Một câu hỏi hóc búa đặt ra hiện nay: Tại sao các nước đang phát triển không mua được lượng vắc xin cần thiết để chống lại đại dịch Covid-19? Các báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo, việc tiêm chủng mở rộng sẽ chỉ hoàn tất vào năm 2022 hoặc 2023, hoặc thậm chí là 2024. 

Các nước phát triển, nhà sản xuất vắc xin, nhiều tổ chức quốc tế và quỹ từ thiện đã hứa với những quốc gia đang phát triển rằng, họ sẽ thực hiện một “sân chơi công bằng” để đảm bảo việc tiếp cận vắc xin bình đẳng. Tuy nhiên, các nỗ lực toàn cầu chưa đạt được gì đáng kể. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 75% tổng lượng vắc xin đang được dành cho 10 nước phát triển, chỉ có 1% đến tay các nước đang phát triển. 

Ở đây có 3 yếu tố quyết định:

• Quyền kiểm soát nguồn cung cấp vắc xin đang nằm trong tay một vài nước phục vụ cho lợi ích của riêng họ và vẫn “chưa” chia sẻ với các nước đang phát triển.

• Các nhà sản xuất vắc xin gặp phải sự chậm trễ và đình trệ trong khâu cung cấp. Họ đã biến nhiều nước đang phát triển trở thành con tin khi nắm trong tay “quyền sinh, quyền sát” về việc khi nào và nước nào sẽ nhận được vắc xin.

• Nhiều tổ chức quốc tế không thể hành động nhanh chóng và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vắc xin cho các nước đang phát triển.

OECD tóm tắt các vấn đề một cách chính xác như sau: “Khi những nền kinh tế lớn nhất và giàu có nhất thế giới đón đợi nhiều loại vắc xin mới vào năm 2021 và 2022, câu hỏi về việc làm sao để các quốc gia toàn cầu được tiếp cận vắc xin một cách công bằng vẫn còn bỏ ngỏ”.

{keywords}

Tháng 5/2020, Mỹ khởi động Chiến dịch vắc xin thần tốc khi nhận ra mức độ nghiêm trọng và tác động chưa từng có của Covid-19, và rằng vắc xin là phương thuốc để vượt qua đại dịch này.

Chính phủ Mỹ chi 10 tỷ USD cho 6 công ty dược phẩm, ứng trước tiền mua vắc xin và đầu tư cho các công ty này phát triển vắc xin bất kể sản phẩm họ đưa ra có hiệu quả hay không.

Trung Quốc cũng làm tương tự nhưng các công ty dược phẩm đều là công ty nhà nước. Mỹ và Trung Quốc đều chấp nhận rủi ro trong việc đẩy nhanh phát triển và phân phối vắc xin. 

{keywords}

Cũng là điều dễ hiểu khi sau đó, những nước này có vắc xin sớm cho người dân của mình. Tiếp theo, họ dự trữ và phân phối phần còn lại một cách chiến lược. 

EU và nhiều nước phát triển khác đã ký kết các thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất vắc xin, chiếm độc quyền về nguồn cung cấp. 

Vì vậy, những nước phát triển đã nắm giữ phần lớn lượng vắc xin, chỉ còn lại một phần rất ít cho các nước đang phát triển, ít nhất là trong thời gian đầu năm nay. 

{keywords}

Một điều dễ thấy là các nhà sản xuất vắc xin đang bảo vệ lợi ích của mình giống như bất kỳ tổ chức tư nhân nào. Có thể thấy điều đó qua cách thức ký hợp đồng vắc xin. 

Sau khi cung cấp vắc xin cho Mỹ, EU và những nước phát triển khác, các nhà sản xuất bắt đầu ký hợp đồng với nhiều nước đang phát triển. Hợp đồng được xây dựng theo hướng hoàn toàn có lợi cho nhà sản xuất. Các nước đang phát triển phải chơi theo luật của họ. 

Hợp đồng được giữ bí mật và ký với chính phủ các nước, không có sự tham khảo ý kiến của người dân. Chỉ một số quan chức liên quan nắm được và ngay cả các cơ quan lập pháp cũng không được biết. 

Phức tạp hơn nữa, một số hợp đồng đã được ký kết thông qua bên thứ ba là công ty Advanced Technology International. Tại Mỹ, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh tuyên bố, bản thân họ không nắm giữ hợp đồng mua vắc xin.

Chỉ đến bây giờ, một số hợp đồng mới được công khai thông tin, nhưng cũng không công khai toàn bộ. Nhiều phần nội dung đã được lược bớt trước khi công bố. Rất nhiều thuyết âm mưu dấy lên! 

Có một số điều khoản đáng chú ý trong những hợp đồng này. Các nhà sản xuất lo ngại nếu vắc xin của họ gây ra phản ứng nguy hiểm, họ sẽ buộc phải bồi thường hàng tỷ đô la cho nạn nhân. 

Vì vậy, hợp đồng có một điều khoản yêu cầu các nước đang phát triển phải đồng ý trả chi phí pháp lý và bồi thường cho nạn nhân nếu vắc xin gây biến chứng. Khi ký kết với phía công ty Mỹ, các nước đang phát triển buộc phải giải quyết tranh chấp tại các tòa án Mỹ, không phải tại nước họ. 

{keywords}
 

Một công ty dược phẩm đã yêu cầu Brazil và Argentina cam kết bằng những "tài sản có chủ quyền" như đất đai và các tòa đại sứ quán để chi trả cho các vụ kiện chống lại họ nếu xảy ra kiện cáo. 

Các nhà sản xuất không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu không cung cấp vắc xin đúng tiến độ đã cam kết trong hợp đồng, kể cả trong trường hợp khẩn cấp. Và, nhà sản xuất nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin, trừ trường hợp cực kỳ khẩn cấp. Các quốc gia không có quyền tiếp quản hoạt động của họ một cách hợp pháp. 

Theo giới phê bình, điểm quan trọng nhất ở đây là: Các nhà sản xuất có toàn quyền cung cấp vắc xin cho bất kỳ nước nào và vào bất kỳ thời điểm nào mà hầu như không phải chịu trách nhiệm pháp lý. 

{keywords}

Nhiều tổ chức quốc tế - Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), WHO, WTO, UNICEF, OECD và những tổ chức khác - có nghĩa vụ giúp các nước đang phát triển mua vắc xin, nhưng nỗ lực của họ dường như rất chậm chạp và rời rạc. 

Ngày 31/5, WB, IMF, WHO và WTO kêu gọi các nước phát triển đẩy mạnh tài trợ vắc xin hoặc tài trợ 50 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển. Ngày 3/6, WB và IMF kêu gọi G7 đặc biệt đẩy mạnh tài trợ nỗ lực này.

Gần một tháng trôi qua nhưng chưa có nhiều diễn biến tích cực. 

Cũng trong tháng 6, WB cuối cùng đã triển khai hợp đồng với tổng giá trị 3,6 tỷ USD hỗ trợ 36 nước đang phát triển mua vắc xin. Song trước đó, tháng 10/2020, WB đã hùng hồn tuyên bố họ có sẵn 160 tỷ USD cho hạng mục này. Quá trình phê duyệt tài trợ vắc xin của WB rất mất thời gian. Các nước đang phát triển có thể đã tụt hậu trong việc mua sắm vắc xin vì lý do này. 

Trong nhiều tháng qua, WHO và UNICEF đã kêu gọi tài trợ tiền và hỗ trợ vắc xin cho các nước đang phát triển, song chưa thu được kết quả khả quan. Một số nhà phê bình lưu ý, việc WHO chính trị hoá cách ứng phó với đại dịch trong thời gian từ tháng 1-2/2020 có thể đã làm giảm nhiệt tình quyên góp toàn cầu. 

Một số nhà phê bình khác thì cho rằng, cơ chế kêu gọi hỗ trợ vắc xin cho các nước đang phát triển quá quan liêu, chồng chéo và cạnh tranh. WHO thiết lập dự án đối tác toàn cầu mang tên “Access to Covid-19 Tools (ACT) Accelerator”. Đây là sáng kiến hợp tác của Pháp, EU, Quỹ Gates, các xã hội dân sự và nhà khoa học đưa ra vào tháng 4/2020 để phân phối vắc xin Covid.

COVAX là một nhánh vận hành trực thuộc ACT Accelerator, đảm nhận khâu phân phối vắc xin. Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), được thành lập vào năm 2017, cũng tham gia nỗ lực đảm bảo vắc xin cho các quốc gia.

Cùng chung nỗ lực đó còn có Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) ra đời năm ngoái. Quỹ Tài chính toàn cầu vì sức khỏe phụ nữ và trẻ em, được thành lập vào năm 2015, trực thuộc WB. Các tổ chức này cùng với WB, OECD, IMF và WTO đều đưa ra kế hoạch, đề xuất và phân tích để giải quyết vấn đề vắc xin. 

Đây đều là các tổ chức ra đời và vận hành từ trước khi Covid-19 bùng phát và lẽ ra họ phải có sự chuẩn bị tốt hơn trong quản lý đại dịch, đặc biệt sau các đại dịch HIV-AIDS, Ebola, SARS, MERS. 

Những nỗ lực của họ có thể được tóm tắt trong các hoạt động: Họp, họp, họp nhiều hơn và hội nghị, tiếp theo là các cuộc họp tổng kết hội thảo cùng các kế hoạch sau hội nghị, và quan trọng nhất là yêu cầu tài trợ nhiều hơn. Kết quả: Các nước đang phát triển vẫn tiếp tục chờ đợi vắc xin và tài trợ. 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ và Trung Quốc luôn lựa chọn hỗ trợ vắc xin trực tiếp cho các nước hơn là thông qua COVAX. Vừa mới đây, Mỹ đã chuyển 2,5 triệu liều vắc xin cho Đài Loan (Trung Quốc). Còn Trung Quốc vận chuyển 165 triệu vắc xin đến châu Mỹ Latinh và Caribe. Cả hai nước đều tích cực trong hoạt động “ngoại giao vắc xin”. 

Vấn đề đặt ra cho các nước đang phát triển là họ có thể không đại diện cho ưu tiên chiến lược của các nhà tài trợ lớn. 

Ngoài ra, nhiều nước đang phát triển đã bỏ qua Chương trình COVAX và ký kết thỏa thuận song phương với nhà sản xuất. Ví dụ: Cộng hòa Dominica không muốn COVAX nắm quyền quyết định khi nào nước này sẽ được nhận vắc xin. Và như vậy, số phận của họ hiện giờ nằm trong tay của các nhà sản xuất vắc xin.

Chưa ai biết cách nào sẽ tốt hơn. Chỉ rõ một điều rằng, với phương thức ký hợp đồng song phương, các nước không có đủ nguồn lực để mua vắc xin sẽ chịu thiệt thòi. 

{keywords}

Việc Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu. Viện Huyết thanh Ấn Độ, một đơn vị tư nhân, chính là nhà sản xuất vắc xin hàng đầu của thế giới.

Vắc xin AstraZeneca là một trong nhiều loại cũng được sản xuất tại đây. Khi đại dịch tấn công, Ấn Độ gần như đóng cửa hoàn toàn.

Nước này cũng lập tức ngừng xuất khẩu vắc xin để tập trung đảm bảo cho nhu cầu tiêm chủng trong nước. Cùng với đó, Ấn Độ đối mặt với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, thiếu nguyên liệu sản xuất vắc xin.

Đây là một điều vô cùng bất lợi bởi Ấn Độ là nhà cung cấp vắc xin chính cho các nước đang phát triển. 

{keywords}

Sớm muộn gì, cuối cùng các nước đang phát triển cũng sẽ có vắc xin. Mọi rào cản nêu trên đều có thể vượt qua.

Có lẽ chiến lược khôn ngoan cho các nước đang phát triển là cân nhắc việc dự trữ các loại thuốc điều trị Covid từ bây giờ để giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.

Câu hỏi lớn đặt ra cho cộng đồng toàn cầu là tại sao công tác quản lý đại dịch thất bại hoặc hoạt động trì trệ một cách có hệ thống như vậy.

Sau khi đại dịch qua đi, nhiều tổ chức và quốc gia sẽ có đánh giá về thành công, thất bại và phương pháp tốt nhất về những sự kiện đã xảy ra. Các bên cần phải tìm ra cách ứng phó hiệu quả cho những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2015, Bill Gates cảnh báo, các nhà lãnh đạo toàn cầu cần chuẩn bị sẵn sàng cho một đại dịch chưa từng có. Lời cảnh báo dường như chỉ sượt qua tai đại biểu. Có lẽ đến lúc này họ mới lắng nghe.

Tiến sĩ Terry F. Buss -  Chuyển ngữ: Đào Thúy 

Thiết kế: Thanh Thủy

Khi vắc xin trở thành vũ khí trong cuộc đua chính trị toàn cầu

Khi vắc xin trở thành vũ khí trong cuộc đua chính trị toàn cầu

Vắc xin đang trở thành một phương tiện hữu hiệu để các cường quốc sử dụng trong cuộc đua chính trị quốc tế, nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình.