Chúng ta thực hiện nhất quán phương châm chống dịch “ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch” suốt từ đó đến nay. Phương châm đặc thù này được thực hiện với đầy quyết tâm không ngừng nghỉ của cả hệ thống và toàn xã hội. Đến nay, đa số các ca nhiễm đều phát hiện trong những người bị cách ly, số nhỏ hơn còn lại được phát hiện trong cộng đồng, ngày càng nhiều người “xuất viện”, không có ai tử vong. Thành công chống dịch của Việt Nam là rất đáng kể, người dân an tâm.
Chắc chắn, phương châm chống dịch đó sẽ tiếp tục được duy trì một cách bền bỉ tới đây.
Hôm qua, Thủ tướng đồng ý nhóm nguy cơ cao gồm 12 địa phương, trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... tiếp tục cách ly xã hội đến 22/4 hoặc 30/4.
Tinh thần trên khá linh động nhưng vẫn nhất quán với phương châm chống dịch. Cách chống dịch đó, được củng cố bởi “tai mắt nhân dân” làm tôi tin tưởng là dịch bệnh sẽ không bùng phát ở nước ta trên diện rộng. Cả nước này sẽ “không chủ quan, không lơ là, không mất cảnh giác”, như Thủ tướng nói, để đến mức vỡ trận vì vỡ trận là mất tất cả.
Người dân xếp hàng trước hiệu thuốc tây trên phố Quốc Tử Giám (Hà Nội). |
Thủ tướng nói: “Cần phải mở mặt trận thứ hai để tái khởi động, phục hồi nền kinh tế”. Mặt trận đó là cực kỳ cần thiết và hỗ trợ về nguồn lực cho mặt trận chống dịch bệnh.
Nền kinh tế mở nhất thế giới này đang bị tàn phá bởi các chuỗi cung ứng sụp đổ, các rào cản biên giới dựng lên, làm doanh nghiệp trên bờ vực phá sản, người dân bước vào cảnh khó khăn. Chúng ta trước mắt chỉ còn dựa vào NỘI NHU. Nếu không khơi thông được các dòng chảy nội địa, để nó đông cứng thì nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, kéo theo những tác động rất lớn đến hệ thống ngân hàng, làm mất hàng triệu việc làm mà đến nay chưa có ai tiên đoán hay đo lường định lượng được. Kéo dài càng lâu, hệ lụy càng lớn khó lường.
Nhiều người dân ở nước ta còn nghèo. Có tới 30% dân số Việt Nam “chưa đảm bảo được về mặt kinh tế”, theo Ngân hàng Thế giới, cho thấy một bức tranh khá thật về xã hội. Mấy ngày qua đã chứng kiến những hàng dài người chờ phát chẩn ở Hà Nội, Huế, TP,HCM, mà việc phát chẩn, hay máy ATM gạo, chưa được triển khai ở các tỉnh khác. Có vô vàn người nghèo phải tiếp tục dựa vào vỉa hè để tồn tại, mưu sinh. Không mở cửa kinh tế ra để cho “dân cứu dân” thì họ sẽ thế nào?
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều bệnh nhân khác cần được quan tâm, cứu chữa.
Chúng ta khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, học tập và đời sống của người dân nhưng đặt trong điều kiện đất nước có dịch với những qui định phòng chống dịch nghiêm ngặt, giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Cần có ngay các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, định hướng các doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất phù hợp tình hình mới, đặc biệt là chuỗi cung ứng mới. Cần khôi phục đời sống kinh tế xã hội ngay vì nếu chờ vắc xin (mất 12-18 tháng nữa) hay chờ hết dịch (chưa biết đến bao giờ) mới khởi động lại thì quá muộn.
Nguy cơ lây nhiễm là khác nhau giữa các ngành, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp, nên cần có những điều kiện và kịch bản ứng xử khác nhau. Cần xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm để có thể phân loại và áp dụng các kịch bản ứng xử. Ví dụ nguy cơ lây nhiễm cao (ví dụ trên 80%) thì kiên quyết ngưng hoạt động. Nguy cơ lây nhiễm thấp hơn thì tùy từng cấp độ mà được tiếp tục sản xuất kinh doanh nhưng phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro phù hợp theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Bộ Y tế cần chuẩn bị các phương án này để hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện để thực hiện.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói, hơn 50% doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại được trong thời gian 5, 6 tháng tới và 80 % doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phúc tạp, theo khảo sát của VCCI. Như vậy, thời gian tới đây sẽ là khoảng thời gian vàng để tiếp sức và giải cứu doanh nghiệp. Tiếp sức bằng nguồn lực, tiếp sức bằng thể chế. Tiếp sức bằng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn. Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng cải cách thể chế sẽ được đầy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này
Chúng ta đang trong thời gian vàng để kiểm soát dịch bệnh và cũng đang trong thời gian vàng để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững. Dịch bệnh sẽ còn kéo dài và có ai tiên liệu được tình hình tới đây sẽ thế nào, nếu cứ đóng mãi nền kinh tế?
Tư Giang
Chống dịch như chống giặc nhưng cứu kinh tế phải hơn cứu hỏa
- Khôi phục những gì đã mất do khủng hoảng kinh tế gây ra cần thống nhất trên quan điểm chỉ khôi phục những điều tốt đẹp, những giá trị đã được chứng minh để đất nước phát triển trong giai đoạn tiếp theo.