Sau gần 1 tháng giãn cách áp dụng chỉ thị 15 của Thủ tướng (một số nơi áp dụng chỉ thị 16), rồi sau đó chuyển sang chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TP, tình hình dịch bệnh vẫn chưa thấy thuyên giảm tại TP.HCM. Chỉ riêng trong 24 giờ hôm qua, đã phát hiện 667 ca nhiễm mới.

Trước diễn biến phức tạp này, lãnh đạo thành phố cũng như Chính phủ đã quyết định đẩy mạnh việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 để có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

{keywords}
Người dân ngồi chờ 30 phút sau tiêm tại nhà thi đấu Phú Thọ. Chị Trần Thị Phương, nhân viên trạm thu phí cầu Phú Mỹ cho biết, chị đến từ 7h sáng 25/6, nhưng lượng người quá đông, phải đợi đến gần 11h chị mới được tiêm. Ảnh: Thanh Tùng

Là một người dân của thành phố, cá nhân tôi nhận thức rõ chủ trương tiêm vắc xin là giải pháp đúng đắn nhất để chống lại dịch bệnh lúc này. Tuy nhiên, qua thực tế việc tiêm vắc xin mà thành phố đang triển khai, tôi thấy có một số lo lắng nổi lên.

Sàng lọc kỹ để dân không e ngại

Lo lắng đầu tiên là việc nhiều người chưa được kiểm tra Covid-19 trước khi tiêm vắc xin. Các chuyên gia và lãnh đạo cơ quan chức năng cho biết, không như đợt dịch năm trước, năm nay có rất nhiều người đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không hề có triệu chứng. Vì vậy, có thể có nhiều người đã bị nhiễm virus, nhưng vẫn không hề biết.

Việc phát hiện có bị nhiễm hay không, chính xác nhất vẫn phải là sử dụng xét nghiệm.

Chính vì vậy, việc rất nhiều người đi tiêm vắc xin mà chưa hề được xét nghiệm xem có nhiễm virus hay chưa đặt ra một số vấn đề. 

Thứ nhất, nếu những người đã xét nghiệm mà âm tính thì việc tiêm vắc xin là cần thiết.

Nhưng nếu những người bị dương tính mà vẫn tiêm vắc xin (vì không ai biết là họ bị nhiễm) thì có thật sự cần thiết không trong bối cảnh vắc xin rất khó mua như bây giờ? Chưa kể là nếu một người bị dương tính mà xuất hiện trong khu vực tiêm vắc xin thì có thể lây nhiễm cho nhiều người khác, bao gồm cả các y bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ.

{keywords}
Xếp hàng chờ tiêm vắc xin tại nhà thi đấu Phú Thọ sáng 25/6. Ảnh: Thanh Tùng

Lo lắng tiếp theo là việc khám sàng lọc và tư vấn cho người chuẩn bị tiêm vắc xin để hạn chế các biến chứng xảy ra. Kết quả tiêm vắc xin những ngày qua ghi nhận hơn 70 trường hợp sốc phản vệ, trong đó 20 người phản vệ độ 1; 26 người độ 2; 15 người độ 3 và 2 người độ 4.

Vậy nếu khâu khám sàng lọc và tư vấn trước khi tiêm kỹ hơn thì có thể hạn chế được những trường hợp phản vệ như vậy hay không? Một số bác sĩ là bạn bè tôi nói rằng, nên đi xét nghiệm tự miễn dị ứng trước để có thể phát hiện các vấn đề mà cơ thể phản ứng lại với vắc xin, trong đó có các trường hợp bị đông máu.

Vậy tại sao cơ quan chức năng không thực hiện việc xét nghiệm máu này hoặc có thể khuyến cáo người dân tự thực hiện tại các bệnh viện đủ điều kiện (nếu người dân nào có điều kiện tự thực hiện). Điều đó có thể giúp hạn chế được nhiều rủi ro trong khi tiêm vắc xin và sẽ khiến người dân bớt tâm lý lo ngại khi tiêm.

Năng lực tổ chức

Lo lắng thứ ba là việc tập trung quá đông người để đi tiêm vắc xin, nhưng không đảm bảo điều kiện 5K mà chính Bộ Y tế yêu cầu. Điều này có thể tạo ra việc lây nhiễm lớn hơn nếu có những người mang mầm bệnh ở đây.

Báo chí đã chỉ ra còn nhiều bất cập trong việc tiêm vắc xin cho hàng ngàn người tại nhà thi đấu Phú Thọ vừa qua.

Các chuyên gia cho biết, việc thực hiện 5K, trong đó có việc giữ khoảng cách cần thiết theo quy định quan trọng không kém gì việc tiêm vắc xin. Thế nhưng với việc tiêm cho nhiều người nhưng không giữ được khoảng cách cần thiết như vậy, cho thấy năng lực tổ chức của chúng ta còn rất nhiều hạn chế.

{keywords}
Phía trong nhà thi đấu Phú Thọ, khoảng 200 nhân viên y tế đến từ các bệnh viện: Đại học Y dược, Nhân dân 115, Răng hàm mặt… túc trực ở các bàn để tiêm cho người dân. Ảnh: Thanh Tùng

Một nhà báo đã thể hiện quan điểm của mình trên Facebook: “Việc lên danh sách, mời nhân dân tập hợp đến sự kiện tiêm chủng, nắm rõ con số lên tới hàng ngàn mà không tính toán số lượng, sắp xếp khung thời gian, cân đối không gian, ứng phó với tình trạng quá tải để dẫn tới vi phạm nghiêm trọng quy định phòng chống dịch là một thiếu sót trong công tác tổ chức”.

Chỉ 5 phút để làm thủ tục

Nhìn sang các nước phát triển, mới thấy họ làm rất bài bản. Một người Việt ở Pháp đã tiêm vắc xin cho biết: “Mình đi tiêm hồi tháng 5, vợ chồng mình thuộc diện gia đình có mẹ bị bệnh nền nên đăng ký sớm hơn chút xíu. Mình đăng ký trên mạng.

Địa điểm tiêm vốn là khu tổ chức hội nghị, sự kiện văn hoá của thành phố, từ lúc Covid xảy ra thì chuyển thành nơi xét nghiệm, giờ là tiêm phòng. Đội ngũ phục vụ gồm có bác sĩ, y tá và các cụ hưu trí. Từ cổng vào đến cổng ra có nhiều cửa kiểm soát. Họ tổ chức rất chặt chẽ và nhịp nhàng nên không có cảnh đông đúc chen lấn. Mỗi người đến tiêm chỉ mất khoảng 5 phút làm thủ tục, 2 phút tiêm và 15 phút nghỉ sau tiêm. Các bác sĩ làm việc cũng vất vả, nhưng nhìn chung không khí thoải mái, dễ chịu”.

Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng thừa nhận rằng: “Những ngày đầu còn nhiều thiếu sót, sự phối hợp giữa người tiêm, người đến tiêm khó đảm bảo an ninh trật tự, nhất là tại các điểm tiêm chủng công cộng. Do đó, sự điều phối còn nhiều cập rập”. Hay nói cách khác, có nhiều vấn đề phát sinh mà chúng ta chưa kịp dự liệu tới.

Tiêm đến đâu phải an toàn đến đó

Việc đẩy mạnh tiêm vắc xin là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhưng chúng ta cũng cần thực hiện điều quan trọng nhất trong tiêm chủng là phải đảm bảo an toàn cho người được tiêm.

Vì vậy, không thể chỉ quan tâm đến số lượng tiêm vắc xin được cho bao nhiêu người mà nên thực hiện đúng tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra là  “tiêm đến đâu phải an toàn đến đó”.

Mong rằng việc triển khai tiêm vắc xin tiếp tục được đẩy mạnh, nhưng những nỗi lo lắng như trên sẽ không còn. Và cuộc sống của người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Hoàng Việt

Luật về tình trạng khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch

Luật về tình trạng khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch

Lẽ ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta phải có luật về tình trạng khẩn cấp, một mặt để Nhà nước có quyền can thiệp, mặt khác bảo vệ quyền tự do và sinh mạng của dân.