XEM VIDEO:

 

Nhà báo Diệu Thúy: Thưa quý vị, cách đây 25 năm, đêm 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đọc thông báo bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Sáng 12/7, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.

25 năm trôi qua, bỏ lại đằng sau những nghi kỵ hận thù, quan hệ Việt - Mỹ bước sang một trang hoàn toàn mới với những phát triển vượt bậc trong rất nhiều lĩnh vực. Hai bên cùng tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề nhạy cảm là rào cản trong quan hệ hai nước để cùng hướng tới một lợi ích chung, đó là Phát triển.

Nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, hôm nay chuyên trang Tuần Việt Nam - báo VietNamNet mời đến trường quay một vị khách mời rất đặc biệt. Xin trân trọng giới thiệu, ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.

Xin cảm ơn ngài Đại sứ đã nhận lời tham gia chương trình giao lưu trực tuyến rất được độc giả quan tâm theo dõi này.

Đại sứ Daniel Kritenbrink: Xin chào các bạn, tôi tên là Daniel Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Tôi rất hân hạnh được có mặt tại đây để giao lưu cùng các bạn.

{keywords}
Đại sứ Daniel Kritenbrink: Sự kiện Tổng thống Bill Clinton đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995 có ý nghĩa lịch sử. Ảnh: Phạm Hải

Nhà báo Diệu Thúy: Khi biết chuyên trang Tuần Việt Nam, báo VietNamNet tổ chức cuộc giao lưu này, rất nhiều độc giả trong và ngoài nước đã gửi các câu hỏi, chia sẻ các quan tâm về các lĩnh vực trong quan hệ hai nước.

Độc giả Tuấn Anh tại Hà Nội gửi câu hỏi: Tổng thống Bill Clinton đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995, khi đó ngài Đại sứ có đang hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao hay không? Cảm nghĩ của ông lúc bấy giờ?

Đại sứ Daniel Kritenbrink: Vào thời điểm đó, tôi mới bắt đầu sự nghiệp trong ngành ngoại giao. Tôi bắt đầu làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 1994 và tôi nhớ khi đó tôi đang làm việc tại Lãnh sự quán Mỹ tại Nhật Bản. Tôi đã theo dõi tin tức về toàn bộ sự kiện này trên truyền thông. Tôi hết sức vui mừng về sự kiện đó và đó thực sự là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử.

Độc giả Trần Văn Phú (TP.HCM) đặt câu hỏi: Quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ đã có các bước phát triển rất phi thường trong 25 năm qua. Xin hỏi ngài Đại sứ, đâu là yếu tố quan trọng nhất với cả hai phía để thúc đẩy quan hệ song phương?

Trước hết, tôi muốn nói rằng, mối quan hệ song phương hiện đang ở mức độ mạnh mẽ, gần gũi nhất chúng ta từng đạt được từ trước tới nay. Chúng ta vừa là bạn bè, vừa là đối tác quan trọng của nhau. Theo tôi, có một số yếu tố giúp đạt được những điều đó. Song, yếu tố quan trọng nhất đưa chúng ta xích lại gần nhau là nỗ lực của các nhà lãnh đạo của cả hai phía, cùng gác lại quá khứ và hướng tới tương lai.

Nhiều độc giả cho rằng, quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm qua đã đạt được rất nhiều thành tựu vượt trên cả mức kỳ vọng. Độc giả Nguyễn Văn Dũng hỏi, liệu ngài có tin tưởng rằng, quan hệ Việt - Mỹ sẽ nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác Chiến lược trong tương lai gần hay không?

Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn và các độc giả rằng chúng ta đang có mối quan hệ tốt nhất từ trước tới nay và thậm chí là tốt hơn kỳ vọng. Tôi nghĩ, mối quan hệ chúng ta đang có hiện nay không phải là phép màu. Đúng như Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam trước đây đã nói với tôi, đó là những nỗ lực của sự dũng cảm và thiện chí của các lãnh đạo và mọi người dân của cả hai nước trong suốt những năm qua. Tôi rất tự hào và tin rằng chúng ta có thể ăn mừng về những gì đã đạt được trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ như hôm nay.

Trong năm 2020, chúng ta đang trải qua những thời điểm hết sức đặc biệt, vì đại dịch Covid-19 bùng phát đang làm đảo lộn mọi thứ. Nhiều độc giả quan tâm đến việc đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng thế nào đến triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Độc giả Lê Phát hỏi, Đại sứ nhìn nhận như thế nào về nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam?

Tôi đồng ý với các bạn rằng, đại dịch Covid-19 đang là thách thức rất lớn đối với tất cả chúng ta. Rõ ràng là đại dịch cũng có ảnh hưởng nhất định đến các sự kiện chúng tôi dự kiến tổ chức trong năm nay. Nhưng một điều thú vị là, chính đại dịch cũng cho thấy hai nước chúng ta có thể hợp tác đến mức nào và có quan hệ gần gũi đến mức nào.

Trong hơn 20 năm qua, chúng tôi đã hợp tác liên tục với Việt Nam để hỗ trợ nâng cao năng lực của hệ thống y tế Việt Nam. Tính đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 700 triệu USD cho các hoạt động này. Riêng đối với hoạt động hỗ trợ phòng chống Covid-19, chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam hơn 13 triệu USD.

Và ngược lại, Việt Nam cũng hỗ trợ Mỹ rất nhiều. Tôi rất xúc động khi người dân và các tổ chức Việt Nam đã đóng góp rất nhiều hỗ trợ người dân Mỹ. Các bạn đã dành tặng cho chúng tôi hàng triệu khẩu trang và vật tư y tế. Các phần quà hỗ trợ đó đã giúp ích nhiều cho cuộc chiến phòng chống dịch của Mỹ. Đó cũng là minh chứng cho thấy chúng ta đã hỗ trợ nhau rất nhiều trong các thời điểm khó khăn.

Xin cảm ơn ngài Đại sứ về những đánh giá khách quan về các nỗ lực chống dịch của Việt Nam. Tôi cũng muốn chia sẻ với các độc giả rằng, trong một cuộc họp báo gần đây, đại sứ có nói một câu khiến tôi rất xúc động: "Người Mỹ có câu ngạn ngữ, trong khó khăn mới biết ai là bạn. Và khi đại dịch Covid-19 xảy ra chúng tôi thấy rằng Việt Nam là một người bạn rất tốt của Mỹ”.

Tôi đồng ý với bạn, đúng là trong những thời điểm khó khăn, chúng ta mới biết ai thực sự là bạn. Trong thời điểm này, chúng tôi thấy Việt Nam là một trong những người bạn tốt nhất của Mỹ.

{keywords}
'Trong những thời điểm khó khăn, chúng ta mới biết ai thực sự là bạn'

Chúng tôi vô cùng xúc động khi hàng ngàn người dân và tổ chức ở Việt Nam đã quyên tặng khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ y tế giúp ích cho Mỹ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã thực hiện công tác phòng chống Covid-19 tốt nhất thế giới, thu được rất nhiều hiệu quả. Và như vậy, hôm nay chúng ta có thể gặp nhau trực tiếp như thế này và thực hiện tiếp các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong 6 tháng cuối năm nay.

Bản thân tôi và rất nhiều độc giả rất mong muốn nước Mỹ sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình thường, cùng nhau phát triển, cùng nhau hợp tác, thực hiện các dự án.

Cảm ơn bạn và các độc giả. Tôi tin tưởng rằng, chúng tôi sẽ sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19. Như các bạn thấy đấy, đây là dịch bệnh xảy ra ở nhiều nước. Nhưng tôi tin rằng, người dân Mỹ sẽ sớm vượt qua khó khăn này. Chúng tôi cũng luôn ghi nhớ sự hỗ trợ của các bạn dành cho chúng tôi trong thời gian vừa qua.

Độc giả Huy Hoàng có câu hỏi: Diễn biến dịch bệnh tại Mỹ có tác động gì đến hợp tác kinh tế, y tế, xã hội với Việt Nam hay không?

Tôi thấy rằng, việc hợp tác y tế giữa 2 bên trong dịch Covid-19 rất tích cực. Chính thời điểm dịch bệnh này lại cho thấy chúng ta đang hợp tác với nhau hiệu quả đến mức nào. Trong phái đoàn ngoại giao Mỹ hiện nay thì đội ngũ đông đảo nhất là đội ngũ về y tế, với hơn 100 nhân sự chuyên trách về các hoạt động y tế và hợp tác với Việt Nam.

Thách thức trước mắt với chúng ta là làm thế nào để nỗ lực giúp nền kinh tế mỗi nước, nền kinh tế khu vực và nền kinh tế toàn cầu khởi động lại, vượt qua các trở ngại do Covid-19 gây ra. Chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận với các quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi hy vọng tất cả sẽ cùng sớm vượt qua các thách thức của đại dịch.

Là nhà báo theo dõi mảng đối ngoại, tôi đã có cơ hội được tham gia một số hoạt động của Đại sứ tại Việt Nam. Tôi thực sự xúc động khi chứng kiến ngài hóa thân thành Ông Địa tham gia vui chơi cùng trẻ khuyết tật ở Sóc Sơn; cùng làm đèn lồng, bánh dẻo với trẻ tự kỷ ở Hà Nội. Ngài cũng chia sẻ sự xúc động khi được thưởng thức ly cà phê sữa đá do chính tay các em pha.

Tôi cũng được biết, ngài là Đại sứ Mỹ đầu tiên trong lịch sử đến thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Chắc hẳn ngài có nhiều cảm xúc, ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam?

Cảm ơn bạn rất nhiều về chia sẻ. Tôi rất yêu quý Việt Nam. Bất kể nơi nào tôi đi trên khắp Việt Nam, tôi đều nhận được sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp dành cho bản thân và gia đình.

Hiện nay, chúng ta đang có mối quan hệ đối tác rất tốt đẹp. Tôi thường xuyên làm việc, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Chúng tôi thảo luận với nhau rất nhiều về các lĩnh vực, từ thương mại, an ninh, năng lượng, y tế... Nhưng tôi cho có một lĩnh vực rất quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả là chúng ta cần tăng cường mối giao lưu và tình bạn, bằng hữu giữa người dân hai nước. Như trong phái đoàn ngoại giao Mỹ, chúng tôi luôn đặt mục tiêu là, chúng tôi ở đây để ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam thịnh vượng, mạnh mẽ và độc lập. Chúng tôi muốn thể hiện những mục tiêu đó qua các nỗ lực, các hoạt động chúng tôi đang tiến hành ở đây.

Bạn đã nhắc tới chuyến thăm của tôi tới nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Đối với cá nhân tôi, đây là chuyến thăm xúc động nhất, có ý nghĩa nhất mà tôi từng có. Tôi hy vọng rằng, chuyến đi này của tôi đã đóng góp một phần nhỏ bé nào đó vào nỗ lực chung xây dựng mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Độc giả Trần Khánh đặt câu hỏi: Tôi rất ấn tượng về chuyến thăm của Đại sứ đến nghĩa trang Trường Sơn và cây cầu Hiền Lương ở Quảng Trị? Xin đại sứ chia sẻ về cảm xúc khi đến hai địa điểm này?

Đó là trải nghiệm rất xúc động và sâu sắc đối với tôi, cả về tư cách cá nhân và tư cách Đại sứ. Mục tiêu của tôi trong các hoạt động đó là muốn thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh đối với tất cả những người đã hy sinh vì lòng yêu nước. Chúng tôi cũng muốn thể hiện các nỗ lực hòa giải. Qua chuyến đi đó, chúng ta cùng gác lại quá khứ để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương.

Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta tăng cường mối quan hệ hôm nay, chúng ta xây dựng được tương lai cho chính chúng ta và con em mình sau này. Nhưng, để làm được điều đó, chúng tôi tin chúng ta cũng cần ứng xử có trách nhiệm với những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực xử lý các vấn đề chiến tranh để lại, ví dụ tìm kiếm hài cốt, binh lính mất tích ở cả hai phía, rà tháo bom mìn còn sót lại, xử lý dioxin sau chiến tranh, điều trị cho những người khuyết tật ở Việt Nam.

Khi cùng nhau xử lý các vấn đề do chiến tranh để lại, chúng ta đã cùng nhau xây dựng lòng tin. Từ đó, chúng ta có thể hợp tác thêm nhiều nữa trong tương lai. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng tôi giữ nguyên cam kết cùng nhau hợp tác xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, làm cho cuộc sống của nhân dân hai quốc gia trở nên tốt đẹp hơn.

{keywords}
Nhà báo Diệu Thúy

Độc giả Lê Chi Na hỏi: Người dân Quảng Trị nói riêng và người dân Việt Nam nói chung rất trân trọng chuyến thăm lịch sử của đại sứ đến nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. 30 năm qua với những khát vọng hòa bình và hòa giải, Mỹ và Việt Nam cùng tích cực tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh. Ngài có thể chia sẻ về các dự án để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh và hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh?

Cảm ơn về câu hỏi và bình luận thiện chí của bạn. Chúng tôi có cam kết chắc chắn đối với xử lý các vấn đề chiến tranh để lại, bởi vì chúng cũng sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia, giúp chúng ta mở rộng thêm các lĩnh vực hợp tác.

Như các bạn đã biết, việc tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh là nội dung nền tảng xây dựng mối quan hệ song phương. Đây là nội dung hợp tác đầu tiên giữa hai quốc gia. Và chúng tôi vẫn gọi đây là hoạt động cầu nối đưa hai quốc gia quay trở lại với nhau. Chúng tôi rất biết ơn Việt Nam về sự hỗ trợ của các bạn trong việc tìm thấy 727 hài cốt của quân nhân Mỹ đã mất tích trong chiến tranh.

Năm ngoái, trong chuyến thăm tới Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cũng cam kết sẽ giúp Việt Nam tìm kiếm hài cốt của các liệt sỹ Việt Nam. Thực tế, chiều hôm nay sẽ chứng kiến một buổi ký kết hợp tác giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ với phía Việt Nam về việc hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hài cốt của các liệt sỹ.

Và chúng tôi cũng đang tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc xử lý dioxin. Năm 2018, tôi đã rất vinh hạnh khi tham gia sự kiện kết thúc tẩy rửa dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Năm ngoái, tôi đã cùng 9 thượng nghị sĩ Mỹ tham gia lễ khởi công các hoạt động tẩy rửa dioxin tại sân bay Biên Hòa, với quy mô lớn hơn rất nhiều.

Chúng tôi rất tự hào về các nỗ lực hợp tác với phía Việt Nam để tháo dỡ bom mìn ở tỉnh Quảng Trị sau chiến tranh. Chúng tôi cũng rất tự hào là trong 3 năm qua, không có một trường hợp thương vong nào do bom mìn để lại gây ra ở Việt Nam. Vừa hôm qua, chúng tôi cũng công bố sẽ mở rộng phạm vi của dự án này sang 2 tỉnh liền kề của tỉnh Quảng Trị là Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.

Năm ngoái, chúng tôi cũng đã công bố việc mở rộng các hoạt động hỗ trợ điều trị cho những người khuyết tật Việt Nam tại 8 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dioxin.

Chúng tôi tin, các hoạt động xử lý dioxin có vai trò sống còn, quan trọng trong việc tăng cường quan hệ Việt - Mỹ.

Độc giả Nguyễn Hoàng Chương muốn hỏi về điểm nhấn hình ảnh của Việt Nam trong mắt người Mỹ trước và sau 1995?

Tôi nghĩ có sự khác biệt rất lớn về hình ảnh của Việt Nam đối với người Mỹ trong vòng 30 năm qua.

{keywords}
 

Trước 1995, hầu hết người Mỹ nghe tới Việt Nam đều hình dung đến chiến tranh. Còn đối với người Mỹ ngày nay, khi nghĩ đến Việt Nam, họ không còn nghĩ đến chiến tranh nữa. Tôi nghĩ những điều họ biết về Việt Nam cũng giống như tôi biết về Việt Nam đây, đó là một đất nước rất xinh đẹp, những con người hợp tác.

Họ có những hình ảnh và thông tin đó về Việt Nam vì có hàng trăm ngàn doanh nghiệp và khách du lịch Mỹ đến Việt Nam. Chúng ta cũng có hơn 30 ngàn sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ.

Đây là những thành tựu rất lớn giữa hai nước. Khi nghĩ đến Việt Nam, người Mỹ không còn nghĩ đến những gì đã xảy trong quá khứ nữa, mà họ nghĩ đến Việt Nam như một đất nước tuyệt vời.

Tôi muốn bổ sung thêm một ý ở đây, là vào tháng 2/2019 khi Việt Nam là nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim của Triều Tiên, Việt Nam đã là một nước chủ nhà tuyệt vời, và chúng tôi hết sức ấn tượng về nền ngoại giao của các bạn.

Tôi nghĩ rằng hội nghị đó đã thay đổi rất nhiều hình ảnh mà thế giới và người Mỹ có về Việt Nam.

Vào thời điểm  đó, có nhiều bạn bè của tôi ở Mỹ viết thư cho tôi nói rằng Việt Nam là một đất nước quá đẹp và họ rất muốn đến Việt Nam. Tôi nghĩ cùng lúc với việc mối quan hệ hợp tác của chúng ta tiếp tục phát triển thì chúng ta có thêm nhiều cơ hội giới thiệu về Việt Nam, với người Mỹ cũng như với toàn thể thế giới.

Một phần nữa của câu hỏi: Ông có ý tưởng giới thiệu các món ăn Việt Nam, trong đó có phở và bánh mì - hai món nổi tiếng của Việt Nam, với bạn bè của ông?

Thú thật, hiện giờ tôi chưa có ý tưởng cụ thể nào để giới thiệu ẩm thực Việt Nam nhưng các bạn Mỹ của tôi rất yêu thích món ăn Việt Nam. Có thể độc giả của các bạn cũng biết đó, thực phẩm và các món ăn của Việt Nam hết sức được ưa chuộng ở Hoa Kỳ. Chúng tôi tự hào là chúng tôi có 2 triệu người Mỹ gốc Việt và họ chính là đại sứ giới thiệu các món ăn của Việt Nam tới Mỹ.

Nhà tôi ở Virginia rất gần một trung tâm thương mại của người Việt ở đó. Tôi rất mong có dịp sớm về đó để thưởng thức đồ ăn. Đặc biệt tôi rất thích bánh mỳ và phở. Ở Hà Nội, tôi rất thích bún chả và chả cá.

Trở lại câu hỏi của độc giả. Độc giả Bùi Thanh Mai hỏi: Kính thưa ngài Đại sứ, tôi thấy hình ảnh của ông với các cựu chiến binh trong chuyến thăm Thanh Hóa gần đây rất ấn tượng. Tôi thấy ông dường như rất quan tâm đến các cựu chiến binh Việt Nam. Tôi xin phép hỏi ngài Đại sứ, ngày thương binh liệt sĩ 27/7 có ý nghĩa rất lớn đối với các cựu chiến binh và gia đình của họ. Trong ngày này, Đại sứ có cuộc gặp gỡ nào với các cựu chiến binh hay không?

Quả thật tôi chưa nhận ra sắp tới 27/7 là ngày thương binh liệt sĩ. Cảm ơn bạn cho tôi biết thông tin này. Tôi nghĩ việc thực hiện một hoạt động nào đó cùng với các cựu chiến binh trong những ngày tới là ý tưởng hay.

Và tôi nghĩ các hoạt động tiếp xúc giao lưu với các cựu chiến binh Việt Nam là hoạt động rất quan trọng.

Ba năm trước, tôi bắt đầu làm việc ở Việt Nam, tôi được khá nhiều bạn bè tư vấn rằng để thúc đẩy nỗ lực hòa giải và xây dựng tình hữu nghị giữa hai quốc gia thì một trong những phương cách là làm việc và tiếp xúc nhiều với các cựu chiến binh. 

Vì vậy, tôi có hân hạnh gặp gỡ các cựu chiến binh, trong đó có những người thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam, và các hội cựu chiến binh ở khắp  các tỉnh thành.

Trong các cuộc gặp, chúng tôi đều có những hoạt động để chia sẻ về quan điểm, suy nghĩ cũng như các hoạt động chung để thúc đẩy hàn gắn. 

Sự kiện diễn ra ở Thanh Hóa vừa rồi, chúng tôi đã tới cầu Hàm Rồng. Trong chiến tranh, đó là điểm giao tranh ác liệt, không chỉ một trận chiến mà rất nhiều trận chiến đã diễn ra ở đó. Và trong sự kiện vừa rồi, chúng tôi gồm các cựu chiến binh Việt Nam, các cựu chiến binh Mỹ, tôi và các đồng nghiệp đã cầm tay nhau cùng đi trên cây cầu ấy.  

Chúng tôi cũng đang có các hoạt động hỗ trợ cho các cựu chiến binh. Cách đây vài tháng, chúng tôi đã tới thăm làng Hữu Nghị và tặng cho làng một số thiết bị. Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tăng cường các hoạt động giao lưu và hợp tác với các cựu chiến binh.

Cám ơn bạn đã cho tôi biết về ngày 27/7. Chúng tôi chắc chắn sẽ có những hoạt động nhất định trong ngày này.  

Thưa Đại sứ, trong rất nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục rất được chú trọng và thúc đẩy. Hiện Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số lượng du học sinh sang Mỹ. Các câu chuyện liên quan giáo dục cũng như các chính sách dành cho du học sinh rất được độc giả quan tâm trong cuộc giao lưu trực tuyến này.

Tôi nghĩ các hoạt động hợp tác về giáo dục là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất để thúc đẩy và đóng góp cho mối quan hệ chung giữa Mỹ và Việt Nam.

Việc học tập ở Mỹ là sự đầu tư hiệu quả. Tôi hết sức ấn tượng về những sinh viên Việt Nam, về những điều họ làm trên đất Mỹ cũng như khi họ trở về và có những đóng góp to lớn cho Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng sự giao lưu về giáo dục này cũng đóng góp rất lớn, quan trọng cho tình hữu nghị song phương. Chúng tôi vẫn nói rằng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tại Hoa Kỳ chính là 30.000 đại sứ văn hóa giữa hai quốc gia. 

Tôi có sự tin tưởng rất lớn vào các hoạt động giao lưu về giáo dục, vì từ chính kinh nghiệm cá nhân, tôi cũng từng là một sinh viên tham gia các chương trình về giao lưu. Và những trải nghiệm đó đã thay đổi cuộc sống của tôi rất nhiều.

Chúng tôi luôn khuyến khích sinh viên Việt Nam tham gia học tập tại Mỹ. Và tôi nghĩ việc học tập ở Mỹ sẽ mang lại cho các bạn một nề giáo dục tốt cùng những trải nghiệm tuyệt vời.

Không chỉ ở Mỹ, nói chung, chúng tôi khuyến khích các bạn học tập ở nước ngoài, vì trải nghiệm học tập ở nước ngoài giúp ích cho các bạn rất nhiều. Các bạn biết thêm rất nhiều về quốc gia mà bạn đang theo học, trang bị cho các bạn thêm nhiều kỹ năng.

Với cá nhân tôi, chính trải nghiệm học tập ở nước ngoài đã thúc đẩ tôi trở thành nhà ngoại giao.

Trở lại câu hỏi về giáo dục, tôi muốn nhắc lại câu hỏi của độc giả Nguyễn Hoàng Chương. Nếu có một cây đèn thần của Aladin thì Đại sứ sẽ ước có một phép màu gì dành cho giáo dục Việt Nam? Và bản thân ngài có thể chia sẻ làm thế nào để giáo dục Việt Nam có thể phát triển, và trong tương lai không xa, đất nước chúng tôi có thể thu hút du học sinh đến Việt Nam học tập?

Đây là câu hỏi rất hay và khó.

Tôi thực sự mong đợi Đại học Fulbirght Việt Nam sẽ sớm có thêm nhiều hoạt động. Tôi nghĩ đó là cách mà những người bạn Việt Nam có thể tiếp cận nền giáo dục đẳng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam.

Hoa Kỳ giữ cam kết rất vững chắc trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giáo dục của mình với tất cả những gì chúng tôi có thể làm, bao gồm hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo về tiếng Anh.

Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động cho các giáo viên Hoa Kỳ, các giảng viên Fulbright tham gia vào việc giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Tôi hy vọng trong tương lai không xa, chúng tôi có các thành viên của Peace Corps đến hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. 

Nếu tôi thực sự có cây đèn thần như bạn hỏi, tôi ước Việt Nam phát triển thêm năng lực để tiếp nhận thêm các hoạt động giao lưu về giáo dục. 

Ví dụ, hiện ở Mỹ có hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập, còn chiều ngược lại có chưa đến 2000 sinh viên Mỹ đang học tại Việt Nam. Dù con số này đang tăng nhưng vẫn tương đối nhỏ. Tôi hy vọng con số này liên tục tăng và ngày nào đó số sinh viên Hoa Kỳ học tập và tham gia các hoạt động giao lưu trao đổi ở Việt Nam sẽ lên đến 30.000. Đó không phải là con số tuyệt vời hay sao?

Vậy, hàng năm các bạn có 30.000 sinh viên Mỹ tham gia các chương trình trao đổi ở Việt Nam, và khi họ trở về thì họ sẽ đóng góp cho Mỹ cũng như đóng góp cho Việt Nam, tăng cường sự hiểu biết giữa hai quốc gia.

Tối qua, tôi có niềm vinh hạnh mời 4 cựu Đại sứ Việt Nam từng công tác tại Mỹ tới ăn tối tại nhà tôi. Một trong số các vị Đại sứ đã chia sẻ với tôi rằng, khi chúng ta càng hiểu nhau rõ hơn thì chúng ta càng yêu quý và trân trọng nhau hơn. Tôi hoàn toàn chia sẻ suy nghĩ của ông ấy và tôi nghĩ các hoạt động trao đổi và hợp tác về giáo dục sẽ giúp tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa hai quốc gia.

Độc giả Võ Huy Thái có câu hỏi: Tôi có nhu cầu xin cấp visa để học tập và làm việc tại Mỹ trong thời gian ảnh hưởng dịch Covid. Xin ngài cho biết chính sách cấp visa này có hạn chế hay không? Nếu có hạn chế, thì khi nào có thể dỡ bỏ?

Câu hỏi của bạn rất hay.  Đúng là chúng tôi cũng thấy rằng đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng nhất định đối với các hoạt động về visa.

Chúng tôi đã tạm ngừng cấp visa trong khoảng thời gian nhất định. Chúng tôi đã nối lại, trở lại một số hoạt động về cấp thị thực. Hiện nay chúng tôi cấp thị thực qua đường thư tín gửi đến Đại sứ quán, và chúng tôi đã bắt đầu cấp trở lại một số loại visa nhất định.

Nhưng như chúng ta đã trao đổi lúc trước trong cuộc đối thoại này, dịch Covid-19 mang lại nhiều thách thức lớn cho chúng ta.

Chúng ta đều nhận thấy rất rõ rằng các hoạt động trao đổi và giao lưu giáo dục có tầm quan trọng rất lớn. Tôi tin trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ có thêm những hướng dẫn về việc cấp thị thực để cung cấp thêm thông tin rõ ràng hơn cho các bạn.

Tôi có lời khuyên, nếu các bạn quan tâm đến việc học tập tại Mỹ thì hãy theo dõi thông tin của chúng tôi, bao gồm website và trang Facebook của Đại sứ quán. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thông tin về thị thực, trong đó có thị thực cho sinh viên.

Hãy liên hệ với các nhà tư vấn của chúng tôi tại hai trung tâm tư vấn du học Hoa Kỳ tại Đại sứ quán ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán ở TP.HCM. Các nhà tư vấn của chúng tôi ở đây có một công việc duy nhất và rất quan trọng, đó là hỗ trợ cho tất cả những bạn muốn học tập tại Hoa Kỳ.

Và nếu như bạn giữ liên lạc thường xuyên với các trường của bạn ở Hoa Kỳ, bạn sẽ nhận được thông tin cập nhật về những nội dung này.

Xin cảm ơn ngài Đại sứ đã chia sẻ thông tin rất hữu ích, không chỉ cho những độc giả mong muốn có nhu cầu học tập và làm việc tại Mỹ. Hy vọng độc giả Nguyễn Viết Hạnh theo dõi cuộc giao lưu này có thể tiếp nhận thông tin mà đại sứ chia sẻ để đưa ra các kế hoạch phù hợp cho lịch trình học tập và công tác của mình.

Thưa  Đại sứ, quan hệ Việt - Mỹ không chỉ đạt các thành tựu vượt bậc về mặt song phương. Trên bình diện đa phương, hai nước cũng đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Độc giả Phạm Xuân Quý có câu hỏi: Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ?

Chúng tôi cho rằng Việt Nam có vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi.

Tôi cũng muốn nhắc lại sự kiện diễn ra hồi tháng 11/2017, trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của mình, Tổng thống Donald Trump đã có phát biểu tại TP Đà Nẵng, trong đó ông đưa ra tầm nhìn của Hoa Kỳ về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Lí do tại sao tôi nói Việt Nam có vai trò trung tâm trong chiến lược này. Tôi muốn chia sẻ rằng có lẽ không phải chỉ Việt Nam nhưng nếu các bạn nhìn vào chiến lược của chúng tôi thì các bạn sẽ thấy rằng, chính sách đối ngoại của chúng tôi thể hiện niềm tin rằng chúng tôi sẽ trở nên mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn khi chúng tôi có các đối tác, đồng minh cũng như những người bạn cũng mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập trong khu vực.

{keywords}
'Chúng tôi cho rằng một nước Việt Nam mạnh mẽ, độc lập có vai trò rất lớn, giúp ích rất nhiều cho mối quan hệ của chúng ta'

Vì thế, chúng tôi hết sức quan tâm đến thành công của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng một nước Việt Nam mạnh mẽ, độc lập có vai trò rất lớn, giúp ích rất nhiều cho mối quan hệ của chúng ta. Và không chỉ Việt Nam mà toàn bộ 10 nước trong khối ASEAN. Mở rộng ra trong khu vực chúng tôi còn có nhiều đối tác khác nữa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và nhiều nước khác nữa.

Chúng tôi tin rằng, khi cùng làm việc với các đối tác này, chúng ta có thể thúc đẩy các lợi ích chung của tất cả chúng ta, trong đó có hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Vì vậy, chúng tôi mong đợi tiếp tục làm việc tích cực với Việt Nam vừa là để giúp cho Việt Nam thành công. Và ở mặt khác nữa, đó là hợp tác với Việt Nam và các đối tác khác trong khu vực để thúc đẩy lợi ích chung và thịnh vượng của chúng ta. 

Trong một cuộc họp báo, ông từng chia sẻ rằng phái đoàn Mỹ ở đây là để giúp đỡ Việt Nam, và  thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi, sự thịnh vượng của các bạn là thịnh vượng của chúng tôi.

Chúng tôi tin như vậy. Chúng tôi cho rằng không ai chỉ tồn tại riêng mình mình. Nước Mỹ trên hết, không có nghĩa là nước Mỹ đứng một mình. Khi chúng ta thành công, chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau. Khi chúng ta là đối tác có cùng suy nghĩ, chúng ta có thể cùng thúc đẩy thịnh vượng trong khu vực. 

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng với những nguyên tắc chúng tôi đề ra, không có nghĩa là chúng tôi có ý định gạt riêng một đối tác nào ra khỏi đó. 

Sự hợp tác của chúng ta không nhắm tới một đối tượng cụ thể nào. Sự hợp tác này để hướng tới việc tất cả các quốc gia hợp tác với nhau, dù lớn hay nhỏ. Các nước đều tuân thủ luật pháp quốc tế, theo trật tự dựa trên luật pháp và hành xử theo luật pháp quốc tế.

Tôi cho rằng Việt Nam đóng một vai trò trong các hoạt động đó. Việt Nam là Chủ tịch ASEAN trong năm nay và đã có những công tác thành công. Việt Nam tham gia HĐBA LHQ và có vai trò đáng kể. Chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình tại Nam Sudan. Vì vậy, tôi nói rằng Việt Nam đóng vai trò trọng tâm trong chiến lược Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Độc giả Nguyễn Minh Đức xin có một số câu hỏi dành cho ngài Đại sứ. 

Thưa ngài, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Ngài có cho rằng Mỹ có thể trở thành một trong nhữn người bạn hữu nghị nhất, thân cận nhất của Việt Nam hay không? Theo quan điểm của Đại sứ, cộng đồng quốc tế nên làm gì để có thể bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông? Là quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới, tại sao cho tới thời điểm này Mỹ vẫn chưa là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam?. 

Tôi cho rằng chúng ta hiện đã là những người bạn thân thiết nhất. Với tất cả những gì hai nước đã có được trong 25 năm qua, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được những thành tựu khác trong 25 năm tới. 

Với Mỹ và Việt Nam, mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai bên là không có giới hạn nào cả. 

Về an ninh hàng hải:  Đó là một câu hỏi hay. Tôi cho rằng an ninh hàng hải đóng vai trò sống còn với sự phát triển kinh tế của khu vực, toàn cầu cũng như với mỗi quốc gia trong khu vực. Tôi cho rằng điều quan trọng là luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mọi quốc gia phải hành xử theo luật pháp quốc tế.

Tôi cho rằng không nước nào được dùng vũ lực để  cưỡng ép, bắt nạt các quốc gia khác và để thúc đẩy lợi ích riêng của họ. 

Mỹ phản đối việc một quốc gia nào đó tìm cách can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí vốn có từ lâu của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam

Tôi xin giải thích chi tiết về những nội dung trong chiến lược Biển Đông của chúng tôi. Thứ nhất là các hoạt động ngoại giao. Chúng tôi sẽ hợp tác với các quốc gia trong khu vực để thúc đẩy giải pháp hoà bình cho những tranh chấp trên Biển Đông cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có hợp tác với các nước trong ASEAN và các tổ chức quốc tế khác để đảm bảo duy trì tự do hàng hải, quyền bay ngang qua và các hoạt động thương mại không bị cản trở trong khu vực này. 

Điều thứ hai chúng tôi muốn tập trung là hỗ trợ cho các quốc gia trong khu vực để tăng cường năng lực, giúp họ nhận thức điều gì đang diễn ra trong phạm vi lãnh thổ của mình, giúp họ có năng lực để đảm bảo các quyền lợi của mình.

Đó là lý do Mỹ hợp tác với Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN, trong toàn vùng, để nâng cao năng lực hàng hải của các nước đó. Mỹ tin rằng các nước có thể tự bảo vệ lợi ích của mình thì họ sẽ giúp sức cho duy trì sự ổn định khu vực và tránh xung đột trong vùng. 

Thứ ba, Mỹ sẽ tiếp tục phát triển năng lực và thực hiện quyền của Mỹ ở đây. Đó là lý do mà các bạn thấy sự hiện diện của hải quân Mỹ ở khu vực Biển Đông, dù là các hoạt động thông thường hay hỗ trợ tự do hàng hải. Các hoạt động này thể hiện cam kết của Mỹ ở khu vực, với những nguyên tắc mà tôi vừa đề cập, với thực hiện pháp luật trong khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục bay ngang, di chuyển tới bất cứ nơi nào luật pháp cho phép. 

Độc giả Hoàng Hoa có câu hỏi. Mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định ngừng cấp thẻ xanh tới cuối năm 2020 với người nước ngoài, vậy chính sách này có kéo dài tới sang năm không, và nếu có, nó ảnh hưởng thế nào tới cộng đồng người Việt ở Mỹ?

Tôi phải thừa nhận rằng mình không biết nhiều lắm về cấp thẻ xanh, hay thẻ thường trú ở Mỹ. Tuy nhiên, tôi có lời khuyên cho các bạn, nếu quan tâm, bạn hãy tiếp tục theo dõi thông tin. Bạn luôn có thể liên hệ với chúng tôi ở phòng lãnh sự thuộc Đại sứ quán ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán ở TP.HCM như liên hệ trực tiếp với cơ quan về dịch vụ công dân và di trú thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ. 

Độc giả Trần Tuấn rất quan tâm và ấn tượng với việc Đại sứ chào bằng tiếng Việt ở phần mở đầu chương trình. Được biết Đại sứ đã học tiếng Việt, vậy theo ông, phần nào là khó nhất khi học tiếng Việt?  

Tôi chia sẻ thật, tiếng Việt của tôi rất tệ. Tôi đôi khi cảm thấy xấu hổ và mong tiếng Việt của tôi sẽ khá hơn. Khi làm việc ở Việt Nam, tôi có ít thời gian học tiếng Việt và đó là một thách thức.

Dù học được ít nhưng tôi thấy đây là ngôn ngữ đẹp. Tôi không rõ các bạn cảm giác ra sao khi nghe tiếng Anh, nhưng tôi nghe tiếng Việt thấy rất mượt mà và dễ chịu.

Đối với các ngôn ngữ, bao giờ cũng có các yếu tố lịch sử làm phong phú ngôn ngữ đó. Đối với tôi, phần khó nhất khi học tiếng Việt là phát âm. Các nhân viên, cộng sự người Việt trong Đại sứ quán đã hướng dẫn cho tôi vài câu tiếng Việt nhưng tôi vẫn chưa phát âm đúng. Khi đi ra ngoài,thỉnh thoảng tôi cũng cố gắng nói vài câu tiếng Việt nhưng mọi người không hiểu.

Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, tôi có thời gian dài sống ở Nhật (8 năm) và Trung Quốc (10 năm) nên tiếng Nhật và tiếng Trung của tôi khá ổn. Kinh nghiệm của tôi là muốn học hoặc làm chủ một ngôn ngữ bạn phải có một thời gian dài sử dụng.

Tôi hy vọng qua thời gian, khi sống lâu ở Việt Nam, tiếng Việt của tôi sẽ tốt lên. Lúc này, tôi phải thú nhận, tiếng Việt của tôi không tốt lắm. 

{keywords}
Tổng biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn tặng hoa cho Đại sứ Daniel Kritenbrink

Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, tôi ấn tượng với khả năng tiếng Anh của nhiều người Việt, đặc biệt là khi tiếp xúc với các bạn trẻ, các sinh viên tôi thấy khả năng tiếng Anh của họ rất tốt. Tôi thường hỏi họ có phải họ đã học ở nước ngoài phải không. Qua trao đổi, tôi ngạc nhiên khi thấy các bạn đều nói rằng các bạn chỉ học tiếng Anh tại Việt Nam. Tôi rất ấn tượng và hy vọng các bạn sẽ cho tôi những lời khuyên học ngoại ngữ để giúp tôi học tiếng Việt.

Cảm ơn ngài Đại sứ về những chia sẻ về sinh viên Việt Nam học tiếng Anh. Là người Việt Nam, tôi xin chia sẻ với ngài Đại sứ bí quyết học tiếng Việt nhanh, đó là hãy tham gia nhiều cuộc giao lưu trực tuyến do Tuần Việt Nam - báo VietNamNet tổ chức. 

Đúng là một ý tưởng hay. 

Kính thưa quý vị, quan hệ Việt - Mỹ 25 năm qua là một câu chuyện với đầy đủ các cung bậc thăng trầm, từ chiến tranh, thù địch, cấm vận, đến hoà giải, tin cậy và phát triển vượt trên kỳ vọng.

Buổi giao lưu trực tuyến với ngài Đại sứ Mỹ hôm nay phần nào giúp độc giả hiểu rõ hơn về chiều rộng, chiều sâu và triển vọng cho quan hệ Việt - Mỹ những năm tiếp theo.

Xin cảm ơn ngài Đại sứ đã tham gia chương trình.

Kính chào quý vị và hẹn gặp lại!

Tuần Việt Nam

Điều ước của Đại sứ Mỹ nếu có cây đèn thần

Điều ước của Đại sứ Mỹ nếu có cây đèn thần

Nếu có cây đèn thần, tôi ước Việt Nam sẽ có thêm năng lực thực hiện hàng loạt hoạt động phát triển giáo dục, Đại sứ Mỹ chia sẻ với độc giả Tuần Việt Nam - báo VietNamNet.