Thích nghi với dịch bệnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại cuộc họp ngày 29/8: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”.
Quan điểm này được đưa ra sau khi Thủ tướng phân tích diễn biến, tình hình dịch bệnh trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế… và đặc biệt là sau chuyến đi thực tế với rất nhiều kinh nghiệm phong phú ở các tỉnh phía Nam trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo.
Thủ tướng thị sát, kiểm tra việc cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân tại chợ đầu mối Đông Phú, phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nhật Bắc |
Cá nhân tôi rất tán thành với quan điểm này. Virus Sars-Cov-2 sẽ tồn tại chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt và đang tiếp tục sản sinh ra nhiều biến thể không lường được trong khi người tiêm đủ vắc xin vẫn nhiễm và lây truyền virus. Cách tiếp cận của chúng ta vẫn phải theo phương châm 5K + vắc xin + công nghệ. Chúng ta sẽ phải sống chung với virus, khi nào dịch sắp lên đỉnh, đe dọa hệ thống bệnh viện quá tải thì sẽ tiến hành phong tỏa.
Còn nhớ, hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị thay đổi tư duy, cách thức chống dịch khi Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp gần đây. Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN khẳng định, các nước trên thế giới đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã phủ vắc xin cho toàn bộ dân số cần tiêm. Vì vậy không thể duy trì phong tỏa trong thời gian dài.
Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) bổ sung thêm, ngành thuỷ sản đã xác định sẽ phải “sống chung” với đại dịch lâu dài do nhiều chuyên gia dịch tễ và nhà kinh tế học đã nhận định nhân loại sẽ phải “sống chung với đại dịch”.
Những đánh giá đó của các hiệp hội không mới vì thế giới đã phải điều chỉnh, thích nghi với chủng Delta có hệ số lây nhiễm quá cao, làm thay đổi mọi kinh nghiệm chống dịch trong quá khứ. Theo WHO, 142 quốc gia đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta. Chỉ trong 6 tháng, thế giới đã có thêm 100 triệu ca nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vượt 200 triệu ca vào đầu tháng 8.
Úc, quốc gia có cách phòng chống dịch khá tương đồng như Việt Nam - truy vết, phong tỏa chặt - nay đã có cách nhìn khác. Thủ tướng Scott Morrison, dù bảo vệ chiến lược phong tỏa cho đến khi đạt 70% dân số tiêm ngừa đầy đủ, cho rằng cần chuyển trọng tâm từ số ca bệnh sang tỉ lệ nhập viện. Ông thừa nhận khó đạt mục tiêu ‘Zero-Covid’. Nhận thức của ông có được sau khi Úc liên tiếp thực hiện phong tỏa khi có vài ca mắc mới, nhưng cứ dỡ phong tỏa lại có các ca mắc mới xuất hiện.
Đảm bảo luồng xanh
Tư duy, quan điểm mới, như Thủ tướng nói, đó là rất quan trọng trong các bước chống dịch và phát triển kinh tế tới đây. Phong tỏa dài giúp hạn chế lây lan dịch bệnh, tránh hệ thống y tế quá tải, nhưng ở góc độ khác, làm kiệt quệ sinh kế, làm đứt gãy chuỗi sãn xuất và lưu thông.
Đáng lo lắng hơn, không ít địa phương đã thực hiện các biện pháp rất cực đoan, be bờ, đắp đập, rào làng, rào tỉnh, rào quốc lộ... về thực chất là làm cho hàng hóa dồn ứ ngoài cảng, trong kho, rau quả rục chín trên đồng, gà lợn không có thức ăn, và người cũng thiếu ăn vì sản xuất và lưu thông tê liệt.
Chẳng hạn, Cần Thơ ra quy định, toàn bộ xe vào TP phải giao cho đội lái xe trong nội đô lái vào nhưng đội lái xe không đủ lực lượng, không đủ năng lực để làm, gây ách tắc với hàng đoàn xe nối dài tại cửa ngõ.
Tình huống đó làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phái gắt lên khi đối thoại với lãnh đạo Cần Thơ: “Các anh gây bức xúc khi hàng hóa cả khu vực miền Tây không đi qua các anh được; hàng chất lên, chất xuống, chờ đợi cả 10 tiếng đồng hồ, tốn bao nhiêu chi phí cho doanh nghiệp".
“Tôi ước gì cái cầu Cần Thơ được ở tỉnh khác, đừng nằm ở TP Cần Thơ. Cầu trọng điểm nằm ở địa phương các anh mà các anh làm khó người ta thì ai mà ưa Cần Thơ cho được. Tôi là dân ĐBSCL mà tôi cũng ghét Cần Thơ đó”, ông nói.
Trước thực tế các địa phương cát cứ, gây ách tắc lưu thông, Thủ tướng đã phải ban hành văn bản yêu cầu, các địa phương bãi bỏ ngay những quy định cản trở lưu thông hàng hóa và dứt khoát không ban hành giấy phép con, nếu có thì Bộ Giao thông Vận tải phải phê bình, chấn chỉnh, báo cáo Thủ tướng nếu Bộ không xử lý được.
Ảnh: Thanh Tùng |
Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Tất cả đường là luồng xanh, mọi hàng hóa đều thiết yếu”.
Chúng ta chống dịch để cứu sinh mạng là điều rất quan trọng nhưng cứu sinh kế của nhân dân, sản xuất và lưu thông của doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Nhận thức đó phải được thống nhất mới tránh được những đổ vỡ không đáng có và có chiến lược hiệu quả trong cuộc chiến trường kỳ chống virus.
Vẫn biết nếu dịch bùng như TP.HCM và các tỉnh phía Nam, phải phong toả rất chặt thì hệ luỵ vô cùng lớn, sụp đổ cả y tế lẫn kinh tế và sinh kế. Nhưng từ kinh nghiệm ở đó đã rút ra nhiều bài học tốt như mở lại chợ, cho shipper công nghệ hoạt động, không rào quốc lộ để đảm bảo lưu thông...
Cá nhân hóa chống dịch
Từ quan điểm của Thủ tướng “xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, tôi cho rằng phải cá nhân hóa việc phòng và chống dịch bệnh. Mỗi người dân, từng công dân phải được xác định là “một chiến sỹ” chống dịch, bên cạnh “các pháo đài” khác để đi tiếp chặng đường phía trước còn rất dài và đầy rủi ro.
Mỗi một người dân phải nâng cao ý thức và kỹ năng phòng dịch thì mới bảo vệ được mình và người thân cũng như hệ thống y tế. Bộ Y tế, Chính phủ đã phổ biến các quy tắc, kinh nghiệm để cho người bệnh điều trị tại nhà.
Chủ trương cho F0 tự cách ly ở nhà cần được triển khai một cách nghiêm túc ở một số tỉnh sắp quá tải, dù đó là tình huống xấu. Không đưa ra các kịch bản xấu nhất và làm quen với nó, làm sao đối phó được với tình huống xấu hơn trong một tương lai vẫn toàn Covid-19?
Nhìn sang Israel, nơi tiêm chủng nhiều nhất thế giới mà vẫn ghi nhận hàng chục ngàn ca dương tính mỗi ngày, họ đã chấp nhận sống chung với virus. Thủ tướng Naftali Bennett cam kết, chính phủ của ông sẽ không lạm dụng lockdown nữa, coi lockdown là biện pháp cuối cùng, chỉ dùng khi nào không còn cách nào khác. “Người dân Israel hiện nay không thể để lại gánh nặng nợ nần cho các thế hệ con cháu phải trả”, ông nói.
Tôi nghĩ, đó là niềm hy vọng, là ánh sáng cuối đường hầm cho tất cả.
Tư Giang
Tiêm vắc xin: Nhanh lên chứ, vội lên với chứ
Một nữ doanh nhân ở tâm dịch TP.HCM, nổi tiếng cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội, thừa nhận hối tiếc về việc từng tẩy chay vắc xin.