"Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân". Đây là một lỗi tư duy rất cơ bản. Nếu nói như vậy thì bất cứ di sản nào của thời trước cũng cần phải xóa bỏ và bất cứ triều đại nào khoác áo phong kiến cũng đều "mục nát trong tâm thức người dân"?

Mấy năm nay báo chí đã "um sùm" về việc nên hay không nên phá một phần rừng Cát Tiên làm thủy điện. Gần đây lại có thêm ý kiến về việc phá Đàn Xã Tắc để làm cầu vượt. Những di sản có tuổi thọ nghìn năm, trăm năm bỗng dưng mong manh và dễ biến mất vô cùng cho một lý do chung là phát triển kinh tế xã hội...

Giá trị nghìn năm bị hạ thấp

Người viết lấy làm thắc mắc tại sao nhiều cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại có vẻ nôn nóng muốn đẩy nhanh tiến độ làm thủy điện giữa rừng Quốc gia Cát Tiên đến vậy? Báo Người Lao Động đã dùng từ "hối thúc" để nói về Bộ này.

Và sự hối thúc ấy nhằm để làm gì nếu không phải tạo điều kiện cho chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được phép thi công trong vườn Quốc gia Cát Tiên- nơi đang được xét duyệt làm di sản thiên nhiên thế giới, nơi đang là khu dự trữ sinh quyển thế giới và đồng thời cũng là di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

Để có một khu rừng nguyên sinh phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm nhưng để mất nó, đôi khi chỉ cần một... chữ ký. Nếu cho phép thủy điện "ăn" rừng thì đồng nghĩa với việc Việt Nam không tôn trọng công ước quốc tế, vi phạm luật bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ di tích,.v.v..

Và nhiều cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng hai dự án thủy điện nằm trong khu vực rừng nghèo. Hai nhà báo Xuân Hoàng, Thu Sương của báo Người Lao Động đã trả lời thế này:

...Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, trong Thông tư 34 quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng, cũng do chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2009, khái niệm rừng giàu, rừng nghèo được tạm tính theo trữ lượng và dành cho cả loại rừng gỗ và rừng tre nứa, lồ ô; không có quy định nào xếp lồ ô, tre nứa vào dạng rừng nghèo.

Trong bài viết Một sự thật cho bộ trưởng Cao Đức Phát, người viết bài có trích dẫn lại câu nói của Bộ trưởng mà Thời báo kinh tế Việt Nam đã ghi lại khi ông đến làm việc tại vườn Quốc gia Yok Đôn: "Tôi đến đây không phải để tham quan, không muốn nghe những điều tốt đẹp mà muốn nghe sự thật!"

Vậy thì việc hạ thấp giá trị của một di sản giá trị nghìn năm, bỏ qua lời can ngăn của giới khoa học lẫn vô số ý kiến người dân, bỏ qua sự phản đối của các tỉnh hạ nguồn, bỏ qua uy tín Việt Nam với quốc tế thì nên gọi bằng gì đây? Liệu cách làm ấy có phải là góp phần "giúp" con cháu chúng ta nhận đại bác từ tương lai? Và tôi cho rằng đó là những báo cáo tốt đẹp từ những chuyến tham quan hơn là sự thật!

Xưa có câu: Thần thiêng nhờ bộ hạ. Còn nay, uy tín của một Bộ trưởng, uy tín của Chính phủ sẽ đi về đâu nếu có sự tư vấn của những cộng sự với cách làm như trên?

Những cánh rừng sẽ không nghèo nếu ai cũng giàu liêm sỉ, giàu kiến thức!

{keywords}

Gần đây có thêm ý kiến về việc phá Đàn Xã Tắc để làm cầu vượt

Kinh tế xã hội từ nhận thức

Vừa qua, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội trong một văn bản cho rằng "xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân". Đây là một lỗi tư duy rất cơ bản. Nếu nói như vậy thì bất cứ di sản nào của thời trước cũng cần phải xóa bỏ và bất cứ triều đại nào khoác áo phong kiến cũng đều "mục nát trong tâm thức người dân"?

Thế giới sẽ mất vạn lý trường thành, kim tự tháp hay bất cứ thứ gì của các triều đại trước đó nếu ai cũng nghĩ như ông Liên!

Bất kỳ triều đại nào cũng có lúc hưng, khi mạt nên việc phủ nhận sạch trơn các giá trị như vậy là một cách ứng xử thiếu công bằng, vô văn hóa đối với các di sản.

Những thanh kiếm samurai, các ngôi chùa, cây cầu cổ được Nhật Bản giữ gìn hết sức cẩn thận (xin hãy xem lại trên kênh Discovery) dù rằng họ dạy con cháu rằng đất nước Nhật Bản ít tài nguyên, nghèo kinh tế, thiên nhiên kém ưu đãi...

Sự tôn trọng quá khứ để cố gắng cho tương lai đã tạo nên một Nhật Bản giàu mạnh chứ không phải bằng cách đánh đổi, không phải "vướng là phá, cản là đập" như một tờ báo đã nói về ông Bùi Danh Liên.

 Tại tỉnh Đồng Nai, đã có một nhà thầu trình dự án lấp một đoạn sông Đồng Nai để xây đường, xây chung cư, xây khu thương mại, xây công viên. Dự án rất đẹp, rất hoành tráng nhưng những người làm dự án cũng quên mất là văn hóa sông nước đã để lại bên bờ sông biết bao nhiêu là di sản.

Và những ngôi nhà, ngôi chùa, ngôi miếu, bến nước hướng ra mặt sông sẽ lùi vào dĩ vãng như nhiều ngôi chùa, ngôi miếu khác đang bị nhét trong mớ chen chúc hỗn độn của thứ kiến trúc "chồm hổm" ở xung quanh hồ Tây, Hà Nội.

Đồng Nai có may mắn... tạm thời (chỉ là tạm thời thôi nhé!) là dự án lấp sông ấy phải dừng lại vì khủng hoảng kinh tế...

Còn Hà Nội? Có lẽ Đàn Xã Tắc hay vô số các di sản của kinh kỳ, của xứ Đoài (Hà Tây trước đây) sẽ tiếp tục bị xâm hại bằng một lý do giàu tính định hướng khá chung chung- phát triển xã hội.

Khi nhận thức về phát triển xã hội chỉ mới ở bề nổi, ở con số thì người viết đồ rằng đó là một lối phát triển thiếu bền vững.

"Bia tưởng niệm" thời công nghệ

Những phát ngôn, hành động của ngày xưa vẫn còn lưu truyền đến hôm nay dù một hôn quân có thể chém đầu nhiều quan chép sử. Những phát ngôn, hành động của hôm nay có thể còn lưu truyền đến mai sau dù người nói bậy, làm bậy có thể cụ thể hóa bằng một văn bản hành chính nào đó.

Nhưng trong thời đại mà thế giới ngày càng "phẳng" đi và một cụm từ tìm kiếm kèm thú cú nhấp chuột là những người đương thời hay hậu thế đều có thể tìm ra sự thật và đánh giá.

Tôi gọi đó là bia "tưởng niệm" (thứ tưởng niệm bắt buộc phải nằm trong ngoặc kép) thời công nghệ!

Nhà thơ Nga Evtuchenko đã viết trong bài Giới hạn: "Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?
Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ/ Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình/ Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy/ Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh!"

Vậy thì số phận của cánh rừng nguyên sinh Cát Tiên, Đàn Xã Tắc hay bất kỳ di sản nào đó liệu đang lặng thinh trước những ý định, hành động xâm hại mình sẽ ra sao nếu tình trạng đáng buồn ấy cứ diễn ra.

May mà di sản không biết nói, nếu không thì....

Nhất Ngôn