Đức là một quốc gia khá chặt chẽ với hoạt động của các mạng xã hội, nếu cơ quan công quyền nhận thấy có một hành vi kích động trên mạng xã hội, một phát ngôn gây hận thù, các nền tảng mạng xã hội sẽ buộc phải dỡ bỏ trong 24h. Việc không tuân thủ yêu cầu đó có thể sẽ dẫn đến khoản tiền phạt lên đến hơn 60 triệu USD.

Tuy nhiên, ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, nói trong một cuộc họp báo ở Berlin hôm 11/1 rằng (hành xử của các nền tảng mạng xã hội) “theo luật pháp và những khuôn khổ pháp luật do các nhà lập pháp quyết định, chứ không phải quan điểm của những người điều hành công ty”. 

{keywords}
Tài khoản @realDonaldTrump của Tổng thống Trump, với hơn 88 triệu người theo dõi, đã bị Twitter khóa. Ảnh: Reuters

Cho dù có đồng ý với ứng xử của ông Trump hay không, việc Twitter, Facebook và các nền tảng mạng xã hội tự đưa ra quyết định tước bỏ tài khoản của một tổng thống Mỹ đương nhiệm, đã khiến không chỉ người Mỹ, mà chính quyền và người dân trên thế giới cảm thấy thật sự đáng lo ngại. 

Can thiệp vào chính trị của các quốc gia

Các mạng xã hội dù chỉ mới xuất hiện trong cuộc sống xã hội (Facebook bắt đầu từ 2004, Twitter từ 2006…) nhưng đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng, và kế đó, trở thành một thứ quyền lực mới.

Từ những nhóm nhỏ trong xã hội như những quảng trường công cộng, trong nhiều trường hợp và ở nhiều quốc gia, các mạng xã hội nhanh chóng trở thành thế lực, không chỉ với việc thu thập thông tin cá nhân và các xu hướng, tìm kiếm và hưởng lợi từ các cơ quan báo chí và xuất bản, mà còn chi phối và thậm chí, định hướng các xu thế xã hội, và trong nhiều trường hợp, can thiệp vào chính trị của các quốc gia. 

Việc dán nhãn các dòng tuýt của ông Trump hôm 26/5/2020 không phải là lần đầu tiên các nhà quản lý ở Twitter công khai bày tỏ quan điểm của họ thông qua việc can thiệp vào chính trị.

Nền tảng mạng xã hội này (và Facebook) đã từng được các nhóm chính trị khác nhau sử dụng để tập hợp công chúng và lan truyền các thông điệp, từ những cuộc cách mạng màu ở Arab hồi 2011, cho đến những cuộc biểu tình của sinh viên ở Áo năm 2009, biểu tình ở G20 Toronto năm 2010, những tranh chấp ở Gaza năm 2009, các nhóm chính trị ở Hy lạp, Brazil, Iran, Ý, Tây Ban Nha…

Nhưng thái độ của Twitter ở đó không giống những gì họ làm, ví dụ ở Hồng Kông năm 2019-2020, khi mạng xã hội này nhanh chóng ra tay loại bỏ hơn 1.000 tài khoản bị cho là có liên quan đến chính quyền, hoặc hồi tháng 6/2020, Twitter loại bỏ hơn 7.000 tài khoản người dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ bị cho là quản lý bởi chính quyền và được thiết kế để ủng hộ Tổng thống Erdogant. 

Có lẽ đã đến lúc thật sự cần đặt ra câu chuyện nhất thiết phải xây dựng các khuôn khổ pháp lý để các hoạt động của mạng xã hội không thể đứng bên ngoài, bên trên pháp luật.

Nhưng có lẽ, những gì xảy ra ở Mỹ có thể cho thấy rõ nhất cách các nhà quản lý mạng xã hội sử dụng để can thiệp vào chính trị.

Các nhà quản trị ở Facebook và Twitter được biết đến là những người ủng hộ phe Dân chủ, và khi phía Cộng hoà tung ra vụ bê bối máy tính của Hunter Biden, con trai ứng cử viên Tổng thống Joseph Biden, trên báo New York Post, các mạng xã hội này đã ra tay để ngăn chặn thông tin được truyền tải.

Facebook làm chậm lại việc lan truyền thông tin, còn Twitter thậm chí không cho phép người dùng chia sẻ thông tin từ New York Post, với lý do “bài báo chứa thông tin bị đánh cắp”.

Nhưng cho dù chẳng có cuộc điều tra nào (của công ty này) được thực hiện, vài tuần sau, người dùng có thể chia sẻ bài báo của New York Post, sau khi những người điều hành Twitter và Facebook có cuộc điều trần tại Thượng viện theo yêu cầu của một số nghị sĩ Cộng hoà.

Nhưng như thế đã là quá muộn, hàng chục triệu người đã đi bỏ phiếu, và điều “bất ngờ tháng Mười” của phe Cộng hoà không đến được với các cử tri. Nhiều chính trị gia bảo thủ và các nhà quan sát đã cáo buộc các nhà điều hành mạng xã hội này “can thiệp vào bầu cử”, nhưng dù sao, mọi thứ cũng đã an bài. 

Phải tuân thủ pháp luật sở tại

Cao trào của sự can dự, có lẽ là việc các mạng xã hội cùng nhau khoá tài khoản của ông Trump sau vụ bạo loạn ở Quốc hội hội 6/1. Nhưng những gì xảy ra ở Mỹ không chỉ gây ra sự e ngại từ các nhà chính trị ở đó.

Tổng thống Mexico là người đầu tiên lên tiếng về hành động của các mạng xã hội. Thủ tướng Đức Angela Merkel có lẽ sẽ không phải là người cuối cùng cho rằng hành động của các nhà quản trị mạng xã hội và các công ty công nghệ trong trường hợp này là có vấn đề và cho thấy, không thể tiếp tục để các mạng xã hội tự cho phép hành xử như các quan toà tự phong, mà cần buộc các nền tảng mạng xã hội này hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. 

Nếu bạn từng quan tâm đến nội dung mà các nền tảng mạng xã hội lớn, như Facebook hay Twitter từng yêu cầu bạn đồng ý trước khi sử dụng dịch vụ của họ, bạn sẽ thấy một vấn đề không nhỏ. Các nội dung thoả thuận ấy thiếu một căn cứ quan trọng, là nó được soạn ra dựa trên luật pháp nước nào.

Bất kỳ một thoả thuận nào, một quy phạm pháp luật nào, cũng đều cần được xem xét trong các khuôn khổ cụ thể của hệ thống pháp luật điều chỉnh các thoả thuận đó. Không tồn tại một điều khoản như vậy trong các điều khoản dịch vụ mà các mạng xã hội đưa cho người dùng của họ.

Điều ấy cũng có nghĩa là, mọi hành vi, quyền lợi, nghĩa vụ của người dùng trên các mạng xã hội sẽ được xem xét, phân xử bởi chính những người quản lý mạng xã hội ấy. Thật khó để hình dung một giao kết dân sự tương tự trong một xã hội văn minh, khi một bên vừa là người giao kết, vừa là người phân xử đúng sai hơn thiệt trong chính mối quan hệ đó. 

Và đương nhiên, vì vậy, người dùng gần như không thể kiện họ, đặc biệt với những người dùng ở bên ngoài nước Mỹ, khi các chỉ dẫn về khiếu nại đều yêu cầu người dùng hoặc là, làm việc với hệ thống máy tính, hoặc là gửi các yêu cầu cho những nhân viên công ty ngồi ở San Francisco.

Nếu bạn từng quan tâm đến nội dung mà Facebook hay Twitter từng yêu cầu bạn đồng ý trước khi sử dụng dịch vụ, bạn sẽ thấy các nội dung thoả thuận ấy thiếu một căn cứ quan trọng, là nó được soạn ra dựa trên luật pháp nước nào.

Các cơ quan công quyền của các quốc gia cũng hầu như chẳng có công cụ khả thi nào để buộc các công ty này phải chịu trách nhiệm pháp lý nào đó, nếu quyền lợi của công dân bị xâm phạm, ví dụ, khi tài khoản của họ bị đánh cắp. 

Ở một khía cạnh khác, nhiều người vẫn nghĩ các mạng xã hội có quyền to lớn, vì họ cung cấp dịch vụ miễn phí cho người dùng.

Điều này có lẽ bắt nguồn từ việc, để thu hút người dùng, các mạng xã hội hầu như không buộc người dùng trả phí bằng tiền, nhưng ngược lại, các mạng xã hội lại thu hái thông tin cá nhân, thói quen, bạn bè… của từng người, và sử dụng những thông tin đó để tìm kiếm lợi nhuận.

Cho nên, có lẽ nói các công ty cung cấp dịch vụ miễn phí cho người dùng, tôi nghĩ là không chính xác. Và kể cả như vậy, thì trong mọi xã hội, họ vẫn luôn có những nghĩa vụ nào đó với người dùng, chi phối bởi luật pháp của từng quốc gia. 

Nhưng là, cho dù hơn 15 năm đã trôi qua từ khi các mạng xã hội xuất hiện và “làm mưa làm gió” bằng những cái “quảng trường công cộng” kiểu đám đông không kiểm soát, thông tin giả lan tràn, cho đến những can thiệp có chủ ý từ các nhà quản trị, dường như các chính phủ đang “đi sau” những thách thức mà các công ty này đặt ra cho xã hội. 

Nhưng cũng đã có một số quốc gia buộc các công ty công nghệ này phải tuân thủ pháp luật sở tại, và tôi nghĩ điều này là hoàn toàn hợp lý và cần phải sớm được mọi quốc gia quan tâm đúng mức.

Các nước cần xây dựng khuôn khổ pháp lý

Có lẽ đã đến lúc các quốc gia cần phải sớm đặt ra những khuôn khổ pháp lý chuyên biệt đối với các dịch vụ thiết lập, quản lý và vận hành mạng xã hội hoạt động, cung cấp dịch vụ cho công dân của mình.

Ví dụ, sẽ cần có thiết chế phù hợp để công dân và cơ quan chính quyền biết rõ họ sẽ cần làm việc với ai khi có các vấn đề hay tranh chấp với nhau và với các công ty mạng xã hội, và đảm bảo các tranh chấp hay vấn đề sẽ được phân xử dựa trên luật pháp và theo các nguyên tắc pháp lý được cơ quan lập pháp quy định. 

Cũng không nên tiếp tục nhầm lẫn về khái niệm “không quốc tịch” của các công ty công nghệ và mạng xã hội. Chính các công ty này hiểu rất rõ và vận dụng rất tốt khái niệm quốc tịch khi đối diện với các vấn đề về thuế tại Hoa Kỳ, và sử dụng quốc tịch của các công ty con ở Ireland, Hà Lan hay Singapore để xử lý những vấn đề của họ.

Các mạng xã hội chỉ từ chối khái niệm quốc tịch nếu điều đó buộc họ có nghĩa vụ với người dùng, với công dân của các quốc gia cụ thể. 

Với việc các nhà quản trị mạng xã hội ở Thung lũng Silicon can dự trực tiếp vào chính trị Mỹ với quan điểm chính trị của họ, can thiệp vào bầu cử và thông tin của chính quyền như chúng ta chứng kiến trong năm vừa rồi, cũng như những gì mà họ đã làm ở nhiều quốc gia khác, có lẽ đã đến lúc thật sự cần đặt ra câu chuyện nhất thiết phải xây dựng các khuôn khổ pháp lý để các hoạt động của mạng xã hội không thể đứng bên ngoài, bên trên pháp luật. 

Phạm Quang Vinh

Kiếm 450 triệu đô Facebook, Google chiếm gần hết miếng bánh ở VN

Kiếm 450 triệu đô, Facebook, Google chiếm gần hết miếng bánh ở Việt Nam

Gần đây, Facebook tuyên bố đã gỡ khoảng 2,2 tỷ tài khoản giả mạo trên toàn cầu trong 3 tháng đầu năm nay. Điều này cho thấy, đây là vấn nạn của toàn cầu.