- Khoa học là sáng tạo, tìm đến những giá trị khác biệt, luôn đề cao, tôn vinh sự trung thực, chính danh. Vi phạm nguyên tắc này, đâu còn là khoa học.

Chuyện giáo sư Tồn có khác gì chuyện gian lận thi cử

Hôm 19/7/2018, tôi có bài viết “Đâu là phi lý Hà Giang” đăng trên Tuần Việt Nam. Trong bài có mấy lời bình: “Xã hội chúng ta đang tồn tại khá nhiều những kẻ ăn cắp, trong đó có ăn cắp thành quả trí tuệ của người khác để mưu cầu danh lợi. Dù hứng chịu búa rìu dư luận, họ vẫn trơ trơ. Như vụ ông giáo sư Nguyễn Đức Tồn, cán bộ Viện Ngôn ngữ học. Có đến hơn trăm bài báo tố ông ta đạo văn, thiếu trung thực, nhưng ông ta vẫn xem như không”.

{keywords}
Có đến hơn trăm bài báo tố ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn, thiếu trung thực.

Trong rất nhiều độc giả tương tác, một độc giả góp ý: “Tác giả không nên so sánh vụ án đạo văn của giáo sư Tồn vì có sự khác biệt về bản chất”.

Tôi có lời cảm ơn độc giả vì đã quan tâm đến nội dung bài báo. Độc giả phải là đọc kỹ lắm nên mới có lời góp ý như thế. Nhưng tôi xin được thưa lại: Về hình thức, hai vụ này có khác nhau. Về bản chất, hai vụ là giống nhau, đều có biểu hiện của hành vi ăn cắp.

Nhìn rộng ra, hai vụ việc- sự kiện này đều liên quan đến hoạt động giáo dục- đào tạo, thậm chí liên quan đến cả vấn đề thịnh suy của nền giáo dục và học thuật nước nhà. Họ là một dạng sản phẩm xấu xí của nền giáo dục, suy rộng ra nữa, là thứ sản phẩm lỗi gen của xã hội. Thứ sản phẩm này còn gây nên những hệ lụy giáo dục, hậu quả xã hội lâu dài, dai dẳng về sau.

Mà trên thực tế, nó đã, đang gây ra những hệ lụy, hậu quả nặng nề cho xã hội, gia tăng thái độ hoài nghi, phân tâm và bất bình. Riêng giáo sư Tồn không chỉ là một thứ sản phẩm của nền giáo dục, mà còn trực tiếp và gián tiếp tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, và rất có thể đã góp phần tạo ra những dạng sản phẩm tương tự.

Sẽ ứng xử thế nào với một loạt công trình, giáo trình của ông với chứng cứ đạo văn hai năm rõ mười, từng là khuôn vàng thước ngọc để đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ?

Những sinh viên, nghiên cứu sinh từng được ông hướng dẫn dìu dắt và cũng từng bị ông biến thành nạn nhân của hành vi đạo văn, liệu có đủ tâm thế để vững bước trên con đường khoa học khi bản tính trung thực của nhà khoa học trong họ bị chế giễu, xúc phạm? Trong số đó, thật tai hại, nếu có nhân vật nào đó trở thành “truyền nhân” của ông, cảm phục, tụng ca công trình đạo văn của giáo sư? Liệu hình ảnh các nhà khoa học vốn khả kính, từ vụ giáo sư Tồn có bị mờ nhạt, rúm dó phần nào trong cái nhìn của xã hội, từ người dân thường đến các vị lãnh đạo?

Khi mà trong tầng lớp mũ cao áo dài thuộc giới khoa học - giáo dục nước nhà còn tồn tại những vị giáo sư bị tố đạo văn như ông Nguyễn Đức Tồn, dù không phải là phổ biến, thì cũng chưa thể hết nỗi lo, rằng, những gian lận trong học hành thi cử, từ trắng trợn, lộ liễu đến tinh vi, xảo quyệt sẽ còn tiếp diễn; nạn chạy chọt, mua bán điểm chác, bằng cấp, học thuê, thi thuê, học giả bằng thật, “học thấy thi tiệm” thật khó mà có hồi kết.

Trong tương lai, biết đâu lại nảy nòi những nhà khoa học nửa mùa, và để giải quyết mối mâu thuẫn giữa thực học thực tài với tham vọng chức tước, lợi lộc, không thể khác, họ lại thuổng, thó, cưỡng đoạt, tẩy xoá, biến sản phẩm trí tuệ của người khác thành của mình.

“Thì trao giải nhất chi nhường cho ai”

Xưa nay trong giới khoa học, chuyện người này “mượn” của người khác mà “quên” dẫn nguồn, không phải chuyện hiếm hoi. Cái cách mà người ta ứng xử khi lỡ bị ai đó phát giác, đa phần không đến nỗi cò cưa dưa ngỗng. Lỡ “cầm nhầm” thì nói lời xin lỗi,rút kinh nghiệm, lần sau không tái phạm. Làm khoa học phải biết, tối kỵ trò gian dối, lấy của người làm của mình. Mang bản tính ăn cắp, dù là ăn cắp vặt, đã khó được xem là người bình thường huống hồ là một nhà khoa học.

Như những gì mà báo chí đã công bố, với đầy đủ tang chứng vật chứng, thì nghi án đạo văn của vị giáo sư này có nhiều cái nhất.

Một là “đạo” của nhiều người nhất. Ông “cầm nhầm” thành quả nghiên cứu của tới 13 tác giả-nguồn khác nhau, có trong nước, ngoài nước, có học trò và có đồng nghiệp.

Thứ hai, khối lượng “đạo” lớn nhất. Trong 6 cuốn sách-công trình của ông Tồn đã công bố, người ta ước tính có đến hàng trăm trang thó của người khác.

Thứ ba, thời gian “đạo” dài nhất, thường xuyên liên tục nhất. Từ năm 2002 đến 2015, trước giai đoạn ông được phong giáo sư đến sau giai đoạn ông thành giáo sư, tức tròm trèm 13 năm.

Thứ tư, hình thức “đạo” phong phú nhất, lộ liễu có, tinh vi có; nguyên xi có, thay câu đổi chữ có. Ông còn “đạo” cả vai trò hướng dẫn của giáo sư khác, “đá bay” cả tên tuổi người đồng tác giả với ông.

Thứ năm, vụ việc của ông Tồn là sự kiện gây tốn thời gian, bút mực, công sức thuộc hàng nhất của báo chí. Có đến hơn chục tờ báo với hơn 100 bài báo, đủ loại hình, thể tài, từ điều tra, phản ánh, đưa tin đến phỏng vấn, bình luận chỉ về hành vi đạo văn. Trong hơn trăm bài báo ấy, chưa thấy có bài nào biện hộ, minh oan cho ông Tồn.

Thứ sáu, gây phiền toái cho cơ quan, tổ chức cũng thuộc hàng nhất. Hiếm có nghi án đạo văn nào mà từ người lãnh đạo chính phủ, đến những người có trách nhiệm nơi đương sự đang hợp đồng công việc- Viện Ngôn ngữ học và cơ quan cấp trên của đơn vị ấy - Viện Hàn lâm KHXH, cùng hội đồng này, thành phần nọ phải kéo dài cái sự mệt thân nhọc óc đến thế! Cũng hiếm có vụ bị tố đạo văn nào hai năm rõ mười, hàng tá nhân chứng vật chứng hoàn toàn không đứng về phía đương sự, thế nhưng đương sự lại phản tố, vu ngược, ngang ngạnh đến không thể hiểu nổi!

Ông Nguyễn Đức Tồn từng bê những công trình bị tố đạo văn “ứng thí” giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Rất may, hội đồng giải thưởng uy tín, danh giá bậc nhất này đã không bé cái nhầm.

Đi lên bằng đường nào, thì xuống bằng đường đó

Nghi án giáo sư Nguyễn Đức Tồn đạo văn, báo chí đã có công điều tra, phát hiện, công bố trước công luận. Nhiều nhà khoa học, gồm cả những nhà ngôn ngữ học - đồng nghiệp của giáo sư Tồn, cũng đã cất tiếng, cung cấp thêm bằng chứng. Họ bức xúc vì cảm thấy bị xúc phạm. Đây không phải dạng thông tin phiếm chỉ, bóng gió, nặc danh, mà chính danh, người thật, việc thật, cụ thể, chi tiết, có đối chứng, so sánh, giấy trắng mực đen. Cơ quan chức năng không phải mất công đi tìm chứng lý, cứ trong từng bài báo mà suy...

Thật không hay ho chút nào nếu vụ việc giáo sư Tồn bị tố đạo văn cứ lùng nhùng tháng này qua tháng khác, và cơ quan có trách nhiệm cứ đùn đẩy, hoặc làm ngơ, hoặc im lặng đến đáng sợ. Nội tình của Viện Ngôn ngữ học đang gặp khó, khi vụ việc kéo dài càng là điều kiện lý tưởng để đương sự cố cùng kiện cáo, tác động rối ren, chia rẽ. Sự ổn định của một đơn vị nghiên cứu như Viện Ngôn ngữ học, uy tín của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, thanh danh của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, của ngành buộc chính các tổ chức này phải trực diện với vụ việc - sự kiện để xử lý đến nơi đến chốn và báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ.

Dư luận xã hội bấy lâu vốn đã hoài nghi về chất lượng công trình khoa học xã hội và thật giả đội ngũ giáo sư, phó giáo sư nước mình, từ vụ giáo sư Tồn mối hoài nghi lại tăng thêm. Không những thế, người ta còn hoài nghi về trách nhiệm chính trị của Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học và cao hơn nữa.

Không thể mãi tình trạng lộn xộn, vàng thau lẫn lộn, giới khoa học nước nhà muốn câu chuyện đạo văn cụ thể này phải được cơ quan có trách nhiệm kết luận rõ ràng, môn ra môn, khoai ra khoai, đem lại không khí trong lành cho hoạt động học thuật và uy tín thực sự của đa số những nhà khoa học.

Khoa học là sáng tạo, tìm đến những giá trị khác biệt, luôn đề cao, tôn vinh sự trung thực, chính danh. Vi phạm nguyên tắc này, đâu còn là khoa học!

Phải coi hành vi đạo văn trong học thuật cũng tương tự hành vi trộm cắp, tham ô trong xã hội, để tỏ thái độ căm ghét, lên án và ngăn ngừa, xử lý, triệt trừ.

Có câu châm ngôn: Anh ta lên bằng đường nào thì hãy xuống bằng con đường đó. Ông Nguyễn Đức Tồn lên bậc hàm giáo sư, vào Hội đồng chức danh giáo sư ngành, ngồi ghế Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ học bằng những công trình bị tố mang đậm dấu vết đạo văn, thì chính những công trình đó, khi đã được cơ quan có chức năng thẩm định, kết luận, sẽ đưa ông ta trở về vạch xuất phát./.

Uông Ngọc Dậu

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?

Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức.

Gian lận thi cử ở Hà Giang, nơi có những đứa trẻ nhịn đói đi tìm cái chữ

Gian lận thi cử ở Hà Giang, nơi có những đứa trẻ nhịn đói đi tìm cái chữ

Những đứa trẻ chỉ là nạn nhân. Bọn trẻ con từ các bản làng cheo leo vẫn nhẫn nại, nhịn đói tìm đường tới trường.

‘Phù phép’ điểm thi ở Hà Giang và niềm tin bị đánh cắp

‘Phù phép’ điểm thi ở Hà Giang và niềm tin bị đánh cắp

Đối mặt với nhiều bất cập, có lẽ đa số người dân vẫn nuôi dưỡng niềm tin rằng, giáo dục là niềm hy vọng lớn nhất để xây dựng một xã hội văn minh hơn, tiến bộ hơn.    

Giáo dục 'chạy' và 'phi lý Hà Giang'

Giáo dục 'chạy' và 'phi lý Hà Giang'

Thật đáng lo ngại khi căn bệnh này di căn đến một bộ phận học trò quen được bao cấp từ thứ văn hoá “chạy” mà người lớn, bậc cha mẹ ban tặng.  

Thầy giáo phanh phui gian lận điểm ở Hà Giang: Thương học trò, chúng tôi lên tiếng

Thầy giáo phanh phui gian lận điểm ở Hà Giang: Thương học trò, chúng tôi lên tiếng

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng và thầy Vũ Khắc Ngọc là hai trong 3 người đầu tiên phát giác, tố cáo những tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang đã có những lo lắng về những tin nhắn đe dọa với mình.