"Cách thức sản xuất và xuất khẩu gạo của chúng ta có thể nói đã quá “cổ lỗ sĩ” , mô hình này đã được vận hành từ những năm 60 – 70 và cho đến nay không còn phù hợp".
Theo TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, gạo Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu chất lượng cao thường bị “chê” chất lượng thấp, thậm chí, bán sang Châu Phi còn bị “lắc đầu”.
Tờ World Map vừa thống kê top 10 quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn nhất thế giới năm 2016, trong đó có Việt Nam với sản lượng 28,234 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên DĐDN, TS. Đào Thế Anh cho rằng, mục tiêu lớn nhất của Việt Nam phải là làm thế nào để tăng được giá trị từ sản phẩm gạo.
– Nhưng chúng ta lại chưa đạt được mục tiêu này, vì sao, thưa ông?
Ngành lúa gạo trong năm 2015 – 2016 đã chọn chiến lược xuất khẩu là mục tiêu chính, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
Cách thức sản xuất và xuất khẩu gạo của chúng ta có thể nói đã quá “cổ lỗ sĩ” , mô hình này đã được vận hành từ những năm 60 – 70 và cho đến nay không còn phù hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thảo luận để xây dựng lại nhưng vẫn đang còn rất nhiều ý kiến bất đồng. Đơn cử, những quy định cứng về xuất khẩu như Nghị định 109 đang đi theo hướng mục tiêu chính là khối lượng, tức DN muốn xuất khẩu được phải có kho chứa được 5.000 tấn. Trong khi trên thực tế, các DN xuất khẩu gạo chất lượng cao như gạo hữu cơ thì lại không xin được giấy phép xuất khẩu, dù đã ký được hợp đồng với đối tác bên ngoài. Đây là điều rất vô lý, vì họ không thể và cũng không cần có kho lớn đến như vậy.
– Thưa ông, dường như tư duy “bao cấp” hợp đồng xuất khẩu gạo lâu nay cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta gặp khó trong việc chuyển giá trị từ xuất khẩu theo hợp đồng sang xuất khẩu theo chất lượng?
Từ trước đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu dựa vào các thỏa thuận của Chính phủ để cứu đói, bảo vệ an ninh lương thực cho một số nước thiếu gạo. Gạo này không có giá trị cao, vì cứu đói thì chỉ cần nhiều chứ không cần quá ngon.
Nếu cứ ngồi “trông chờ” vào các hợp đồng của Chính phủ thì sẽ không thể làm được gạo chất lượng. Hai mục tiêu này hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Trong thời gian vừa qua, các nước và cũng là những khách hàng lớn mua gạo của Việt Nam theo hợp đồng Chính phủ giảm đi nhiều, vì họ đã tự đầu tư vào an ninh lương thực của họ. Chúng ta đang gặp khó khăn trong việc chuyển giá trị từ xuất khẩu theo hợp đồng sang xuất khẩu theo chất lượng, vì điều này đã trở thành thói quen của DN từ nhiều năm nay. Nếu xuất khẩu theo hợp đồng Chính phủ thì có thể mua bất cứ giống gạo nào “tương đồng” rồi đem trộn vào là xong.
Thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi thế chế quản lý ngành lúa gạo và chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng quản lý chất lượng và thúc đẩy hợp tác liên kết trong chuỗi.
Nay chuyển sang xuất khẩu theo chất lượng cao mới thấy, từ giống lúa không đồng nhất đã đưa tới chất lượng không đồng đều. Hệ quả, gạo Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu chất lượng cao thường bị “chê” chất lượng thấp. Thậm chí, bán sang Châu Phi còn bị “lắc đầu”. Một thời gian dài chúng ta đã cố làm ra thật nhiều gạo, rồi không tiêu thụ hết đành “bán đổ, bán tháo”, dẫn đến giá thấp là điều đương nhiên. Vấn đề này không chỉ riêng với ngành lúa gạo mà có rất nhiều ngành khác cũng rơi vào vòng luẩn quẩn như chuối, dưa hấu…
– Vậy theo ông, giải pháp để tăng được giá trị xuất khẩu sản phẩm gạo Việt Nam?
Theo tôi, việc đầu tiên phải chuyển mô hình từ quản lý xuất khẩu với các yếu tố cứng như kho, bãi, hợp đồng… sang hướng tiêu chuẩn chất lượng. Đơn giản, nếu ai ký được hợp đồng với nước ngoài thì phải cho xuất khẩu, không nên để tình trạng như một số DN sản xuất gạo hữu cơ tại Cà Mau vì không có giấy phép xuất khẩu nên đã phải đi mua lại hoặc nhờ “ông khác” mới được quyền xuất khẩu.
Thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi thế chế quản lý ngành lúa gạo và chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng quản lý chất lượng và thúc đẩy hợp tác liên kết trong chuỗi. Nếu làm được hai vấn đề này thì mới hy vọng cải thiện được năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam. Gạo Campuchia đã vượt qua gạo Việt Nam chỉ đơn giản là gạo của họ “sạch” hơn chúng ta, tức là không bị pha tạp nên ngon và chất lượng tốt hơn. Riêng gạo của Lào thì hơn hẳn Việt Nam.
– Xin cảm ơn ông!
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp