Sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, Tuần Việt Nam tổ chức Bàn tròn trực tuyến với hai khách mời: Đại sứ Phạm Quang Vinh và GS Phạm Quang Minh (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội). 

Kịch tính và gay cấn

Xin hỏi hai khách mời bình luận thế nào về sự kịch tính, gay cấn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi hoàn toàn đồng ý rằng sự kịch tính trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay khiến chúng ta theo dõi và hồi hộp đến phút cuối. Ở đây có mấy điểm nổi bật:

Cuộc bầu cử diễn ra rất sát sao, khoảng cách và thế áp đảo của màu xanh (Joe Biden) không giống như dự báo của truyền thông Mỹ trước đó.

Có hai mốc mang tính báo hiệu rất lớn trong ngày bầu cử 3/11. Đó là khi ông Donald Trump giành thắng lợi ở bang Florida và giữ được Texas, chứng tỏ ông sẽ tiếp tục đi sâu hơn bất chấp những cảnh báo của các cuộc thăm dò dư luận trước đó nói rằng ông gặp bất lợi. Điều này cho thấy cả ngày bầu cử sẽ là sự cạnh tranh rất gay gắt.

Nhưng tới nửa chiều ngày bầu cử, khi diễn ra sự chuyển màu ở bang Wisconsin từ hồng sang xanh thiên về ông Biden, sau đó là cơ hội Biden giành được Wisconsin và Michigan khiến màu sắc đảo chiều. Lợi thế nghiêng về ứng viên Dân chủ.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Con đường trước mắt rộng hơn với ứng viên Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Lê Anh Dũng

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ 120 năm qua, số lượng cử tri đi bỏ phiếu cao đến mức như vậy - 160 triệu người, tương đương 67% cử tri đăng ký. Năm 1900 là trên 70%. Kỷ lục thứ hai là tỉ lệ cử tri bỏ phiếu trước ngày bầu cử lên tới hơn 100 triệu người. Như vậy đến ngày bầu cử 3/11, người ta ghép hai nửa - nửa già đi bầu trước và nửa non là vào ngày 3/11.

Theo quy định của các bang là kiểm phiếu cả trước và trong ngày bầu cử, từ đó tạo ra kịch tính và đảo chiều nhiều lần.

Phút 89 chưa ai quả quyết

GS Phạm Quang Minh: Cuộc bầu cử năm nay rất đặc biệt bởi nước Mỹ đang chứng kiến sự chia rẽ rất sâu sắc. Trong suốt 2019, sự chia rẽ này thể hiện ở:

Chính quyền Mỹ xử lý thế nào với đại dịch Covid-19 - điều ảnh hưởng lớn tới kết quả bầu cử. Đương kim Tổng thống và phu nhân nhiễm virus corona, hơn 200 nghìn người chết và hàng triệu người nhiễm bệnh… tác động rất lớn đến đời sống và phản ứng của xã hội. Tiếp đến là vấn đề sắc tộc, dẫn tới sự chia rẽ trong lòng xã hội Mỹ rất lớn, rất cần hàn gắn. Thứ ba là sự điều hành của nước Mỹ.

Hai ứng viên có sự cạnh tranh rất lớn. Một đương kim Tổng thống đặt nước Mỹ lên trên hết và một người theo trường phái mềm dẻo hơn, có thể đại diện cho tầng lớp bình dân hơn là ông Biden.

Kết quả đổi chiều liên tục, chúng ta như theo dõi một trận cầu mà tỉ số luôn thay đổi. Đến giờ phút này, phần thắng dường như nghiêng về màu xanh, nhưng cũng chưa ai dám quả quyết cho dù đã ở phút 89.

Đường rộng cho ông Biden

Tại sao ngay tại thời điểm này, khi ngày bầu cử đã kết thúc, chúng ta mới chỉ có kết quả dựa vào công bố của báo chí Mỹ mà chưa thể biết đích xác nhất ai sẽ là tân Tổng thống Mỹ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nước Mỹ có quy định cụ thể theo luật và theo Hiến pháp về việc chính thức công bố kết quả bầu cử.

Ở các bang đều có ủy ban bầu cử. Sau ngày bầu cử và kiểm phiếu sẽ có khoảng thời gian để khẳng định số phiếu như thế nào, bầu các đại cử tri ở các bang, đại cử tri bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó tổng thống. Sau đó phiếu của đại cử tri mới đưa lên quốc hội. Đó mới là bước 1. Theo quy định, đến 8/12 các bang sẽ chọn ra đại cử tri. Quốc hội mới sẽ được triệu tập, tổ chức kiểm phiếu, phê chuẩn và công bố kết quả chính thức vào ngày 6/1/2021. Cuối cùng, ngày 20/1/2021, Tổng thống - Phó tổng thống mới sẽ tuyên thệ và nhậm chức.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh và GS Phạm Quang Minh.  Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhưng nước Mỹ cũng quy định khi bang nào kiểm phiếu xong thì báo chí sẽ công bố gọi là báo chí công bố kết quả sơ bộ. Đến bây giờ, truyền thông Mỹ hầu hết đã đưa ra con số rằng, ông Biden được 264 phiếu đại cử tri (thiếu 6 phiếu để có thể trở thành Tổng thống) và ông Trump có 214 phiếu. Đây là bước công bố theo đánh giá của báo chí.

Khi công bố từ báo chí, ai có thể đạt con số 270 phiếu đại cử tri, thì người đó có thể tuyên bố chiến thắng. Ở đây còn vế thứ hai, ứng viên còn lại khi nào sẽ công bố chấp nhận thua cuộc.

Hiện còn 5 bang chưa kiểm phiếu xong bao gồm Alaska, Nevada, Georgia, Bắc Carolina và Pennsylvania trong đó có 4 bang quan trọng (trừ Alaska có 3 phiếu đại cử tri) thì ông Biden đang có 4 cửa do chỉ thiếu 6 phiếu. Bất cứ sau này công bố một bang nào nghiêng về Biden thì ông đã đủ 270 phiếu cần thiết. Ông Trump thiếu 56 phiếu bắt buộc phải có 4 bang chính gộp lại mới đủ.

Như vậy, con đường trước mắt rộng hơn với ứng viên Dân chủ Joe Biden. Trong số phiếu còn lại chủ yếu là phiếu gửi qua bưu điện, và đa phần cử tri Dân chủ bỏ phiếu trước.

Kỳ vọng của người dân

Hẳn là thách thức khó khăn chờ đợi tân Tổng thống Mỹ không nhỏ?

GS Phạm Quang Minh: Sau một nhiệm kỳ của ông Trump, nước Mỹ có rất nhiều thay đổi, thế giới cũng thay đổi. Với nước Mỹ, chắc chắn thách thức là phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, ngăn chặn đại dịch ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đây là hai vấn đề quan trọng nhất trước khi đề cập tới những chuyện khác. Năm đầu của tân Tổng thống Mỹ sẽ phải giải quyết hai vấn đề này.

{keywords}
GS Phạm Quang Minh: Cuộc bầu cử năm nay rất đặc biệt bởi nước Mỹ đang chứng kiến sự chia rẽ rất sâu sắc.  Ảnh: Lê Anh Dũng

Cả thế giới đang mong ngóng tin tức có thể khiến trật tự thế giới khôi phục trở lại. Mỗi người một quan điểm khác nhau nhưng ai cũng mong sự bình yên. Tôi cho rằng cho dù thế nào, dù ai làm Tổng thống Mỹ thì điều cao nhất là nước Mỹ ổn định, trật tự. Đó là sức khỏe của người dân, là kinh tế không còn ảnh hưởng, được phục hồi. Chừng nào Mỹ bất ổn thì ảnh hưởng sẽ không chỉ có nước Mỹ mà còn là toàn thế giới.

Tân Tổng thống Mỹ sẽ phải làm gì để hàn gắn những sự phân hóa, chia rẽ ở nước Mỹ hiện nay?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi muốn quay trở lại ý kiến của GS Minh. Bất kỳ vị tổng thống nào lên cũng sẽ có 2 thách thức lớn. Đó là xử lý bài toán giữa kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế xã hội. Đây sẽ là thước đo để cử tri nhìn vào.

Nhiệm vụ thứ hai là làm sao khép lại sự phân hóa, tăng cường đoàn kết trong lòng nước Mỹ. Cuộc bầu cử vừa qua càng cho thấy chính trị và xã hội Mỹ càng phân hóa hơn. Các tổng thống Mỹ sẽ có chủ trương chính sách khác nhau. Nhưng sự phân cực, phân hóa trong lòng xã hội Mỹ đã chuyển động nhiều năm nay, có yếu tố về mặt chính sách, tôn giáo, kinh tế, công ăn việc làm, nhận thức xã hội…

Trong chiến dịch vận động tranh cử, hai bên đều có cách tiếp cận khác nhau, như hai mặt của một đồng tiền với một mục tiêu. Nhưng tới thời điểm này, những biện pháp của cả Dân chủ và Cộng hòa không hẳn tạo ra đột phá như kỳ vọng của người dân.

Tổng thống mới lần này khác trước, khi chính trị và xã hội Mỹ phân hóa chắc chắn Tổng thống phải có những biện pháp mạnh, kết hợp luồng ý kiến từ cả hai phía Dân chủ và Cộng hòa để tạo ra nền chính trị Mỹ xứng đáng và chính thống, đại diện cho người dân.

Tuyên bố chính sách của Tổng thống mới phải làm hài lòng người dân. Một là nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch và cải thiện kinh tế, thứ hai là đoàn kết xã hội.

Phần 2: Châu Á và Biển Đông dưới thời tân Tổng thống Mỹ

Tuần Việt Nam

Trung Quốc và chọn lựa của người thắng cử Tổng thống Mỹ

Trung Quốc và chọn lựa của người thắng cử Tổng thống Mỹ

Dù kết quả thắng thua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chưa rõ nhưng mỗi ứng viên tổng thống có cách tiếp cận khác nhau về chính sách đối ngoại, trong đó có ứng xử với Trung Quốc.