- Nga đã kết thúc cuộc tập trận Vostok-2018 (Phương Đông), cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn nhất kể từ khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, cuộc tập trận này đặc biệt không chỉ vì quy mô của nó, mà đây là lần đầu tiên trong lịch sử, 3.200 binh sĩ Trung Quốc tham gia diễn tập bên cạnh khoảng 300.000 binh sĩ Nga ở miền Đông Siberia.
Putin là thượng khách tại G20. Ảnh: TASS |
Trước đây, Điện Kremlin chỉ mời các đồng minh chính thức của mình như Belarus. Ấy vậy mà, trả lời báo giới về việc liệu cuộc tập trận này có làm dấy lên lo ngại về một liên minh quân sự Nga – Trung hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vẫn tin rằng “còn lâu” mới có kiểu liên minh đó. Phải chăng ông đang đánh giá thấp tình hình?
Quan điểm của ông Mattis cũng giống với cách hiểu thông thường của phương Tây nói chung, cho rằng sự không tin tưởng giữa Nga và Trung Quốc hiện quá lớn để giữa họ có thể hình thành liên kết chiến lược đáng kể. Tuy nhiên, quan điểm này đang sai lầm nghiêm trọng. Quan hệ quân sự ngày một sâu sắc hơn giữa hai cựu đối thủ này là có thật, và một quan hệ đối tác chiến lược vững mạnh hơn giữa Bắc Kinh và Moscow, theo thời gian, có thể sẽ đảo lộn nửa thế kỷ của chiến lược và kế hoạch quân sự Mỹ.
Tạo dựng liên kết
Cuộc tập trận Vostok-2018 là đỉnh điểm của một bước chuyển trong suy nghĩ chiến lược của Nga về Trung Quốc, bắt đầu từ sau năm 2014.
Trước đó, Moscow đã thấy nhiều lý do rõ ràng để cam kết sâu hơn với Bắc Kinh. Một trong số đó, cả Trung Quốc và Nga đều quan tâm đến một thỏa thuận lớn nhằm gìn giữ hòa bình và ổn định dọc biên giới dài 2.600 hải lý của mình. Sau vụ đụng độ đẫm máu trong 2 ngày vào năm 1969, hai nước đã dồn rất nhiều nguồn lực vào việc xây dựng một lực lượng quân sự tốn kém dọc biên giới. Những năm 1980, họ đã tiến tới thành lập các vùng phi quân sự ở biên giới, và cuối cùng là giải quyết một tranh chấp lãnh thổ dai dẳng này vào năm 2004.
Hiện tại, hai nước đều nhìn thấy những thách thức an ninh lớn đối với mình ở những nơi khác, và cùng có mong muốn tránh tạo ra một quan hệ đối thủ lần nữa. Đây chính là một nhân tố ổn định quan hệ.
Điện Kremlin hiện đang vướng phải các cuộc chiến tại Syria và Ukraine, tác động của sự hiện diện ngày càng tăng của NATO dọc biên giới phía Tây, và việc Mỹ tăng ngân sách quốc phòng. Về phần mình, giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với các căng thẳng với Washington trong các vấn đề an ninh và thương mại, trong khi nhiều tranh chấp lãnh thổ đang cản trở quan hệ với Nhật Bản, Philippines, và nhiều nước láng giềng khác. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi mục đích lâu dài của mình là giành lại quyền kiểm soát Đài Loan.
Nhân tố thứ hai khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Nga là một nhà xuất khẩu nguyên liệu đầu vào và có xu hướng thiếu cả công nghệ công nghiệp tiên tiến và nguồn vốn. Về phần mình, Trung Quốc là một người tiêu dùng khổng lồ mọi loại hàng hóa, nhất là dầu khí, đồng thời đang tự xếp mình vào hàng ngũ các quốc gia tiến bộ về công nghệ với lượng vốn khổng lồ đầu tư ra khắp nơi trên thế giới. Trên lý thuyết, Trung Quốc giống như một đối tác thương mại hoàn hảo đối với Nga.
Dù Moscow chậm nắm bắt các cơ hội mà thị trường Trung Quốc tạo ra, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã thu hẹp khoảng cách này. Kết quả là Trung Quốc đã đứng đầu danh sách đối tác thương mại của Nga từ năm 2010.
Bên cạnh đó, hai nước còn có chung mục tiêu chính trị. Chính quyền hai bên đều đánh giá cao sự ổn định, tính dễ tiên đoán và việc đảm bảo quyền lực của mình. Cả hai hiện là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, có một mong muốn chung là định hình trật tự quốc tế theo cách đặt trọng tâm vào chủ quyền và các giới hạn về sự can dự của nước ngoài vào công việc nội bộ của nước mình. Điều này đã được thảo luận trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong sự quản lý toàn cầu, như tiêu chuẩn về an ninh mạng và kiểm soát internet, vấn đề mà Bắc Kinh và Moscow thường ủng hộ lẫn nhau.
Đón đọc tiếp kỳ sau: Liên minh Nga-Trung: Cùng nắm tay nhau tiến lên phía trước
Diệu An