- Cuộc gặp Trump – Tập được tuyên bố là đôi bên cùng thắng, tuy nhiên, đừng tin vào những gì quảng cáo.
Cuộc gặp ăn tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 được tuyên bố là đôi bên cùng thắng và được ví như chiếc “phanh” hãm tốc cuộc thương chiến Trung – Mỹ đang leo thang nguy hiểm. Thực tế các thỏa thuận ấy là như thế nào và tác động của chúng đối với cuộc tranh giành địa chính trị Trung – Mỹ ra sao?
Cuộc gặp Trump – Tập được tuyên bố là đôi bên cùng thắng, tuy nhiên, đừng tin vào những gì quảng cáo. . Ảnh: foreignpolicy.com |
Tránh khỏi điều tồi tệ nhất
Cuộc gặp tại Buenos Aires đã thiết lập một lộ trình cho quan hệ Trung – Mỹ trong tương lai. Tầm quan trọng của cuộc gặp này có thể được so sánh với cuộc gặp thượng đỉnh G20 đầu tiên cách đây 10 năm, giữa lúc cao trào của khủng hoảng tài chính. Đại sứ Argentina tại Bắc Kinh, Diego Ramiro Guelar nhận định: “Năm 2008, chúng ta đã ở trong một cuộc khủng hoảng thực sự. Năm 2018, chúng ta ở trong một không khí khủng hoảng, đầy lo ngại và khó đoán định”.
Tuy nhiên, trưởng nhóm chuyên gia phân tích chính trị của Evercore ISI, Terry Haines có đánh giá khác về thỏa thuận tại cuộc gặp Trump – Tập. Ông nói đây là “một kết quả tích cực đối với thị trường trong ngắn hạn, song chưa phải là một ‘lệnh ngừng bắn’ đúng như một số người mong đợi”. Theo ông, kết quả cuộc gặp đã cho phép cả hai bên cùng ca ngợi đây là một chiến thắng trong khi không giải quyết được các bất đồng căn bản giữa họ. Trung Quốc nhận được một lời hứa hẹn trì hoãn tăng thuế, và Mỹ nhận được cam kết tăng mua nông sản, và duy trì đòn bẩy thúc đẩy thay đổi cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc hơn nữa.
Michael Pillsbury, học giả tại Viện Hudson và từng là cựu quan chức quốc phòng dưới thời các Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và George W. Bush, cũng nhận định: “Chẳng bên nào nhận được những đòi hỏi tối đa của mình và đây không phải là lần đầu tiên trong quan hệ Mỹ – Trung, hai bên đều tuyên bố chiến thắng. Nói đúng ra thì hai bên đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất”.
Trước thềm G20, Mỹ đã lên kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Kế hoạch tăng này hiện đã được hoãn lại. Nếu tính toán sơ bộ, áp thuế 25% sẽ đồng nghĩa với tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 0,9%. Giữ thuế ở mức 10% sẽ đồng nghĩa với tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 0,5%.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong hơn một năm qua, giai đoạn đã chứng kiến ông Trump áp thuế mới đối với hàng tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh chấm dứt các thói quen thương mại mà Mỹ cho là không công bằng. Cuộc gặp là cơ hội cuối cùng để giữ cho các tranh cãi thương mại không leo thang thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và lan rộng hơn.
Nhưng những câu từ ca ngợi thiện chí và chiến thắng sau cuộc gặp tại Argentina sẽ không ngân vang mãi. Ông Tập và ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể giải quyết những lo ngại căn bản của Mỹ về các chính sách công nghiệp và mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc. Chính vì vậy, bất cứ tiến trình nào để giải quyết các vấn đề này sẽ chỉ thất bại. Dù mức thuế mới đã được tạm hoãn áp dụng, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục sắp xếp lại quan hệ kinh tế Mỹ – Trung thông qua các hạn chế đầu tư, kiểm soát xuất khẩu và các hành động thực thi luật pháp chống do thám mạng. Trong khi đó, không có hy vọng thực sự nào về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm giải quyết các lĩnh vực tranh cãi quan trọng khác về các chuẩn mực, quy định và các thể chế điều hành quan hệ tại châu Á. Những gì ông Trump và ông Tập nhất trí tại Argentina không thay đổi được căn bản những điều này.
Nhưng một số kết quả khác của cuộc gặp có lẽ còn quan trọng hơn: Mỹ hứa duy trì chính sách “Một Trung Quốc”, trong khi Trung Quốc ủng hộ các cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Việc một tàu chiến Mỹ gần đây đã quá cảnh tại đảo Đài Loan, và Quốc hội Mỹ thông qua luật kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan… làm dấy lên những lo ngại ở Bắc Kinh. Trong bối cảnh này, nếu cuộc chiến tranh thương mại không được kiểm soát, có thể đẩy hai nước vào một cuộc vật lộn lâu dài kiểu thời Chiến tranh Lạnh.
Đối với ông Tập, cuộc gặp này là chìa khóa để bảo toàn mối quan hệ 4 thập kỷ qua giữa Trung Quốc với Mỹ. Ông đã tránh được nguy cơ cuộc xung đột kinh tế xuất phát từ thuế của ông Trump lây lan sang các lĩnh vực khác nhạy cảm như Đài Loan – kịch bản có thể nói là tồi tệ nhất.
Tác động địa chính trị
Cuộc gặp Trump – Tập được tuyên bố là đôi bên cùng thắng, tuy nhiên, đừng tin vào những gì quảng cáo. Thỏa thuận tại Argentina chỉ là sự ngừng bắn chiến thuật, tạo ra một quãng thời gian ngắn ngưng nghỉ cho các thị trường tài chính đang hốt hoảng và người nông dân Mỹ đang hoang mang. Kết quả cuộc gặp này không có tác động thực tế hay kéo dài nào đối với cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Trung – Mỹ.
Ý nghĩa của cuộc gặp vượt quá “địa hạt” kinh tế, và phản ánh một thách thứ chiến lược lớn hơn đối với trật tự toàn cầu. Mỹ đang phải vật lộn với vị thế toàn cầu ngày càng lớn của Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc muốn được thừa nhận là một đại cường quốc và đẩy lùi hàng thập kỷ chế ngự quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Thực vậy, cuộc chiến thương mại đã cho thấy những căng thẳng sâu sắc, khi ngày càng có nhiều người chỉ trích Trung Quốc ở Washington tìm cách ngăn chặn thách thức của Bắc Kinh đối với trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu. Chính quyền Tổng thống Trump đã làm sống lại các nỗ lực nhằm tập hợp một liên minh khu vực gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản để đối trọng với sự mở rộng quân sự của Trung Quốc và ảnh hưởng của nước này qua các chương trình đầu tư vào hạ tầng cơ sở.
Mỹ sẽ không giảm bớt cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng nếu nói rằng sẽ có cuộc chiến kiểu như Chiến tranh Lạnh hay Chiến tranh thế giới lần thứ nhất có lẽ là hơi quá. Cạnh tranh không đồng nghĩa với đối đầu, càng không phải là chiến tranh. Mỹ sẽ duy trì đối thoại với Trung Quốc để kiểm soát các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn và tìm các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, trọng tâm của Washington rốt cuộc là làm cho Mỹ hùng mạnh nhất và tốt đẹp nhất.
Trong bối cảnh đó, thách thức Trung Quốc tạo ra một cơ hội hiếm có và quan trọng cho sự đoàn kết chính trị ở Mỹ. Rõ ràng người Cộng hòa và người Dân chủ có một sự đồng thuận lưỡng đảng trong vấn đề này. Hai bên sẽ buộc phải đạt đồng thuận trong cách tiếp cận các vấn đề như thương mại, ngân sách quốc phòng, chính sách thuế, chi tiêu nội địa và nhập cư, ít nhất dưới lăng kính tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ.
Bởi một trật tự do Trung Quốc lãnh đạo sẽ đồng nghĩa với một nước Mỹ có quan hệ đồng minh lỏng lẻo hơn, ít đối tác an ninh hơn, và một quân đội buộc phải hoạt động ở khoảng cách lớn hơn. Các công ty Mỹ sẽ không được tiếp cận với các thị trường và các công nghệ hàng đầu, và bị yếu thế bởi các tiêu chuẩn, quy định đầu tư mới, và các khối thương mại. Hậu quả thực sự sẽ là một nước Mỹ ít chắc chắn hơn, ít thịnh vượng hơn và ít có khả năng thể hiện quyền lực của mình trong thế giới hơn. Việc tăng tính cạnh tranh của Mỹ nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng phi tự do của Trung Quốc là trong tâm chính của chiến lược Trung Quốc của Mỹ.
Tóm lại, đúng như giới chức Trung Quốc dự báo trước cuộc gặp, một sự mặc cả lớn sẽ khó đạt được. Thay vì thế, Trung Quốc muốn rằng cuộc gặp này là bằng chứng cho thấy hợp tác Trung –Mỹ vẫn là điều có thể và xây dựng một nền tảng cho các cuộc thảo luận trong tương lai./.
Diệu An
Mỹ không thể đối phó Trung Quốc theo kiểu thời chiến tranh lạnh
Sự ra đời của Chiến lược Ấn - Thái thực chất là một nước cờ để kiểm soát, đối kháng một Trung Quốc trỗi dậy thiếu hòa khí?
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Con bài lợi hại của Bắc Kinh
Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và điều này thường được gọi là “phương án vũ khí hạt nhân” của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Mỹ “khoe” đã tìm ra “viên thuốc độc” để “trị” Trung Quốc
Đặt cạnh tranh Trung - Mỹ trong bối cảnh đó thì xung đột thương mại chỉ là “câu chuyện nhỏ”, còn câu chuyện lớn hơn là sự cạnh tranh chiến lược, đối đầu trực diện về mọi mặt, trong đó Mỹ là bên đóng vai trò chủ động.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: "Người phát bóng"
Nhiều nhà quan sát cuộc chiến tranh thương mại đồng ý rằng Mỹ đang là “người phát bóng” trong cuộc đấu này. Nhưng cuộc chơi vẫn còn dài.