Để đề án lần này không đi vào “vết xe đổ” của những đề án trước, Bộ GD&ĐT nên cải tiến cách làm và cầu thị lắng nghe đóng góp từ các bên.
Câu chuyện nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục đại học là một bài toán lâu năm chưa tìm được lời giải thấu đáo. Tiếp tục hành trình còn dang dở, Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa công bố dự thảo đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”. Theo đó, mục tiêu chính là phát triển thêm 9.000 tiến sĩ chất lượng cao phân bổ cho các trường đại học với mức kinh phí 12.000 tỷ đồng.
Trình độ, năng lực của người thầy luôn là một trong những điều kiện quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Theo đó, tại nhiều quốc gia, học vị tiến sĩ trở thành điều kiện tối thiểu để có được một vị trí giảng dạy trong trường đại học.
Theo một thống kê của Bộ GD&ĐT năm học 2016 -2017, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Việt Nam thấp so với khu vực. Việt Nam hiện có 22,7% tổng số giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ, chưa bằng 1/3 số giảng viên tiến sĩ của Malaysia năm 2010. Bộ dẫn chứng, ở Malaysia từ năm 2010 tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên các trường đại học là 73%; Sri Lanka năm 2015 là 55%. Con số này ở Anh năm 2012 là trên 50%, một số trường hợp trên 80%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Ai Cập năm 2006 là trên 70% [1].
Ảnh minh họa |
So với chuẩn mực quốc tế, có thể thấy tỷ lệ tiến sĩ trong các trường đại học tại Việt Nam hiện nay là tương đối khiêm tốn, về số lượng lẫn chất lượng. Vì vậy mà nhu cầu nâng cao trình độ của giảng viên là có thực và cần được đầu tư.
Tuy nhiên, dư luận đón nhận thông tin từ đề án không mấy tích cực. Những lo ngại về lãng phí, số lượng không đi đôi với chất lượng, đầu voi đuôi chuột là nguyên nhân khiến người ta hoài nghi đề án.
Bởi lẽ, nhìn về quá khứ, đây không phải đề án đầu tiên. Trước đó, chương trình 322, đề án 911 với nội dung tương tự cũng lần lượt được triển khai. Đề án 911 đặt mục tiêu đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Thế nhưng, đề án 911 đã “giữa đường đứt gánh”, không đạt được mục tiêu đặt ra, hiệu quả thì không rõ ràng.
Quá trình triển khai đề án 911 đã bộc lộ rất nhiều điểm bất cập của chính sách dùng ngân sách nhà nước đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.
Có rất nhiều trường hợp làm giảng viên chỉ để hưởng chính sách đi du học miễn phí rồi mất hút, không hẹn ngày về, không liên lạc được. Phần lớn trong số họ, chọn cách ở lại định cư và đầu quân cho những doanh nghiệp lớn với mức lương hàng nghìn đô. Lúc này, nhà nước mất “cả chì lẫn chài”.
Thậm chí, nhiều người sẵn sàng bồi thường chi phí đào tạo cho nhà nước khi có được những đãi ngộ khác cao hơn rất nhiều lần so với lương giảng viên vài triệu đồng mỗi tháng.
Nhiều tiến sĩ quay trở về giảng dạy nhưng không có điều kiện phát triển. Thu nhập từ hoạt động giảng dạy thấp, thù lao nghiên cứu không ổn định và chênh lệch quá lớn giữa trong và ngoài nước. Vấn đề thu nhập luôn là câu chuyện nan giải của hầu hết các trường đại học công lập.
Các trường không có đủ nguồn lực để “khai thác” tiềm lực cũng như giữ chân của những tiến sĩ có năng lực thật sự. Tôi biết có anh tiến sĩ cực kỳ tâm huyết nhưng buộc phải xin nghỉ việc chỉ vì trường thiếu phòng thí nghiệm. Những tiến sĩ tiếp tục ở lại trường đại học thường phải làm rất nhiều việc bên ngoài để đảm bảo cuộc sống, dẫn đến hiệu suất giảng dạy và nghiên cứu phần nào bị ảnh hưởng.
Những dẫn chứng trên cho thấy, đề án 911 lẫn “đề án 911 phiên bản 2” vừa được công bố của Bộ GD&ĐT dường như mới chỉ giải quyết được một mặt của vấn đề. Đề án chỉ mới dừng lại mục tiêu nâng cao năng lực mà chưa thấy có giải pháp để khai thác, phát huy năng lực của đội ngũ tiến sĩ được nuôi dưỡng từ ngân sách.
Để không đi vào “vết xe đổ”
Người viết cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải rà soát, tổng kết toàn diện kết quả triển khai đề án 911 để phân tích những điểm bất cập phát sinh từ đề án này trước khi tiếp tục một đề án mới có tính chất tương tự. Mặt khác, thay vì tiếp tục dùng tiền ngân sách để tài trợ cho những “tiến sĩ tương lai”, chúng ta nên tập trung nguồn lực vào việc phát huy nguồn lực tiến sĩ hiện có tại các trường và thu hút bổ sung lực lượng tiến sĩ trong và ngoài nước.
Cũng với cùng một khoản tiền cho một người du học, nhà nước không nên cấp cho họ ngay từ đầu, mà sẽ chi trả một lần khi họ đã đạt được học vị khoa học tiến sĩ và trở về nước công tác tại một trường đại học. Bản thân người đi học phải tự lo chi phí cho mình, nếu cần, nhà nước sẽ hỗ trợ vay tín dụng với lãi suất ưu đãi. Tất nhiên, nhà nước phải có những quy định về tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá chất lượng tiến sĩ.
Kèm theo đó, chính sách thu nhập của giảng viên phải được thay đổi để phù hợp và có tính cạnh tranh. Theo đó, Nhà nước nên đóng vai trò kiểm định chất lượng, phân loại trường đại học theo chất lượng đào tạo và những bộ tiêu chuẩn được quốc tế thừa nhận. Từ đó nâng cao tính tự chủ, cạnh tranh giữa các trường. Những trường chất lượng nằm ở phân khúc cao được quyền thu mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo. Học phí sẽ mang tính ngang giá với chi phí vận hành trường và tất nhiên thu nhập giảng viên theo đó cũng tăng lên.
“Đất lành chim đậu” – lực lượng giảng viên có học hàm, học vị, chất lượng cao sẽ tự khắc bị thu hút. Những trường thuộc phân khúc này sẽ trở thành những đơn vị đào tạo chủ lực và hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tài chính từ nhà nước. Trường nào muốn hưởng cơ chế này phải tự cải tiến và nâng cao chất lượng. Trường nào không đáp ứng được yêu cầu sẽ tự bị đào thải.
Để đề án lần này không đi vào vết xe đỗ của những đề án trước, Bộ GD-ĐT nên cải tiến cách làm và cầu thị lắng nghe đóng góp từ các bên.
Lưu Minh Sang, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
----
[1] Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Việt Nam thấp so với khu vực, VnExpress, 10/11/2017.
Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’
CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh bị đe doạ thì họ sẽ có những quyết định...
“Chúng ta xây chính sách trên mặt bằng gồ ghề, khúc khuỷu”
Theo dõi diễn đàn Quốc hội, thấy các ĐB mổ xẻ tới lui rất sâu, chính sách không sai, cách tính lương của bảo hiểm không sai, vậy sai ở đâu?
APEC 2017: Khi nguyên thủ thành 'người mẫu' quốc gia
Các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam đều tranh thủ quảng bá cho đất nước mình qua hình ảnh cá nhân họ.
Thử đề xuất cách giải bài toán lương hưu thấp
Tiền cho những quỹ chi bù có thể có nếu cân đối được nhờ tiết kiệm những khoản chi thường xuyên bất hợp lý như chi xây tượng đài, chi lễ lạt, chi xe công…