuộc họp

Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung là một yêu cầu vô cùng quan trọng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại yêu cầu về công tác bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Phải làm sao khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ; Ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá; biết cách tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Chấp nhận đổi mới và bứt phá là chấp nhận mạo hiểm. Có thể thành công, có thể thất bại. Vấn đề là sự bứt phá ấy vì động cơ gì, phục vụ cho ai. Xem xét thấu đáo, công tâm vấn đề này là cơ sở để thực hiện cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương này để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Cán bộ lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm, có tư duy đổi mới, khát khao cống hiến, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân ắt sẽ biết việc gì “dám làm” và “không dám làm sai”. Cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới vì lợi ích chung đã có. Trở thành cán bộ lãnh đạo có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm hay không là tùy thuộc ở mỗi người.

Vân Thiêng

Cuộc gọi lúc nửa đêm của Thủ tướng

Cuộc gọi lúc nửa đêm của Thủ tướng

Cuộc gọi trong đêm của Thủ tướng cho lãnh đạo tỉnh Hà Nam đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phòng chống Covid-19.