Chính những nhóm lợi ích gồm các quan tham và các chủ doanh nghiệp đã tận dụng tối đa các cơ hội do lỗ hổng của pháp luật để biến công sản thành tư sản. Rất nhiều người chỉ sau một thời gian làm quan; nhiều chủ doanh nghiệp chỉ sau một vài dự án chỉ định thầu-đổi đất lấy công trình, đã trở nên giàu có.
Luật Đất đai
Phải khẳng định rằng đất đai là lĩnh vực màu mỡ nhất cho tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước nghiêm trọng nhất. Nếu thống kế đầy đủ và quy ra tiền, thì thất thoát trong lĩnh vực đất đai sẽ có số tiền nhiều nhất trong tất cả các lĩnh vực.
Đất đai cũng là lĩnh vực khiếu kiện nhiều nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất. Cụ thể 2011: 82%; năm 2012: 89%; năm 2013: 60,9%; năm 2016: 70% trong tổng số các vụ khiếu kiện trên mọi lĩnh vực của cả nước.
Theo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã nhận 1.539 lượt đơn khiếu nại, trong đó, lĩnh vực đất đai vẫn chiếm số lượng nhiều nhất, với tỷ lệ hơn 95%.
Không những vậy đất đai là lĩnh vực nhiều quan chức bị cho vào “lò” nhất. Trong số hơn 30 tướng Quân đội, Công an bị kỷ luật hoặc nhận án tù phần lớn do sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực đất đai.
Hàng chục quan chức lãnh đạo các sở, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang … bị kỷ luật hoặc trở thành bị can, bị cáo đều có những sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong chuyển đổi mục đích sử dung, chuyển nhượng đất đai.
Nguyên nhân của những vấn đề vừa nêu có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản là do sự bất cập của Luật Đất đai.
Nền kinh tế nước ta đã vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng một số điều luật cơ bản của Luật Đất đai năm 2013 vẫn trên quan điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Chẳng hạn như quan điểm về quyền sở hữu đất đai.
Hoặc như một số điều luật quy định quá “thoáng”. Ví dụ khoản d điểm 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định, thẩm quyền thu hồi đất của hội đồng nhân dân tỉnh: “Dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn chỉnh trang đô thị; cụm công nghiệp; khu sản xuất chế biến; nông sản; lâm sản; thủy sản; hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”.
Phạm vi thu hồi đất được rộng như vậy, thì trong bối cảnh tổ chức nhà nước hiện nay, lãnh đạo địa phương rất dễ thuyết phục hội đồng nhân dân chấp nhận phê chuẩn đất đai cho các doanh nghiệp, bỏ qua quyền lợi của người dân.
Với quy định như vậy, tạo ra nhiều kẽ hở cho sự tùy tiện của địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng đất đai; tạo ra cơ chế xin - cho; tình trạng các doanh nghiệp đầu tư “lách luật”, “chạy dự án” vào các khu đất vàng, đất trống để đưa vào diện thu hồi đất…
Nghị định số 187/2004/NĐ-CP
Tháng 10/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 181/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phầ để hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Điều 63 của nghị định này quy định:
1. Quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước do được nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận quyền sử dụng đất là tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp phải được tính giá trị vào giá trị tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
2. Qiá trị quyền sử dụng đất được xác định để đưa vào giá trị tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hoá phải sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường …
Đây là cơ sở pháp lý cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất và đưa giá trị quyền sử dụng đất vào tài sản doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hoá, nhằm bảo toàn tài sản nhà nước sau khi cổ phần hoá.
Tuy nhiên, điều bất thường là chỉ một tháng sau (11/2004), Chính phủ ban hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP “Về việc Chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần” lại không dựa vào Điều 63 của Nghị định 181.
Bởi vậy Mục 1 Điều 19, Nghị định 187 rất “thoáng”, khi quy định doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa được chọn một trong hai hình thức:
a. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá lựa chọn hình thức thuê đất thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá;
b. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa chọn hình thức giao đất thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là giá do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thực tế thị trường …
Với quy định “nước đôi” trên đây, khi thực hiện cổ phần hoá, các doanh nghiệp nhà nước đều chọn hình thức thuê đất. Vì đây là cơ hội họ được hưởng “lộc trời” vô cùng lớn, khi giá trị quyền sử dụng đất chỉ được định giá 0 đồng hoặc rẻ như cho.
Nghị định số 59/2011/NĐ-CP
Văn bản này quy định về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Điều 31 của Nghị định này và các điều tương tự trong các nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định này sau đó tiếp tục giữ lại nội dung Điều 19 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP, là khi cổ phần hóa, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức giao đất hoặc cho thuê đất.
Do một số điều của các nghị định quá “thoáng” trong việc áp dụng quy định về quyền sử dụng đất, từ năm 2004 đến nay, ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhất là tại các TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng … hàng chục triệu m2 đất do các doanh nghiệp nhà nước quản lý không đưa vào định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa, hoặc được định giá với mức rẻ ngoài sức tưởng tượng.
Đây là lỗ hổng vô cùng lớn làm cho khối lượng tài sản khổng lồ của nhà nước tuồn vào túi cá nhân, cá nhân hưởng lợi nhưng nhà nước không thu được gì. Vấn đề đó ai cũng thấy rất bất hợp lý, nhưng ngày ngày vẫn cứ diễn ra, bởi vì… tất cả đều đúng quy định của nhà nước.
Điều bất thường là những lỗ hổng pháp luật đó tồn tại nhiều năm nay, có những lỗ hổng tồn tại 15 năm vẫn chưa được bịt và cũng chưa ai có ý định bịt.
Từ thực trạng quản lý đất đai ở nước ta, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng: “Vấn đề cần phê phán chủ yếu là quản lý đất đai lỏng lẻo, là miếng đất màu mỡ cho sân trước sân sau, thất thoát tài sản nằm ở đấy.”
Quan điểm này đã được nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội chia sẻ và bày tỏ ủng hộ nhiều năm qua. Đáng tiếc là nó không được tiếp thu.
Rốt cuộc là gần đây chúng ta chứng kiến rất nhiều người giàu lên từ đó. Nào biệt thự, biệt phủ của quan chức mọc lên nhan nhản; vợ, chồng, con của họ sống rất khác so với người dân; tài sản thậm chí chuyển ra nước ngoài.Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn tìm mọi cách và bằng mọi giá để được làm “sân sau” của các quan chức.
Rõ ràng, các lỗ hổng và sự bất cập của pháp luật đất đai mở cửa cho tham nhũng phát triển đến mức như ngày này, triệt tiêu nhiều động lực, cạn kiệt nguồn lực, bào mòn lòng tin của người dân.
Để đất đai - tài sản đặc biệt của quốc gia không tiếp tục bị thất thoát và phát huy nguồn lực của tài sản đặc biệt này đối với sự phát triển của đất nước, quốc hội không thể chậm trễ hơn trong việc sửa đổi Luật Đất đai phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, làm cơ sở để sửa đổi đồng bộ các văn bản dưới luật.
Một khi Luật Đất đai chưa phù hợp với cơ chế thị trường thì đó là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, và nguồn lực của đất đai chưa phát huy được vai trò của nó đối với phát triển đất nước.
Nguyễn Huy Viện