Tư duy chính sách cần theo kịp những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và xu thế hiện đại chứ không nên gò bó vào khuôn khổ của những hiểu biết cũ mới thúc đẩy sự phát triển.

Những quy định vận tải cười ra nước mắt

Tại cuộc thảo luận về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức đầu tháng Ba vừa rồi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đưa ra quan điểm quản lý rất đặc biệt đối với Uber và Grab.

Ông nói: “Nếu coi Uber, Grab là taxi thì chúng ta phải quản lý số lượng, chứ mới ba, bốn năm mà số lượng xe đã tăng tới mấy chục nghìn, vượt cả taxi truyền thống. Cơ quan quản lý không quản lý được thì tới đây sẽ rất nghiêm trọng”.

Ông nói thêm: “Suy cho cùng, Uber, Grab hay taxi truyền thống thì bản chất là như nhau. Nếu họ chấp nhận hoạt động chịu sự quản lý như taxi truyền thống thì chúng ta đồng ý. Nếu họ không chấp hành nghiêm thì mời họ ra khỏi Việt Nam”.

Nhận xét trên được thể hiện thành hai điểm chính trong dự thảo nghị định. Thứ nhất, xác định dịch vụ hỗ trợ kết nối của Uber/Grab là dịch vụ vận tải và quản lý các doanh nghiệp này như doanh nghiệp taxi; và phải coi các xe sử dụng hợp đồng điện tử là xe taxi.

Cách tiếp cận đó, quả thực, gợi lên nhiều băn khoăn. Nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận nền tảng công nghệ (platform) như Grab và rất nhiều nền tảng tương tự khác trong mọi ngành nghề như hàng không, khách sạn, bán lẻ,… để hình thành nên cái gọi là cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Giáo sư Jason Furman, Đại học Harvard, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Barack Obama, câu hỏi về kinh nghiệm quản lý của Mỹ với Uber được đặt ra.

Ông kể, trước đây xe Grab vào sân bay không bị tính thuế như taxi nên cũng gặp phản ứng quyết liệt của các hãng taxi truyền thống. Sau đó, chính quyền chỉ làm một việc rất đơn giản là lắp đặt các camera ở sân bay để nhận biết những xe Grab để tính thuế, thay vì hạn chế hay đưa ra chính sách phân biệt đối xử với họ.

“Điều quan trọng nhất là chính phủ không làm gì cả, đừng lập ra các cơ quan để cho phép doanh nghiệp được làm việc này hay không được làm việc kia”, ông nói.

Cách tư duy chính sách đơn giản, mạch lạc như vậy rõ ràng gợi ra nhiều bài học. 

{keywords}
Quan điểm coi dịch vụ hỗ trợ kết nối xe hợp đồng của Uber/Grab là dịch vụ taxi sẽ đồng nghĩa với việc xóa bỏ các loại hình dịch vụ trung gian dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Ảnh minh họa

Quay trở lại với dự thảo nghị định. Theo một số quy định (như Khoản 1, Điều 3; Điểm a, Khoản 4, Điều 16) thì các công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối như Grab sẽ đều được coi là đơn vị kinh doanh vận tải, và do đó, phải tuân thủ toàn bộ các điều kiện và quy định về kinh doanh vận tải, bao gồm cả sở hữu phương tiện và thuê người lao động là lái xe, v.v.

Quy định đó đi ngược lại với xu thế của thế giới. Trong nền kinh tế 4.0, các doanh nghiệp có xu hướng chuyên môn hóa, tập trung đầu tư vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi giá trị, tìm cách tối đa hóa hiệu quả kinh doanh. Các đơn vị cung cấp phần mềm như Uber, Grab không trực tiếp thực hiện hoạt động vận chuyển. Thế mạnh của họ là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại để xử lý hệ thống dữ liệu khổng lồ, phục vụ kết nối với hành khách và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. 

Việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là việc làm ngược với xu hướng chuyên môn hóa. Quy định này không chỉ làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm, triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại.

Quan điểm coi dịch vụ hỗ trợ kết nối xe hợp đồng (hay còn gọi là xe hợp đồng điện tử) của Uber/Grab là dịch vụ taxi sẽ đồng nghĩa với việc xóa bỏ các loại hình dịch vụ trung gian dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Khi đó, dịch vụ đặt vé máy bay trở thành bán vé máy bay, dịch vụ đặt phòng khách sạn trở thành kinh doanh khách sạn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói: “Ép Grab/Uber như taxi là sai lầm nghiêm trọng, họ chỉ là doanh nghiệp tạo ra platform để các doanh nghiệp, người dân chơi trên đó”.

Trong các lĩnh vực khác, ở Việt Nam đã có hàng loạt các platform khác như ngân hàng, giao dịch điện tử, khách sạn, nhà nghỉ… tạo ra xu hướng kinh doanh mới về kinh tế số và kết nối với chi phí giao dịch gần như bằng không. Ngay cả trong giao thông thì nhiều ứng dụng gọi xe đã chuẩn bị nhanh chóng ra mắt, như Fastgo; Go-jek cũng đang chuẩn bị gia nhập thị trường; các hãng xe taxi cũng đã tự trang bị các phần mềm đặt xe.

Hơn nữa, khi các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải buộc phải trở thành doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì họ sẽ phải mua sắm, thuê mượn phương tiện, tài xế để thực hiện kinh doanh vận tải dưới tên gọi của mình.

Lúc này, các đơn vị vận tải đang sử dụng dịch vụ kết nối của Uber, Grab sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của pháp nhân kinh doanh vận tải mới. Do đó, khả năng họ không được tiếp tục cung cấp dịch vụ kết nối là rất cao. Để có thể tiếp tục hoạt động, họ sẽ phải lựa chọn một trong hai khả năng sau: hoặc họ phải tự đầu tư phát triển phần mềm riêng của mình, hoặc là phải bán lại phương tiện, người cho pháp nhân vận tải công nghệ.

Còn lo lắng về tính an toàn, an ninh cho hành khách đi xe Grab là mối lo chính đáng. Tuy nhiên, đây là quan hệ dân sự, nếu cần thì nên cảnh báo người đi xe tự kiểm tra thông tin, có tranh chấp thì ra tòa xử lý. Cần phải tập thói quen đó.

Kinh doanh theo kiểu Uber hay Grab là phương thức kinh doanh hoàn toàn mới; áp dụng quy định hiện hành để quản lý là hoàn toàn không phù hợp. Ép xe Uber có mào, ép các hãng cung ứng platform phải có xe hay taxi đều không thỏa đáng trong  bối cảnh Chính phủ đang ra sức thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển nền kinh tế 4.0.

Cuộc sống đã thay đổi, công nghệ đã thay đổi thì chính sách không thể dựa mãi vào những tư duy cũ kỹ nếu muốn thúc đẩy, chứ không phải cản trở phát triển.

Tư Giang

Uber về Grab và cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam

Uber về Grab và cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam

“Lo ngại Grab tăng giá”, “Uber về tay Grab”… là những từ khoá xuất hiện khá nhiều trên truyền thông trong vài ngày vừa qua.

Cạnh tranh Taxi và Uber: Đừng tự đánh mất thế mạnh của mình

Cạnh tranh Taxi và Uber: Đừng tự đánh mất thế mạnh của mình

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đã làm phát sinh những ngành nghề mới. Uber hay Grab là những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trung gian kết nối vận chuyển hành khách ra đời trong bối cảnh đó.

Uber, Grab, taxi truyền thống: Cạnh tranh để tiến hoá

Uber, Grab, taxi truyền thống: Cạnh tranh để tiến hoá

Đại diện Bộ GTVT và taxi truyền thống gặp nhau ở điểm nhìn về cấm đường, quy hoạch xe nhưng vẫn va đập quan điểm phân loại Uber, Grab. TS Nguyễn Đức Thành  gợi mở, quản lý thông minh phải dựa trên cạnh tranh để thị trường tiến hoá.

Uber, Grab, taxi truyền thống: Cuộc chiến đầu tiên thời 4.0

Uber, Grab, taxi truyền thống: Cuộc chiến đầu tiên thời 4.0

Mọi điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab đều bình đẳng, nhưng với Hiệp hội taxi Hà Nội, đó là cuộc đấu không cân sức.

Doanh nghiệp vận tải 'tố' Bộ GTVT ưu ái taxi Grab

Doanh nghiệp vận tải 'tố' Bộ GTVT ưu ái taxi Grab

Công ty cổ phần Ánh Dương VN (Vinasun) cho rằng bản chất của Grab là vận tải taxi nhưng Bộ GTVT lại ưu ái đưa vào loại hình xe vận tải hợp đồng điện tử.