LTS: Những vụ gian lận điểm thi, nạn “học giả, bằng thật”, những “lò ấp” tiến sĩ, những cử nhân không thể xin việc, và hơn hết là chất lượng nguồn nhân lực kém cỏi đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho ngành giáo dục. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết về lĩnh vực này nhằm góp thêm những giải pháp tháo gỡ những nút thắt khó khăn cho phát triển.
Trong mấy chục năm trở lại đây, ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng đối mặt với nhiều vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm.
Những sai phạm điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 phải nói là đặc biệt nghiêm trọng bởi đối tượng, tính chất và quy mô của các vi phạm, nhất là các thí sinh được nâng điểm hầu hết là con cháu cán bộ lãnh đạo địa phương, trong đó có con Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, con Bí thư Tỉnh uỷ, cháu ruột Phó Chủ tịch tỉnh.
Nghiêm trọng nhất là sự cấu kết, có tổ chức của nhiều cán bộ trong ngành giáo dục, công an tại nhiều địa phương trong việc sửa điểm cho thí sinh.
Thực ra, không chỉ có một vụ việc đơn lẻ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học nêu trên, mà các kỳ thi tuyển sinh THPT của nhiều địa phương; các kỳ tuyển sinh sau đại học, luận văn cao học, luận án án tiến sĩ ở nhiều trường đại học, học viện cũng bị dư luận băn khoăn, nghi ngờ về chất lượng và tình trạng tiêu cực.
Không chỉ trong thi cử, các vấn đề liên quan đến nội dung, chất lượng của các chương trình đào tạo ở tất cả các bậc học; từ “học giả, bằng thật” đến mua bán điểm, mua bán bằng cấp; từ học thuê thi mướn đến các “lò ấp” tiến sĩ, công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư; từ tuyển dụng đến chất lượng đội ngũ giáo viên … vẫn luôn gây nhức nhối với không chỉ ngành giáo dục mà với toàn xã hội.
Tất cả những vấn đề trên đây đã liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo không chỉ với riêng ngành giáo dục mà còn với nhiều lĩnh vực khác trong đời sống đất nước, đưa đến nhiều hệ lụy.
Thứ nhất: con người Việt Nam luôn được đánh giá là thông minh, hiếu học. Đơn cử, trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, thành tích của học sinh Việt Nam thường nằm trong tốp 10 nước dẫn đầu; hoặc như khi học tập, làm việc, định cư ở nước ngoài, phần đông người Việt Nam đều thành đạt, trong đó có nhiều người thành công vượt trội, trong học tập, nghiên cứu khoa học, trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, kinh doanh...
Nhìn về lịch sử nghìn năm văn hiến, ngay từ năm 1075, vua Lý Nhân Tông đã hạ chiếu cho những người tài cao, học rộng vào thi Tam Trường (thi Hương, thi Hội, thi Đình); năm 1076 nhà Vua hạ chiếu lập trường Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Có thể nói, nước Việt Nam là một trong những quốc gia tổ chức đào tạo đại học và sau đại học rất sớm của thế giới.
Tố chất con người Việt Nam là vậy, lịch sử văn hiến dân tộc là vậy, nhưng đến nay, nền giáo dục Việt Nam vẫn tụt hậu xa không chỉ so với các nước phát triển mà còn so với các nước trong khu vực.
Xin lấy một ví dụ, Việt Nam có tới 235 trường đại học, nhưng vẫn chưa có một trường đại học nào được xếp hạng trong 350 trường đại học hàng đầu của châu Á.
Mãi đến tháng 6/2018, lần đầu tiên nước ta có 2 trường đại học được tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds của Anh, xếp hạng top 1.000 đại học xuất sắc nhất thế giới (Đại Quốc gia TP.Hồ Chí Minh thuộc nhóm 701 - 750; Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 801 – 1.000).
Trong khi đó, hàng chục năm qua các nước khu vực Đông Nam Á, như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều có từ 4 trường đại học trở lên có tên trong các bảng xếp hạng trên đây.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khoá XIV, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: "Hiện nay, so với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học Việt Nam còn thấp, trong xếp hạng chưa có trường đại học nào xếp vào bảng xếp hạng danh tiếng".
Thứ hai: Trong những năm gần đây, hàng năm Việt Nam có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (Quý III/2017 có 237.000). Trong khi đó, nước ta đang thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng cao và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kỹ thuật và quản lý kinh tế.
Vì vậy, khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, họ chủ yếu chỉ tuyển dụng được lao động làm việc chân tay trong các dây chuyền gia công, lắp ráp giản đơn và phải thuê chuyên gia, thợ kỹ thuật lành nghề, đội ngũ quản trị doanh nghiệp nước ngoài.
Mặt khác, hàng năm hàng trăm nghìn lao động của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài cũng chỉ đáp ứng được những công việc giản đơn như giúp việc gia đình, làm vườn, thợ xây dựng, dệt may. Những người được đánh giá là có tay nghề hay qua đào tạo cũng chỉ làm được hộ lý, điều dưỡng.
Phát biểu tại Hội thảo “Việt Nam - Phát triển giáo dục và kỹ năng để nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới đánh giá chất lượng lao động Việt Nam chỉ đạt hơn 3 điểm/10 điểm, thấp hơn nhiều so với 6,5 điểm của Hàn Quốc và trên 5 điểm của Thái Lan.
Phó Thủ tướng trích dẫn một thống kê khác, có tới 80% quản lý và lao động gián tiếp trong các doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, thiếu kỹ năng; 60% lao động kỹ thuật thiếu các kỹ năng cần thiết; 20% lao động giản đơn không đáp ứng được yêu cầu kỹ năng lao động cơ bản.
Những số liệu trên cho thấy, trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề và nhất là chất lượng của nền giáo dục Việt Nam như thế nào!
Thứ ba: Tình trạng xuống cấp về đạo đức, nhân cách của một bộ phận người Việt Nam làm băng hoại thuần phong, mỹ tục không chỉ đối với đời sống xã hội mà ngay cả trong các cơ quan công quyền trong các ngành y tế, giáo dục, tư pháp…
Sự xuống cấp về đạo đức dẫn đến các tệ nạn mua quan bán chức, tham nhũng lan tràn; nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh gia tăng; nạn ăn chặt, bớt xén bất cứ thứ gì, kể cả trợ cấp, cứu đói cho những mảnh đời bất hạnh.
Còn trong đời sống kinh - tế xã hội đang nở rộ các chiêu làm ăn kinh doanh lừa đảo, chụp giật, gian dối bất chấp sức khoẻ, tính mạng con người. Tình trạng xâm hại danh dự, nhân phẩm, thể xác con người, kể cả các cháu đang độ tuổi mầm non, đang diễn ra ngày càng phổ biến. Các vụ án mạng càng ngày càng nhiều và càng tàn độc; con người cũng trở thành món hàng buôn bán. Tình trạng lợi dụng đời sống tâm linh, lợi dụng đình chùa để buôn thần bán thánh,…diễn ra không phải hiếm.
Gian dối trong giáo dục, chất lượng yếu kém của nguồn nhân lực; sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ quan chức; những “nút thắt” trong vận hành của bộ máy nhà nước; sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách của một bộ phận người Việt và của nền văn hoá xã hội là tấm gương phản chiếu nhiều điều bất ổn của ngành giáo dục nói riêng và quốc gia nói chung.
(còn nữa)
Nguyễn Huy Viện