Bộ luật lao động sửa đổi dự kiến sẽ là một trong những chủ đề gây tranh luận nóng bỏng nhất tại kỳ họp Quốc hội tới đây bởi các luồng ý kiến vẫn còn khác nhau khá gay gắt giữa một bên là đại diện người lao động và một bên là đại diện người sử dụng lao động.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì xây dựng luật cho biết, Bộ luật này được sẽ được sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Bộ luật sẽ giúp bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động; đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

{keywords}
Tuần Việt Nam/VietNamNet mời bạn đọc góp ý cho Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Một số điểm chính gây tranh luận, thu hút quan tâm của dư luận ở dự thảo Bộ luật này bao gồm mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi, nữ 60 tuổi; thời gian nghỉ Tết âm lịch; việc bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7); về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở.

Trong một cuộc họp thẩm tra gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Bộ Luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh lĩnh vực khá rộng với các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu rộng, tác động tới tất cả các thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động.

Còn Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, mọi ý kiến đóng góp về Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đều được Chính phủ lắng nghe và xem xét.

Làm sao để hài hòa hóa quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh cạnh tranh với quốc tế là điều rất cần phải thảo luận, nhất là trong bối cảnh năng suất lao động của chúng ta còn kém cỏi, các quốc gia đang phát triển khác cũng đang nổi lên cạnh tranh với chúng ta về nhiều mặt?

Trong tầm nhìn đó, chúng tôi xin mời các bạn đọc, các chuyên gia, người lao động, các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến với mong muốn làm sao để có những giải pháp tốt nhất, để nền kinh tế phát triển hài hòa, để đất nước hùng cường.

Bài vở đóng góp xin gửi về [email protected]