Thiếu điện không còn là nguy cơ
Trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, nhiều đại biểu đặt vấn đề về tình hình điện năng. Thủ tướng chia sẻ: Điện bây giờ không phải chỉ là kinh tế, mất điện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân. Tôi có lần đã nói, cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện mà không đảm bảo cấp điện liên quan đến vấn đề mất chức chứ không phải bình thường.
Lời cảnh báo “mất chức” của Thủ tướng được đưa ra khi các báo cáo của Bộ Công Thương cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã chỉ ra rất rõ nguy cơ thiếu điện.
Trong 5 năm tới (2019-2023), theo quy hoạch cần đưa vào vận hành 30 dự án nhiệt điện than, khí với tổng công suất khoảng 28.800 MW. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 8 dự án với tổng công suất gần 8.500 MW đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn 22 dự án với tổng công suất 20.000 MW chưa được xây dựng nên không thể hoàn thành trong 5 năm tới.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hệ thống điện từ chỗ có dự phòng xấp xỉ 20% trong các năm 2015-2016, đến nay hầu như không còn dự phòng và giai đoạn 2021-2025 xảy ra tình trạng thiếu điện.
Để không ai phải bị cách chức khi thiếu điện |
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo). Thế nhưng, hàng chục dự án bị chậm tiến độ đã khiến việc cung ứng điện thêm căng thẳng.
Giai đoạn 2016-2030, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao đầu tư 24 dự án với tổng công suất hơn 15,2 nghìn MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 cần hoàn thành 14 dự án với tổng công suất trên 7,1 nghìn MW.
Trong tổng số 24 dự án của EVN đầu tư giai đoạn 2016-2030, thì 9 dự án đã phát điện và 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư. Dự kiến 6 dự án đúng tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao đầu tư làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11,4 nghìn MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án.
Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam thực hiện 4 dự án với tổng công suất gần 3.000 MW. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021-2030 có 2 dự án. Hiện nay cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.
Ngoài ra, nhiều nhà máy trong số 19 nhà máy nhiệt điện BOT với tổng công suất 24 nghìn MW cũng đối diện nguy cơ chậm tiến độ.
Thế nên, việc thiếu điện là hiện hữu, nhất là khi nhu cầu mỗi năm vẫn tăng trưởng khoảng 10%, tức cần thêm khoảng 4.500 MW/năm.
Trong 2 kịch bản được EVN tính toán, thì kịch bản 1 là nếu các dự án vẫn ì ạch như hiện nay, thì hệ thống vẫn lâm cảnh thiếu điện các năm 2021-2024. Kịch bản xấu này vẫn xảy ra khi đã huy động cả nguồn nhiệt điện chạy dầu với con số kỷ lục từ 5 tỷ đến 10 tỷ kWh (cao nhất là năm 2023 với sản lượng khoảng 10,5 tỷ kWh). Lưu ý thêm, điện chạy dầu khá đắt đỏ, ở mức 5.000 đồng – 6.000 đồng/số tùy thời điểm.
Ngoài kịch bản thiếu điện ở trên, EVN cũng đề cập 1 phương án khác để không xảy ra thiếu điện, đó là dựa vào năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Tổng công suất các nguồn điện gió cần khuyến khích đưa vào vận hành thêm từ nay đến năm 2023 khoảng 5.700 MW, nguồn điện mặt trời xấp xỉ 11.400 MW.
Làm như thế, hệ thống có thể đáp ứng đủ điện và không phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu trong giai đoạn 2021-2025.
Nhưng tất cả vẫn chỉ là kịch bản. Kịch bản dựa vào năng lượng tái tạo có khả thi không khi mà sau gần nửa năm, đến nay, giá điện sau tháng 6/2019 vẫn chưa được quyết định? Một nguồn tin cho biết: Các ý kiến về giá điện sau tháng 6/2019 vẫn còn rất phân tán, chưa chốt được phương án cuối cùng.
Chưa có gá điện mặt trời sau 30/6, ai dám đầu tư? Chậm ngày nào, kịch bản dựa vào năng lượng tái tạo để không thiếu điện cũng có thể “phá sản”.
Phải xắn tay áo mà làm
Nhưng còn một phương án khác để không thiếu điện: đẩy nhanh tiến độ các dự án điện đang “nằm im”, hay đang triển khai với tiến độ rùa.
Đơn cử, chỉ cần nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200MW vận hành được, thì hệ thống cũng được cung cấp một nguồn điện đáng kể, bằng công suất của các nhà máy điện mặt trời trong cả năm vừa qua.
Đáng tiếc, sau cuộc họp với sự có mặt của 4 Ủy viên Trung ương Đảng tại chính nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, thì việc có bỏ thêm tiền vào dự án này không, bỏ tiền vào như thế nào vẫn chưa được quyết, nhất là khi dự án đã tiêu 32 nghìn tỷ đồng trên tổng mức đầu tư là trên 41.000 tỷ đồng.
“Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đang dự thảo văn bản báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định đối với các kiến nghị của PVN”, tiến độ được đề cập trong báo cáo ngày 14/10 của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực
Nhiệt điện Long Phú 1, nhiệt điện Sông Hậu 1 đang xây dựng dở dang, nếu hoàn thành cũng sẽ bổ sung hàng nghìn MW điện vào hệ thống.
Nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng kéo dài, trì trệ trong khâu chuẩn bị đầu tư các dự án điện của EVN, PVN và TKV cũng như các dự án điện BOT khác, thì việc thiếu điện sẽ không còn là nguy cơ. Đơn cử, mấy năm nay dự án nhiên điện Quảng Trạch 1 của EVN vẫn không thể khởi công; nhiệt điện Ô Môn III dự kiến vận hành năm 2020. Nhưng đến giờ vẫn chỉ đang làm thủ tục trình Quốc hội, phải lùi tiến độ vận hành sang năm 2025, chậm 5 năm so với quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Nhiệt điện Thái Bình 2 tiến độ ban đầu vận hành 2017-2018, nay đã phải lùi sang 2020-2021. Nhiệt điện Sông Hậu 1 tiến độ 2019 vận hành, nay phải lùi sang 2021. Nhiệt điện Long Phú 1 đáng lẽ phải vận hành 2018-2019 nhưng nay chưa xác định được ngày vận hành do nhà thầu bị Mỹ cấm vận.
Trong tình huống “nước sôi lửa bỏng”, nếu để nước đến chân mới nhảy thì đến lúc muốn nhảy cũng không thể nhảy được. Tình huống cấp bách này phải có giải pháp cấp bách, phải có những người lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm để phục vụ mục đích chung: Đưa các dự án điện vào kịp thời, cung cấp nguồn điện cho phát triển đất nước.
Có như vậy, hệ thống điện mới được đảm bảo. Còn cứ trì trệ, sợ trách nhiệm, thờ ơ, bàng quan thì dù EVN hay Bộ Công Thương có đưa ra bao nhiêu kịch bản đi chăng nữa, thiếu điện vẫn sẽ xảy ra. Lúc đó, thiệt hại cho nền kinh tế là không thể đong đếm. Lúc ấy, có cách chức ai đi nữa cũng không thể làm cho điện sinh ra được.
Ngoài những cuộc họp hành liên miên với các tuyên bố “quyết liệt, đẩy mạnh” thì chỉ có bắt tay vào làm mới không thiếu điện mà thôi! Bởi, trên bàn của lãnh đạo, có rất nhiều văn bản giúp ngăn chặn tình trạng thiếu điện đang chờ một chữ ký.
Lương Bằng