Cứ bổ nhiệm người thân quen, người nhà là hỏng hết

Thời ông làm Bộ trưởng, ông có gặp và nghe đến chuyện chạy chức chạy quyền mỗi dịp Đại hội Đảng đến gần?

Đó là câu chuyện thời nào cũng có nhưng lúc đó mức độ ít hơn vì điều kiện kinh tế khác mỗi thời mỗi khác. Lúc tôi làm cũng là giai đoạn nước ta bước vào cơ chế thị trường như mới ở giai đoạn đầu; kể cả khi tôi làm ở chính quyền địa phương cũng ở cuối thời kỳ bao cấp, đầu thời kỳ kinh tế thị trường thành ra điều kiện khác.

{keywords}
Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung: Cán bộ phải qua rèn luyện, thử thách, còn cứ bổ nhiệm người thân quen, người nhà là hỏng hết. Ảnh: Vân Anh

Ngay cuối nhiệm kỳ Chính phủ mà tôi tham gia thì kinh tế có bước phát triển rồi nhưng quy mô vẫn còn nhỏ.Thời đó cũng làm gì có nhiều dự án như bây giờ. Chính vì vậy, thử thách của cơ chế mới, của thị trường đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở giai đoạn đó còn mức độ. Còn nói thời trước cán bộ tốt hơn thì khó lắm! 

Ông có suy nghĩ gì về hiện tượng đề bạt, bổ nhiệm  thần tốc, lách quy định người thân, người nhà vào các vị trí lãnh đạo ở vài địa phương thời gian qua?

Thời tôi làm Bộ trưởng không thấy tình trạng này nổi cộm như bây giờ. Hầu như không có hiện tượng chạy chức chạy quyền, bổ nhiệm người nhà.

Lúc tôi làm bí thư huyện Móng Cái (Quảng Ninh năm 1979 - 1980), rồi làm Chủ tịch tỉnh toàn do tổ chức phân công, chả phải chạy gì cả. Nói thật ra thời ấy mình phải làm vì nhiệm vụ chứ có mấy người muốn ra đấy.

Còn chuyện bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm người nhà thì rất không được, phải lên án, xử lý và kiểm soát mới giữ được công tác cán bộ cho đúng. Cán bộ phải qua rèn luyện, thử thách, còn cứ bổ nhiệm người thân quen, người nhà là hỏng hết. Chuyện này trước sau gì cũng bộc lộ ngay mà còn khổ cả anh cán bộ được bổ nhiệm nữa.

Dư luận, xã hội có nhiều câu người ta nói “đỏ nhưng mà chưa chín” là thế. Thời gian vừa rồi có chuyện bổ nhiệm người nhà, từ địa phương đến trung ương dư luận đều biết cả.

Hay thời đó, làm cán bộ, công chức nhà nước không có sức “hấp dẫn” hơn bây giờ?

Thời đó làm cán bộ còn khổ sở là đằng khác. Ví dụ làm lãnh đạo ở Quảng Ninh đi từ nhà tôi xuống nơi làm việc đi mất 2 ngày, khó khăn lắm. Điều kiện không phải dễ dàng như bây giờ, cũng không có gì cám dỗ nhiều. 

Nhiều vụ án bây giờ xử, có những anh em cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp bộ chi tiêu mất mát tài sản nhà nước nói thật tôi ngồi nghĩ không thể nào ra, không biết lấy đâu ra tiền mà nhiều thế.

Cán bộ 'ăn xổi ở thì' rất nguy hiểm

Vậy thời đó, tình trạng cán bộ, lãnh đạo tỉnh này, bộ kia bị kỷ luật có nhiều như bây giờ? Ông suy nghĩ gì mỗi khi nghe tin cán bộ bị kỷ luật?

Việc xử lý kỷ luật cán bộ thì thời điểm nào cũng có, chỉ là mức độ ít nhiều khác nhau. Thời đó cũng có đồng chí Bộ trưởng bị kỷ luật, Bộ trưởng phải ra tòa nhưng không nhiều như bây giờ. Ví dụ như ông Vũ Ngọc Hải Bộ trưởng Năng lượng chủ yếu là về trách nhiệm. 

Tham khảo thêm
Nhân sự Đại hội và hồng phúc của dân tộc

Nhân sự Đại hội và hồng phúc của dân tộc

Hai vấn đề quan trọng nhất của mỗi lần đại hội Đảng toàn quốc là chính sách phát triển đất nước 5 năm tới và nhân sự BCH Trung ương. 

Nếu nói về tâm trạng của người làm công tác tổ chức bộ máy thì ai cũng rất buồn trước việc hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật. Việc xử lý như thế là rất tốt và rất đúng nhưng lại buồn.

Buồn vì cán bộ của mình đã không biết giữ gìn, trước những cám dỗ vật chất đã không vượt qua được, trong bộ máy có chuyện như vậy, để lại dư luận không tốt.

Sáng nay tôi đi tập thể thao gặp mấy anh bạn tâm sự vừa buồn vừa tiếc những cán bộ được chọn lựa nhưng lại không giữ được mình. Nhưng phải nhìn nhận trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã làm được nhiều việc rất lớn, trong đó có việc làm trong sạch bộ máy. 

Bằng kinh nghiệm làm công tác tổ chức, cán bộ lâu năm, theo ông làm sao, cơ chế nào để không mất cán bộ đau lòng như Tổng bí thư vẫn thường nói?

Từ trước đến nay đã có rất nhiều nghị quyết của TƯ, văn bản pháp luật về việc này rồi. Gần đây, chuẩn bị Đại hội 13, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản, quy định để xây dựng đội ngũ, bộ máy vững mạnh, trong sạch. Nếu ai cũng thực hiện tốt các quy định này thì tôi nghĩ hiếm có chuyện cán bộ bị xử lý kỷ luật. 

Tuy nhiên, quy định như thế đấy nhưng quan trọng là sự rèn luyện của mỗi con người và phải có giám sát quyền lực. Nghị quyết TƯ 3 khóa 8 có một câu “phát huy tốt hơn, nhiều hơn quyền làm chủ của nhân dân" trong xây dựng bộ máy và giám sát đội ngũ cán bộ công chức.

Một anh cán bộ có bệnh tật gì người dân xung quanh biết hết. Cho nên bản thân người cán bộ phải rèn luyện. Nếu như người dân biết sợ luật pháp thì cán bộ phải biết sợ hơn. Còn cán bộ mà không sợ luật pháp, không sợ gì cả, làm bất biến, “ăn xổi ở thì” rất nguy hiểm. Cán bộ phải trưởng thành trong tập thể, từ trong một phong trào và phải có quá trình rèn luyện.

Làm gì cũng đòi hỏi phải tâm huyết với công việc

Công tác cán bộ ở thời ông làm có thực hiện các quy trình, thủ tục, quy hoạch như hiện nay?

Lúc tôi làm đến vị trí này vì trí kia, tôi không nghĩ thế đâu. Thời đó cũng có quy hoạch nhưng không tuyệt đối. Tôi cũng được bác nọ, bác kia gặp đề nghị bố trí vài chỗ nhưng tôi đều từ chối. Nếu đồng ý, có khi tôi làm Bộ trưởng trước đó 5, 6 năm. 

Lúc ở huyện, tổ chức phân công tôi làm bí thư tôi cũng từ chối vì mới làm phó bí thư và còn trẻ lắm. Khi đó tôi 35 tuổi đã làm bí thư huyện, 40 tuổi làm chủ tịch tỉnh. Thời kỳ vất vả, ít người chịu về làm cán bộ lãnh đạo nên chuyện từ chối chức nọ, chức kia là rất bình thường. Thời điểm đó là thế.

{keywords}
Nguyên Bộ trưởng Đỗ Quang Trung tại cuộc gặp mặt truyền thống 75 năm thành lập Bộ Nội vụ, tháng 8/2020

Khi tôi đang làm ở Tổng cục Du lịch, bác Võ Văn Kiệt gặp bảo tôi về làm tổ chức cán bộ. Tôi từ chối vì “có làm tổ chức bao giờ đâu”. Bác Kiệt mới thuyết phục “thế anh làm ở Tổng cục Du lịch, lãnh đạo ở Quảng Ninh không phải làm tổ chức à?”. 

Tất nhiên khi tổ chức quyết định mình có quyền nêu nguyện vọng, còn tổ chức quyết định đưa đi đâu là chuyện khác. Đến lúc tổ chức điều lên Trung ương thật ra là tôi không thể từ chối được thôi. 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thuyết phục tôi từ Quảng Ninh về Tổng cục Du lịch. Làm việc với bác Kiệt thích lắm, ông rất sâu sắc và tâm huyết. Tôi học ở ông từ tâm huyết với công việc, từ suy nghĩ, tác phong lắng nghe, tác phong quan sát. 

Nếu được là Bộ trưởng Nội vụ vào lúc này, ông sẽ làm gì trước tiên trong công tác cán bộ?

Giả định như thế thì khó lắm. Công việc bây giờ nhiều hơn, phức tạp hơn nhưng những nguyên lý cơ bản mà nghị quyết Đảng, quy định pháp luật Nhà nước hay là kinh nghiệm của các tiền bối để lại vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề là có làm đúng như thế không.

Cách đây mấy chục năm, chưa giải phóng miền Nam, thời kỳ bác Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã có nghị quyết về xây dựng Đảng, các bác làm quyết liệt lắm. Bài học về xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy, xây dựng chính quyền đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Đến sau này, bác Đỗ Mười, bác Lê Khả Phiêu đều quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Đến thời kỳ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng được chú trọng. Công tác nội vụ cũng vậy thôi.

Nếu được chọn lại, ông vẫn chọn đoạn đường gian nan, nhưng đầy vinh quang là người đứng đầu Bộ Nội vụ?

Nếu được chọn, mình không thể nói là người đứng đầu, nhưng làm về tổ chức bộ máy thì tôi vẫn thấy thích thú dù thật sự khó. 

Thể chế tốt bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài

Thể chế tốt bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài

Bộ Nội vụ mới đây công bố “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” để lấy ý kiến góp ý. Điểm đáng chú ý là trong 8 nhóm giải pháp, vai trò của thể chế còn khá mờ nhạt.

Thu Hằng - Hiền Anh