Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công thần kỳ gần đây của các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc là bởi các quốc gia đó đã thiết lập được chính quyền dựa trên tri thức - nơi hội tụ và trọng dụng những cá nhân ưu tú, có năng lực nổi trội.

Chính quyền trí tuệ

Với tư cách là một chủ thể ban hành và thực hiện các quyết định tập thể (chính sách công), và để hiện thực hóa được khát vọng bình đẳng xã hội, đưa quốc gia tiến đến thịnh vượng, chính quyền cần được tổ chức và vận hành dựa trên tri thức.

{keywords}
Nhờ thể chế trọng người tài, những người tài năng luôn được bảo đảm cơ hội để có thể cống hiến... Ảnh minh họa

Chính quyền trí tuệ là chính quyền được tổ chức và vận hành minh bạch, ban hành các chính sách đáp ứng những nhu cầu đúng đắn và chính đáng của người dân, thực thi chính sách một cách hiệu quả, đạt hiệu suất cao, và chịu trách nhiệm trước công dân.

Chính quyền trí tuệ cũng không cho phép sự tồn tại của chủ nghĩa thân hữu, quan hệ lợi ích nhóm thiển cận, những ưu ái đặc quyền, hay sự phân biệt đối xử trong quá trình ban hành và thực thi chính sách.

Điều này có nghĩa, chính quyền trí tuệ phải là nơi hội tụ của tài năng và nỗ lực cống hiến. Cũng bởi thế, chính quyền phải thu hút và sử dụng được những người có năng lực nổi trội trong xã hội.

Đội ngũ công bộc phải là tập hợp những cá nhân ưu tú - những người có đủ năng lực tri thức và ham muốn cống hiến cho xã hội. Để những người đảm nhiệm các vị trí trong hệ thống công quyền là bởi họ đã nỗ lực hơn, chăm chỉ và sáng tạo hơn người khác, thì chính quyền phải thiết lập thể chế trọng người tài.

Thể chế trọng người tài sẽ giúp chính quyền trở nên trí tuệ hơn, qua đó có thể hiện thực hóa được các mong đợi của các thành viên trong cộng đồng xã hội. Hơn thế, việc thiết lập được chính quyền trí tuệ dựa trên quy trình thể chế trọng người tài sẽ giúp gia tăng lòng tin chính trị nơi công dân, qua đó củng cố tính chính danh cho bản thân chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Thách thức thiết lập thể chế trọng người tài

Từ góc độ cấu trúc xã hội, một xã hội trọng người tài là nơi công nhận sự phân chia các cá nhân trong xã hội thành các tầng lớp khác nhau dựa trên tài năng chứ không dựa vào tài sản, đặc quyền, xuất thân, hay vị trí xã hội.

Từ góc độ quản trị công, đó là một hệ thống quy trình tuyển chọn nhân sự khu vực công dựa trên nguyên tắc cạnh tranh năng lực, qua đó những người tài năng nhất sẽ có thể tự thay đổi cuộc sống của mình nhờ khả năng đóng góp cho xã hội.

Nhờ thể chế trọng người tài, những vị trí việc làm đa dạng sẽ chọn lựa được những người với năng lực phù hợp nhất. Hay nói cách khác, thể chế trọng người tài trao những vị trí việc làm vào tay những người xứng đáng nhất, qua đó họ có thể đóng góp nhiều nhất cho tổ chức và xã hội.

Cũng bởi thế, thể chế trọng người tài thúc đẩy sự di động xã hội, qua đó bảo đảm sự bình đẳng và công bằng xã hội. Những người có năng lực nhưng xuất thân từ các tầng lớp yếu thế sẽ không bị cản trở bởi những rào cản giai cấp hay nhóm xã hội. Cũng có nghĩa, những cá nhân xuất thân từ các nhóm hoặc giai cấp xã hội thuận lợi hơn, đang đảm nhiệm các vị trí cao trong chính quyền hoàn toàn có thể bị thay thế bởi những người tài năng hơn nhưng xuất thân từ các tầng lớp xã hội yếu thế, có nhiều bất lợi.

Nhờ thể chế trọng người tài, những người tài năng luôn được bảo đảm cơ hội để có thể cống hiến và được ban thưởng xứng đáng. Những gì họ cần làm là nỗ lực học tập, rèn luyện, và thể hiện tốt nhất trong công việc. Cũng bởi thế, một thách thức lãnh đạo cho các quốc gia hướng đến thịnh vượng và hùng cường là kiến tạo và áp dụng được thể chế trọng người tài cho khu vực công.

Trong xã hội hiện đại, nhà lãnh đạo tài năng và thành công không đơn giản chỉ là người quy tụ và sử dụng được những người tài giỏi xung quanh mình. Hơn thế, nhà lãnh đạo tài năng là người kiến tạo và thiết lập được thể chế trọng người tài cho nhà nước. Chỉ có như vậy, những người tài năng mới luôn có chỗ đứng bền vững trong hệ thống quản trị công của quốc gia.

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) 

Trao chức vụ lãnh đạo cho người tài

Trao chức vụ lãnh đạo cho người tài

Người lãnh đạo là đầu tàu định hướng cho đất nước phát triển và do vậy, chức vụ lãnh đạo phải được trao cho người tài giỏi nhất.