VIDEO: Tranh cướp lộc hoa tre để lấy may tại lễ khai hội đền Gióng (Sóc Sơn - Hà Nội):
Tất cả đều có bằng chứng rõ ràng còn lưu giữ đến ngày nay. Kỹ sư Vũ Đình Thanh, người trực tiếp tham gia nghiên cứu chế tạo các vũ khí mới cho một số tập đoàn vũ khí nhà nước tại châu Âu, hiện làm việc cho Cơ quan Nghiên cứu và sản xuất Almaz (tập đoàn Almaz Antey - Nga) chia sẻ những nghiên cứu mới mẻ về Thánh Gióng.
Ông tiếp cận câu chuyện Thánh Gióng theo góc độ nào?
Tôi nghiên cứu về Thánh Gióng bằng việc sử dụng các kiến thức vật lý, kỹ thuật của người trực tiếp tham gia vào việc sản xuất vũ khí. Tôi đặt câu hỏi nếu Thánh Gióng là hệ thống vũ khí có thật thì cấu trúc và vận hành sẽ như thế nào, có khả thi và phục dựng được lại hay không. Cách tiếp cận này rất mới mẻ và không thể ngay lập tức được sự chấp nhận của nhiều người.
Thánh Gióng là tứ bất tử của Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta coi Thánh Gióng là hiện tượng thần thánh, là truyện cổ tích thì cũng tạo cớ để nhiều kẻ phủ nhận sự tồn tại của thời đại các vua Hùng, Văn Lang vì truyện cổ tích không có thật.
Ngược lại, nếu chúng ta có bằng chứng xác thực chứng minh Thánh Gióng là sự thực, là sản phẩm do người Việt tạo ra, phục dựng lại, thì cũng như nỏ thần An Dương Vương, đó sẽ là bằng chứng không thể nào thuyết phục hơn về sự tồn tại của các vua Hùng, của Văn Lang và giải thích lý do vì sao một đất nước nhỏ bé tồn tại được bên cạnh một nước lớn đầy tham vọng.
Đây là thời đại của khoa học kỹ thuật nên chúng ta phải đánh giá các sự kiện của cha ông với cách nhìn kỹ thuật, vật chất chứ không phải luôn luôn là tâm linh, tinh thần.
Voi trong hội Gióng Sóc Sơn
Ông lý giải như nào khi đưa ra lập luận Thánh Gióng là sản phẩm vô cùng trí tuệ của người Việt tạo ra?
Không chỉ có truyền thuyết hay ca dao hàng nghìn năm về Thánh Gióng mà còn có rất nhiều truyền thuyết, câu chuyện truyền miệng, ca dao về các nhân vật đã đi theo Thánh Gióng chiến thắng giặc Ân.
Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Trần Thường |
Tất cả đều ghi lại hình ảnh cậu bé khổng lồ ngồi trên ngựa khổng lồ phun ra lửa dẫn đầu đoàn quân Việt. Nếu bỏ đi hai yếu tố hoang đường là cậu bé lớn nhanh như thổi và bay về trời thì rõ ràng rất nhiều người Việt xưa đã nhìn thấy hình ảnh một cậu bé khổng lồ, ngồi trên ngựa khổng lồ phun ra lửa và đập chết giặc Ân bằng gậy sắt hoặc tre trên đất Việt.
Đầu tiên hãy về với hội Gióng Sóc Sơn, nơi theo truyền thuyết Thánh Gióng bay về trời để lại giáp sắt. Nghiên cứu kỹ lễ hội này, tôi phát hiện ra một hiện tượng đặc biệt. Đó là hội Gióng Sóc Sơn nguyên bản hàng nghìn năm nay được ghi lại trên bia đá chỉ nói về voi chứ không hề nói về ngựa, rồi rước thức ăn cho voi, tất cả mọi thứ phục vụ voi… Rồi hàng loạt câu chuyện truyền miệng từ nghìn đời, trong đó có chuyện voi của Thánh ăn lúa bị người dân giết thịt.
Tức là hàng nghìn năm trước, khi con ngựa sắt bay về trời thì nơi này chỉ còn lại voi. Đây là chi tiết vô cùng kỹ thuật mà người dân đã lưu giữ hàng nghìn năm. Ngựa sắt không thể tự chuyển động được nhưng nếu có voi làm động lực thì sẽ chuyển động. Đối với tôi thì quá rõ ràng: Voi chính là động lực của ngựa sắt Thánh Gióng trong truyền thuyết xưa, một bộ giáp sắt hình con ngựa được phủ lên voi.
Càng thêm logic khi con voi trong hội Gióng không có ngà để dễ dàng tích hợp trong bộ giáp sắt hình con ngựa. Ngựa sắt phun được lửa và nguyên liệu để tạo ra lửa là hoa tre. Trong lễ hội ai cũng đều tranh nhau cầm về một cái. Đó là tre chẻ tua ra sợi rồi phơi khô tẩm nhựa cây, đốt lên rồi tống ra khỏi mõm ngựa thế là con ngựa phun được lửa.
Giờ đến cậu bé khổng lồ đặt trên con ngựa sắt. Theo truyền thuyết, cậu bé khổng lồ là đứa bé không nói không cười biến thành. Cậu bé từ khi trở thành khổng lồ ngồi trên ngựa chưa bao giờ nói chuyện với bất kỳ ai, sau khi đánh giặc xong bay về trời. Cậu bé không hề nói hay giao tiếp với bất cứ ai, như vậy rõ ràng đó là pho tượng.
Ông hổ được thuần hoá
Nhưng làm thế nào để pho tượng chiến đấu được với sức mạnh khủng khiếp, sống động khiến quân thù tưởng là tướng nhà trời?
Vào đời nhà Tần sau đó có tượng Lý Ông Trọng cũng cử động được nhờ nhiều người lay động bên trong. Nhưng nếu nhờ sức người lay động thì lực rất yếu.
Bên trong ông Gióng: Ông câu cá điều khiển hổ, phù giá đốt hoa tre bắn ra ngoài, quản tượng điều khiển voi, hoa tre để đốt tạo lửa |
Câu trả lời tôi tìm được trong hội Gióng Phù Đổng, đó là ông hổ, một con hổ được thuần hóa, là sức mạnh của Thánh Gióng qua những đòn sấm sét bằng gậy sắt, rồi bụi tre đập nát quân thù.
Vậy ở đây người Việt xưa có một phát minh quan trọng đó là nhờ sức mạnh khủng khiếp của hổ tạo cơ bắp của một cánh tay Thánh Gióng: Hai chân sau của hổ gắn với thân Thánh Gióng (tức gắn vào bức tượng), hai chân trước gắn với thiết bị giữ gậy sắt (sau đó là bụi tre). Hổ với sức mạnh khủng khiếp giãy giụa khiến cánh tay cầm gậy của Thánh Gióng cử động như thật, đập quân thù đến nỗi gãy cả gậy sắt và phải thay bằng bụi tre.
Nếu được huấn luyện thì hổ sẽ giãy giụa theo hướng nhất định khi có lệnh và nhờ cách này thì còn hơn cả robot ngày nay. Thêm một logic nữa là bên cạnh ông hổ trong hội Gióng còn có ông “câu cá”. Hình ảnh của ông “câu cá” luôn luôn đi liền với “ông hổ” khiến tôi liên tưởng tới người dạy hổ trong rạp xiếc ngày nay. Rõ ràng là có “hổ” để có động lực đập của tay Thánh Gióng và có ông “câu cá” để điều khiển động lực đó.
Theo lý giải của ông, việc vận hành hệ thống Thánh Gióng diễn ra như nào?
Tôi đã kiểm chứng với 2 người nuôi dạy hổ ở 2 rạp xiếc và họ khẳng định hổ là con vật cực kỳ thông minh. Việc huấn luyện hổ để đập một một vật có kèm theo gậy không khó. Như vậy hệ thống đã hoàn chỉnh và cần người vận hành: Cần quản tượng điều khiển voi, cần người đốt hoa tre tạo lửa rồi đẩy ra khỏi mõm ngựa, cần người điều khiển hổ nhảy vồ đập quân thù, cần người ở gần Thánh Gióng để phù giá “hiệp đồng binh chủng” như là ngày nay cần chiến sĩ bộ binh đi cùng xe tăng.
Tất cả tôi đều nhìn thấy trong hội Gióng Phù Đổng. Đó là các chàng trai mặc khố đen gọi là đội phù giá, có nhiệm vụ phù trợ sát cạnh Thánh Gióng. Một số vận hành bên trong ngựa sắt và Thánh Gióng nên rất nóng, họ phải thổi lửa từ hoa tre, bắn hoa tre bùng lửa ra khỏi miệng ngựa sắt. Còn các chàng trai trong đội phù giá có quạt để khỏi nóng bên trong và để thổi lửa hoa tre, có túi để đựng hoa tre.
Hoa tre tạo lửa, ngựa Gióng phun ra lửa bằng cách đốt hoa tre rồi tống ra ngoài mõm ngựa |
Tất cả đều vô cùng trùng hợp chứng minh rõ ràng: Chính những chàng trai phù giá khi xưa đã vào bên trong hệ thống Thánh Gióng cùng với ông “câu cá/người dạy hổ” và quản tượng để vận hành hệ thống Thánh Gióng.
Hệ thống Thánh Gióng được bọc giáp để bảo vệ người ngồi bên trong nên việc quan sát địch sẽ rất hạn chế. Ngồi trong pho tượng cậu bé lên ba và trong bộ giáp sắt hình ngựa ít nhất phải có những người sau:
- Ông câu cá tức người điều khiển hổ
- Quản tượng là người điều khiển voi
- Người đốt hoa tre rồi bắn ra khỏi mõm ngựa sắt ít nhất phải có 2 người.
Vũ khí do người Việt tạo ra
Như vậy, những người nêu trên mà không thống nhất trong việc điều khiển voi, ngựa di chuyển và đập gậy giết địch thì hệ thống sẽ vô dụng. Ông cha ta đã có cách điều khiển cực kỳ thông minh mà bằng chứng còn rõ ràng đến ngày nay trong các lễ hội Gióng Phù Đổng.
Đó chính là ông hiệu cờ. Ông hiệu cờ quan sát địch rồi ra lệnh đánh vào đâu, đánh hướng nào, tiến lui ra sao. Cách ra lệnh của ông hiệu cờ còn giữ lại đến ngày nay, đó là bằng hình thức múa cờ, di chuyển người và di chuyển chân tay.
Ông hổ và ông câu cá gợi nhớ hình tượng người nuôi dạy hổ và hổ trong rạp xiếc |
Những người bên trong Thánh Gióng chỉ việc nhìn theo ông hiệu cờ mà lập tức điều khiển voi, hổ, thực hiện việc bắn hoa tre có lửa ra ngoài. Chính nhờ cách điều khiển này mà Thánh Gióng sống động như thật. Thật may mắn, bằng chứng về phương thức điều khiển này còn lại đến ngày nay qua các động tác của ông hiệu cờ trong hội Gióng Phù Đổng.
Ông hiệu cờ còn có cả mô hình địa vật đặt trên ba chiếu như: cái bát úp mô tả mô đất, mảnh giấy là thảm cỏ… để theo đó ông thực hiện các động tác đánh và người bên trong Thánh Gióng bắt chước theo.
Có bằng chứng rõ ràng của lệnh điều khiển đó là: khi ông hiệu cờ có vị trí gọi là các ván thuận tương đương với việc khi Thánh Gióng tiến về phía trước lao vào quân thù (đầu voi/ngựa hướng về phía địch) và các ván nghịch khi Thánh Gióng quay ngược lại trở lại vị trí quân ta (đầu voi/ngựa hướng về phía ta).
Đây là bằng chứng còn lại đến ngày nay chứng minh ông hiệu cờ đã điều khiển hệ thống Thánh Gióng hay Thánh Gióng là có thật.
Còn một yếu tố rất hiện thực trong hai hội Gióng, đó là không hề có cảnh Thánh Gióng bay về trời. Đây là một chi tiết chứng minh rõ ràng những người dân ở Phù Đổng, Sóc Sơn biết rất rõ Thánh Gióng là do chính họ tạo ra, và giai thoại Thánh Gióng bay về trời là để hù dọa giặc và kích động tinh thần dân ta.
Như vậy, hai hội Gióng Sóc Sơn và Phù Đổng đã chứng minh Thánh Gióng chính là vũ khí do người Việt tạo ra từ tất cả các vật liệu sẵn có, phù hợp hoàn toàn với công nghệ thời đó, phù hợp với khả năng thuần dưỡng voi hổ, cực kỳ uy lực và không có đối thủ, có khả năng giải quyết chiến trường trong nửa ngày như truyền thuyết đã ghi.
* Kỳ tới: Hệ thống vũ khí Thánh Gióng tiêu diệt giặc Ân
Quốc Phong - Thái An
Nỏ thần An Dương Vương, truyền thuyết và sự thật lịch sử
Nỏ Liên Châu thời An Dương Vương là bằng chứng rõ ràng về một triều đại Âu Lạc (nước Việt cổ) từ 2.300 năm trước. Nó là vũ khí lợi hại để dân tộc ta chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn xã tắc.