Hầu hết các nhà quan sát trên toàn thế giới đã kỳ vọng rất thấp hoặc dự báo trước tình hình bi quan cho kết quả sự kiện này. Giống như thời tiết lạnh giá ở Anchorage, thành phố lớn nhất bang Alaska, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không thể sớm nồng ấm trở lại.

{keywords}
Cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa quan chức Mỹ - Trung khởi động trong bầu không khí căng thẳng. Ảnh: Reuters

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken đã có cuộc gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị tại Anchorage.

Hai nước hiện đối đầu trên nhiều vấn đề, từ các cuộc tấn công mạng đến thương mại, Tân Cương, Tây Tạng… Quan hệ Mỹ - Trung đặc biệt xấu đi dưới thời chính quyền Donald Trump - người khởi phát tuyên bố thương chiến với Bắc Kinh. 

Hai bên cùng không nhượng bộ

Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Biden vẫn tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ. Cho đến thời điểm này, Nhà Trắng vẫn chưa thu hẹp các biện pháp trừng phạt và đòn thuế quan từng được áp đặt dưới thời Trump đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Biden vẫn mong muốn hợp tác với Bắc Kinh để đối phó với những thách thức chung như biến đổi khí hậu. 

{keywords}
Phái đoàn Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Song các động thái của hai bên trước cuộc gặp đã cho thấy tương lai của kết quả ảm đạm được báo trước. Những màn giao thiệp lịch sự nhẹ nhàng vốn được hai bên dành cho nhau trước khi đối thoại đã bị thay thế bằng những màn "khẩu chiến" ngay trước ống kính phóng viên. 

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng có ít nhất một nhiệm vụ cho phái đoàn Trung Quốc lần này, đó là làm cho Mỹ hiểu rõ quyết tâm không thể lay chuyển của Trung Quốc liên quan đến những lợi ích cốt lõi của họ. Chính quyền mới của Mỹ biết rằng Trung Quốc sẽ không thực thi bất kỳ thỏa hiệp nào, nhưng họ có thể không hiểu Bắc Kinh sẽ hành động ra sao và mức độ nghiêm túc trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi.   

Hôm 17/3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải phát biểu trước giới truyền thông rằng, đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước của Trung Quốc thì "Trung Quốc quyết không thỏa hiệp và nhượng bộ. Đây cũng là thái độ mà chúng tôi sẽ thể hiện rõ trong đối thoại lần này”.

Còn các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết, phía Mỹ sẽ bày tỏ lập trường không khoan nhượng đối với các hành động sai trái của Trung Quốc và cuộc gặp tại Alaska có thể trở thành cuộc tiếp xúc duy nhất nếu Bắc Kinh không cải thiện hành vi của mình.

Phát biểu ngày 18/3 trước lúc gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong, ông Blinken nói rõ: “Trung Quốc đang sử dụng các hành vi ép buộc và gây hấn” với những vấn đề như Hong Kong hay yêu sách ở Biển Đông.

Vừa khởi động đã căng thẳng

Cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa quan chức Mỹ - Trung đã chính thức khởi động ngày 18/3 (giờ địa phương) trong bầu không khí căng thẳng với những ngôn từ chát chúa ngay trước sự chứng kiến của báo giới.

{keywords}
Phái đoàn Mỹ. Ảnh: Reuters

Ngay từ đầu, ông Sullivan khẳng định: "Mỹ không tìm kiếm xung đột, song chúng tôi không ngại ngần trước cạnh tranh cứng rắn. Chúng tôi sẽ luôn ủng hộ những nguyên tắc của mình, vì người dân và các bạn bè của chúng tôi".

Bắc Kinh lâu nay vẫn yêu cầu Mỹ không can thiệp vào "những vấn đề nội bộ". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken vẫn khẳng định những hành động nói trên của Trung Quốc "đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vốn duy trì sự ổn định toàn cầu lâu nay. Đó là lý do mà những vấn đề đó không chỉ đơn thuần là nội bộ". 

Đáp lại, ông Dương Khiết Trì đã phản pháo bằng một bài "rao giảng" kéo dài 17 phút, vượt quá thời gian quy định 2 phút cho màn giao thiệp trước khi phiên họp bắt đầu như theo thỏa thuận.

Ông Dương cảnh báo Mỹ nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Washington đạo đức giả. Theo ông, Mỹ đã lợi dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để bắt nạt các nước khác. Ông cũng nói rằng Mỹ cũng có những vấn đề liên quan nhân quyền.

Tới lúc hai bên họp kín, khi các phóng viên đưa tin cuộc họp phải ra ngoài, ông Blinken đã ra hiệu giữ họ ở lại để tiếp tục phản bác lại lời lẽ chỉ trích của Trung Quốc về vấn đề dân chủ.

Tiếp lời của Blinken là phản bác của ông Sullivan. Sau đó, ông Blinken muốn giải tán cánh báo giới. Nhưng theo những hình ảnh và ghi chép tại sự kiện, giới chức Trung Quốc sau đó đã "đòi thêm lượt" để "tiếp lời" Mỹ. Cuộc tranh cãi đã biến phiên chụp ảnh chung dự kiến 4 phút thành một cuộc khẩu chiến kéo dài hơn 1 giờ.

Phía trước là con đường gập ghềnh 

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cáo buộc giới chức Trung Quốc vi phạm nghi thức ngoại giao khi phát biểu vượt quá 2 phút cho phép đối với chủ tọa phiên khai mạc. Quan chức Mỹ này khẳng định: "Phái đoàn Trung Quốc dường như có chủ ý ‘khua môi múa mép’, tập trung vào nghệ thuật sân khấu công chúng và kịch tính hơn là thực chất”.

Trước đó, khi phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ "sẽ phản ứng lại nếu thấy cần thiết khi Trung Quốc sử dụng biện pháp ép buộc hoặc gây hấn để đạt được mục đích của họ".

Ông cũng mô tả: "Mối quan hệ với Trung Quốc rất phức tạp. Nó có những khía cạnh đối nghịch, khía cạnh cạnh tranh và cả khía cạnh hợp tác. Nhưng mẫu số chung trong việc giải quyết từng vấn đề đó là đảm bảo rằng chúng ta đang tiếp cận Trung Quốc từ một vị thế mạnh, và thế mạnh đó bắt đầu từ liên minh của chúng ta, từ sự đoàn kết của chúng ta, bởi vì đó thực sự là một tài sản độc đáo chỉ chúng ta mới có còn Trung Quốc thì không".

Như vậy, căng thẳng Mỹ - Trung vẫn trong tình trạng có nguy cơ leo thang ngày càng cao. Chưa bên nào có ý định nhượng bộ bên kia bất cứ vấn đề nào. Cuộc gặp này mang tính chất “dò đường” cho quan hệ Mỹ - Trung dưới thời của chính quyền Biden. Tuy nhiên, với kết quả như vậy, con đường phía trước trong quan hệ của hai bên vẫn đang chỉ là gập ghềnh, trắc trở.

Việt Hoàng

Cuộc gặp ‘phá băng’ trong quan hệ Mỹ - Trung

Cuộc gặp ‘phá băng’ trong quan hệ Mỹ - Trung

Đây là lần đầu tiên các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc gặp mặt trực tiếp kể từ khi chính quyền Biden nhậm chức vào tháng 1.

 

Đối thoại Mỹ - Trung kết thúc trong căng thẳng

Đối thoại Mỹ - Trung kết thúc trong căng thẳng

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc cuộc đối thoại "khó khăn" tại Alaska, hé lộ mức độ căng thẳng nghiêm trọng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới thời tân Tổng thống Joe Biden.