-  GS Terry F. Buss và ông Vũ Tú Thành đã cùng giải mã cơn địa chấn mang tên Donald Trump ngay sau khi vị tỷ phú này đã chiến thắng trước Hillary Clinton trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45 tại Góc nhìn thẳng.

Xem toàn bộ cuộc trò chuyện trực tuyến về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Chiều qua, 9/11, sau rất nhiều giờ hồi hộp và kịch tính, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã chính thức gọi tên ông Donald Trump là chủ nhân của Nhà Trắng trong 4 năm tới. 

Vậy điều gì đã xãy ra với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ này? Bằng cách nào mà một nhân vật rất kỳ lạ như Donald Trump có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống? Những thách thức nào đang chờ đón vị chủ nhân tương lai của Nhà Trắng cũng như việc ông Donald Trump lên nắm quyền sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thế giới?

Để có thể giải mã những câu hỏi khó trên, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã tổ chức cuộc trò chuyện trực tuyến kết hợp với tương tác trên trang fanpage Vietnamnet về chủ đề: "Tương lai nào cho tân Tổng thống Donald Trump?".

Hai chuyên gia về chính trị ngoại giao tham dự buổi trò chuyện này là GS Terry F. Buss, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách công, ĐH Carnegie Mellon, thành viên của Hội đồng quốc gia Mỹ và ông Vũ Tú Thành, PGĐ Điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng kinh doanh Mỹ- ASEAN.

Mời bạn đọc theo dõi lược trích phần 1 của buổi trò chuyện này:

Nhà báo Việt Lâm: Có lẽ, câu hỏi đầu tiên mà rất nhiều độc giả muốn dành câu hỏi cho hai ông. Điều gì đã xảy ra khi kết quả đi ngược mọi dự đoán, đi ngược kết quả của mọi cuộc thăm dò dư luận trước đó. 

Trước thềm của bầu cử, các thăm dò đều cho thấy, Clinton là người có khả năng thắng cử là 80, 90% và ông Donald Trump rất ít khả năng thắng cử. Thế nhưng bây giờ chúng ta nhìn thấy, Donald Trump lại là người dành được chiến thắng cuối cùng. Vậy điều gì đã xảy ra vâỵ?

Trump- kẻ phá cách quyến rũ- hay cuộc nổi loạn chống lại thể chế hiện hữu

GS Terry F. Buss: Tôi nghĩ rằng, các cuộc thăm dò dư luận đã sai lệch và truyền thông Mỹ thì nhận định sai những gì đang diễn ra ở đất nước chúng tôi. Và có lẽ mọi người không đánh giá hết được mức độ tổn hại nghiêm trọng của những bê bối cá nhân đối với Hillary Clinton.

Chúng ta cũng đã nhận định sai về sức hấp dẫn mang tính tiêu cực (“negative genius”) của Donald Trump. Ông ta đi ngược lại mọi lời khuyên, mọi hình mẫu chuẩn mực của một chính trị gia và chính điều đó mang lại sức hấp dẫn cho ông ta.

Bởi vậy, tôi tin rằng, tới đây đất nước cuả chúng tôi sẽ phải nhìn nhận lại những gì đã xảy ra, xem xét những chính sách của tân tổng thống cũng như vai trò của truyền thông đại chúng, của các cuộc thăm dò dư luận.

Ông Vũ Tú Thành: Tôi muốn mở rộng thêm một số ý nữa. Thứ nhất, phải khẳng định rằng ông Trump là một người phi truyền thống, chống lại thể chế hiện hữu. Thế thì như Terry vừa nói, tất cả những gì sách giáo khoa về chính trị, sách giáo khoa về bầu cử mà liệt kê như là những lời khuyên thì ông Trump hoàn toàn làm theo nhưng ở góc độ 180o. Tức là ngược lại.

{keywords}
Ông Vũ Tú Thành, PGĐ Điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Mỹ- ASEAN đang trao đổi trong chương trình Góc nhìn thẳng (ảnh: Trần Thường)

Còn bà Clinton là một chính trị gia lão luyện và là một chính trị gia truyền thống, sành sỏi. Tất cả những gì bà ấy làm là chuẩn mực của sách giáo khoa. Như vậy chúng ta chứng kiến ở đây là một tầng lớp cử tri mới của Mỹ đang muốn phản kháng lại trật trự hiện có. Cái gọi là tình trạng status quo, là nguyên trạng. Họ muốn những cái phi giáo khoa, phi truyền thống. Có lẽ bây giờ là thời kỳ của nền chính trị mới, nền chính trị phi truyền thống và phá cách.

Do đó, những người như ông Trump trong chừng mực nào đó đã nói được tiếng nói mà giới truyền thông cả truyền thông chính thống lẫn truyền thông mạng, đại chúng như là mạng xã hội đã bỏ qua. Bởi vì dù sao, mạng xã hội nó cũng gắn với cả cái gọi là khoảng cách số (digital divide). 

Có nghĩa là những người tiếp cận nhiều hơn với mạng xã hội, công nghệ hiện đại có xu hướng là giới tinh hoa hơn của xã hội. Cho nên, đa số câm lặng không được nghe tới. Có lẽ, các nhà chính trị cần phải lưu tâm nhiều hơn đến thời của chính trị phi truyền thống này.

Nhà báo Việt Lâm: Trong những cuộc phỏng vấn Exit polls sau khi cử tri đi bỏ phiếu xong mà New York Times tiến hành, có một thực tế là 67% cử tri nói không thích ông Trump nhưng trong đó, vẫn có 21% vẫn bỏ phiếu cho ông ấy. Họ bỏ phiếu cho ứng viên mà họ không thích. Thế thì, các ông lý giải thế nào về điều này ?

GS Terry F. Buss: Có thể là vì họ cũng không thích bà Clinton! Trong cả 2 ứng cử viện, họ đều khiến người dân phân hóa quá mức, họ đẩy người dân vào hai thái cực khác nhau.

Khi người dân bắt buộc phải bỏ phiếu cho người này, không bỏ phiếu cho người kia, vậy thì, câu trả lời chỉ có thể là: dân bầu bạn lên là do người ta thích bạn hoặc người ta ghét bạn ít hơn người kia.

{keywords}
GS Terry F. Buss, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách Công, ĐH Carnegie Mellon, thành viên Hội đồng quốc gia Mỹ đang chia sẻ trong chương trình Góc nhìn thẳng
(ảnh: Trần Thường)

Obama là trường hợp người dân bầu bởi vì họ thích ông ấy. Họ thấy ở ông ấy những phẩm chất đáng quý mà họ đánh giá cao. Những người bầu cho ông ấy đều rất hào hứng với ông ấy. 

Nhưng mà ở cuộc bầu cử này, hai ứng cử viên đều đã không làm cho người dân cảm thấy hào hứng, cảm thấy mình có cái quyền được đưa ra sự lựa chọn theo nghĩa như vậy.

Nhà báo Việt Lâm: Chắc chắc rằng, cơn địa chấn mang tên Trump sẽ còn được bàn luận trong nhiều tháng tới. Nếu như đặt cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này với kết quả ông Trump dành chiến thắng, cùng với một loạt các sự kiện đã diễn ra trong đời sống chính trị vừa qua như việc người dân Anh đã bỏ phiếu chọn rời bỏ EU (Brexit) trong khi trước đó, các cuộc thăm dò lại cho thấy không phải thế. 

Vậy theo các ông, điều này đã phản ánh xu hướng gì trong đời sống chính trị hiện đại?

GS Terry F. Buss: Những gì đã diễn ra hôm nay nhắc nhớ tôi về quãng đời thời trẻ, khi tôi làm nghề thăm dò dư luận. Từ những gì tôi quan sát được khi đó thì phải nói thực rằng hầu hết những người được hỏi đều không nói thật. Có thể một phần là do họ không muốn nói điều họ nghĩ. Hoặc có thể họ không muốn trả lời câu hỏi mà họ không thích.

Một đặc điểm nữa là ở Mỹ cũng như ở các nước phương Tây khác như Anh, Châu Âu, người dân bị bao vây bởi những người làm nghề thăm dò dư luận. Mỗi ngày, bạn có thể bị hai ba cuộc gọi từ những người thăm dò dư luận hay người làm marketing đến nỗi bạn cảm thấy rất phiền nhiễu hoặc ngắt máy không trả lời nữa.

Người dân Mỹ bị bao vây bởi quá nhiều thông tin và họ mất phương hướng. Ví dụ như họ nhận được những câu hỏi mang tính chất định hướng như là: Ông bà có biết là Trump đang gặp nhiều scandal không? Trong khi người dân còn không hiểu là đã có scandal gì xảy ra.

Tràn ngập trên truyền thông chính thống, thậm chí truyền thông xã hội là các thông tin tiêu cực về Trump. Thử bật bất kỳ kênh truyền hình nào của Mỹ, bạn cũng sẽ thấy đang chiếu show diễn hài Clinton – Trump. Thành thử, điều này mang lại tác dụng ngược, khiến người dân càng nghi ngờ hơn đối với truyền thông.

Những người thăm dò dư luận và truyền thông đã đánh giá sai tình hình, họ đã không biết được những gì mà đa số dân chúng đang nghĩ. Bởi vậy, nên chúng ta mới cảm thấy bất ngờ trước kết cục này.

Người dân khát khao sự thay đổi

Ông Vũ Tú Thành: Tôi muốn nói thêm rằng, xu hướng này đúng là dẫn đến sự vươn lên của Trump trong chính trị Mỹ. Không phải xu hướng ấy chỉ giới hạn ở trong nước Mỹ. 

Như chị nói, nó đã thể hiện ở sự kiện Brexit ở Châu Âu hay ở Phillippines với sự vươn lên của Tổng thống Rodrigo Duterte. Trước hết, có thể hiểu nó thể hiện sự bất mãn của dân chúng với cả chính quyền và thể chế và với cả nguyên trạng. Cho nên, thực sự họ muốn thay đổi mà thay đổi nhanh, phải có hiệu quả ngay.

{keywords}
Ông Vũ Tú Thành và GS Tery F. Buss  đang trao đổi trong chương trình Góc nhìn thẳng (ảnh: Trần Thường)

Dân chúng không có đủ kiên nhẫn hay sự từng trải, điềm đạm cần thiết để chờ đợi chính phủ hay những chính trị gia phải cân nhắc các lợi ích khác nhau để đưa đến một thỏa hiệp ít xấu nhất. Họ không có kiên nhẫn để chờ đợi điều đấy. Họ muốn kết quả nhanh. 

Vì vậy, những chính trị gia nào đáp ứng được điều đấy thật nhanh thì được lựa chọn, bất chấp logic. Một bộ phận cử tri đó chuộng sự đơn giản, nhanh, hiệu quả thấy được nên họ đã lựa chọn như vậy, nhất là với những chính trị gia biết làm cho mình đối lập với cả những thành phần của nguyên trạng, những thành phần của cơ cấu quyền lực hiện nay.

Như tôi đã nói ở phần đầu về việc phi truyền thống. Người ta đang cần thay đổi, ông chứng minh được là ông phi truyền thống, ông thay đổi thì thắng. Trong chừng mực nào đó, 8 năm trước, ông Obama đã làm chính điều như vậy và ông ấy chiến thắng trong nội bộ của Đảng Dân chủ.

Sau khi chiến thắng trong nội bộ Đảng Dân chủ thì ông ấy chiến thắng trên toàn quốc.

Bây giờ, nói ra điều này hơi mỉa mai nhưng rõ ràng là ông Trump đang lặp lại câu chuyện thành công của Obama. Ông Obama vẽ cho mình hình ảnh một ở người ngoài Washington. Ông Trump cũng vậy, thậm chí đẩy lên một hình thái cao hơn, một cực đoan hơn.

Sự lên tiếng của đám đông câm lặng

Nhà báo Việt Lâm: Ngay khi Trump còn đang dẫn trước ở một số bang chiến địa, các học giả nổi tiếng đã bắt đầu đăng các bài bình luận thể hiện nỗi thất vọng trước khả năng Trump thắng cử.

Kinh tế gia đạt giải Nobel, Paul Krugman viết trên New York Times: An Unknown Country, đại ý: Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra với đất nước này nữa. Tôi cũng như nhiều người nghĩ rằng chúng ta sẽ bỏ phiếu lựa chọn cho những giá trị mà chúng ta tin tưởng như dân chủ,…nhưng đa số đã lựa chọn khác. Hai ông nghĩ sao về bình luận này của ông Paul Krugman? Cảm xúc này liệu có quá bi quan?

Ông Vũ Tú Thành: Nếu như bình tĩnh hơn một chút để nhìn vào kết quả bầu cử và nguyên nhân dẫn đến điều đó, ta sẽ thấy, những bang tranh chấp ngã hẳn về ông Trump đều bầu cho ông Obama trước đó.

Nếu theo logic đó thì những người này đều thuộc bộ phận đa số im lặng. Ý nguyện của họ đều muốn thay đổi. Và những ai đại diện cho sự thay đổi, chống lại cái nguyên trạng thì các cử tri đó đều bỏ phiếu.

Năm 2008-1012, cử tri đã bầu cho một đại diện như vậy, đó là ông Obama. Năm nay, đó là ông Trump, bất kể người đó thuộc Đảng nào thì chúng ta có thể nhìn từ logic đó.

Năm 2004, khi ông Kerry tranh cử với ông John Edwards, ông Kerry cũng bị chỉ trích giống hệt như người ta chỉ trích bà Clinton hiện nay. Đó là một con người quá lão luyện, một chính trị gia quá lão luyện và hay thay đổi.

Những người hiểu biết về chính trị, người ta sẽ cho rằng những chính trị gia lão luyện sẽ phải cân nhắc trước sau, sẽ rất thận trọng trong việc đưa ra những quan điểm của họ cho nên, họ có thể điều chỉnh những lập trường của chính họ vào những thời điểm nào đó, nhằm đảm bảo hệ lụy của họ bớt xấu xí nhất có thể.

Thế nhưng đối với những người bỏ phiếu cho ông Obama, cho ông Trump chẳng hạn, họ không chấp nhận chuyện chính trị gia không nói thật như thế. Họ muốn những người mà phải nói toẹt ra những gì mà mình suy nghĩ, nhất là những suy nghĩ đấy giống suy nghĩ của họ, nói toẹt ra, không rào trước đón sau. Ông Trump có được cái rất hay như vậy, Theo tôi đánh giá, đó là lợi thế của ông ấy.

Vì ông ấy chưa có quá khứ chính trị gì trước đó, cho nên ông không cần phải đắn đo trước sau để lo mình có sự thay đổi lập trường của mình trước đây. Vì trước đó ông chưa có lập trường gì cả. Ông ấy bắt đầu từ đầu. Ông ấy có lợi thế. Vì vậy, ông ấy nói toẹt những gì ông ấy nghĩ ra, nhất là khi ông ấy lại nói như gãi đúng chỗ ngứa những người đang muốn nghe. Đó là lợi thế.

Trong khi đó, bà Clinton đã có 30 năm làm chính trị gia rồi, rõ ràng quan điểm của một chính trị gia trong 30 năm sẽ phải có những thay đổi mới để thích ứng với tình hình mới. Lúc đó bà ấy sẽ bị gắn là quan điểm không nhất quán, không nói thật.

Ở cái thời buổi con người đang bị nhiễu thông tin như thế này, người ta không biết tin vào ai mà lại có một người quảng bá hình ảnh rằng, tôi như ông Kerry năm 2004, tôi thận trọng và nếu tôi thay đổi lập trường là có lí do của nó.

Tức là, không có sự biện minh cho chuyện lập trường của mình không nhất quán.

Ông Trump không có gánh nặng về việc nhất quán lập trường như vậy. Ông ấy bắt đầu từ đầu cho nên ông ấy chỉ cần nói những điều ông ấy nghĩ và không cần phải lo đến hậu quả thì đó là lợi thế của ông ấy.

GS Terry F. Buss: Tôi nghĩ là một điều cũng đang xảy ra đó là chúng ta có thể gọi là “chính trị của nỗi sợ hãi”. Các chính trị gia xây dựng lực lượng ủng hộ mình dựa trên nỗi sợ hãi của đám đông. Và khi nỗi sợ hãi được khuyếch trương, người dân thường sẽ chọn ứng viên nào mà họ cảm thấy là người mạnh mẽ nhất, cứng rắn nhất có thể trấn an nỗi sợ của họ, thay vì thực sự suy nghĩ về những vấn đề của đất nước.

Rõ rang, bà Hillary thể hiện mình là một người rất thận trọng, điềm tĩnh trong khi ông Trump thì mạnh mẽ, thậm chí hoang dã. Có thể người dân nghĩ rằng tính cách đó sẽ giúp họ vượt qua nỗi sợ hiện nay.

Chúng ta hãy nhớ lại những năm 60, 70 thế kỉ trước, người dân Mỹ phải đối diện rất nhiều nỗi sợ như nỗi sợ chiến tranh, bạo loạn, bom hạt nhân. Hiện nay, cũng có rất nhiều vấn đề đang xảy ra trong xã hội Mỹ như sự phản kháng của người da màu, khủng bố…

Khi đó, ai là người thể hiện được sự mạnh mẽ, quyết đoán thì sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân.

Nếu bạn đã từng xem Trump trong những chương trình truyền hình thực tế của ông ấy, có thể thấy tất cả những nhân vật trong chương trình đó đều rất sợ ông Trump. Ông ấy có cá tính mà chắc chắc không ai dám đụng đến, điều đó rất hấp dẫn đối với nhiều người. Tôi nghĩ đến những người thợ mỏ - là những người rất mạnh mẽ, rất cứng rắn. Họ bị mất việc và khi Trump đến, hứa sẽ đem lại công việc cho họ, họ đã bầu cho Trump. Đó là điều đã xảy ra ở Pensylvania.

Nhà báo Việt Lâm: Về phần tôi, tôi nghĩ rằng, cuộc bầu cử tổng thống này cũng cho cuộc khủng hoảng của báo chí – truyền thông. Chưa từng có cuộc bầu cử nào mà hầu hết báo chí chính thống lại công khai thể hiện chính kiến ủng hộ một ứng viên là Hillary Clinton. Nhưng kết quả cuối cùng là đa số người dân lại chọn Trump. Phải chăng, người dân không còn mấy tin vào báo chí nữa...

(Còn tiếp-  Lược trích phần 2 của trực tuyến này sẽ cập nhật vào ngày 11/11

VietNamNet

Thực hiện: Việt Lâm- Phạm Huyền

Ảnh: Trần Thường

Clip: Bạt Tuấn, Đức Yên, Huy Phúc, Thuý Hồng

email: [email protected]

Các tin khác: