- Hơn 20 năm trước, khi tái lập, Vĩnh Phúc nghèo xơ xác. Nhưng sau một bước chuyển mạnh dạn, mảnh đất này giờ đang từng bước thịnh vượng.

Bài 1: Dám thử nghiệm, không ngại làm điều khác biệt

Vĩnh Phúc: Dễ làm trước, khó làm sau 

Từ một tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp chiếm 52 % trong cơ cấu kinh tế, thu ngân sách đạt hơn 100 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người chỉ 140 USD... đến nay Vĩnh Phúc có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) đạt 3.500 USD vào năm 2017. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 12 cả nước. Không chỉ bứt phá trong phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc còn đạt được bước tiến dài trong vấn đề tam nông.

{keywords}
 Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Văn Toàn 

Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Văn Toàn vẫn nhớ như in, Vĩnh Phúc là một trong các tỉnh, thành phố triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức rất  sớm và quyết liệt thông qua việc ban hành ngay Kế hoạch 124 của Tỉnh uỷ cũng như thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Quyết định này xuất phát từ những khó khăn nội tại đã trì níu địa phương này nghèo mãi, như tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo, hiệu quả thấp; đội ngũ cán bộ công chức đông nhưng không tinh...

Để giảm thiểu việc gây sốc, nên trước khi “dọn dẹp” lại bộ máy, tỉnh đã thận trọng tổ chức nhiều cuộc hội thảo nội bộ, hội thảo diện rộng nhằm lắng nghe ý kiến rộng rãi, đa chiều. Tới khi tất cả đã thông rõ, cùng đồng thuận thì xây dựng phương án làm với quyết tâm cao nhất. Tất cả các cơ quan của tỉnh đều phải tự xây dựng kế hoạch triển khai. 

Phương châm thực hiện là dễ làm trước, khó làm sau. Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 22/2017-NQ/HĐND, ngày 17/7/2017 quy định số lượng chức danh, mức phụ cấp và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND, ngày 24/10/2017 về việc hỗ trợ công chức, viên chức, lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng để thực hiện. 

Nhờ đó, đại cuộc tinh chỉnh bộ máy tại Vĩnh Phúc đã diễn ra suôn sẻ, ổn định. Các cơ quan sau khi sáp nhập nhanh chóng vào guồng. So với năm 2015, toàn tỉnh giảm được 140 đầu mối, trong đó khối Đảng giảm được 38 đầu mối, khối chính quyền giảm được 102 đầu mối. Toàn tỉnh đã giảm được 1.529 biên chế. Từ 18.700 cán bộ không chuyên trách, đến nay đã đã giảm được trên 10.000 người, còn 7.996 người.

Không chỉ dừng ở đó, Vĩnh Phúc chủ trương đưa các cán bộ xã  về sinh hoạt gần gũi, gắn bó địa phương, cơ sở bằng quyết định bạo tay, giải thể 137/ 137 chi bộ cơ quan xã do mô hình này sau một thời gian triển khai đã xuất hiện những bất cập.

Tiếp đến, Vĩnh Phúc mạnh dạn sáp nhập ban Tuyên giáo cấp uỷ cấp huyện với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, đặc biệt do tình hình cụ thể huyện Vĩnh Tường đã sáp nhập ban Tuyên giáo với Trung tâm bồi dưỡng chính trị và ban Dân vận thành ban Tuyên giáo – Dân vận cấp uỷ cấp huyện; trưởng ban Tổ chức cấp uỷ kiêm trưởng phòng Nội vụ cấp huyện; chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra huyện. Lúc đó, việc này được Trung ương đồng ý cho phép làm thí điểm dù có nhiều điểm mới so với chủ trương chung.

Việc tinh gọn bộ máy như vậy đã giúp Vĩnh Phúc đã tiết kiệm 180 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước vào năm 2017.

"Sóng gió" chuyện môi trường biển, Hà Tĩnh càng quyết tâm tinh gọn

Hà Tĩnh luôn được ví là vùng đất "sình lầy, chảo lửa, túi mưa" đầy nghiệt ngã do nằm ở vùng thời tiết nhạy cảm. Trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, nếu không có bộ máy điều hành nhanh nhạy và có tầm nhìn thì vùng đất này sẽ bị cái nghèo tiếp tục đeo bám.

Trước khi có Nghị quyết Trung ương 6, khoá XII, tỉnh Hà Tĩnh có 2.837 thôn, tổ dân phố trong đó có 1.025 thôn có quy mô dưới 100 hộ dân. Nếu thực hiện theo Nghị định 92/2009 của Chính phủ thì toàn tỉnh sẽ được phép có trên 48 nghìn cán bộ thôn. Hiểu rõ đây sẽ là điều bất hợp lý và cũng là gánh nặng cho chi ngân sách, Hà Tĩnh đã không ngồi chờ có nghị quyết nào của Trung ương ban hành mới làm thì ngay từ năm 2012,  Thường trực Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 09 nhằm chủ động sắp xếp lại toàn diện tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh. 

{keywords}
 UVTW Đảng Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh 

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn chia sẻ, "... trong sáp nhập xã, cần quan tâm đến việc phát huy truyền thống của từng địa phương, bởi đó cũng là điều kiện, là cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động. Các bước sáp nhập phải đi từ nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Phải tôn trọng ý kiến của dân..."

Để cuộc tinh gọn diễn ra thông suốt, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh kiên quyết đưa cán bộ lãnh đạo cấp sở, ban, ngành xuống nằm địa bàn để kiểm tra, giám sát cơ sở triển khai.

{keywords}
Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hà Văn Thạch

Theo Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức tỉnh uỷ Hà Văn Thạch, từ năm 2008, tỉnh thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở sinh hoạt chi bộ nơi đó 1 tháng 1 lần. Ban đầu chỉ tham gia sinh hoạt chung, gặp dân và để dân nhìn thấy mặt là đủ. Sau đó nâng dần lên qua việc đề xuất quan điểm, ý kiến và sau đó đưa ra những chỉ đạo tại chỗ. 

Khi “cơn bão” liên quan tới câu chuyện môi trường biển tạm yên, từ tăng trưởng âm 15,9% năm 2016, kinh tế Hà Tĩnh đã phục hồi và tăng trưởng đáng kể. Năm 2017 tăng trưởng đạt 11%; 6 tháng đầu năm 2018 vừa qua,GRDP Hà Tĩnh tăng vượt bậc,lên 32,94%. Quy mô nền kinh tế được nâng lên theo hướng bền vững (nếu GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt mức 36,4 triệu VNĐ thì sơ bộ ước tính với mức tăng trưởng cả năm 2018 này đạt trên 19% thì GRDP bình quân đầu người của Hà Tĩnh sẽ tăng lên 46 triệu VNĐ). 

Mẫu số chung: Không ngại va chạm, dám làm dám chịu

Nhìn lại những câu chuyện có thực, tại các địa phương triển khai tinh gọn lại bộ máy chính quyền, thật thú vị khi thấy điểm chung là các lãnh đạo ở các địa phương thường trưởng thành từ cán bộ làm công tác đoàn thể rồi bước sang làm bên chính quyền và quay trở về làm công tác đảng. 

Quãng thời gian trải nghiệm qua nhiều cương vị khác nhau đã giúp họ thêm nhạy bén, hiểu rõ những nút thắt cần tháo gỡ, và nhanh chóng tìm ra cách gỡ khi bắt tay vào công cuộc quan trọng này.

{keywords}
Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ dân phố Hòa Hải 1 (phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) Hoàng Xuân Đình (trái) kiểm tra vườn mẫu của ông Phan Công Huấn. 

Một lãnh đạo tỉnh trong mà người viết được gặp đã mô tả sự trúc trắc, không đơn giản của công cuộc này qua một câu chuyện vui: Một gia đình nọ nuôi có một con bò nhưng khi đánh giá thi đua cuối năm thì ông chồng, người tham gia Hội Cựu chiến binh kể công rằng mình nuôi. Bà vợ, người tham gia Hội Phụ nữ cũng kể công mình nuôi và người con, tham gia Đoàn Thanh niên cũng kê khai con bò được như vậy là nhờ thành tích cá nhân của anh ta. Khi “ông" Mặt trận xã thống kê, báo cáo huyện thì từ 1 con bò ban đầu, giờ đã thành gia đình ấy nuôi những... 3 con bò. 

Nghe đến đây, tôi thở phào. May quá! Nếu gia đình ấy mà có thêm các thành viên là người tham gia Hội Người cao tuổi, tham gia Hội Nông dân, tham gia Đội thiếu niên Tiền phong thì….. từ 1 con bò có lẽ sẽ thành... N con bò. 

Câu chuyện nghe hài nhưng ngẫm sâu thấy toát mồ hôi hột.

Quốc Phong

Dám thử nghiệm, không ngại làm điều khác biệt

Dám thử nghiệm, không ngại làm điều khác biệt

Từ những cải cách mạnh tay, Quảng Ninh được xem là điểm sáng trong công tác xây dựng Đảng.

Sáp nhập huyện, xã: Bớt bám ‘bầu sữa’ ngân sách?

Sáp nhập huyện, xã: Bớt bám ‘bầu sữa’ ngân sách?

Sáp nhập các đơn vị hành chính cơ sở là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải thay đổi tư duy và cách thức quản trị.    

Sáp nhập, tinh gọn để giảm bớt... quan

Sáp nhập, tinh gọn để giảm bớt... quan

"Giảm bớt tầng lớp quan lại bằng cách sáp nhập, tinh giảm các đơn vị hành chính và phải chống tham nhũng".