Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi

Sự xuất hiện của biến thể Delta khiến nhiều nước buộc phải thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược chiến lược ứng phó với Covid-19, chuyển từ chiến lược không ca nhiễm sang sống chung với virus. Hòa cùng xu thế đó, đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch và đang tiến bước vào thời bình thường mới với nhiều kinh nghiệm đắt giá, không ít các điểm sáng về phòng, chống dịch.

{keywords}
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh thăm hỏi người dân gặp khó khăn do dịch bệnh tại TP Long Khánh ngày 23/9. Ảnh: Báo Đồng Nai

Thực tế gần 2 năm qua cho thấy địa phương nào mà lãnh đạo chủ động, vào cuộc quyết liệt, sát sao, kịp thời với các biện pháp chống dịch triệt để, dứt khoát, coi trọng chuyên môn thì địa phương đó đạt kết quả ấn tượng cả trong chống dịch cũng như trong duy trì và phát triển kinh tế. Giờ đây, những điểm sáng này đang vững tin tiến bước vào “thời bình thường mới”.

Tuy vậy, chúng ta cũng đối mặt một loạt khó khăn, thách thức không dễ vượt qua. Nền kinh tế bị tổn thương không hề nhẹ, sức khỏe nhiều doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng, có tới hơn 85 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng qua. Thị trường, logistics, nhân lực đều bị xáo trộn lớn, không ít chuỗi cung ứng, sản xuất nội địa và quốc tế bị đứt gãy… Sinh kế của số đông dân chúng bị ảnh hưởng, nhiều người lao động bị mất hay giảm thu nhập…

Ngân sách eo hẹp trong khi mức thu thuế giảm. Hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, dịch Covid-19 mới chỉ tạm ổn, nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào và khả năng có thể phải giãn cách, thậm chí phong tỏa trên diện rộng vẫn là một phương án để ngỏ như là biện pháp cuối cùng.

Có 2 “trọng bệnh” dễ thấy hơn cả. Thứ nhất, bệnh quan liêu, chống dịch bằng văn bản, dịch bùng phát với số ca nhiễm tăng vọt mỗi ngày nhưng việc chống dịch vẫn hời hợt, thực hiện giãn cách không triệt để, hậu quả là thời gian giãn cách dài nhưng dịch vẫn bùng phát, tổn thất và hệ lụy lớn không thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Vấn đề đáng lo ngại hơn là năng lực cán bộ của bộ máy chính quyền ở không ít nơi còn bất cập. Đợt dịch bệnh thứ 4 này cho thấy những yếu kém của đội ngũ cán bộ, từ cấp phường cho tới quan chức đứng đầu tỉnh, thành. Nếu không có chuyển biến rõ rệt thì khó có thể đảm đương nhiệm vụ kép khó khăn gấp bội trong thời bình thường mới.

Có những quan chức đứng đầu tỉnh chống dịch lơ mơ, không nắm rõ tình hình dịch bệnh tỉnh nhà khiến cho tỉnh đang là vùng xanh rờn nhanh chóng chuyển sang đỏ rực. Mới có một nhiệm vụ chống dịch còn không làm đến nơi đến chốn thì liệu họ có thể đảm đương tốt nhiệm vụ khó khăn gấp bội trong thời bình thường mới khi vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế?

Hai là, dập dịch “dập” luôn cả doanh nghiệp, sinh kế của người dân, kiểu ngăn sông cấm chợ, gây khó khăn không đáng có cho lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành, sự máy móc, đủ loại giấy tờ, thủ tục nhiêu khê thay đổi theo ngày, lạm dụng giãn cách, một xã có ca nhiễm giãn cách cả huyện, hy sinh thực hiện giãn cách nhưng không có mục tiêu cụ thể...

Sàng lọc, sắp xếp lại cán bộ không làm tròn vai 

Cần gấp rút thực hiện sát hạch, sắp xếp lại ngay cán bộ không làm tròn vai trong bộ máy chính quyền các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành bởi đây là mắt xích rất quan trọng. Bởi dù chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng có đúng đắn đến đâu chăng nữa, nhưng chủ tịch tỉnh, thành lơ mơ thì cũng khó đi vào đời sống, địa phương khó đạt kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ kép.

Cách làm cụ thể như sau: Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành ký bản thỏa thuận với Thủ tướng, thống nhất về các mục tiêu, kết quả cụ thể, thang đo và cách đo kết quả cũng như kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ kép trong thời bình thường mới. 

Ở bước 1, chủ tịch tỉnh, thành xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể gắn với nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của tỉnh, thành mình, xác định các mục tiêu, lập kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu.

Bước 2, ký bản thỏa thuận với Thủ tướng, thống nhất các mục tiêu, kết quả cụ thể, thang đo và cách đo mục tiêu, kết quả cũng như kế hoạch cụ thể để hoàn thành. Các mục tiêu cần được lượng hóa, cụ thể hóa với các điều khoản cụ thể có thể đo lường được…

Ở bước 3, đánh giá giữa kỳ, kiểm tra tiến độ, kết quả đã đạt được so với kế hoạch và mục tiêu đề ra, thảo luận về kế hoạch tăng cường để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã được thiết lập.

Bước 4, đánh giá kết quả, mức độ đạt mục tiêu và ra quyết định đánh giá. 

Thành lập hội đồng chuyên môn giúp Thủ tướng trong việc đánh giá. Hội đồng gồm các đại biểu Quốc hội có chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng (tổng cộng khoảng 30 người, chia thành các tiểu ban). Hội đồng do Thủ tướng ra quyết định thành lập.

Kết quả đánh giá dùng làm căn cứ để phân bổ thêm ngân sách và để cất nhắc hay cho thôi chức vụ đối với chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành. Những tỉnh, thành đạt kết quả xuất sắc, thứ hạng cao, vượt mức chỉ tiêu thì được cấp thêm ngân sách hay tăng tỷ lệ ngân sách được giữ lại. Những tỉnh, thành có kết quả kém, không đạt chỉ tiêu tối thiểu theo quy định thì không được cấp thêm ngân sách hay giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại.

Chủ tịch tỉnh, thành đạt kết quả, thứ hạng cao, vượt mức chỉ tiêu thì được ban thưởng, cất nhắc lên chức vụ cao hơn và ngược lại, cho thôi chức vụ đối với người có kết quả kém, không đạt được chỉ tiêu tối thiểu.

Việc đánh giá diễn ra vào cuối năm nhưng trong trường hợp tỉnh, thành nào có kết quả bết bát thì tiến hành thay ngay chủ tịch tỉnh, thành đó không đợi đến cuối năm.

Công khai kết quả trên website của Chính phủ, các phương tiện thông tin đại chúng và trên màn hình phẳng khổ lớn đặt tại quảng trường trung tâm của các tỉnh, thành để cán bộ, nhân dân tiện theo dõi, giám sát. Biểu thị kết quả bằng đồ thị với màu sắc bắt mắt, trực quan sinh động để cán bộ, nhân dân có thể thấy rõ hiện trạng của mỗi tỉnh, thành đang phát triển hay thụt lùi trên mỗi tiêu chí.

Như vậy, chủ tịch tỉnh, thành cùng đội ngũ cán bộ sẽ phải nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ kép trong thời bình thường mới. Những chủ tịch tài giỏi sẽ thấy phấn khích và biết rõ được điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục. Những người không đủ sức, đủ tài gánh vác nhiệm vụ kép sẽ phải tự đứng sang một bên, xin rút khỏi vị trí trong danh dự, nhường chỗ cho người tài giỏi.

Tuyển chọn nhân tài lãnh đạo đất nước 

Tranh cử là cơ chế phù hợp để tuyển chọn được nhân tài thật, đủ năng lực đảm đương sứ mệnh lãnh đạo đất nước ta nhanh chóng phục hồi, bứt phá trong thời bình thường mới.

Cách làm như sau: Tất cả đảng viên tài đức đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định đều có thể tham gia tranh cử để đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong Đảng, bộ máy công quyền. 

Bước 1: Các ứng viên cần vượt qua các hội đồng tuyển chọn để tham gia tranh cử trong Đảng. Bước 2, ứng viên tranh cử để chọn ra những người xuất sắc nhất. Bước 3, các ứng viên xuất sắc nhất tranh cử với nhau để nhân dân lựa chọn. Trước hết, thực hiện cơ chế tranh cử để tuyển chọn các ủy viên Trung ương vì đây là cánh cửa then chốt để gia nhập đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đội ngũ lãnh đạo Đảng, đất nước, những người vạch đường chỉ lối, quyết định vận mệnh đất nước. 

{keywords}
Giám đốc Công an tỉnh An Giang Đinh Văn Nơi phát quà khi đón công dân tại bến xe Bình Dương về quê ngày 26/9. Ảnh: Nghiêm Túc

Cơ chế tranh cử giúp sàng lọc nhân sự yếu kém vì những người ra tranh cử đã tự sàng lọc, chỉ ai có năng lực, thực tài và đời tư lành mạnh mới dám ra tranh cử và do vậy, ngăn chặn được những kẻ giả tài, cơ hội, hám danh lợi chui vào đội ngũ lãnh đạo. Cơ chế này khắc phục được chủ nghĩa thân hữu và nạn tiêu cực trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, đồng thời giúp những lãnh đạo thanh liêm có thẩm quyền bổ nhiệm thoát được thế khó xử khi bị gửi gắm, nhờ vả.

Để tạo nguồn nhân tài thật, Đảng cần chủ động tìm đến những người tài giỏi ở các lĩnh vực khác nhau. Họ phải là những người được đánh giá là thông minh, năng lực lãnh đạo vượt trội, kỹ năng quản lý xuất chúng, đạt nhiều thành tựu trên thực tế và đã được xã hội thừa nhận. Cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn chính khách tài năng mở, cho phép người dân trong nước có thể đăng ký tham gia nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Chú trọng nhân tài chuyên môn

Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế trong thời bình thường mới là nhiệm vụ phức tạp, ảnh hưởng tới sinh mệnh, sinh kế của hàng triệu người, sự tồn vong của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Bởi vậy, các quyết định, chính sách lớn cần dựa vào chuyên môn và các bằng chứng khoa học, nhất là chuyên môn về dịch tễ, y tế…

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cần lập các đội đặc nhiệm tinh nhuệ, quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học tài năng đã được giới chuyên môn, cộng đồng khoa học thừa nhận và xã hội biết đến. Trước hết, cần lập Đội đặc nhiệm về đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh; Đội đặc nhiệm phục hồi, phát triển kinh tế… Các đội đặc nhiệm thực hiện việc thiết kế khung khổ đối với những vấn đề lớn cấp thiết như xây dựng Bộ quy tắc chung đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh; Quy tắc chung đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, di chuyển lao động thông suốt cả nước.

Việc thiết kế cơ chế, chính sách cần chú ý đảm bảo doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi trên thực tế. Ví dụ, đối với việc cấp phép xây dựng, thay vì chỉ quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét để cấp giấy phép trong 20 ngày, cần có thêm quy định hết thời hạn này mà cơ quan không cấp phép cũng không có thông báo lý do bằng văn bản thì người xin cấp phép được khởi công xây dựng và gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép; cơ quan này chịu trách nhiệm như đã cấp giấy phép. Như vậy, cơ quan sẽ tích cực hơn trong việc cấp phép đúng hạn cho doanh nghiệp, người dân…   

Tóm lại, nhiệm vụ kép trong thời bình thường mới rất hóc búa, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và do vậy, cần có sự đổi mới đột phá để trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ trị tài năng, tinh nhuệ với tinh thần đổi mới sáng tạo, thực tài, để biến nguy thành cơ, đưa đất nước nhanh chóng phục hồi, bứt phá, phát triển theo quỹ đạo đổi mới sáng tạo.

Phạm Mạnh Hùng 

‘Nhìn thẳng vào mắt dân’ để hành động

‘Nhìn thẳng vào mắt dân’ để hành động

Thực tiễn từng có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá ra khỏi sự ràng buộc của cơ chế, mà theo họ, đã bộc lộ một số điều bất hợp lý, kìm hãm sự phát triển của đất nước.