Trong phần 2 Bàn tròn trực tuyến, Tuần Việt Nam giới thiệu những phân tích và dự đoán của hai chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ khi Tổng thống thứ 46 nhậm chức. 

Lợi ích căn bản không khác biệt

Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, ông dự báo thế nào về chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á, trong đó có Việt Nam dưới thời tổng thống mới?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Bất cứ một người nào lên cũng cần dựa vào điều căn bản của nước Mỹ được định vị lại trong những năm gần đây. Đó là: Lợi ích và vai trò toàn cầu của Mỹ. Tổng thống dù là Cộng hòa hay Dân chủ cũng cần điều này.

Nhưng gần đây, nước Mỹ cũng đang định vị lại vai trò chính trị và chiến lược của mình. Chẳng hạn Mỹ muốn lợi ích và vai trò toàn cầu, nhưng cũng muốn giảm chi phí bao cấp cho bên ngoài, giảm can dự vào những vấn đề không thuộc lợi ích sát sườn kể cả những cuộc chiến tranh hay xung đột bên ngoài. Đó là xu hướng chung mà tổng thống nào lên cũng vậy.

Ở đây có 2 câu chuyện. Nếu ông Donald Trump tiếp tục là Tổng thống, tôi nghĩ rằng những chiến lược ông đã triển khai trong gần 4 năm vừa qua chắc chắn sẽ còn rất nhiều cửa để tiếp tục và cụ thể hóa hơn trong nhiệm kỳ 2. Với châu Á - Thái Bình Dương thì câu chuyện cạnh tranh với Trung Quốc, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chắc chắn vẫn tiếp tục và thêm những sáng kiến, kế hoạch cụ thể.

Còn nếu là ông Joe Biden thì sẽ có sự khác biệt. Về những lợi ích căn bản của nước Mỹ chắc hai ông không khác nhau. Nhưng cách tiếp cận thì khác. Ông Biden sẽ trở lại kiểu ngoại giao truyền thống dễ đoán định và ổn định hơn. Ông coi trọng quan hệ và tham vấn với đồng minh trên các vấn đề quốc tế kể cả ứng xử với Trung Quốc. Nghĩa là ông chắc chắn sẽ sử dụng kênh đa phương nhiều hơn.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh

Điểm thứ 3 cũng như thời 8 năm ông Biden làm Phó tổng thống, và là một trong những cốt lõi của đảng Dân chủ, đó là hệ giá trị sẽ nhấn mạnh hơn rất nhiều. Hệ giá trị đó không chỉ bao gồm dân chủ và nhân quyền mà còn bao gồm về lao động, phúc lợi, biến đổi khí hậu, về môi trường và năng lượng sạch.

Tôi nghĩ rằng ông Joe Biden sẽ nhấn mạnh điều này. Nếu để cụ thể hóa thêm, xin lấy một vài ví dụ như hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nếu ông Biden thắng cử thì ông sẽ tìm cách làm nước Mỹ quay trở lại.

Hay câu chuyện Trung Đông. Trung Đông bây giờ không theo cách đổi đất lấy hòa bình như ngày xưa mà ông Trump tạo ra là Israel hòa giải với Tiểu vương quốc Ả Rập, với Bahrain và có thể nhiều nước Ả Rập khác. Vậy ông Biden sẽ phải ứng xử như thế nào?

{keywords}
"Không chỉ hai ứng viên mà nước Mỹ bây giờ coi Trung Quốc là thách thức toàn cầu và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông". Ảnh: Lê Anh Dũng

Về châu Á - Thái Bình Dương, tôi hình dung rằng ông sẽ không theo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông Trump mà thiên hơn về tái cân bằng thời Obama. Nhưng nếu chỉ tái cân bằng lại không phù hợp với một nước Mỹ đã khác và tình hình khu vực đã khác.

Và nhất là không chỉ riêng ông Donald Trump mà cả hai đảng và cả nước Mỹ đều chung nhìn nhận về vấn đề Trung Quốc. Trung Quốc bây giờ cũng bỏ “giấu mình chờ thời”. Nên cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ tăng lên. Nghĩa là trong tình hình mới, ông Biden phải có cập nhật và ra một tầm nhìn chính sách mới.

Chủ nghĩa đa phương trở lại

GS Phạm Quang Minh: Tôi cho rằng, nếu ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 thì Mỹ sẽ trở lại với những giá trị truyền thống, tức nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương. Bởi vì suốt trong 4 năm vừa qua, dường như nước Mỹ đã rút khỏi những hiệp định đa phương.

Thứ hai, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là vấn đề mà tổng thống mới nếu như là ông Joe Biden cũng sẽ xem xét lại, điều chỉnh cho phù hợp. Riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì tương lai của bộ tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) có thể mở rộng hơn. Và đấy là cơ hội cho sự hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực.

{keywords}
GS Phạm Quang Minh: Nếu ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 thì Mỹ sẽ trở lại với những giá trị truyền thống, tức nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương

Với châu Âu, tôi nghĩ đây cũng sẽ là cơ hội để NATO khôi phục lại. Bởi giai đoạn vừa qua, chính sách nước Mỹ trên hết đã làm cho các nước châu Âu buộc phải điều chỉnh và không thể phụ thuộc vào nước Mỹ như trước đây. Châu Âu cũng cần tìm đến các đối tác mới ở châu Á.

Như vậy, cạnh thứ ba (Tây Âu và Đông Á) của tam giác Bắc Mỹ - Tây Âu - Đông Á sẽ càng rõ rệt hơn trong tương lai, tạo thành thế chân kiềng khá vững chắc. Chiến lược nước Mỹ trên hết của ông Trump có thể là cú hích cho một trật tự thế giới mới.

Quản trị chuyện Biển Đông

Vậy một tân tổng thống Mỹ sẽ tiếp cận vấn đề Biển Đông như thế nào?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu vẫn ông Trump thì chắc chắn là sự tiếp nối, cả trong quan hệ quốc tế nói chung, quan hệ với Trung Quốc và cả vấn đề Biển Đông. Có chăng những gì bị kịch tính hóa, chính trị hóa trong giai đoạn tranh cử, giai đoạn bị Covid nặng nề sẽ giảm nhiệt.

Ứng viên còn lại có rất nhiều cơ hội trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Tôi cho rằng về đối ngoại, ông Biden sẽ quay trở lại nền ngoại giao truyền thống, quản trị các mối quan hệ dù căng thẳng với Trung Quốc hay bị lung lay với đồng minh, đối tác khác sẽ ổn định, định hướng hơn, có thể lường trước.

Về chuyện Biển Đông, bất cứ tổng thống Mỹ nào nắm quyền thì nước Mỹ luôn có hai vấn đề thuộc giá trị lợi ích. Đó là tự do hàng hải, là vị trí nước Mỹ ở khu vực này. Ai lên, cách tiếp cận như nào cũng vậy. Nếu cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng sẽ thêm hương vị cho địa vị nước Mỹ muốn bảo đảm ở đây. Nên cách tiếp cận Trung Quốc của ông Biden khác ông Trump cho thấy cách tiếp cận tự do hàng hải, và địa vị nước Mỹ trong khu vực này sẽ khác.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng 

Không chỉ hai ứng viên mà nước Mỹ bây giờ coi Trung Quốc là thách thức toàn cầu và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tôi cho rằng, người ta sẽ ‘soi’ hơn vào những hành vi bị coi là quá mức hay trái với luật pháp quốc tế dù là ông Biden hay ông Trump.

Thời gian qua, Quốc hội với tư cách hai đảng của nước Mỹ cũng ủng hộ việc bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò và những đòi hỏi yêu sách quá mức trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Hai là việc nước Mỹ đã nói rõ hơn, cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn với phán quyết Tòa trọng tài quốc tế 12/102016. Tuy nhiên, việc không để xảy ra những rủi ro - ví dụ xung đột quân sự ngẫu nhiên - chắc sẽ được quản trị tốt hơn.

Các nước châu Á - Thái Bình Dương bao gồm ASEAN sẽ vẫn tiếp tục có tiếng nói trong một cấu trúc khu vực không ai có thể thay thế. Đó là đa trung tâm, đa dạng, dựa trên luật pháp, dựa trên quan hệ song phương lẫn tiến trình đa phương. Như vậy, ASEAN cần phát huy vai trò, tăng cường hợp tác cả với Mỹ và Trung Quốc và các đối tác khác, đặc biệt cần chú ý tới những nước trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand…

Tuần Việt Nam 

Con đường chông gai chờ đợi tân Tổng thống Mỹ

Phần 1: Con đường chông gai chờ đợi tân Tổng thống Mỹ

Bất kỳ vị tổng thống nào lên cũng sẽ có 2 thách thức lớn. Đó là xử lý bài toán giữa kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế xã hội. Thứ hai là làm sao khép lại sự phân hóa, tăng cường đoàn kết trong lòng nước Mỹ.