Ông Olaf Scholz trở thành Thủ tướng của liên minh gồm 3 đảng: Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP).
Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) nhận hoa chúc mừng sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm nay. Ảnh: Reuters |
Ba đảng nằm trong liên minh vốn có những quan điểm đối kháng nhau. Về tư tưởng, hai đảng cánh tả là SPD và đảng Xanh có quan điểm gần gũi với nhau, trong khi FDP lại nghiêng về các chủ trương chính sách của đảng cánh hữu CDU/CSU hơn. Tuy nhiên, do thất bại lịch sử của khối CDU/CSU, FDP không còn lựa chọn nào khác là phải liên minh với hai đảng cánh tả để có thể cầm quyền.
Vì sự đối kháng trong nội bộ như vậy, ba đảng có xu hướng thoả hiệp và kìm chân nhau trong nhiều vấn đề. Ví dụ, về vấn đề thuế dành cho người giàu, SPD và đảng Xanh đòi áp thuế cao, trong khi FDP lại đòi giảm thuế. Kết quả là đã không có sự thay đổi nào về thuế dành cho người giàu cả.
Hay chuyện quyền của người cho thuê nhà. Hai đảng cánh tả muốn giới hạn quyền của người cho thuê nhà và không cho phép tăng tiền thuê theo giá thị trường, trong khi FDP chống lại chính sách này. Kết quả là cũng không có thay đổi nào.
Hai bộ quan trọng hàng đầu cho nền kinh tế Đức là Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đều nằm trong tay FDP, đảng có khuynh hướng thúc đẩy kinh tế thị trường. Điều này mang lại niềm tin cho giới kinh doanh và đầu tư vào tương lai tăng trưởng ổn định của kinh tế Đức. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao rơi vào tay đảng Xanh và đang gây ra một số lo ngại về sự thay đổi chính sách đối ngoại của Đức.
Chính sách đối ngoại
Bà Annalena Baerbock, đồng chủ tịch đảng Xanh sẽ nắm giữ Bộ Ngoại giao. Đây là một nhân vật gây tranh cãi, vì trong thời gian chạy đua tranh cử, bà đã vướng phải nhiều bê bối liên quan tới việc kê khai lý lịch. Một cuốn sách do bà viết đã bị báo chí vạch ra nhiều lỗi đạo văn khiến bà phải cho thu hồi. Điều này đã làm sụt giảm uy tín của bà cũng như của đảng Xanh.
Trái với các vị tiền nhiệm trong Bộ Ngoại giao Đức, những người ít nhiều theo đuổi ngoại giao thực dụng, bà Baerbock là người chủ trương ngoại giao nhân quyền. Điều này có thể gây ra những xung đột đáng kể với Nga và Trung Quốc. Đặc biệt trong mối quan hệ với Trung Quốc, bà Baerbock có thể sẽ chấp nhận hy sinh các lợi ích kinh tế để thực hiện một chính sách ngoại giao cứng rắn.
Dù chưa chính thức nhậm chức, bà Baerbock đã tuyên bố sẽ xem xét việc cấm nhập khẩu các mặt hàng được sản xuất từ Tân Cương và không loại trừ việc sẽ tẩy chay Olympic mùa đông ở Bắc Kinh năm 2022. Động thái này đã khiến Đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin giận dữ và ra một tuyên bố cảnh báo Đức không sa đà vào các vấn đề nội bộ của nước khác mà phải nhìn vào lợi ích toàn cục trong quan hệ giữa hai nước.
Nhìn chung, bà Baerbock có thể đi những bước phiêu lưu nguy hiểm. Tuy nhiên, do Thủ tướng Olaf Scholz là một nhà chính trị lão luyện, nhiều khả năng ông sẽ không để cho bà Baerbock quá nhiều quyền quyết định trong những vấn đề đối ngoại lớn.
Năng lượng cực đoan
Dưới thời Merkel, Đức đã từ bỏ năng lượng hạt nhân và có kế hoạch thoát khỏi năng lượng hóa thạch. Đây được coi là một chính sách năng lượng cực đoan, bởi nó khiến giá điện ở Đức bị đẩy lên mức cao nhất trong các nước G-20 và phải nhập khẩu điện từ Pháp cũng như bị phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Chính phủ mới không những tiếp tục duy trì chính sách năng lượng này mà còn đẩy nhanh hơn việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện.
Tân Bộ trưởng Kinh tế và Môi trường Robert Habeck, nguyên là một triết gia và tác giả sách thiếu nhi, là một nhà vận động môi trường cực đoan, nên hoàn toàn có khả năng ông sẽ chấp nhận hy sinh nhiều lợi ích của doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu môi trường.
Đây có thể là một nhân tố chính gây thách thức cho hồi phục và tăng trưởng của kinh tế Đức trong 4 năm tới.
Tiềm ẩn nguy cơ rạn vỡ
Do các quan điểm trái ngược nhau, liên minh cầm quyền lần này của Đức tiềm ẩn nhiều nguy cơ rạn vỡ.
Một trong những điểm xung đột chính có thể là chính sách nhập cư. Đảng SPD và đảng Xanh ủng hộ chính sách mở cửa biên giới như chúng ta đã thấy từ thời Angela Merkel, trong khi FDP chủ trương chỉ đón nhận những người nhập cư có khả năng hòa nhập với xã hội Đức hoặc có trình độ chuyên môn mà nước Đức cần.
Nếu FDP chấp nhận chính sách mở cửa thông thoáng thì đảng này sẽ đánh mất rất nhiều cử tri của mình. Trong khi đó, quốc hội Đức hiện tại có rất nhiều đại biểu thuộc nhóm cận tả, những người lớn tiếng đòi quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn như BMW và mở cửa đón người nhập cư.
Ở hai nhóm đại biểu này có những cá nhân xung đột với nhau gay gắt, chỉ cần một mồi lửa nhỏ cũng có thể bùng lên thành một đám cháy, tạo ra rạn nứt trong liên minh.
Đối tác Việt Nam
Trong diễn văn thành lập liên minh cầm quyền, tân Thủ tướng Scholz nhấn mạnh một điểm rằng Đức cần duy trì mối quan hệ hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc nhưng đồng thời phải tránh bị phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách phát triển mạnh hơn các mối quan hệ với các nước có tiềm năng thương mại thay thế khác như Malaysia, Việt Nam ở Đông Nam Á.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam được nhắc tới trong một phát biểu quan trọng như vậy. Quả thực, nếu Đức và EU quyết tâm thoát dần khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc, họ sẽ phải tìm đến các đối tác như Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực cung ứng linh kiện sản xuất cơ khí, điện tử hoặc nguyên vật liệu trong các lĩnh vực dược phẩm, y tế.
Mặt khác, do Bộ Ngoại giao, Bộ Môi trường và Nông nghiệp của Đức hiện tại đều nằm trong tay đảng Xanh, nên các doanh nghiệp hoặc dự án gắn với năng lượng sạch hoặc bảo vệ môi trường của Việt Nam sẽ dễ tìm được tài trợ hoặc ủng hộ của phía Đức, điển hình như các dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang được thí điểm ở nhiều tỉnh của Việt Nam.
TS Rainer Zitelmann
'Bà đầm thép' nước Đức với năng lực kiến tạo đồng thuận
Bà Merkel chèo chống nước Đức vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ Eurozone và khủng hoảng nhập cư. Khi còn vài tháng ở nhiệm sở, bà vẫn là người đi đầu trong cuộc chiến chống Covid-19.