Trừng phạt kinh tế

Sau 10 ngày Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Nhật tuyên bố phát động vòng trừng phạt đầu tiên đối với Nga về chính trị, tài chính, năng lượng và các lĩnh vực khác.

Mỹ, Pháp, Canada, Italy, Anh, Ủy ban châu Âu (EC) cùng với Đức, và sau đó là Nhật Bản đã loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

{keywords}
Loại Nga khỏi hệ thống SWIFT được xem là “vũ khí hạt nhân tài chính” của các nước phương Tây. Ảnh: Reuters

Ngày 25/2, Mỹ tuyên bố phong tỏa tài sản tại Mỹ của một số lãnh đạo Nga, trong đó có Tổng thống Putin. Các thành viên của Hội đồng An ninh Nga cũng trong danh sách bị trừng phạt.

Hội đồng châu Âu đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong tổ chức nhân quyền hàng đầu của lục địa, song khẳng định Nga vẫn là thành viên và tiếp tục bị ràng buộc bởi các công ước nhân quyền liên quan. Các nhà tổ chức một số sự kiện thể thao và văn hóa như giải UEFA Champions League, hay Công thức 1, và cuộc thi hát Eurovision cũng có những động thái trừng phạt Nga. 

Washington cho biết, cùng với châu Âu, họ sẽ ngăn cản Ngân hàng trung ương Nga sử dụng khoản dự trữ để làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt. Là một phần của chiến lược “pháo đài”, Nga đã giảm dự trữ bằng đồng USD. Tính đến tháng 6/2021, dự trữ bằng USD của Nga chỉ chiếm 16%, so với mức 32% của đồng euro, 22% bằng vàng và 13% bằng đồng nhân dân tệ.

Nga cũng sử dụng các biện pháp "ăn miếng trả miếng", cấm các chuyến bay của Anh đến và đi qua lãnh thổ của mình để trả đũa lệnh cấm tương tự của Anh đối với các chuyến bay của Aeroflot. Nhà chức trách Nga cũng thông báo "hạn chế một phần" quyền truy cập vào Facebook sau khi mạng xã hội này hạn chế tài khoản của một số phương tiện truyền thông mà Kremlin hậu thuẫn.

Trước các đòn trừng phạt của phương Tây, Ngân hàng trung ương Nga ngày 27/2 cho biết họ có tất cả nguồn lực và công cụ cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, một số thậm chí nhiều khoản dự trữ quốc gia của Nga cho chiến tranh có thể bị đóng băng.

Thế giới chứng kiến sự hoảng loạn ngày càng gia tăng trong hệ thống tài chính của Nga. Cho đến nay, đồng rúp đã giảm hơn 30%, thị trường chứng khoán đóng cửa trong cả 5 phiên giao dịch của tuần qua. Từ ngày 25/2, chi phí bảo hiểm đối với khả năng vỡ nợ của chính phủ Nga ngang bằng với Thổ Nhĩ Kỳ. Và áp lực có thể tiếp tục tăng.

Ngoài ra, có một số dấu hiệu cho thấy các ngân hàng Trung Quốc tránh giao dịch bằng đồng USD với các công ty Nga. Hiện cũng không có nhiều dấu hiệu về việc Trung Quốc hoặc nhiều nước châu Á khác có ý định thực thi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng giờ đây, do nguy cơ vỡ nợ cao hơn đối với các nghĩa vụ ngoại tệ của nhiều ngân hàng, công ty và chính phủ Nga, tất cả đối tác (không chỉ phương Tây) sẽ thận trọng hơn.

'Trạng chết, Chúa cũng băng hà'

Ngày 24/2, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp đặt biện pháp trừng phạt mới đối với các lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải của Nga, đồng thời áp dụng kiểm soát xuất khẩu và đưa thêm người Nga vào "danh sách đen" sau khi Tổng thống Putin quyết định tấn công Ukraine.

Điều này đồng nghĩa là các quốc gia bán sản phẩm cho Nga sẽ thấy doanh thu thương mại bị giảm xuống. Nga, nước cung cấp năng lượng chính cho châu Âu, có thể trả đũa bằng cách hạn chế bán khí đốt, dầu và than cho EU. Dù vậy, điều này cũng sẽ gây thiệt hại cho Moscow. 

Trong cuộc họp ngày 25/2, các bộ trưởng Tài chính EU tuyên bố khối này sẵn sàng chịu đựng những tổn thất kinh tế, chủ yếu là giá năng lượng tăng cao, khi áp đặt biện pháp trừng phạt chống Nga. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni nói: "Tất nhiên chúng tôi sẽ phải trả giá về mặt kinh tế cho cuộc chiến này”.

Philip Lane, Trưởng nhóm kinh tế Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trao đổi với các nhà hoạch định chính sách rằng, xung đột Ukraine có thể khiến GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm từ 0,3-0,4% trong năm nay.

Đầu tháng 2, Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng kinh tế ở khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng euro sẽ là 4% năm nay, thấp hơn mức 4,3% dự báo hồi tháng 11 năm ngoái, do số ca mắc Covid-19 gia tăng, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và lạm phát cao kỷ lục vì vấn đề giá năng lượng. Ông Gentiloni cho biết, xung đột Nga - Ukraine khiến cho dự báo tăng trưởng 4,0% càng trở nên bấp bênh.

{keywords}
Người tị nạn từ Ukraine tại ga tàu hỏa ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: PAP 

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, các biện pháp trừng phạt sẽ gây đau đớn chủ yếu cho phía Nga. Ông trao đổi với báo giới: “Chính nền kinh tế Nga sẽ phải trả giá cho quyết định của Putin. Chính các nhà tài phiệt Nga sẽ phải trả giá cho những quyết định của Putin”.

Cùng lúc đó, EU soạn thảo kế hoạch nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nói: “Chúng tôi đang lập đề án về việc châu Âu cùng nhau mua khí đốt tự nhiên, thiết lập các nguồn dự trữ khí đốt chiến lược để chúng tôi giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga… Chúng tôi đang đàm phán với các nhà cung cấp khác trong tuần này. Chắc chắn chúng tôi cần tăng cường khả năng đương đầu của mình trước sự thao túng thị trường có thể từ phía Nga”.

Châu Âu phụ thuộc vào Nga khoảng 1/4 lượng dầu mỏ và 1/3 lượng khí đốt tự nhiên. Sau khi xung đột quân sự bùng phát ở Ukraine, lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu thô Brent giao sau đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong ngày xảy ra chiến sự.

Đồng thời, giá lúa mì và đậu nành của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong gần 10 năm qua, do Nga và Ukraine chiếm 29% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 19% nguồn cung ngô, cũng như 80% dầu hướng dương xuất khẩu. Tình hình hỗn loạn ở Ukraine chắc chắn sẽ tác động đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, làm nghiêm trọng thêm áp lực dân sinh của các nước trên thế giới. 

Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu

Theo nhiều quan chức cao cấp của Mỹ, việc loại các ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Nga sẽ khiến đồng rúp lao dốc. Ngày 27/2, phương Tây đã quyết định loại nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu).

Nếu Nga bị loại ra khỏi SWIFT, hoạt động kết toán giữa đồng rúp với tất cả đồng tiền như euro, yên, nhân dân tệ… đều sẽ không thể thực hiện trên thực tế. 

SWIFT được thành lập năm 1973, công ty tư nhân có trụ sở ở Bỉ đã xây dựng một mạng lưới khổng lồ về thông tin được bảo mật tối đa dành riêng cho các giao dịch tài chính. Giáo sư kinh tế Yamina Fourneyron, làm việc tại Đại học Lorraine, đánh giá: “SWIFT là một trung gian tin học không thực hiện các lệnh chuyển tiền nhưng tập trung những lệnh chuyển tiền giữa khách hàng của các ngân hàng khác nhau. Đó là một công cụ quan trọng để tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho các giao dịch lớn”.

Hiệp hội này hiện có hơn 11.000 ngân hàng ở khoảng 200 nước trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tài chính quốc tế. Năm 2021, mạng lưới này chuyển khoảng 10,6 tỷ lệnh thanh toán trên khắp toàn cầu. Để loại khoảng 300 ngân hàng và thể chế Nga khỏi hệ thống này, các nước phương Tây phải gây sức ép đối với công ty và thuyết phục ít nhất 13 trên 25 thành viên của hội đồng quản trị của SWIFT đưa ra quyết định trên.   

Loại một quốc gia khỏi hệ thống SWIFT không phải là điều chưa từng có. Biện pháp này từng được áp dụng với Triều Tiên năm 2017 sau hàng loạt vụ thử tên lửa. Tiếp theo là Iran trong thời gian từ 2012-2016 và được ông Donald Trump tái triển khai năm 2018.

Biện pháp này cũng từng được cân nhắc áp dụng đối với Nga sau khi chính quyền Putin sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Trung tâm Carnegie vì Hòa bình quốc tế tại Moscow cảnh báo, hậu quả của việc các ngân hàng Nga bị cắt đứt khỏi hệ thống sẽ rất “tàn khốc, đặc biệt là trong ngắn hạn”.

Mặc dù tiền không được trao đổi trực tiếp thông qua SWIFT, nhưng không có mạng lưới tài chính nào có thể xử lý một lượng lớn thông tin thanh toán một cách nhanh chóng như vậy. Và phải rời SWIFT, một quốc gia sẽ hầu như không thể thực hiện thanh toán quốc tế, đây sẽ là một cú đánh tài chính cực mạnh nhằm vào Nga.

Giới phân tích cho rằng biện pháp này sẽ khiến đồng rúp của Nga bị suy yếu đáng kể và hạn chế cả các giao dịch của Ngân hàng trung ương Nga nhằm hỗ trợ đồng nội tệ nước này. Khi đó, kinh tế Nga sẽ bị tổn hại nghiêm trọng do lạm phát trong nước và các yếu tố khác.

Biện pháp loại các ngân hàng ra khỏi hệ thống SWIFT đã mang lại hiệu quả khi các nước tiến hành trừng phạt Iran. Năm 2012 và 2018, khi chương trình phát triển hạt nhân của Iran khiến tình hình ngày càng căng thẳng, Mỹ đã từng các ngân hàng của Iran ra khỏi hệ thống SWIFT. Hậu quả là năm 2018, GDP của Iran sụt giảm mạnh xuống mức -6%, trong khi giá trị đồng rial cũng giảm chỉ còn 1/6 so với ban đầu.

So với Iran, việc trừng phạt Nga sẽ gây ra tác động lớn hơn đối với toàn cầu, do quy mô kinh tế Nga lớn gấp 8 lần Iran. Đặc biệt, châu Âu phụ thuộc vào Nga về năng lượng, với 40% lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ ở châu lục này là do Nga cung cấp. Nếu loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, bên cạnh việc tác động đến hoạt động kinh tế Nga, việc mua năng lượng của châu Âu cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Nếu loại tất cả các ngân hàng của Nga ra khỏi SWIFT, châu Âu sẽ không thể thanh toán các giao dịch mua khí đốt tự nhiên, từ đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động mua bán.

>>> Tình hình chiến sự tại Ukraine 

Việt Hoàng 

Xung đột Nga - Ukraine: Chiến sự cục bộ hay chiến tranh tổng lực?

Xung đột Nga - Ukraine: Chiến sự cục bộ hay chiến tranh tổng lực?

Có góc nhìn cho rằng, phải là cuộc đối đầu trong đó Nga một bên, Mỹ, NATO và Ukraine một bên, không chỉ là sự ủng hộ về mặt chính trị mà tham chiến cùng nhau thì mới gọi là cuộc chiến tổng lực…