Với những diễn biến mới khá tích cực tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương sớm kiến tạo môi trường khả thi để doanh nghiệp “sống chung với Sars-Cov-2”, được chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn.
Đầu tháng 9, đã có những tín hiệu rõ rệt cho thấy tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang dần được kiểm soát.
Đó là kết quả của chiến dịch phòng chống Covid-19 quyết liệt và toàn diện mà Chính phủ và người dân đồng lòng thực hiện. Bên cạnh giãn cách xã hội nhiều cấp độ tại các địa phương có dịch, một chiến dịch tiêm phòng vắc xin quy mô lớn đã được triển khai trên cả nước.
Chỉ trong thời gian ngắn, dữ liệu cổng thông tin tiêm chủng quốc gia đã ghi nhận tổng số vắc xin đã được tiêm trên cả nước lên hơn 30 triệu liều (tính đến 14/9) và đang tiếp tục tăng lên.
Tại Hà Nội, có những quận, huyện triển khai tiêm vắc xin tới tối khuya, với mục tiêu đến ngày 15/9, 100% người trên 18 tuổi được tiêm. Tại TP.HCM, 90% người dân từ 18 tuổi đã tiêm. Đến ngày 15/9, TP.HCM tiêm 1,8 triệu liều vắc xin Covid-19 dành cho người chưa tiêm mũi 1 và người đến thời gian tiêm mũi 2. Những nỗ lực to lớn ấy của Chính phủ là đáng trân trọng.
Vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh
Ít hôm trước, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi rất vui mừng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Từ 12h ngày 16/9, Hà Nội cho phép mở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về); sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh... tại một số khu vực. Ảnh: Phạm Hải |
Ở góc độ một doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng, với hệ thống nhà máy sản xuất ở cả hai miền và hệ thống phân phối trên cả nước, tôi hoàn toàn đồng ý với phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn” của Chính phủ. Đồng thời, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất an toàn, điều phối lao động, bởi chính sách “3 tại chỗ” không thể là giải pháp lâu dài và bền vững.
Đã có một số thông tin dự kiến về việc mở cửa được đề cập gần đây. Tuy nhiên, để đảm bảo việc mở cửa được thực thi đồng bộ, an toàn và không vấp phải những qui định quá “gắt” tại các địa phương, tôi đề xuất:
Thứ nhất, ưu tiên tiêm vắc xin đủ 2 mũi cho lực lượng sản xuất kinh doanh là giải pháp căn cơ, lâu dài để ổn định sản xuất trước sự lây nhiễm của biến chủng Delta. Chính phủ đã nỗ lực phủ vắc xin cho các khu công nghiệp ở phía Nam, một số chợ đầu mối. Thời gian tới, cần ưu tiên cho các khu công nghiệp trọng điểm ở phía Bắc, lực lượng lao động ở kênh thương mại truyền thống như tiểu thương chợ, cửa hàng.
Thứ hai, lực lượng lao động đạt tiêu chuẩn an toàn - những người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin và F0 đã khỏi bệnh và có kháng thể nên được đi lại để làm việc trên cơ sở tuân thủ 5K, không bị giới hạn “siết chặt, đông cứng” bởi chính sách “3 tại chỗ” và các thủ tục xin giấy đi đường để đến nơi làm việc.
Đây là giải pháp vô cùng quan trọng để phục hồi và duy trì lực lượng lao động, cũng như giảm tải cho lực lượng cấp giấy đi đường theo cách thủ công. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho những thành quả từ nỗ lực ngoại giao vắc xin của Chính phủ.
Thứ ba, theo tinh thần “sống chung với Sars-Cov-2”, các doanh nghiệp nên được phép chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn.
Trong trường hợp không may khi nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất hiện F0, F1, chỉ nên phong tỏa khu vực bị ảnh hưởng và báo cáo cơ quan y tế để cách ly F0, F1... Doanh nghiệp được phép khôi phục hoạt động tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh, cũng như bố trí thêm nhân viên thay thế đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, tránh gián đoạn hoặc đóng cửa toàn bộ.
Để đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, cần thành lập các cơ sở dịch vụ y tế tại chỗ nhằm giúp phản ứng nhanh trước những trường hợp phát sinh ca nhiễm, cũng như có thể định kỳ triển khai các đợt test nhanh và test PCR cho công nhân để kiểm soát dịch bệnh, đúng như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết 105.
Thứ tư, đơn giản hóa các thủ tục, xây dựng chính sách linh hoạt, vận hành linh hoạt dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ. Đặc biệt, trong mảng xuất nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất tại các cảng biển, cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp và người dân, cần sử dụng một ứng dụng thống nhất trên toàn quốc.
Thứ năm, cần cân nhắc kế hoạch mở cửa từng phần đối với kênh thương mại truyền thống khi đáp ứng đủ các điều kiện an toàn, như người bán hàng ở chợ và các tiệm tạp hóa đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và F0 đã khỏi bệnh có kháng thể.
Điều này vừa giúp giảm tải áp lực cho các kênh thương mại hiện đại như siêu thị - vốn chỉ chiếm chưa đến 1/4 nguồn cung trên thị trường, góp phần phục hồi chuỗi cung ứng và phục vụ người dân được tốt hơn, đồng thời tạo thu nhập cho người dân, từ đó giảm gánh nặng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.
Cùng những giải pháp đồng bộ khác, tôi tin tưởng rằng những giải pháp trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đa số doanh nghiệp, tạo ra cú hích để vực dậy hoạt động sản xuất và kinh doanh đang bị đình trệ, từng bước mở cửa nền kinh tế và sớm đưa đất nước về trạng thái bình thường mới.
Đỗ Thái Vương (Phó chủ tịch Unilever Việt Nam)
Chống Covid-19 không thể ‘mơ màng’
Không ít người, thậm chí là các cấp điều hành địa phương, tỏ ra “lơ mơ”, “mơ màng” với mục đích của phong tỏa và giãn cách đang được triển khai nghiêm ngặt tại gần 1/3 số tỉnh trong cả nước.