LTS: Trong suốt 70 năm đầu thế kỷ trước, Liên Xô - cường quốc hàng đầu thế giới, “anh cả đỏ” của phe XHCN luôn là hòn đá tảng, chỗ dựa vững chắc cho các quốc gia cùng ý thức hệ, phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Cuối những năm 1980, tình hình Liên Xô bộc lộ nhiều yếu kém, các thế lực thù địch phương Tây chống phá quyết liệt, nội bộ phe XHCN có dấu hiệu khủng hoảng, sa sút…

Tuy nhiên, Liên Xô vẫn là thành trì vững chắc của phe XHCN, một miền đất trải dài mênh mông từ Âu sang Á, một “thế giới đỏ” với gần 20 triệu đảng viên cộng sản, có tiềm lực quân sự hùng hậu với hàng triệu binh sỹ, vũ khí nguyên tử và các khí tài hiện đại bậc nhất thế giới, được ví như “bức màn sắt” bất khả xâm phạm, sừng sững hiên ngang, không thể lay chuyển… Và cũng vì thế không ai có thể đặt ra một câu hỏi khác về tương lai của ngọn cờ đầu thế giới cộng sản.

Nhưng ở Việt Nam, một quốc gia XHCN nhỏ bé cách Liên Xô hàng vạn dặm, có một người đã suy nghĩ, tìm tòi và đưa ra dự báo xác đáng về những biến động không ngờ dẫn đến sự sụp đổ kinh hoàng của Liên Xô - đó là Đại tướng Lê Đức Anh.

Câu chuyện về Liên Xô

Năm 1989, sau thời gian học tập ngắn hạn từ Liên Xô về nước, tôi đến thăm chú Sáu (tên thường gọi của Đại tướng Lê Đức Anh) tại nhà số 5 Hoàng Diệu. Hôm đó ông vui lắm, vì khi tôi đang công tác tại chiến trường Campuchia, chính ông đã chỉ thị tôi phải đi bồi dưỡng kiến thức tại Liên Xô.

{keywords}
Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Quốc phòng thăm và dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội và hải quân Liên Xô, tháng 2/1988. Ảnh tư liệu

Chú Sáu kêu tôi ngồi cạnh, cười hỏi: “Thế học được những gì, giúp ích được gì cho công tác của cháu?”. Tôi báo cáo vắn tắt: “Thưa chú, cháu học được nhiều, nghe được nhiều - nhất là các giáo viên của bạn rất uyên bác và quý mến Việt Nam. Cháu thấy nhiều điều có thể vận dụng vào công tác thực tế khi trở về đơn vị”.

Quả thực, thời gian học tập ở nước bạn tuy không dài nhưng cũng đủ để cho tôi cảm nhận sâu sắc về một đất nước vĩ đại, một nền khoa học kỹ thuật, nghệ thuật quân sự bậc thầy và một chỗ dựa to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam. Đó thật là cơ hội quý giá đối với một sĩ quan quân đội ta lúc bấy giờ.

Nghe xong chuyện học tập, ông dặn: “Cháu học vậy là tốt, cố gắng vận dụng vào công tác. Nhưng phải nhớ, Liên Xô là Liên Xô, Việt Nam là Việt Nam, phải vận dụng cho đúng thực tế của ta, đừng rập khuôn máy móc…”. Nói xong chuyện học hành, ông quay sang hỏi tình hình: “Bên ấy bây giờ thế nào?”.

Tham khảo thêm
Tự hào về người cha - Đại tướng Lê Đức Anh

Tự hào về người cha - Đại tướng Lê Đức Anh

Gia tài ba để lại cho con cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm.

Do ham tìm hiểu, chịu khó quan sát và có chút ngoại ngữ, tôi cũng có ít nhiều trải nghiệm về đất nước và con người nước bạn, kể cả những chuyện hay và chưa hay, nhưng điều băn khoăn nhất là những thay đổi rất lạ lẫm trong xã hội Liên Xô mà trước đó tôi chưa hề nghe thấy.

Đầu tiên là chuyện cấm rượu, một quyết định tạo ra xáo động xã hội rất rõ nét. Người dân không chỉ bàn tán râm ran mà xuất hiện một loạt những thứ châm biếm sâu cay xung quanh một nhu cầu tưởng rất nhỏ của xã hội, tâm trạng xã hội ngày càng chán nản, mất lòng tin.

Rồi tôi kể với ông về những chương trình truyền hình dài lê thê, cả buổi tối chỉ bàn đúng một nội dung về “Perestroyka” (cải tổ) và “Glasnost” (công khai).Tôi kể ông nghe về những dòng người xếp hàng dài cả cây số trong tuyết lạnh mùa đông chỉ để mua hộp bánh McDonald’s chính hiệu Mỹ vừa khai trương giữa trung tâm Moscow. Rồi những tâm sự của giáo viên, sĩ quan Liên Xô về tình hình nước bạn.

Đặc biệt là câu chuyện với người thầy của tôi, một vị tướng tình báo Liên Xô kỳ cựu, từng kinh qua cuộc đối đầu gay gắt giữa hai bên “bức màn sắt” trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Khi tôi hỏi ông giáo vì sao truyền hình suốt ngày nói về cải tổ, đổi mới, rồi công khai, minh bạch…, ông lập tức giơ tay ra dấu: “…Im lặng. Quân đội không bàn chuyện chính trị!”.

Hay có lần, tôi tỏ ý vu vơ:  “Ở Liên Xô bây giờ có nhiều chuyện lạ thế, không như những gì tôi được đọc, được nghe khi còn ở trong nước?”, nhà tình báo kỳ cựu cười nửa miệng: “Ở Liên Xô bây giờ… người trẻ không còn đọc sách trên tàu điện nữa, thiếu nữ không còn dịu dàng như trong tiểu thuyết nữa… và, thậm chí mùa thu cũng không còn vàng nữa…”. Rồi ông thầy thở dài, lắc đầu ngao ngán, ánh mắt lộ rõ sự mệt mỏi chán chường… Lúc đó tôi thoáng nghĩ rằng, chắc phải có điều gì rất lớn lao sắp xảy ra ở Liên Xô, mà chỉ những người ở rất sâu trong cuộc mới có thể dự cảm được.

{keywords}
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm xưởng sửa chữa máy bay của Sư đoàn Không quân 372, tháng 1/1996. Ảnh: TTXVN

Chú Sáu nghe rất chăm chú, dường như những gì tôi kể không còn là câu chuyện về thời gian học tập ở nước bạn. Trước khi dừng câu chuyện, tôi nói với chú Sáu: “Thưa chú, có người còn nói với cháu, cứ đà này Liên Xô đổ mất!”. Gương mặt nghiêm lại, rồi ông nói: “Chuyện này lớn lắm, không nói mò được. Cháu không còn trẻ, đã công tác thực tế tại chiến trường một thời gian, nay lại được đi học thêm. Với những vấn đề trọng đại như thế này, đừng kết luận vội vàng!”. Tôi giật mình: “Thôi chết mình lại quá đà, từ chuyện học tập lại đi bình luận chuyện của “nhà nước lớn”, ông già mắng cho là phải”.

“Liệu Liên Xô có đứng vững không?”

Sau cuộc gặp ấy, dù rất vui nhưng tôi cũng hơi “chột dạ” với lời nhắc nhở của chú Sáu. Bẵng đi hơn một tháng sau khi trở về cơ quan công tác, thủ trưởng đơn vị khi đó là ông Ba Quốc (Thiếu tướng tình báo, Anh hùng LLVT Đặng Trần Đức) gọi tôi lên, chìa ra tờ công văn: “Anh Sáu yêu cầu cấp trên của chúng ta trả lời câu hỏi: Tình hình ở Liên Xô và Đông Âu hiện nay thực chất như thế nào? Liệu có biến động không?”. Tôi giật mình: “Chết cha, hay là tại mình ăn nói linh tinh mà động đến thiên đình? Bây giờ mà không trả lời được câu hỏi này thì chết!”.

Khi đó, tôi mới thuật lại với ông Ba Quốc những gì tôi đã nói với chú Sáu. Nghe xong, ông Ba tỏ ra lo lắng và bảo tôi: “Bây giờ cậu chuẩn bị báo cáo. Đây là vấn đề rất lớn, phát ngôn không thận trọng, nhận định vội vàng thì phiền đấy!”. Tôi về làm báo cáo mà tâm trạng lo lắng không yên, tập trung cao nhất để hệ thống lại những gì đã tìm hiểu, chứng kiến một cách chính xác, và không quên ghi rõ rằng đây mới chỉ là những câu chuyện cụ thể, những nhận xét của cá nhân sau một thời gian học tập, nghiên cứu ở Liên Xô.

{keywords}
Nhân dịp tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập LHQ, chiều 25/10/1995, tại trụ sở LHQ ở New York, Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký LHQ Boutros B.Ghali. Ảnh: TTXVN

Chỉ vài tuần sau, ông Ba Quốc lại gọi tôi đến, giọng lo lắng: “Anh Sáu gọi tôi và cậu ra Hà Nội trực tiếp báo cáo về câu chuyện hôm trước!”. Nghe vậy, tôi lại càng hoang mang không biết sẽ nói gì, báo cáo thêm gì, may được ông Ba động viên: “Cậu biết gì cứ nói, phải thật trung thực!”.

Thế rồi hai thầy trò đưa nhau ra Hà Nội báo cáo cấp trên trực tiếp, chuẩn bị thật kỹ rồi mới xin báo cáo Bộ trưởng. Trong khi tôi báo cáo, ông Ba Quốc không có ý kiến hoặc bổ sung gì khác. Nghe xong, chú Sáu hỏi: “Ý anh Ba thế nào?”. Khi ấy ông Ba mới nói: “Thưa anh, có người không tin chuyện này, nhưng tôi thì tôi tin, vì tôi đã sống trong địch hậu. Nếu những gì về xã hội Liên Xô được phản ánh đúng như thế mà Mỹ không làm gì thì không còn là Mỹ nữa. Dứt khoát là Mỹ sẽ tạo biến động, thậm chí tôi cho là còn có đảo chính!”.

Ông Ba Quốc nói chi tiết hơn về một “kịch bản đảo chính”, như những gì Mỹ từng làm: Bravo 1 - đảo chính giả; rồi đến Bravo 2 - phản đảo chính. Trong đó, “phản đảo chính” mới là câu chuyện cuối cùng, như đã từng xảy ra với Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh… và nhiều chính biến xảy ra như cơm bữa tại Sài Gòn trước đây. Chú Sáu im lặng một lúc, rồi nói với ông Ba: “Anh về nghiên cứu vấn đề này - Liên Xô có đứng vững không? Nếu không đứng vững thì biến động ra sao? Kịch bản khi đó sẽ như thế nào?”.

Tôi không biết hết về những việc lớn khác xung quanh tư duy và những gì chú Sáu đã chỉ đạo, kết luận sau chuyện này, nhưng nay nhớ lại mới thấy, chỉ bằng một câu hỏi mà thường không ai dám hỏi: “Liệu Liên Xô có đứng vững không?”, chắc chắn ông đã tiên lượng rất xa về biến động ở Liên Xô và Đông Âu vài năm sau đó. Cũng từ đó mà ông đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước có sự chuẩn bị, có đối sách cụ thể cho mọi tình huống xảy ra.

Thực tế đã diễn ra đúng như những gì ông dự báo, Liên Xô sụp đổ và phe XHCN Đông Âu tan vỡ trong một thời gian rất ngắn, theo kịch bản không ai có thể tưởng tượng được. Như lời tự thuật của nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Bulgaria Aleksandar Lilov: “Thời bấy giờ, những nhà lãnh đạo cộng sản Đông Âu khi đi ngủ không bao giờ có giấc mơ là sáng mai tỉnh dậy có thể mất chế độ!”.

Và chú Sáu cũng đúng khi khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam dù phải trải qua rất nhiều khó khăn, phải đương đầu với chống phá điên cuồng của thế lực thù địch nhưng sẽ đứng vững và chiến thắng.

Cuộc đấu tranh không khoan nhượng

Cùng thời điểm Liên Xô biến động và đi đến sụp đổ, chúng ta bước vào Đại hội 7 của Đảng. Những năm 1990 đầy sóng gió đối với cuộc đấu tranh trong nội bộ, xung quanh vấn đề làm thế nào để giữ vai trò lãnh đạo của Đảng và đường lối cách mạng Việt Nam. Nhiều nhóm người Việt phản động ở Đông Âu, Liên Xô, có cả những đảng viên “quay đầu bỏ chạy” ra mặt công khai chống Đảng.

Trong nước, các khuynh hướng chính trị lệch lạc đòi “lật án”, kêu gọi xét lại nhiều vấn đề lịch sử của Đảng, kết hợp với hoạt động chống phá của các nhóm ngụy quân, ngụy quyền mang tính chất cực đoan, manh động... Những kẻ tự xưng "nhà khoa học", "nhân sĩ", "trí thức yêu nước" khoác áo “phong trào dân chủ” cao giọng rằng Liên Xô sụp đổ thì Việt Nam sớm muộn cũng theo chuỗi domino tan rã. Rối ren trong ngoài, ngay trong nội bộ ta cũng không phải không có những “tiếng kèn lạc điệu”, gieo rắc hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như sự tất thắng của đường lối cách mạng Việt Nam.

{keywords}
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Lê Đức Anh trong dịp Tết Đinh Sửu 1997

Khó khăn trăm bề, nhưng Đảng đã kiên định vượt qua tất cả, không chỉ giữ được ổn định chính trị mà còn giành được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh…, bước vào giai đoạn đổi mới với tâm thế tự tin và nền tảng chính trị vững chắc.

Trong cuộc đấu tranh âm thầm nhưng vô vùng quyết liệt đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Đảng ủy Quân sự Trung ương đứng ở đầu sóng ngọn gió, cương quyết bảo vệ và bảo vệ thành công chế độ XHCN ở Việt Nam; hơn nữa đã vạch ra bước đi ban đầu cho một nước Việt Nam XHCN khi không còn Liên Xô và phe XHCN. Với những đóng góp và thành công đó, ông cũng đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong xây dựng và bảo vệ chế độ XHCN ở Việt Nam.

Nói về việc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ của Đại tướng Lê Đức Anh, phải nhắc đến thái độ của ông quyết liệt chống tệ tham ô, tham nhũng, đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi tiêu cực, vi phạm đường lối và nguyên tắc Đảng.

Đặc biệt, ông luôn cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, lợi dụng những “điểm mờ” trong lịch sử để tranh công luận tội, chĩa mũi dùi công kích, đòi “lật án” nhằm hạ thấp hình tượng và công lao của Bác Hồ và các vị lãnh tụ, rồi từ đó đòi xét lại vai trò lãnh đạo của Đảng.

Những người từng được làm việc và tiếp xúc với ông luôn thấy một sự vững vàng, minh triết trong tư duy, sự uyên bác trong hiểu biết, đặc biệt là vốn kiến thức lịch sử sâu sắc, luôn sẵn sàng đưa ra những tư liệu, minh chứng đầy đủ và thuyết phục cho mỗi luận điểm của mình. Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ là một nhà quân sự - chính trị lỗi lạc, mà còn là nhà nghiên cứu bậc thầy, dù không bao giờ lấy đó làm kiêu hãnh hay danh xưng ra ngoài.

Tiếng nói trực diện dù trong “số ít”

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, không ít lần Đại tướng Lê Đức Anh gặp khó khăn, nhưng không bao giờ ông lùi bước. Kể cả sau khi về nghỉ, ông Sáu vẫn nói: “Nếu ai cũng buông xuôi thì sẽ không ai bảo vệ Đảng!”.

Và rồi ông dặn: “Trong chính trị phải luôn nhớ, nếu chỉ có xây dựng thôi không đủ, mà còn cần phải đấu tranh. Đấu tranh để bảo vệ cái đúng, cũng phải sẵn sàng đón nhận việc người ta quay ngược với mình. Trong đấu tranh có một nguyên tắc, một sức mạnh, đó là không nói sau lưng, tuyệt đối không lén lút, bóng gió mà phải thẳng thắn trực diện. Nếu tin là mình có chính nghĩa thì chắc chắn sẽ thắng lợi!”. Đúng vậy, có chính nghĩa nhưng cần trực diện, dù cuộc đấu tranh vì lẽ phải luôn gập ghềnh chông gai.

Cũng có lần chú Sáu trải lòng: “Những lúc khó khăn cấp bách, cần một cái đầu tỉnh táo để nói cho được ý kiến của mình, dù đó chỉ là tiếng nói của thiểu số. Nhưng nói và làm phải thật đúng nguyên tắc. Mình dám nói và nói trúng, biết cách nói và nói đúng lúc thì sẽ thuyết phục được tập thể chấp thuận…”. Đây thực sự là niềm tin và hành động xuyên suốt cả cuộc đời vị tướng kiên định.

Đọc lại hồi ký của ông, nhớ lại nhiều việc xảy ra trong cuộc đời binh nghiệp và chính trị của ông, thấy rõ rằng không ít lần ông nằm trong “số ít”, nhưng vẫn thẳng thắn cất lên tiếng nói khác, tự chịu trách nhiệm về quan điểm của mình và tìm cách thuyết phục được số đông. Có những việc phải rất kiên trì, ròng rã đến hàng chục năm, nhưng những gì đã xác tín thì ông theo đuổi đến cùng. Thực tế đã chứng minh chân lý của một con người cộng sản, một vị tướng trận mạc và một đảng viên bảo vệ Đảng đến hơi thở cuối cùng.

Kỳ tới: Chiến lược quốc phòng thời bình và dấu ấn Đại tướng Lê Đức Anh

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) 

Đại tướng Lê Đức Anh và hành trình tới hòa bình toàn vẹn

Bài 3: Đại tướng Lê Đức Anh và hành trình tới hòa bình toàn vẹn

Đại tướng Lê Đức Anh đặt ra câu hỏi về những biến động của Liên Xô và phe XHCN. Ông kiến nghị Bộ Chính trị về việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để xóa cấm vận của Mỹ.