Từ giữa tháng 7, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.HCM, Bình Dương và một số địa phương phía Nam, một lượng lớn người lao động nhập cư gặp khó khăn nên có nhu cầu về quê. Nhu cầu trở về bắt đầu manh nha với trường hợp 4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An hay 30 người đi bộ từ Bình Định về Quảng Ngãi.

Trong tháng 8, tháng 9, và những ngày đầu tháng 10, nhu cầu này tiếp tục gia tăng, thể hiện qua những đợt di chuyển bằng xe máy hoặc thậm chí là đi bộ, với số lượng lớn.

{keywords}
Gia đình nhỏ rời TP.HCM mắc kẹt ở cửa ngõ về miền Tây tối 30/9. Ảnh: Như Sỹ

Mặc dù được chính quyền các địa phương động viên và hỗ trợ nhưng rất nhiều người vẫn có nhu cầu về quê. Với họ, mọi sự hỗ trợ đều sẽ không đủ cho chi phí sinh hoạt, thiếu hụt tài chính do thời gian giãn cách quá dài, hoặc họ có những tính toán mới cho tương lai.

Việc người dân buộc phải vượt quãng đường hàng ngàn km để về quê trên những phương tiện thô sơ, thậm chí đi bộ, là thực tế không mong muốn, có thể ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến bản thân họ mà còn tạo ra nguy cơ lây lan Covid-19 ra phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, trở về là một nhu cầu chính đáng nên những dòng người trên phương tiện hai bánh rời bỏ chốn đô thị hay khu công nghiệp luôn có thể hình thành mỗi khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.

Những dòng người bỏ phố về quê chỉ đáng lo ngại nếu việc di chuyển không được tổ chức bài bản như nhiều tỉnh đã làm, chẳng hạn như Phú Yên. Giải tỏa bớt người lao động tạm cư về các địa phương cũng là cách để giảm áp lực cho địa bàn đô thị, khu công nghiệp khi mà các nỗ lực ứng phó với dịch bệnh chưa biết đến khi nào sẽ hoàn thành.

Giới hạn của tư duy quản lý

Trước sự xuất hiện của các dòng người di chuyển về quê, chính quyền nhiều địa phương đã nỗ lực vận động để giữ chân người lao động tại nơi cư trú. Những quy định về xét nghiệm và tiêm vắc xin cũng được ban hành nhằm bảo đảm rằng chỉ những cá nhân đủ điều kiện mới được di chuyển.

Tại TP.HCM, một số điểm chốt ngăn dòng người về quê đã được thiết lập nhằm kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, trước áp lực hồi hương ngày càng tăng, nhiều địa phương đã nới lỏng một số quy định hành chính và bố trí phương tiện để hỗ trợ người lao động về quê.

Những gì đã diễn ra cho thấy tư duy chủ đạo trong việc kiểm soát dịch bệnh đến nay vẫn nhấn mạnh ý niệm “quản lý”, vốn đề cao vai trò của chính quyền trong tư cách một hệ thống kiểm soát các quan hệ xã hội và thực thi các quyết định chính sách.

{keywords}
Mưa lớn suốt dọc miền Trung ngày 6/10 khiến người dân trên đường về quê gặp nhiều gian nan. Ảnh: Quốc Huy

Do đề cao vai trò quản lý của chính quyền, những mệnh lệnh giãn cách xã hội hoặc kiểm soát việc đi lại được ban hành dễ dàng. Tính chất cưỡng ép, buộc phải tuân thủ của các quy định hành chính nêu trên không chỉ tạo ra trách nhiệm thực thi cho đội ngũ cán bộ mà còn gây ra những rắc rối về thủ tục, bức bối về tinh thần, tăng thêm sự vất vả cho những người thực sự muốn về quê.

Những dòng người hồi hương bằng xe máy hoặc đi bộ cho thấy, dù với bất cứ lý do nào thì chúng ta cũng sẽ không thể ngăn chặn nhu cầu về quê rất chính đáng của người dân. Tuy nhiên, thực tế cũng lại cho thấy nhiều địa phương đã bị động về kịch bản ứng phó với làn sóng người lao động hồi hương.

Những nguy cơ về sự mất an toàn trong thời gian di chuyển, nguy cơ lây lan dịch bệnh là có thật, cùng với biết bao hoàn cảnh khó khăn, rất cần sự hỗ trợ trên đường đầy gian truân. Những gì đã và đang diễn ra với hàng vạn người lao động muốn về quê gợi ra rằng, để có thể trường kỳ ứng phó với các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, chúng ta cần nhanh chóng chuyển từ tư duy “quản lý” đến tư duy “quản trị” các vấn đề xã hội.

Quản trị các vấn đề xã hội

Ngay từ giữa tháng 7, một số địa phương đã chủ động phối hợp với nhiều cá nhân, tổ chức để ứng phó với nhu cầu hồi hương của người lao động.

Chẳng hạn, Hội đồng hương Đà Nẵng đã khảo sát và ghi nhận được nhu cầu của người lao động Đà Nẵng tại TP.HCM là được giúp đỡ tài chính, lương thực, thực phẩm và hỗ trợ để trở về. Trên cơ sở đó, chính quyền thành phố cùng Hội đồng hương đã thống nhất hỗ trợ, trong đó ưu tiên người già, bệnh tật, neo đơn, trẻ nhỏ và người đăng ký trước để vận chuyển bằng ô tô về Đà Nẵng.

Đến cuối tháng 7, những hành động hỗ trợ với mô hình tương tự cũng được triển khai với người dân các tỉnh Phú Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh.

Những gì diễn ra với các địa phương nêu trên phản ánh tinh thần cốt lõi của tư duy quản trị trong việc ứng phó với các vấn đề xã hội. Hướng đến đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tư duy quản trị sẽ kết nối chính quyền cũng như các chủ thể tư nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận, và vai trò ngày càng tích cực của mỗi công dân.

Với tư duy quản trị, bên cạnh hệ thống chính quyền và các động lực thị trường, các nhà lãnh đạo quốc gia có thêm các mạng lưới kết nối chủ thể đa dạng để có thể huy động vào thực hiện các hành động tập thể.

Quá trình ban hành và thực thi các quyết định chính sách sẽ tính đến không chỉ các lợi ích công mà cả các lợi ích tư nhân, nhóm, và cộng đồng xã hội. Nhờ đó, các hành động ứng phó với các vấn đề mới nảy sinh sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội, huy động được nhiều nguồn lực hơn, các hành động trở nên linh hoạt và mềm dẻo hơn, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân hơn.

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Đón dân về quê!

Đón dân về quê!

Cư xử thế nào cho trọn cái lý, thấu cái tình với người dân khốn khó lúc này, cần lắm cái tâm của những người lãnh đạo tỉnh, thành.