Tuần Việt Nam giới thiệu kỳ tiếp theo Bàn tròn trực tuyến chủ đề “APEC 2017: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” với hai vị khách mời: Ông Nguyễn Minh Vũ -Vụ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực quốc gia APEC năm 2017 và TS Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.
Xem lại kì 1 Bàn tròn TẠI ĐÂY
Mời quý vị xem kì 2
Nhà báo Phạm Huyền: Xin hai ông chia sẻ những trở ngại chúng ta từng gặp trong 18 năm tham gia APEC?
Ông Nguyễn Minh Vũ: Một trong những trở ngại là trình độ phát triển và hội nhập của chúng ta vẫn còn rất mới nhưng trong suốt 18 năm qua chúng ta đã biến điều bất lợi này thành động lực tích cực để nâng cao năng lực từ việc hoạch định chính sách đến cải tiến khuôn khổ.
Nhà báo Phạm Huyền: Đúng là khoảng cách giữa Việt Nam với các nước phát triển là trở ngại lớn trong quá trình tham gia APEC. Nhưng đến thời điểm hiện nay nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và dường như khoảng cách chênh lệch vẫn chưa được cải thiện nhiều?
TS. Võ Trí Thành: Đây cũng là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh cải cách. Chúng ta đang cố gắng bắt kịp và dần nhanh hơn những nước đang phát triển hơn, trong một số trường hợp là đồng hành với họ. APEC là một cơ hội rất lớn cho Việt Nam để học hỏi những nước đi trước những điều tốt nhất để cải cách mà né tránh được những rủi ro mà họ đã vấp phải. APEC còn là cơ hội tạo sức ép cải cách. APEC cũng là cơ hội để doanh nghiệp được kết nối, hợp tác và chịu sức ép cạnh tranh.
TS Võ Trí Thành. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việt Nam có một đặc điểm là hay lăn tăn trong tư duy, trong cam kết và trong hành động, thế nào là vừa, là đủ và là nhanh. Đặc điểm này trở thành câu chuyện của chúng ta trong hội nhập nói chung và trong APEC nói riêng. Chúng ta cố gắng làm thỏa mãn những lời hứa, cam kết hơn là việc nhìn những cam kết đó như một động lực để chúng ta đi lên.
Trong một thế giới đầy biến động, nhiều trở ngại thì làm thế nào khôn ngoan nhất, việc này chúng ta nên kết hợp với đối tác vừa học hỏi, vừa phản biện để tìm ra cách thức và bước đi phù hợp.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi có một băn khoăn liệu câu chuyện chuyển mình chậm chạp trong khu vực doanh nghiệp nhà nước hay sự phát triển vẫn còn yếu ớt của khu vực tư nhân là một trong những trở ngại phát triển của chúng ta?
TS Võ Trí Thành: Tôi nghĩ độ trễ của doanh nghiệp là có. Giai đoạn chúng ta chuẩn bị gia nhập WTO là giai đoạn Việt Nam có những kết quả ấn tượng. Chỉ trong một thời gian ngắn gia nhập WTO, chúng ta đã thay đổi trên dưới 30 luật, đó là điều chưa từng có trong lịch sử các nước đang phát triển gia nhập WTO. Đến giai đoạn gia nhập WTO ta đã đẩy mạnh hội nhập sâu rộng bằng chứng là có 16 hiệp định FTA. Tuy nhiên, câu chuyện chuẩn bị về khung khổ pháp lý là do chúng ta làm chưa nhanh như hồi gia nhập WTO.
Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và hiểu biết sâu hơn về hội nhập là không thiếu, tuy nhiên để biến cơ hội đó thành khát vọng để học hỏi ở tầm vĩ mô còn là khoảng cách rất lớn. Nhưng cứ va vấp, cạnh tranh trên trường đời thì chúng ta sẽ lớn lên đối với cả bộ máy công chức lẫn doanh nghiệp và rồi chúng ta sẽ trưởng thành lên. Tuy nhiên, điều mà tôi lo lắng hơn là bộ máy nhà nước.
Rất hy vọng là hiện nay chúng ta đẩy mạnh hơn những nỗ lực, chính phủ là một chính phủ kiến tạo, một chính phủ hành động, nhưng tôi rất muốn nhấn thêm đó là chính phủ có tầm. Nếu thực hiện được những mục tiêu đó sẽ góp phần rất lớn cho môi trường kinh doanh mới, vừa phù hợp với đòi hỏi phát triển, thích ứng với mở cửa hội nhập trong đó có APEC. Từ đó sẽ chuyển hóa thành động lực mới, doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn, bài bản, chuyên nghiệp hơn, khát vọng hơn.
Một phiên họp toàn thể tại APEC 2016. |
Ông Nguyễn Minh Vũ: Thực ra câu chuyện doanh nghiệp không tận dụng được FTA trong kinh doanh không chỉ là câu chuyện của Việt Nam mà còn là câu chuyện của nhiều nền kinh tế APEC.
Năm ngoái chúng ta đã tổ chức hội thảo về vấn đề này, tỉ lệ doanh nghiệp đặc biệt là doanh nhiệp vừa và nhỏ tận dụng FTA rất thấp, chỉ khoảng 20-30%. Vì thế trong câu chuyện của APEC, người ta nhận ra rằng cần phải tăng cường hơn nữa trong việc tận dụng FTA đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu chúng ta tận dụng được vai trò của APEC sẽ triển khai FTA hiệu quả hơn, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nhiều hơn.
Trong APEC có một kênh trụ cột hợp tác kinh tế- kỹ thuật. Hàng năm tcó khoảng gần 200 các dự án khác nhau để dành cho các nền kinh tế trong đó có các nền kinh tế đang phát triển và ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể tăng cường năng lực, kỹ năng để khai thác hiệu quả FTA.
Tôi cũng chia sẻ với ý kiến của anh Thành, chúng ta hãy nhìn nhận vai trò của APEC là cơ chế để từ đó tạo ra sự thay đổi về thể chế, chính sách của nhà nước có lợi cho doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng APEC là một cơ chế nó không ràng buộc, tự nguyện, thì mình cứ tham gia để cho có thôi, tôi không đồng ý với ý kiến này. Bởi thực tế mà nói, qua việc trao đổi với các nền kinh tế trong đó có nền kinh tế phát triển họ nói rất rõ là chúng tôi không coi APEC là một diễn đàn không ràng buộc mà chúng tôi tham gia rất nghiêm túc và những gì chúng tôi cam kết trong APEC là chúng tôi thực hiện bằng được, bởi vì những cam kết về cải cách trong APEC là có lợi cho nền kinh tế của chúng tôi thành ra chúng tôi tham gia APEC rất là nghiêm túc.
Trong APEC có hai kênh: một là kế hoạch hành động tập thể và kênh thứ hai là kế hoạch hành động quốc gia thì các nước, các nền kinh tế họ có cam kết chính sách thông qua kế hoạch hành động quốc gia đó, cải cách trên các linh vực khác nhau từ cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thể chế, cải cách chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa rồi dịch vụ, đầu tư, tạo thuận lợi hóa kinh doanh.
Hàng năm chúng ta cũng tham gia các cam kết cải cách thông qua kế hoạch hành động quốc gia này và có lẽ chúng ta cần phải nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia đó để có lợi cho các doanh nghiệp Việt.
TS. Võ Trí Thành: Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm, đôi khi chúng ta nói và nghĩ về APEC là rất vĩ mô, trên trời nhưng thật ra sâu thẳm APEC là vì sự phát triển, APEC là vì hoạt động sản xuất kinh doanh, APEC là vì doanh nghiệp.
Trong cơ chế APEC bên cạnh các tổ chức chung còn có tổ chức IAP (Chương trình hành động quốc gia). Tất cả các cuộc họp quan trọng nhất của APEC thì tiếng nói của doanh nghiệp và tiếng nói của IAP luôn song hành với nhau, tạo nền tảng cho những tuyên bố gắn với cải cách phát triển doanh nghiệp.
APEC cũng có chương trình hợp tác kinh tế- kĩ thuật (EcoTech) để nâng cao năng lực trong đó có năng lực doanh nghiệp và rất nhiều cải cách của APEC cũng vì doanh nghiệp ví dụ như cải cách về cơ chế, tái cấu trúc, cải cách cơ cấu, cải cách dịch vụ. Đặc biệt, APEC còn có một chương trình đo lường các chỉ số thuận lợi cho kinh doanh và mục đích của nó cũng được đo lường, làm thế nào giảm thiểu được chi phí giao dịch, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp 3-5%.
Như vậy thực sự đằng sau tất cả những câu chuyện lớn ở tầm vi mô của APEC là câu chuyện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Còn nữa…
Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet
Nhóm quay clip: Huy Phúc, Xuân Quý
Dựng clip: Bạt Tuấn
Chụp ảnh: Lê Anh Dũng