Theo dữ liệu từ cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, ngày 17/8 TP đã xét nghiệm 15.124 mẫu, ghi nhận 3.540 ca mắc mới, trong đó có đến 2.568 ca cộng đồng (chiếm đến 72%) và tăng 19% so với ngày trước đó.
Chống dịch cần tầm chiến lược
Những ngày qua, tỉ lệ F0 trong cộng đồng tăng tại TP.HCM, chiếm 53% trong tổng số ca mắc, trong khi ở khu phong tỏa chỉ còn 41%, giảm nhiều so với con số trước đây là 80%.
Những dữ liệu trên và nhiều hơn nữa thể hiện nỗ lực của các cơ quan liên quan của TP.HCM, nhưng đáng tiếc là vẫn thiếu và yếu để dựng lên một bức tranh nhằm đề ra giải pháp thích hợp.
Ở góc độ toàn quốc, dữ liệu của Bộ Y tế công bố cũng chưa đủ cho công tác nghiên cứu, phân tích để phục vụ lại cho công tác chỉ đạo, điều hành.
Trong bản kiến nghị Chiến lược phòng chống dịch gửi tới các cơ quan chức năng, Liên danh các tổ chức (1) nhận xét: Các hoạt động nghiên cứu khoa học còn yếu, chưa đảm nhận được vai trò cung cấp đủ thông tin khoa học cơ bản, thiết yếu trong nước làm cơ sở cho nhận định diễn biến các đợt dịch đã qua và cả đợt dịch hiện tại đang nổi lên ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.
Liên danh cho rằng, thiếu vắng số liệu nghiên cứu dịch tễ học sử dụng test kháng thể đo lường tỷ lệ dân chúng đã có miễn dịch bảo vệ - yêu cầu cơ bản phải có được đến lúc này khi xem xét đặc điểm dịch tễ học vụ dịch - làm nhận định về tình hình dịch diễn ra trong quá khứ, hiện tại, và tiên lượng dịch trong tương lai trở nên thiếu chắc chắn, khiến công cuộc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh có nguy cơ cao rơi vào trạng thái bị động đối phó, hạn chế hiệu quả.
Cần thêm nhiều dữ liệu khoa học để chống Covid-19. Ảnh: Thanh Tùng |
Họ lưu ý, số liệu báo cáo thường xuyên hàng ngày của các tỉnh thành và toàn quốc về tổng số F0, số F0 nhập viện, số điều trị khỏi, số tử vong… có giúp nhận định diễn biến dịch, nhưng chưa thể xem đó là thông tin khoa học, khách quan, chính xác để làm chỗ dựa cho đề xuất chính sách kiểm soát dịch hiệu quả.
Ngay cả một số báo cáo về chiến lược phòng chống dịch bệnh cho TP.HCM cũng được liên danh này nhận xét, còn hạn chế về tầm chiến lược, chưa đánh giá được đúng diễn biến dịch bệnh lan truyền trong cộng đồng vì thiếu số liệu nghiên cứu điều tra tỷ lệ đã nhiễm trong cộng đồng bằng test kháng thể, khiến các nhận định, kiến nghị thiếu cơ sở khoa học vững chắc.
Trong khi đó, là một nhà dịch tễ, TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc quốc gia, Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam, cũng đối diện với muôn vàn khó khăn do không đủ dữ liệu. Bà than phiền, có rất nhiều người đã nhắn tin, hỏi vì sao dạo này không phân tích, khuyến nghị gì cả.
Bà trả lời: “Thực tâm thì tôi muốn lắm. Tôi không ngại đề bài khó, không ngại thức nhiều đêm, nhưng các bạn nghĩ xem, chẳng có data thì khuyến nghị thế nào? Các bạn nên hỏi những người có data xem họ nói sao. Hỏi xem vì sao không chia sẻ data để người dân, người làm khoa học, doanh nghiệp, các công sở… còn biết đường mà tính”.
Phân vùng khoa học
Gần đây, khái nhiệm phân vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng đang được một số địa phương áp dụng nhằm thiết lập trạng thái bình thường mới.
Chẳng hạn, ở TP.HCM có quy tắc các vùng sạch (vùng xanh, cận xanh, vàng) là khi không có trường hợp dương tính sau 2 lần xét nghiệm, đồng thời tỉ lệ tiêm chủng phải đạt 50% với người trên 18 tuổi và có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.
Tại vùng nguy cơ cao và rất cao (vùng đỏ và cam), các khu phong tỏa TP sẽ tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu test nhanh phát hiện ca nhiễm theo hộ gia đình.
Trong trường hợp kết quả xét nghiệm đều âm tính có thể giải phong tỏa nếu đủ điều kiện, và tiếp tục theo dõi thực hiện xét nghiệm lại nếu phát hiện những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm.
Bà Thu Anh bổ sung thêm tiêu chí “vùng xanh”: Phủ 2 mũi vắc xin mỗi 6-8 tháng cho tối thiểu trên 90% người trên 50 tuổi, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai.
Trong khi chưa phủ đủ vắc xin, cần tuân thủ phong tỏa khi F0 chưa được kiểm soát trong cộng đồng và tuân thủ 5K khi chưa có F0. Bên cạnh đó, có tổ Covid thực hiện được hỗ trợ y tế và an sinh cho mọi thành viên trong cộng đồng xanh.
Hàng rào sắt chặn không cho bất cứ người lạ nào ra vào hẻm 197, quận 10, TP.HCM |
Bà Thu Anh đưa ra một số giải pháp ngắn hạn:
Nhanh chóng dồn nguồn vắc xin ít ỏi tiêm cho toàn bộ người trên 50 tuổi, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Ưu tiên vắc xin có thời gian giữa 2 mũi ngắn để tạo nhanh miễn dịch.
Làm như vậy sẽ giảm tử vong và áp lực lên hệ thống y tế. Sẽ mất một thời gian để nhìn thấy số ca tử vong giảm, do đó phải kiên trì và chấp nhận thêm một thời gian nữa.
Tập trung tiêm ưu tiên cho những nhóm người này giúp hệ thống y tế tránh khỏi suy sụp. Nếu hệ thống y tế suy sụp thì kinh tế cũng suy sụp và sẽ ảnh hưởng tới cả các nhóm chưa được ưu tiên.
Bà cho rằng, cần phong tỏa, giãn cách cho tới sau 2 tuần tiêm mũi thứ 2 cho toàn bộ nhóm trên rồi mở dần, tiếp tục 5K và tiếp tục tiêm cuốn chiếu dựa trên số vắc xin có sẵn. Phong tỏa mà không phủ vắc xin cho nhóm ưu tiên nêu trên thì sẽ phí thời gian, phí công, phí mất sự hy sinh về kinh tế.
Bên cạnh đó, ở vùng dịch bùng phát, nhanh chóng chuyển đổi mô hình chăm sóc, điều trị để không làm sụp đổ hệ thống y tế chung, chứ không chỉ Covid. Đó là quản lý, chăm sóc, điều trị F0, nghi F0 tại cộng đồng, dựa vào cộng đồng.
Chuyển F0, nghi F0 trong cộng đồng tới các bệnh viện khi họ có dấu hiệu thiếu oxy hoặc các dấu hiệu cấp cứu khác. Thiết lập các trạm cấp cứu tạm thời tại cộng đồng để chuyển F0 tới khi bệnh viện quá tải. Huy động đội ngũ tình nguyện trẻ, đã tiêm đủ 2 mũi tới hỗ trợ cán bộ y tế ở tất cả các tuyến nếu trên. Điều phối hỗ trợ một cách có tổ chức, bài bản và an toàn. Nhập, hướng dẫn và cho phép người dân sử dụng kit xét nghiệm nhanh để tự xác định họ có phải F0 không.
Bà Thu Anh cho rằng, những khuyến nghị trên chưa phải là hoàn hảo, nhưng là cách tối ưu trong bối cảnh trong tay chẳng có mấy “vũ khí”, mà hệ thống và năng lực thì cần thời gian để thay đổi.
Trong khi đó, Liên danh góp ý rằng, cần xóa bỏ nhận thức ở một số cán bộ đang đảm trách công tác phòng chống dịch ở các tỉnh thành, xem phong tỏa là cố gắng thực hiện nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ở mức cao nhất, cho rằng “không có F0, không có người từ vùng dịch trở về” là chặn đứng được sự lan truyền của virus.
Bởi quan niệm và nhận thức này không còn phù hợp khi dịch bệnh đã ở dạng “dịch nội sinh” đủ dài, tự lan truyền trong cộng đồng qua đường hô hấp mấy tháng qua.
Thay vào đó là triển khai tốt chức năng giám sát của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân để bảo đảm cao nhất việc nhắc nhở thực thi đeo khẩu trang và bảo đảm thực hiện giãn cách thường xuyên, đúng ở nơi công cộng, giảm nguy cơ tập trung đông người ở các địa điểm công cộng, kể cả ở chợ, siêu thị.
Không để xảy ra phong tỏa làm đứt gãy dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và lao động sản xuất của các doanh nghiệp, trong khi, hệ thống Nhà nước cố gắng cao nhất và sớm nhất triển khai tiêm vắc xin bao phủ toàn dân và đảm bảo hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của dân.
Đề xuất tối ưu mô hình điều trị bệnh nhân Covid-19
Việc điều trị các bệnh nhân Covid-19 là vấn đề được quan tâm hàng đầu của lãnh đạo ngành y từ Trung ương tới địa phương. Dịch bệnh diễn tiến rất phức tạp (tốc độ lây lan nhanh, diễn tiến bệnh nặng, tử vong tăng) và thay đổi tuỳ từng địa phương.
Tư Hoàng
(1)
• Nhóm Vận động Phát triển chính sách y tế dựa trên bằng chứng khoa học (EBHPD)
• Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN)
• Hội Y tế công cộng Việt Nam (VPHA)
• Tổ chức Y học cộng đồng
• Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)
• Mạng lưới Hợp tác một sức khỏe và biến đổi khí hậu (CSO-OHCCP)