Sau khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã khiến các chuyên gia chính sách đối ngoại gạo cội phải sửng sốt khi đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Tất nhiên là giới chuyên gia bác bỏ ngay lập tức. Và những người này đã tham gia vào các phe phái ngầm chống đối ông Trump trong suốt 4 năm qua.
Cách tiếp cận của ông Trump: Đảo ngược tất cả những gì chính quyền của ông Obama đã làm.
Ông Trump khởi động chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Ông không làm việc thông qua các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, EU, WTO, WHO, IMF hay Ngân hàng Thế giới. Ông tin rằng thành viên của các tổ chức này đã luôn có cách để được việc của mình còn nước Mỹ phải trả giá. Trong số này có cả các đồng minh của Mỹ trong khối NATO, vốn được nước Mỹ bảo vệ nhưng lại không đóng góp thoả đáng phần của mình. Giờ thì các nước đều đang đóng góp cho ngân sách hoạt động chung.
Ông Trump rút khỏi Thoả thuận chung Paris về Biến đổi khí hậu vì thoả thuận này buộc Mỹ phải cam kết đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng trong khi các quốc gia khác như Trung Quốc lại được quyền tiếp tục gây ô nhiễm trong thập kỷ tới. Điều thú vị là hiện giờ Mỹ dẫn đầu về cắt giảm khí thải carbon ngay cả khi không có hiệp ước.
Ông Trump rút khỏi một số hiệp ước với LHQ, EU bởi năm 2015 dưới thời Obama, Mỹ làm đã làm trung gian cho thỏa thuận vũ khí hạt nhân Iran, nhờ đó Iran được dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nhận hàng tỷ USD tiền mặt, tiến hành thử tên lửa, và cuối cùng vẫn bị cho là tiếp tục các hoạt động khủng bố ở Trung Đông.
Ông Trump đảm bảo để Mỹ không vướng vào những “tấm mạng nhện” ở nước ngoài, đặc biệt nếu phải sử dụng đến lực lượng quân sự. Ông là Tổng thống Mỹ duy nhất kể từ sau Tổng thống Herbert Hoover đã không châm ngòi một cuộc chiến nào. Thay vào đó, ông là người đã đặt dấu chấm hết cho các cuộc chiến của Mỹ ở nước ngoài.
Nhiệm kỳ của ông Trump đã kết thúc sự can dự của Mỹ ở “các cuộc chiến bất tận” tại Afghanistan, Iraq và Syria sau khi quân đội Mỹ đánh bại Nhà nước Hồi giáo ISIS, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, ổn định Iraq và rút quân khỏi Afghanistan.
Tổng thống Donald Trump đang mang lại hòa bình cho Trung Đông. Ông thúc đẩy an ninh của Israel bằng cách ủng hộ tuyên bố chủ quyền của nước này đối với Cao nguyên Golan, đánh bật tổ chức khủng bố Hamas, chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem và bảo vệ Israel tại LHQ. Kết quả: Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và Sudan đã ký các hiệp định hòa bình với Israel, Kosovo và Serbia trong khu vực Ban căng. Tiếp tới sẽ là các quốc gia khác, bao gồm Ả Rập Xê-út.
Mặc dù ông Trump phản đối chiến tranh nhưng ông không phản đối việc đe dọa dùng sức mạnh quân sự chống lại kẻ thù của mình.
Ông Trump rút khỏi Hiệp ước vũ khí chiến lược (START) với Nga nhằm tái cân bằng lực lượng hạt nhân của mỗi nước. Hiệp ước START mới có thể được ký sớm. Tuy nhiên, ông đã không thuyết phục được Trung Quốc tham gia Hiệp ước. Ít nhất, ông Trump đã giảm tốc được chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong một thời gian.
Ông Trump là người chối bỏ toàn cầu hóa, đặc biệt là trong thương mại. Ông tin rằng các hiệp định thương mại trước đây đều đặt Mỹ ở thế bất lợi. Ông đã đàm phán lại thành công Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), Hiệp định với Nhật Bản và với Hàn Quốc.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - bao gồm 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam - là một sai lầm lớn của ông Trump khi vừa nhậm chức không lâu. Ông đã không hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ kinh tế và thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương trong việc đẩy lùi Trung Quốc. Mặc dù ông Trump rất cương quyết đẩy lùi sự lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông như tiến hành các cuộc tập trận hải quân trong khu vực nhưng ông lại chậm chạp trong thương mại.
Sau đó, để trả đũa lại việc ứng phó với Covid-19 của Trung Quốc, ông Trump đã chuyển từ việc gây sức ép buộc nước này giảm thâm hụt thương mại và cải cách các thực tiễn thương mại, đầu tư, ăn cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp cho các công ty nhà nước, ngân hàng…. sang phản đối Trung Quốc ở mọi mặt. Thậm chí Mỹ còn cử các quan chức cấp cao tới khu vực và châu Âu để huy động sự ủng hộ toàn cầu nhằm phản đối Trung Quốc.
Một số người có thể không coi chính sách Trung Quốc của ông là một thành công trọn vẹn. Nhưng ít nhất ông Trump đã làm được nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trước đó trong việc đẩy lùi Trung Quốc.
Thành công lớn nhất của ông Trump là nền kinh tế đang khởi sắc trước khi đại dịch nổ ra. Các chính sách bãi bỏ quy định chưa từng có; giảm thuế ở mức kỷ lục cho cá nhân, tập đoàn và doanh nghiệp; cùng với khả năng khơi dậy niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu suất kinh tế: mức tăng kỷ lục của thị trường chứng khoán, việc làm, tăng lương thực tế, việc làm cho người thiểu số…
Chính sách năng lượng của ông Trump nhằm làm chậm quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới không chỉ giúp Mỹ trở thành quốc gia độc lập về năng lượng mà còn khiến nước này trở thành nước xuất khẩu than và khí đốt tự nhiên hàng đầu. Năng lượng giá rẻ đã giúp thúc đẩy kinh tế phát triển ở mức kỷ lục.
Nếu không có sự độc lập về năng lượng, nền kinh tế của chính quyền Donald Trump sẽ không thể chống chọi được trước sự tàn phá của đại dịch, kinh tế đóng cửa, và mức thuế quan cũng như các lệnh trừng phạt áp đặt trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Mặc dù nhiều người chỉ trích nỗ lực của ông Trump trong việc ngăn chặn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, cụ thể là việc xây dựng bức tường ngăn biên giới Mexico, việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp và giam giữ tội phạm nhập cư, thực tế cho thấy duy trì biên giới mở đã và không phải là giải pháp bền vững. Đôi khi, số người vượt biên trái phép lên đến vài trăm ngàn người một tháng.
Giải pháp của ông Trump đã thành công khi ông hợp tác với chính phủ Mexico và các nước Trung Mỹ để ngăn chặn các đoàn xe lớn gồm hàng nghìn người bất hợp pháp cố gắng tiến về biên giới Mỹ. Mexico đã triển khai quân đội dọc biên giới, giúp Mỹ xử lý đơn xin tỵ nạn ngay tại nước này. Đổi lại, Mỹ cung cấp viện trợ nước ngoài để cải cách việc thực thi pháp luật và hệ thống tư pháp, cũng như đầu tư phát triển cho Mexico.
Thất bại lớn nhất của ông Trump là chưa cải cách được hệ thống y tế - Obamacare - và chưa giải quyết được các nhu cầu về cơ sở hạ tầng.
Nói một cách chính xác hơn thì một số khía cạnh y tế đã được giải quyết, bao gồm giá thuốc và insulin, y tế từ xa, cải thiện quy trình thử nghiệm và phê chuẩn thuốc, bãi bỏ quy định - nhưng các vấn đề lớn như giải pháp cho người không có bảo hiểm và không gây tổn hại cho những người có tiền sử bệnh nền lại đang còn bị bỏ ngỏ. Y tế có thể là một lý do khiến ông phải trả giá đắt trong cuộc bầu cử.
Không thể chối bỏ là ông Trump đã đạt được một số thành tựu chính sách công tuyệt vời nhất, đồng thời cũng mắc những sai lầm lớn nhất liên quan đến đại dịch.
Các đối thủ chính trị ở phe cánh tả đã liên tục chỉ trích công tác ứng phó đại dịch của ông, nhưng đó chỉ đơn thuần là chính trị. Sự thật là, kể từ sau Thế chiến 2, chưa có một tổng thống nào làm được việc huy động các công ty dược phẩm, cộng đồng y khoa, các nhà sản xuất và quân đội cùng tham gia giải quyết một cuộc khủng hoảng và hậu quả của nó. Ông Trump đã làm được điều đó.
Những nỗ lực của ông trong việc thu gom hoặc sản xuất thiết bị y tế, phát triển các liệu pháp điều trị và sản xuất vắc xin để phân phối cho những nơi cần thiết là vô song. Ông đã cho xây dựng các bệnh viện dã chiến với hàng nghìn giường bệnh chăm sóc đặc biệt và điều động bệnh viện quân đội cùng nhân viên đến các điểm nóng của đại dịch.
Nhưng đáng tiếc, ông ấy lại là người nhất định không đeo khẩu trang và khiến người dân thấy ông không coi việc đó là cần thiết. Ông Trump đã bị nhiễm virus và sau đó lại có những phát biểu về việc này khiến khiến hàng ngàn người Mỹ đang đau khổ vì dịch bệnh phải chạnh lòng.
Ông tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày để thúc đẩy trách nhiệm giải trình, sau đó lại thông tin không chính xác đến người dân. Ông đã chính trị hóa các nhà khoa học và cán bộ quản lý đại dịch, gây ra nhiều hỗn loạn, và quan trọng nhất, cho phép các đối thủ có nhiều cơ hội để bôi nhọ thành tích của ông.
Rất có thể chính điều này đã lấy đi của ông ấy rất nhiều phiếu bầu.
Bất kể ông Trump có giành được thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa hay không thì ông đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ. Phần lớn trong số đó, nếu được tiếp tục triển khai, sẽ đóng góp lớn cho tương lai.
Cập nhật: Ngày 9/11, tập đoàn dược phẩm Pfizer và đối tác BioNTech thông báo kết quả nghiên cứu vắc xin Covid-19 giai đoạn 3 của họ có hiệu quả hơn 90%. Thị trường chứng khoán Mỹ nhuộm xanh trong phiên giao dịch đầu tuần. Thế giới lại tiếp tục hy vọng.
Tiến sỹ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thúy
Thiết kế: Huệ Nguyễn
Phần 1 - Tổng thống Donald Trump: Người đảo ngược chính sách
Chỉ trong 4 năm, chương trình nghị sự chính sách của ông Trump đã vượt xa bất kỳ tổng thống nào khác, ngay cả những người tại vị 8 năm.