Chờ mãi giãn cách không hết, kỳ thi kết thúc của hai học kỳ dồn cả vào tháng 9. Khối lượng công việc của giảng viên tăng lên quá nhiều.

Có hai phần thi là chấm bài tiểu luận và vấn đáp, đều online. Chỉ việc đọc tiểu luận đã ngót 4.000 trang. Ngoài ra phải làm thêm rất nhiều thủ tục. Các nhóm zalo tí tách suốt ngày, nhớ nhớ, quên quên. Loạn cả lên. Một tiết online đổi thành ba tiết trực tiếp tôi thấy cũng chưa xứng. Oải hết cả người.

{keywords}
Trường Đại học Sài Gòn

Tiểu luận có nhiều bài làm tốt, nhưng cũng có bài sơ sài. Mà sao kỳ này hạ bút cho điểm thiếu tôi thấy quá khó khăn. Chủ nhân bài viết và gia đình hiện có ổn không? Biết đâu họ là F0 và biết đâu… nói dại? Đó là câu hỏi ám ảnh nhất khi tôi phải đặt bút ghi điểm thiếu. Tôi tự đặt ra nguyên tắc cứ cho điểm đúng thực chất và khắc khoải chờ ngày thi vấn đáp để biết thông tin về họ.

Cảm ơn các em đã cho thầy thêm sức mạnh

Ngày thi vấn đáp online cũng đến. Tôi thống nhất với giám khảo cùng phòng, khi mỗi sinh viên kết thúc thi, sẽ có câu hỏi phụ về hoàn cảnh. Một vài phòng thi đầu tiên đã có khá nhiều trường hợp điển hình.

Bạn thứ nhất, kịp thoát kẹt ở Sài Gòn và đang ở với gia đình tại quê, sức khoẻ ổn và bài thi cũng ổn. Tuy vậy, vẫn còn có khoảng 15% sinh viên quê ở xa bị mắc kẹt tại nhà trọ, vướng cảnh túng bấn. Có bạn máy tính hỏng, không chữa được, phải gõ bài trên điện thoại rồi gửi nhờ người khác ra file cho tiểu luận.

Bạn thứ 3, tiểu luận đạt điểm khá, nhưng gọi mãi mà không thưa. Tôi phải dừng lại mấy phút để nhờ sinh viên tìm số điện thoại và liên hệ. Kết thúc thi vấn đáp vẫn không có hồi âm. Tôi để lại lời nhắn và số điện thoại của mình, đề nghị bạn ấy liên hệ để thi bổ sung. Gần hai tuần trôi qua, vẫn bặt vô âm tín. Em ơi, giờ này em ở đâu?

Bạn thứ 5 xuất hiện với bộ đồ y tế. “Xin phép thầy cho đeo khẩu trang, con đang ngồi thi ở hành lang khu cách ly ạ”. Hỏi ra mới biết bạn ấy là tình nguyện viên, cả tháng không được về nhà. “Ở đây cũng có giờ nghỉ, những khi đó con tranh thủ làm bài”.

Sau đó có nhiều bạn cũng làm tình nguyện viên như vậy. Họ làm bài giữa những giờ nghỉ khi đang bất đắc dĩ là hộ lý, nhân viên gác chốt hoặc nhập liệu tiêm chủng… Hình ảnh cô sinh viên bị bịt kín trong bộ đồ bảo hộ y tế, huơ huơ tay hồn nhiên trong đoạn clip xin phép “Thầy ơi, giờ này đội tình nguyện có việc khẩn, con không vào (mạng) học được. Thầy cho con nghỉ, con sẽ học bù cẩn thận ạ” hiện về, làm tôi rưng rưng nước mắt. Thật quá cảm phục!

{keywords}
Sinh viên trước khi có dịch Covid-19

Bạn thứ 7 có giọng nói hơi yếu. Tiểu luận và vấn đáp điểm đều cao. “Dạ thưa thầy em là F0, đã đỡ dần, nhưng thở vẫn còn hơi khó ạ”. “Gia đình có ổn không em?”. “Dạ cả nhà em dính hết, nhưng giờ đã âm tính lần một”. Có những phòng thi 4/23 em đã từng F0. Họ làm bài tiểu luận khi đang là bệnh nhân. Có bạn mẹ hoặc ba mới ra viện vài hôm. Có em thì mới nhận tro cốt của người thân được ít ngày.

Bạn thứ 23, người cuối cùng của phòng thi, xuất hiện với khuôn mặt điềm tĩnh, thông minh. Bạn ấy trả lời câu hỏi rất tốt. Tôi ghi điểm 10 và liếc qua điểm tiểu luận chấm trước đó cũng là 10. “Làm bài gặp khó khăn gì không em?”. “Dạ cũng không sao, em làm trong bệnh viện. Nhà em dính Covid hết, nay ra viện cả rồi. Em xuất viện tuần trước, ổn cả ạ”. Bạn ấy nói nhẹ tênh và cười rất thanh thản.

Đến đây thì tôi bật khóc. Nghẹn ngào chỉ nói chắp vá được vài lời để kết thúc buổi thi. Cảm ơn các em. Các em đã cho thầy thêm sức mạnh để không sợ hãi và không bao giờ nản chí trước những gian khó của cuộc đời!

Lê Khánh Tuấn (Trường Đại học Sài Gòn)

Sống chung với virus: Kinh nghiệm 'lạ' của Italia, Đức, Đan Mạch

Sống chung với virus: Kinh nghiệm 'lạ' của Italia, Đức, Đan Mạch

Sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, nhiều nước đã rút ra được những bài học tốt, trong đó có bài học đáng giá nhất là sống chung với Covid.