Mở ra để người dân và doanh nghiệp sống

Một ví dụ nhỏ. Hồi tháng 6, một công ty ở TP.HCM phải dừng sản xuất, cho 3.500 công nhân tạm nghỉ việc sau khi ghi nhận cùng lúc 3 ca nhiễm. Đến đầu tháng 12, tức khi nghị quyết 128 đã đi vào hiệu lực, một doanh nghiệp ở Đà Nẵng có 140 ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục hoạt động.

Có thể, có người biện luận, để công ty ở Đà Nẵng tiếp tục sản xuất phải có vắc xin. Điều đó đúng nhưng chưa đủ vì chẳng có ở đâu cứ phát hiện ca dương tính là đóng cả nhà máy như trường hợp công ty ở TP.HCM nêu trên. Đó chính là sự khác biệt trong tư duy, hành động mà nghị quyết 128 mang lại, chấm dứt việc phong tỏa diện rộng trên toàn quốc.

Có thêm rất nhiều bằng chứng khác của việc mở lại. Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) đã tiến hành 2 cuộc khảo sát vào tháng 8 và tháng 10.

Kết quả cho thấy những tín hiệu tích cực của việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN và việc làm cho người lao động sau khi áp dụng nghị quyết 128.

{keywords}
Sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là phía Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong tổng số 3.440 DN tham gia khảo sát online, số “đang hoạt động” chiếm tỷ lệ 39%, cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ này trong báo cáo tháng 8.

Trong số 8.835 người lao động trả lời khảo sát online, tỷ lệ người trả lời đang có việc là 47%, tăng gần 10 điểm phần trăm so với tỉ lệ người có việc ở khảo sát tháng 8. Đồng thời, mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn nhưng 43% lãnh đạo các DN ở diện “đang hoạt động” vẫn luôn “tỏ ra lạc quan để chèo lái DN”.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là phía Nam. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước tháng 11 tăng 5,5% so với tháng trước, tính chung 11 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh sau khi các chợ thương mại truyền thống, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, lưu thông hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 6,2%; vận tải hành khách tăng 24,1% so với tháng trước.

Tình hình DN đạt nhiều kết quả tích cực. Số DN thành lập mới tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%, đặc biệt là tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Số DN quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước.

Đây là những minh chứng rất rõ ràng về những gì nghị quyết 128 mang lại cho nền kinh tế và sinh kế của người dân; khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Chính phủ trong việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch. 

Kích thích nền kinh tế suy kiệt

Tuy vậy, do mức độ ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần 4 tới hoạt động của DN là rất lớn, đồng thời do tình hình các chuỗi cung ứng trên thế giới vẫn đang đứt gãy, chưa phục hồi hoàn toàn nên DN và người lao động vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh “sống chung với dịch”.

Theo khảo sát hồi tháng 10, 30% số DN trả lời cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, đặc biệt các lao động có trình độ chuyên môn. Hơn 45% DN cho là phải đưa ra mức thu nhập cao hơn so với trước dịch để thu hút lao động trở lại. 

Bên cạnh khó khăn về thiếu lao động, chi phí cho lao động tăng, và khó khăn cố hữu như vấn đề về vốn lưu động, các DN đang đối mặt với khó khăn mới: Giá nguyên liệu đầu vào tăng (56% DN khảo sát), cầu thị trường yếu chưa đảm bảo kinh doanh có lãi (43% DN khảo sát), chi phí xét nghiệm cho lao động là cấu thành lớn trong chi phí của DN (41% DN khảo sát).

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang thiếu lao động. Ảnh: Hồ Giáp

Về phía người lao động, hơn 59% người tham gia khảo sát cho biết không có nguồn tiết kiệm để hỗ trợ cuộc sống trong bối cảnh dịch, phải dựa vào vay nợ hoặc trông chờ sự hỗ trợ từ gia đình/xã hội; 41% không tìm được việc; 59% mong muốn được ký hợp đồng nếu có việc mới, 54% muốn đề nghị DN phải có cam kết đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong bối cảnh đó, 22% DN ở diện “đang hoạt động” cho hay đã phục hồi như trước dịch, 45% nói nếu các địa phương thực hiện đúng nghị quyết 128 thì DN sẽ phục hồi trong khoảng thời gian từ 1 đến dưới 6 tháng.

Tham khảo thêm

Thực tế này được chứng minh thêm khi soi vào thực tế, trong 11 tháng, số DN đăng ký thành lập mới giảm 15% so với cùng kỳ; DN rút lui khỏi thị trường tăng 13,9%.

Chi phí sản xuất tăng cao, giá cước vận tải tăng, thiếu hụt lao động có nguy cơ tác động trong trung và dài hạn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của DN. Hàng loạt chỉ số như sức mua, vận tải hành khách, du lịch… cho thấy nền kinh tế còn quá yếu.

Trong khi đó, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá xăng tăng cao làm tăng giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logistics… gây sức ép lên lạm phát. Hơn nữa, rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu vẫn đang treo lơ lửng sau khi nền kinh tế đã ngủ đông hoàn toàn trong quý 3.

Các chuyên gia kinh tế ước tính, tăng trưởng năm nay chỉ khoảng 2%, mức thấp nhất từng ghi nhận. Trước tình hình đó, gói hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng cho 2020-2023 với quy mô rất khác nhau đã được đưa ra thảo luận.

Vấn đề là liệu các gói đó có chậm quá hay không trong bối cảnh các quốc gia khác đã đưa ra các gói tương tự từ lâu, kích thích kinh tế tăng trưởng và nay lại phải cân nhắc để nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 5,7- 5,9% năm nay và 4,5-5% năm sau; lạm phát toàn cầu tăng khá mạnh, lên mức 3,2% trước khi hạ nhiệt xuống khoảng 3% năm tới và 2,5% trong 3 năm sau đó.

Liệu các gói hỗ trợ có chậm trễ quá làm nền kinh tế Việt Nam lỡ nhịp với đà phục hồi và rồi thắt chặt của kinh tế thế giới?

Tư Giang

Việt Nam đang rất cần những hành động đột phá, khôn khéo

Việt Nam đang rất cần những hành động đột phá, khôn khéo

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam đang rất cần những hành động đột phá, quyết liệt và tốc độ để xử lý tình thế khó khăn lúc này.