LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Bài viết này nhằm nhận diện các rào cản chính để thực hiện cải cách theo định hướng thị trường đích thực, hiện đại và hội nhập, từ đó đòi hỏi phải tháo gỡ các rào cản một cách hệ thống, phù hợp với tư duy phát triển của thời đại.
Phần hai bài viết sẽ phân tích về những rào cản thể chế , cách tổ chức thực hiện và các gợi ý phát triển.
III. Rào cản thể chế
Nghị quyết Đảng đã nêu là gắn đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế, nhưng trên thực tế điều này chưa thực hiện được bao nhiêu.
Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT tại Đại Hội lần thứ XII của Đảng đã thẳng thắn nêu sự chậm trễ đáng tiếc. Ông nói: "Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển".
Vì vậy, theo ông, trong giai đoạn tới, "việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất đất nước, cần chủ động nghiêm khắc đánh giá lại chính mình, thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc quyết định, kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn".
Ông nhấn mạnh: “Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo. Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới và sự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước, dân tộc”.
Còn Hội Khoa học Kinh tế, bên cạnh báo cáo "Trăn trở đổi mới 1986-2015", cũng đã gửi một báo cáo khác năm 2014 tới các cấp có thẩm quyền liên quan đến vấn đề này.
Tôi cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận thực tế là dấu hiệu mất ổn định đã bắt đầu qua thước đo lòng dân trong các lĩnh vực như đất đai, nạn tham nhũng và tệ quan liêu vốn không phải và khác xa những giá trị của Nhà nước kiến tạo.
Nghị quyết Đảng đã nêu nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu là gắn đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Quá trình đổi mới luôn gắn bó với thay đổi trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật như một thành tố quan trọng bậc nhất của thể chế. Tuy nhiên, sửa đổi các quy định của pháp luật hoàn toàn không dễ. Từ tư duy đổi mới, chuyển sang các quy định có tính nguyên tắc trong hệ thống luật pháp là một quá trình đầy phức tạp, như vấn đề quản lý đất đai, phân cấp ngân sách, hay vai trò của nhân dân làm chủ.
Rõ ràng cần làm nhiều về xây dựng thể chế hiện đại như các kiến nghị trong Chương 7 báo cáo "Việt nam 2035", với 5 vấn đề lớn hiện nay:
1- Giải quyết vấn đề cát cứ, manh mún:
Thực hiện cách tiếp cận đồng bộ hơn để giải quyết một số vấn đề lớn của chính sách phân cấp hiện hành. Việc phân giao chức năng rõ ràng hơn sẽ kéo theo những điều chỉnh cần thiết trong khung tài khóa liên cấp chính quyền.
Các thiết chế quan trọng hàng đầu của Chính phủ được tăng cường sẽ giúp Việt Nam giải quyết tình trạng cát cứ, manh mún quyền lực theo chiều dọc và chiều ngang. Quản lí tài sản nhà nước, kể cả tài sản của các doanh nghiệp nhà nước và phần vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa.
2- Tăng cường trách nhiệm giải trình của nhà nước:
Thiết lập cơ chế thực thi hữu hiệu quyền tiếp cận thông tin của người dân để mở rộng không gian và cơ hội cho công chúng tham gia thực chất vào công việc của Nhà nước. Cải thiện môi trường hoạt động cho các tổ chức xã hội đại diện cho tiếng nói của người dân. Tạo thuận lợi hơn nữa cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quá trình ra quyết sách.
3- Tăng cường trách nhiệm giải trình trong nội bộ nhà nước:
Nâng cao tính độc lập của cơ quan lập pháp và tư pháp. Quốc hội sẽ thực hiện đầy đủ và thực chất vai trò hiến định của mình là cơ quan đại diện tối cao của nhân dân, thực hiện chức năng lập pháp và giám sát tối cao.
Hệ thống tòa án phải được bảo đảm tính độc lập một cách thực sự và thực thi chức trách một cách chuyên nghiệp và trách nhiệm. Cơ chế trách nhiệm tập thể cần được thay thế bằng cơ chế trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là đối với những người lãnh đạo. Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) nhằm tăng cường hiệu quả của Nhà nước.
4- Áp dụng nguyên tắc thị trường đối với các quyết sách kinh tế:
Giải quyết tình trạng “thương mại hóa” (“mua bán” bởi các nhóm lợi ích) các thiết chế công là ưu tiên trong quá trình hiện đại hóa thể chế. Phân định rạch ròi giữa khu vực công và khu vực tư.
Vai trò chủ yếu của Nhà nước trong nền kinh tế là kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển và vận hành trôi chảy của thị trường và cung ứng hàng hóa công. Cải cách nhằm tăng cường bảo hộ quyền tài sản. Khuyến khích đổi mới sáng tạo và phát triển kĩ năng nghề nghiệp cần thiết cho tương lai.
5 - Áp dụng hệ thống chức nghiệp thực tài:
Xây dựng một chương trình củng cố hệ thống chức nghiệp thực tài. Cải cách các thiết chế có nhiệm vụ đấu tranh với tình trạng lợi ích nhóm và áp dụng hệ thống chức nghiệp thực tài trong bộ máy dịch vụ công.
Tôi cho rằng, tổ chức bộ máy và công chức các loại là "đại vấn đề" vì quá nặng nề, chồng chéo, dễ là môi trường cho quan liêu, tham nhũng và lãng phí. Không chỉ là 400.000 công chức, cán bộ viên chức ăn lương của cả hệ thống chính trị phải gấp hơn 20 lần, với tỷ lệ "hệ số" lương rất bất công cũng là rào cản cho cải cách và giảm biên chế.
Gần đây quan điểm về "nhất thể hóa" giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước lại được hiểu đơn giản là "kiêm nhiệm" mà không phải là "hóa thân" vào Nhà nước, cơ chế làm lãnh đạo sẽ phải chịu sự giám sát và sàng lọc bởi nhân dân.
Bên cạnh một số những vấn đề lớn cần tập trung giải quyết như trên, tôi muốn mở rộng thêm một số những vấn đề khác trong tổ chức, thực hiện còn yếu kém.
Thứ nhất, chúng ta còn chưa công nhận công khai vai trò của xã hội công dân (civil society như thuật ngữ có từ hàng trăm năm trước và thực tiễn của xã hội nước ta từ xa xưa theo tinh thần thân ái, tương trợ trong cộng đồng) sao cho xã hội công dân phải có vai trò đích thực, tạo nên ba trụ cột liên hoàn là “Nhà nước – Thị trường – Xã hội công dân”.
Trong khi chúng ta quá nhấn mạnh vai trò dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện) và vai trò của hệ thống chính trị (đảng và các đoàn thể chính trị), nhưng lại nhấn rất mờ nhạt vai trò làm chủ trực tiếp của người dân, do đó tăng cường vai trò "tham gia", từ xây dựng chính sách, giám sát tổ chức thực hiện, cùng thực hiện, cùng thụ hưởng.
Trong thực tiễn, phải thừa nhận là tổ chức công đoàn hiện nay chưa thực sự đại diện cho lợi ích của người lao động trong xí nghiệp; hội nông dân chưa đại diện cho các hộ nông dân. Mặt trận cũng chưa làm tốt chức năng đại diện dân giám sát vì các quy chế, luật pháp còn có phần mơ hồ. Vai trò phản biện của báo chí cũng có giới hạn do các quy định của Luật. Các Luật về Hội và Luật biểu tình đều phải gác lại do còn có ý kiến khác nhau.
Thứ hai, cải cách thể chế của “Đổi mới 1” chủ yếu mới là “tháo cởi cơ chế” (de-regulation). Quan điểm "sai đâu sửa đó", thiếu một thiết kế hệ thống vì tư duy chưa theo kịp, đã gây cách làm chắp vá trong thực tiễn, kể cả trong sửa các Luật ở Quốc hội. Ví dụ, nhiều bất cập trong hệ thống luật pháp không được sửa tổng thể, làm một Luật sửa nhiều luật theo kiểu "tu chính án" Hiến pháp.
Thời kỳ khởi đầu Đổi mới cũng chủ yếu từ rút kinh nghiệm từ thực tiễn, nhiều hơn từ kết quả nghiên cứu lý luận dẫn đường (dò đá qua sông là chính). Đại hội VI mới nói nhiều về kinh tế hàng hóa, Đại hội VII và VIII mới rõ dần về kinh tế thị trường “sơ khai”. Khái niệm về kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế cũng rất hạn chế cho tới trước Nghị quyết vừa qua của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), nên việc chấp nhận các Hiệp định ký với ASEAN, BTA với Hoa Kỳ cũng rất chần chừ, càng chưa phải chủ động, tích cực, cũng chưa nói tới tham gia một cách bình đẳng vào quá trình thiết kế hệ thống của pháp luật quốc tế. Đến khi chuẩn bị tham gia các Hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” thì nhiều vấn đề về luật liên quan đến quyền con người, quyền của người lao động càng được đặt ra gắt gao…
Do đó, “Đổi mới 2” mà chúng ta muốn có sau 30 năm “Đổi mới 1” sẽ đòi hỏi có thiết kế hệ thống, nhưng rất khó khăn. Một khi quan điểm còn đang ngổn ngang thì thiết kế thế nào còn rất nan giải.
Thứ ba, ngay như nói về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhưng bản chất và nội hàm mới được nhận ra dần dần dần, chưa tỏ tường. Các nghị quyết đều nói phát triển vừa quảng canh (phát triển chiều rộng), vừa thâm canh (phát triển chiều sâu), gần đây mới nhấn chiều hướng chính phải là phát triển chiều sâu để đi đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa, đang tiến hành cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra rất nhanh chóng.
Tổ chức thực hiện được tiến hành không trên cơ sở các nghiên cứu chỉ ra những mảng, những bộ phận, sản phẩm và dịch vụ cần đẩy mạnh, hay những sản phẩm và dịch vụ khác cần thu hẹp chủ động do chưa phù hợp với trào lưu chung, chưa được thị trường chấp nhận cả về nhu cầu tổng quát, chất lượng và giá cả.
Như vậy, cơ cấu lại nền kinh tế phải kiên quyết đi vào hướng “thâm canh”; không thể chấp nhận công nghệ lạc hậu, khai thác tận thu tài nguyên và gây ô nhiễm tràn lan. Từ đó mới có thể tạo ra nền kinh tế có sức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, đặc biệt là việc tạo ra được sự khác biệt và không ngừng đổi mới công nghệ, lao động có việc làm với năng suất cao.
Thứ tư, mặc dù Trung ương đã có Nghị quyết về đổi mới DNNN, nhưng nhìn chung tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Hiện số lượng vốn nhà nước đã bán ra chỉ chiếm khoảng 8% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Quan điểm về bình đẳng của các doanh nghiệp còn được thực hiện khá “chần chừ” do mắc cả về kỹ thuật và quan điểm.
Một số cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành chậm so với kế hoạch đề ra; chưa có quy định nâng cao chất lượng và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi xác định giá trị doanh nghiệp và giá khởi điểm của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa; xử lý đất đai khi cổ phần hóa chưa chặt chẽ, còn bất cập, cũng như vấn đề giá trị thương hiệu và sở hữu trí tuệ….
Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa có hiệu quả; chưa tách bạch hoàn chỉnh chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước.
Thứ năm, khi nói về rào cản thể chế, cũng cần nói về các quy định thực thi hiến pháp và pháp luật.
Việc giao cho "ngành nào làm dự thảo Luật ngành ấy" mà thiếu cơ quan chuyên nghiệp giúp việc của Quốc Hội (không chỉ là các Ủy ban) để hoàn thiện dự án Luật và giảm bớt tình trạng "Luật ống", thậm chí có tình trạng "cài cắm", gây khó khăn nhiều cho người dân và doanh nghiệp.
Hy vọng thời kỳ chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 kỷ niệm 100 nước Việt Nam độc lập sẽ ghi dấu của sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng |
IV. Rào cản về tổ chức thực hiện
Việc tổ chức thực hiện là rất kém vì một phần là bộ máy cồng kềnh, và phần kia là cứ trích dẫn Nghị quyết, nhưng chỉ trích dẫn những quy định “hợp ý” nhằm mang lại lợi ích cục bộ. Sự phối hợp với nhau trong tổ chức, thực hiện ở nhiều cơ quan là rất kém.
Một ví dụ, bệnh thành tích trong tăng trưởng. Các địa phương tính GRDP tăng 1,8 lần mức bình quân cả nước, và sau đó đã điều chỉnh còn gấp 1,3 lần, cho thấy, sai sót thực hiện đã có mầm mống từ nghị quyết, khi các tỉnh đua nhau về GDP.
Bệnh thành tích có lẽ còn có ngay cả ở cấp độ quốc gia. Trong kế hoạch 2016-2020 có yêu cầu tăng năng suất lao động 5%, nhưng đòi hỏi GDP tăng 6,5-7% tức là đòi hỏi lao động tăng 1,5-2% là điều sai từ cơ quan soạn thảo. Lẽ ra cần có chỉ tiêu tạo việc làm vì nó cụ thể và dễ kiểm tra, tổ chức thực hiện.
Chỉ nói một điểm về phân cấp ngân sách, các địa phương đều muốn được giao nhiệm vụ thu ở mức thấp, và tăng thêm chi viện của ngân sách trung ương. Nhưng trung ương lấy đâu ra nguồn, khi ngân sách còn lại dành cho đầu tư phát triển ngày càng thấp đi, do chi thường xuyên liên tục tăng, chi trả nợ và viện trợ, đảo nợ cũng chịu áp lực rất lớn và nợ công đã gần đội trần. Do đó, nếu không có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thì vấn đề tăng nợ công là điều khó tránh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo các nghị quyết 19 và 35, Việt nam đã đạt được một số bước tiến. Nhưng tình trạng "nóng trên, lạnh dưới" là rất rõ. Các rào cản chưa được gỡ một cách đồng bộ, hệ thống nên hải quan chưa cho hàng của doanh nghiệp "thông quan" vì vướng các quy định chuyên ngành.
Năm 2016/2017 khi thứ hạng về môi trường kinh doanh BD tăng được 9 bậc thì chỉ số cạnh tranh toàn cầu GCI với 12 trụ cột lại giảm bốn bậc (từ 56 lên 60). Chỉ số năng lực cạnh tranh GCI năm 2018 theo tiêu chí cách mạng công nghiệp đã tăng 0,1 điểm, nhưng tụt hạng 3 bậc vì thế giới chuyển biến nhanh.
Những chuyển biến trong quan điểm phát triển như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trưởng, cải cách DNNN và phát triển kinh tế tư nhân... đang được triển khai, nhưng gặp khó khăn vì vướng vào các tín điều ăn sâu lâu năm.
Bên cạnh đó, nếu ba nhánh quyền lực độc lập và phối hợp thì có thể kiểm soát quyền lực, nhưng từ đầu ba nhánh đã "phối hợp" sẽ dẫn tới "án bỏ túi" khi liên ngành tư pháp đồng thuận trước xét xử.
Liên quan đến vấn đề này, không chỉ là đơn giản hóa các thủ tục dựa trên luật pháp mà còn phụ thuộc vào đạo đức của hệ thống cán bộ viên chức thực thi công vụ. Tình trạng tham nhũng đi cùng nhũng nhiễu là khá phổ biến. Do đó, các cải cách trong toàn bộ hệ thống tổ chức, bộ máy và cán bộ là rất bức thiết.
Nhiều người tu nghiệp ở nước ngoài về hoặc bà con Việt Kiều muốn đóng góp ý kiến để cải cách thể chế và bộ máy, nhưng thường ít thành công do cách làm và hiểu về chủ trương, chính sách của Việt nam thiếu đầy đủ, một phần do thiếu minh bạch và sự nỗ lực không đều của các cơ quan, đoàn thể.
Tình trạng khác biệt giữa nói và làm, giữa Nghị quyết và thực tiễn là rất phổ biến, không kể là nhiều bộ phận không muốn cải cách vì muốn "ôm" cơ chế cũ cho dễ làm, khó có thể kiểm soát.
Tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm, chờ chủ trương… cũng khá nặng, do đó việc thực hiện chậm giải ngân đầu tư công là một ví dụ rất rõ. Tình trạng một cửa nhưng "nhiều ổ khóa" hình như là khá phổ biến, cần được kịp thời sửa đổi.
V. Tiến kịp thời đại trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế sâu rộng, cách mạng công nghệ chuyển sang giai đoạn mới (cách mạng kỹ thuật lần thứ tư) và biến đổi khí hậu toàn cầu, các biện pháp ứng phó của chúng ta vẫn tách rời nhau, thiếu liên kết. Trong khi đó, các nước lớn đang có những toan tính bá chủ sẽ tác động đến lợi ích của đất nước ta.
Ba rào cản đã nêu về tầm nhìn và tư duy lý luận (Bài 1), về thể chế và về tổ chức thực hiện vẫn còn ngồn ngang, thì nay, đứng trước bối cảnh mới, tình hình còn khó khăn hơn. Thêm vào đó, quốc nạn tham nhũng, lãng phí (nội xâm) và sự phá hoại của các thế lực nước ngoài không mong Việt Nam phát triển càng làm cho các khó khăn khách quan thêm nặng nề.
Như báo cáo “Việt Nam 2035” của WB-MPI, trong thời gian qua, dù Việt Nam có đạt được mức tăng năng suất lao đọng rất ấn tượng, nhưng do điểm xuất phát thấp, nên dù có tăng trưởng tiếp tục cao như vậy thì trong 20 năm nữa, Việt nam mới chỉ bằng mức Malaysia hiện nay.
Các quốc gia đi trước, dù bước đi “chậm” nhưng bước "dài" (quy mô nền kinh tế lớn) sẽ còn vượt qua nước ta một thời gian. Chúng ta đã có bước đi nhanh nhưng các bước chân rất "ngắn" (quy mô nền kinh tế bé nhỏ).
Vì thế, phải đổi mới mạnh mẽ mới có thể rút ngắn thời gian “tiến kịp”, tiến vượt các nước thế giới và khu vực.
Theo báo cáo của ADB về “Châu Á 2050”, trong điều kiện tốt nhất, kinh tế Việt Nam vào giữa thế kỷ có khả năng mới gần bằng mức trung bình thế giới và sau đó mới có thể đạt bằng trình độ các nước có thu nhập cao.
Do đó, tốc độ tăng trưởng là cần thiết. Để có một tốc độ tăng cao và bền vững, dài hạn thì cải cách là điều kiện không thể thiếu được, tạo ra điều kiện cần thiết để “xoay trục”, chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình mới, tạo ra nhiều cái mới, độc đáo và cũng phải kiên quyết từ bỏ những cái lỗi thời, lạc hậu trên mọi phương diện.
Tụt hậu đã là một thực tế. Tụt hậu ngày càng xa hơn trên một số lĩnh vực, thậm chí “lạc điệu” trên một số chiều cạnh cũng là điều đã diễn ra từ lâu nhưng chưa được khắc phục.
Để đất nước phát triển vượt lên cần gỡ bỏ hàng loạt các rào cản. Muốn khắc phục tình trạng này, cần đổi mới tư duy phát triển, đổi mới thể chế kinh tế và chính trị, tổ chức thực hiện tốt và từ đó đạt được sự phát triển hài hòa.
Cần lưu ý là tăng trưởng kinh tế mới là một tiêu chí trong phát triển kinh tế hiện đại. Các mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 có 17 mục tiêu và 169 tiêu chí cụ thể dựa trên 5 trụ cột (5p là người dân People; thịnh vường Pesperity; hành tinh Planet; hòa bình Peace và quan hệ đối tác Partnership).
Việt Nam cần làm nhiều việc mới có thể tiến kịp thế giới. Hầu hết trong các xếp hạng toàn cầu, thứ hạng Việt nam rất thấp hoặc thấp trong các thứ hạng nhiều chỉ tiêu đánh giá thành phần. Chúng ta chưa phát triển thật một cách toàn diện.
Hy vọng đến năm 2030 và năm 2045, kỷ niệm 100 năm nước Việt Nam độc lập, chúng ta sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ, chủ động rũ bỏ các rào cản cũ kỹ, lạc hậu để tiến đến sự phát triển thịnh vượng và hài hòa.
GS-TSKH Nguyễn Quang Thái
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt nam VIDERI
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài về Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: [email protected]