"Những chính sách tăng trưởng xanh là một phần của những cải cách chính sách cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đùm bọc hơn."
Học giả Thái Quang Trung là một nhà tư vấn đa ngành đang tham gia các chương trình xây dựng chức năng thời kỳ hậu Rio+20 (Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững, diễn ra vào tháng 6-2012 tại Rio de Janeiro, Brazil) trong khu vực Đông Nam Á, do Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Trong hai mươi năm qua, ông đã thiết kế và thực hiện nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật phát triển về luật và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và kinh tế xanh với tư cách điều phối viên và tư vấn khu vực của Quỹ Hanns Seidel (CHLB Đức). Ông đã bỏ nhiều công sức trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt với rất nhiều bộ ngành của Việt Nam.
Với cương vị là một nhà tư vấn đang tham gia các chương trình xây dựng chức năng thời kỳ hậu Rio+20 trong khu vực Đông Nam Á, ông có thể giới thiệu đôi nét về kinh tế xanh và tăng trưởng xanh mà cộng đồng thế giới đang quan tâm?
Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) định nghĩa "kinh tế xanh" là một nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người và công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh. Chuyển dịch sang nền kinh tế xanh sẽ làm chậm lại sự gia tăng của hàm lượng các-bon và ngăn chặn biến đổi khí hậu. Sẽ có lợi cho sức khỏe con người, đảm bảo tính chịu đựng của hành tinh và sự sống còn của nhân loại. Thị trường toàn cầu hóa sẽ đi theo những chuỗi giá trị cung cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch và đầu tư được quy định nghiêm ngặt theo những nguyên lý bền vững.
Tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau. Những chính sách tăng trưởng xanh là một phần của những cải cách chính sách cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đùm bọc hơn.
Chúng ta có thể xúc tiến tăng trưởng mới ở nhiều mặt: nâng cao năng suất lao động và tạo thêm công ăn việc làm; mở ra những thị trường mới; góp phần củng cố tài chính qua cải cách thuế khóa; làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư; và giảm thiểu những rủi ro của các cú "sốc" tiêu cực đối với sự tăng trưởng do sự kiệt quệ nguồn tài nguyên. Xanh hóa thị trường sẽ đem lại phúc lợi đùm bọc, chia sẻ rộng rãi sự phồn thịnh ở mức độ quốc gia cũng như toàn cầu. Đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh đặt xóa đói giảm nghèo là trọng tâm.
Như vậy, có thể xem đây là một sự chuyển dịch tư duy căn bản về phát triển? Ông có thể giải thích thêm ý nghĩa của sự chuyển dịch này không?
Thật vậy, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu triền miên ngày nay, chuyển dịch sang nền kinh tế xanh là một xu thế toàn cầu, mang tính "sinh mệnh chia sẻ". Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 năm 2012 đã thể hiện một xu thế "đại đồng tương kết" đểứng phó với những thách thức đe dọa sự sống còn của Trái đất và nhân loại, kêu gọi sự bao dung đối với mọi khu vực bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển kinh tế xã hội ở mọi châu lục.
Chưa bao giờ có một sự đồng thuận rộng lớn như hội nghị thượng đỉnh Rio+20 năm 2012 về Tăng trưởng Xanh, là nơi hai thách thức biến đổi khí hậu và phát triển bền vững gặp nhau. Toàn bộ 30 tổ chức quốc tế chuyên ngành trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, do UNEP phối hợp cùng với các quốc gia đi đầu trong làn sóng xanh toàn cầu, như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, các nước EU, đặc biệt là Đức và các nước Bắc Âu, để cùng nhau đưa ra thông điệp chung "cộng đồng thế giới cần chuyển dịch nhanh sang nền kinh tế xanh toàn cầu để cứu trái đất và nhân loại".
Thật ra, đây là kết quả của một hành trình 20 năm trưởng thành về quan điểm phát triển bền vững. Cộng đồng khoa học và trí tuệ, cũng như cộng đồng dân sự toàn cầu, đã góp phần rất lớn cho sự thức tỉnh tập thể trước những khủng hoảng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Đây không còn là một lựa chọn, mà là một sự chuyển dịch cần thiết, mang tính bắt buộc và khẩn trương. Là một trong năm nước bị tác động nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam không thể chần chừ hơn nữa trong sự chuyển dịch này.
Học giả Thái Quang Trung |
Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh của Việt Nam, với 10 chương trình hành động ưu tiên đã được xác định. Vậy theo ông, đâu là những ưu tiên để xây dựng một lộ trình sắp xếp các chương trình hành động?
Để xây dựng được một lộ trình các chương trình hành động ưu tiên, cần phải có quan điểm sâu sắc về sự định vị của Việt Nam trong nền kinh tế xanh toàn cầu đang hình thành, với những lợi thế chiến lược sẵn có và nhất định của Việt Nam. Tôi muốn nói đến định hướng của nền kinh tế tương lai của đất nước trong 20-30 năm nữa, chứ không phải tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay.
Cũng phải dứt khoát rút bài học đắt giá của những yếu kém cơ bản hiện nay của nền kinh tế quốc dân, để lấy đó làm cơ hội cấu trúc lại nền kinh tế nước nhà và chuyển dịch sang những mô hình phát triển bền vững, có tiềm năng phát huy vị trí và vai trò của Việt Nam trong thế giới ngày mai. Tính khẩn trương của sự chuyển dịch này sẽ quyết định tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Việt Nam cũng cần xây dựng những địa bàn trọng điểm của nền Kinh tế Xanh ở nhiều vùng, như cao nguyên Bắc bộ, miền Trung và Tây Nguyên, hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, đặc biệt là đảo Phú Quốc. Việt Nam cần phải minh chứng rõ rệt mình đang chuyển dịch vào nền Kinh tế Xanh với những địa bàn trọng điểm này. Nói cách khác, tôi gọi đây là "chiến lược Âu Cơ" nhằm phát huy thêm tiềm năng phát triển đồi núi, để quân bình với phát triển đồng bằng và các vùng sông ngòi, đang phải ứng phó với những nguy cơ của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, trung ương và địa phương phải ưu tiên làm gì, thưa ông?
Chính phủ cần phải thiết kế và xây dựng những "Kế hoạch Xanh" cho các tỉnh, chứ không thể tiếp tục lặp lại những "quy hoạch điều chỉnh" chủ yếu tập trung vào những công trình hạ tầng kỹ thuật dàn trải mà không có hiệu năng kinh tế, đặc biệt là ngành xây dựng hay giao thông, vì sẽ kéo theo những mô hình phát triển không những không bền vững mà còn có nguy cơ kéo dài tụt hậu. Đương nhiên cần phải có hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược chuyển dịch sang tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2012-2015, nhất là các tỉnh đang phụ thuộc nhiều vào trung ương.
Ở Việt Nam, sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cần phải tăng cường năng lực cho bộ máy nhà nước ở các cấp về các kỹ năng phân tích thách thức, xác định cơ hội, đặt ưu tiên cho các hoạt động, huy động nguồn lực, thực hiện chính sách và đánh giá tiến độ. Hơn nữa cũng phải có một kế hoạch đào tạo cán bộ guồng máy hành chính về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh vì phát triển bền vững ở mọi cấp, trung ương cũng nhưở các tỉnh thành, đặc biệt là về những phương pháp đo lường tiến bộ và đánh giá tài sản tự nhiên của nền kinh tế xanh quốc gia. Hạch toán Xanh (Green Accounting) hay Hạch toán Tài sản Toàn diện (Inclusive Wealth Accounting) là những công cụ cần tiếp cận sớm.
Muốn làm được việc này, phải thiết kế và xây dựng lại những mô hình phát triển bền vững phức hợp ở địa phương, kết hợp được bốn chức năng xanh: xanh hóa kinh tế nông thôn; xây dựng nông thôn mới qua một chương trình quốc gia về nhà cửa cho nông dân; đem lại các tiện nghi hiện đại về hạ tầng xã hội, như trường học, bệnh xá và những tiến bộứng dụng của công nghệ sinh học và môi trường; và phát huy hệ thống tín dụng vi mô nhằm kích hoạt chuyển dịch sang tăng trưởng xanh ở nông thôn. Đây là hướng phát triển những cộng đồng bền vững theo mô hình "Nông thị" nhằm đem lại một lối sống mới: sống, làm việc, học tập, vui chơi giải trí, và dưỡng sinh trong những đơn vị định cư với chu vi đi lại bằng đường bộ, gắn bó trở lại với các tập tục và hương ước của làng xã Việt Nam.
Ông vừa nói đến những lợi thế chiến lược sẵn có của Việt Nam, vậy ông có thể giải thích thêm được không?
Trong 11 lĩnh vực ưu tiên của nền Kinh tế Xanh do Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) đề xuất, thì Việt Nam có những lợi thế chiến lược rất quan trọng để định vị mình trong nền Kinh tế Xanh toàn cầu ngày mai: Đó là nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, du lịch và nguồn nước. Việt Nam đang cần xây dựng một chiến lược phân bổ nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực này, nhằm củng cố vốn tự nhiên của những tài nguyên tái tạo của đất nước.
Trong viễn tượng khủng hoảng lương thực trong ba thập niên tới, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành nhân vật chủ chốt trong vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới. Chúng ta có thể gọi đây là "quyền lực xanh" của Việt Nam trong tương lai, xây dựng trên nền tảng của một nền kinh tế hiện nay đã ở vị trí xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hàng đầu trên thế giới. Cần tập trung xây dựng và đầu tư vào những dự án trọng điểm theo hướng CDM (Cơ chế phát triển sạch) trong những lĩnh vực then chốt này. Cần tôn trọng các quy trình trồng trọt, sản xuất và chế biến sạch đúng tiêu chuẩn quốc tế, với nhãn hiệu hàng hóa xanh được chứng nhận.
Ngoài ra, vai trò bất biến của cao nguyên Bắc bộ và dãy Trường Sơn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước, cung cấp nơi cư trú và duy trì văn hóa bản địa, kiểm soát thiên tai như lũ lụt, lở đất, xói mòn và bồi tụ đất đai. Trong Thỏa thuận toàn cầu của nền Kinh tế Xanh (Global Green New Deal), đây là một lợi thế chiến lược rất quan trọng mà cộng đồng thế giới quan tâm đểứng phó với biến đổi khí hậu. Giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái có thể được ước tính, và giá trị hiện tại của các dịch vụ hệ sinh thái là một phần cơ bản của "vốn tự nhiên" của Việt Nam. Đó là tất cả những yếu tố quan trọng của một nền kinh tế xanh mà Việt Nam có dư thừa, nhưng chưa đánh giá đúng mức.
Ông đánh giá như thế nào những lĩnh vực mà nhiều nhà quan sát cho rằng đây là những yếu kém của nền "Kinh tế Nâu" của Việt Nam?
Những lĩnh vực khác của nền kinh tế Việt Nam như năng lượng, nguồn nước, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, ngành xây dựng và đô thị, giao thông vận tải, đã thể hiện nhiều hạn chế, yếu kém mang tính hệ thống. Chính phủ đang phải cấu trúc lại những lĩnh vực này, nhưng tất yếu không thể tiếp tục bám theo những mô hình phát triển không bền vững của nền "Kinh tế Nâu", không những ngày càng tốn hao ngân sách nhà nước, mà còn duy trì gánh nặng của công nợ chưa có kế hoạch xử lý rõ rệt, và đang làm kinh tế quốc dân tụt hậu rõ rệt.
Nhiệm vụ "Xanh hóa" sản xuất cần phải tập trung ưu tiên vào các khung chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, cũng như sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp sạch, hỗ trợ và kiến tạo công nghệ xanh. Ngân sách nhà nước phải ưu tiên dành cho việc phát triển những lĩnh vực phát huy tiềm năng đem lại phúc lợi kinh tế và xã hội cao, khuyến khích bởi chính sách mua sắm công và các công cụ tài chính, thuế khóa và đầu tư của thị trường xanh.
Trong thập niên tới, cần đầu tư vào một chương trình quốc gia về "định cư xanh" (Green Habitat), ưu tiên phát triển nhà cửa cho các giới có thu nhập thấp ở nông thôn cũng như đô thị, với chính sách hỗ trợ xã hội và kế hoạch hành động cụ thể nhằm phát huy quyền sở hữu nhà cho người dân. Chương trình này sẽ tạo công ăn việc làm mới và làm động lực mới cho sự hồi phục kinh tế nước nhà và ổn định tình hình kinh tế xã hội, thật sự góp phần lành mạnh hóa lĩnh vực bất động sản.
Vậy người dân có thể đóng góp gì trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và tăng trưởng xanh? Đâu là quyền lợi đích thực của người dân và đâu là những lựa chọn xanh, thưa ông?
Vai trò của người dân, những lựa chọn và quyền lợi của mình mang tính quyết định. Tất cả đều gắn liền với nhau: phát triển nguồn lao động xanh, xanh hóa lối sống, nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng về môi sinh. Chính sách hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có nhiều triển vọng hơn là duy trì các độc quyền đặc ân của thành phần kinh tế nhà nước. Khu vực tư nhân đang tạo ra một khối lượng lớn công việc cũng như đóng góp nhiều cho tăng trưởng việc làm và ổn định xã hội.
Ở Việt Nam, cần có các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng để trang bị cho lực lượng lao động bước dần vào nền kinh tế xanh. Bước chuyển sang nền kinh tế xanh đòi hỏi một mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và cần có những chính sách để đảm bảo một sự chuyển tiếp công bằng cho những người lao động bịảnh hưởng. Trong một số lĩnh vực, cần có hỗ trợ đào tạo mới lao động.
Vì thế, cũng phải xanh hóa dần toàn bộ các giáo trình đào tạo nguồn nhân lực theo những nguyên lý và nhu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt cần quan tâm là lồng ghép những chuỗi giá trị xanh vào các giáo trình về khởi nghiệp xanh, kinh doanh sáng tạo và thành công có trách nhiệm xã hội. Để huy động rộng rãi các nguồn lực xanh trong xã hội, cần xây dựng và triển khai "Chiến lược Truyền thông Tăng trưởng Xanh" để người dân ý thức được trách nhiệm cộng đồng phát triển bền vững, có những lựa chọn xanh ảnh hưởng đến các tập tục tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Thay cho lời kết, ông có thêm suy nghĩ gì muốn chuyển đến độc giả về tương lai kinh tế nước nhà? Có triển vọng ra khỏi chu kỳ suy thoái hiện nay không? Và còn bao lâu nữa?
Chúng ta cần nhìn xa hơn phương pháp luận GDP (tổng sản lượng nội địa) để có được một tầm nhìn thay thế, với những lựa chọn phân bổ ngân sách và tài nguyên có chọn lọc theo hướng phát triển bền vững. Chính phủ phải mạnh dạn cấu trúc lại lĩnh vực kinh tế nhà nước theo hướng xanh hóa thị trường, công bằng đối với mọi thành phần kinh tế. Dựa trên chiến lược này, chỉ cần 3-5 năm (2013-2015) là có thể chuyển dịch sang tăng trưởng xanh.
Trong tương lai, tính cạnh tranh của nền kinh tế xanh của Việt Nam nằm chủ yếu ở những lĩnh vực xanh sẵn có, không phải ở những lĩnh vực công nghiệp không mang những giá trị gia tăng cao ngay ở thị trường "nâu" hiện nay. Cần tập trung tiếp cận sớm những kiến thức xanh và công nghệ sạch của cộng đồng khoa học thế giới, đầu tư vào giáo dục cho phát triển bền vững, khuyến khích năng khiếu kiến tạo của người Việt Nam, để nuôi dưỡng một thế hệ công dân và doanh nhân mới, thấm nhuần những nguyên lý của "kinh tế học vì đại đoàn kết".
Chuyển hướng sang tăng trưởng xanh cần tập trung ưu tiên nghiên cứu xây dựng những mô hình phát triển kinh tế xã hội đặt trọng tâm vào phúc lợi cộng đồng, hạnh phúc con người, sức khỏe môi sinh. Kinh tế sinh thái học vì hạnh phúc con người và sức khỏe hành tinh cần được triển khai với những giá trị nhân văn cốt lõi mà người Việt đã có từ lâu đời, nhưng ngày nay đang bị suy mòn, đó là tính "đùm bọc" được tóm gọn trong cụm từ đầy ý nghĩa sinh tồn và rất thân thuộc: Đó là hai chữ "Đồng bào".
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)/Theo DNSGCT