Tôi sẽ phân tích vấn đề một cách khách quan và logic nhất có thể, có vài điểm không thật chính xác vì như tôi đã nói, tôi không tìm thấy những cơ sở dữ liệu mình cần để đưa ra phán đoán dù đã dùng khả năng công nghệ của mình để tìm kiếm.
Đến sáng 31/7, cả nước có 1.161 ca tử vong, riêng TP.HCM là 900 ca. Làm thế nào để hạn chế tối đa số tử vong này trong thời gian tăng tốc chủng ngừa? Để đưa ra biện pháp can thiệp, trước tiên cần phân tích (hay chẩn đoán) vấn đề này một cách khoa học. Như tôi đã trình bày trong một bài viết trước, tôi cần cơ sở dữ liệu, nhưng hiện chưa tìm thấy trong số liệu thống kê của TP.HCM, nên đành đặt ra những giả thuyết, mỗi giả thuyết sẽ dẫn đến một can thiệp khác nhau.
Cơ sở dữ liệu tôi cần tối thiểu là những thông số sau ở mỗi tầng điều trị trong tháp 5 tầng của TP.HCM:
- Tần suất tử vong tại nhà.
- Tần suất tử vong trước khi đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế.
- Tần suất tử vong trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện.
- Thời gian trung bình từ lúc người bệnh hoặc các bệnh viện liên hệ đến lúc được chuyển đến nơi mong muốn.
Ách tắc cần giải quyết ngay
Nếu tần suất tử vong tại nhà cao, trách nhiệm sẽ thuộc về hệ thống chăm sóc y tế tại các phường, quận (tầng 1). Mấy ngày nay có những bệnh nhân quen của tôi là F0 gọi để xin tư vấn, khi hỏi thì tất cả đều trả lời như nhau là y tế địa phương cho về và không dặn dò, kê toa hoặc cho thuốc gì, không hướng dẫn mua thuốc ở đâu, cũng không cho số điện thoại của ai để liên lạc, chỉ bảo khi cần cứ gọi 115.
Can thiệp ở tầng này là phải thiết lập mạng lưới bác sĩ tư vấn (công lập và tư nhân) qua điện thoại theo từng phường, quận, các nhà thuốc tây trong khu vực của phường, quận, nhưng phải cung cấp danh sách này công khai trên truyền thông, đồng thời nhân viên trạm y tế phường phải biết danh sách này, phải hướng dẫn trực tiếp cho người dân mắc bệnh vì nhiều người lao động không sử dụng Internet, để họ chọn lựa bác sĩ tư vấn và liên lạc mỗi ngày.
Theo dõi sức khoẻ và lấy mẫu cho các F0 tại bệnh viện dã chiến thu dung số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: Thanh Tùng |
Nhân viên của trạm y tế phường hiện nay đã quá tải, không thể thăm khám cho tất cả bệnh nhân khi họ yêu cầu, và hình như họ quá sợ hãi khi tiếp xúc với người bệnh.
Khó khăn lớn nhất từ tầng 1 này là khi phát hiện bệnh nhân trở nặng, cần liên hệ để chuyển bệnh nhân đi thì hầu như các bác sĩ tư vấn như tôi không biết bất kỳ một đường dây nào liên hệ để yêu cầu hỗ trợ, ngoại trừ nói gia đình bệnh nhân gọi 115 - hầu như là tắc nghẽn, và vô vọng. Không có phương tiện nào để tự đi đến cơ sở y tế gần nhất, mà đến thì các bệnh viện từ chối vì không phải là bệnh viện chữa Covid. Phải giải quyết ngay ách tắc này.
Tăng số bệnh viện tầng 3
Tần suất tử vong cao tại tầng 5, tầng nặng nhất, chắc chắn vì bệnh nhân quá nặng, ngoài ra có thể do thiếu trang thiết bị như máy thở, ECMO, thiếu nguồn nhân lực nhưng theo tôi thấy hiện lãnh đạo ngành y tế đã tập trung rất nhiều về nhân lực và vật lực vào tầng này rồi nhưng tần suất tử vong vẫn cao, vậy phải xem xét đến những nguyên nhân khác.
Nếu tần suất tử vong trước khi đến bệnh viện và trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện cao, theo cảm nhận riêng của tôi, tử vong tập trung chủ yếu ở nhóm này, vấn đề sẽ do một trong các nguyên nhân sau:
- Chuyển viện chậm trễ vì nhiều lý do khách quan và chủ quan: Không có xe chuyển do quá tải trong chuyển bệnh, di chuyển quá xa, tuyến trên ứ bệnh không có giường.
- Chuyển viện không an toàn: Thiếu hỗ trợ người và trang thiết bị trên xe chuyển bệnh.
- Tầng dưới phát hiện và nhận diện bệnh nhân nặng không kịp thời: Do thiếu nhân lực, trang thiết bị (máy đo SpO2 để theo dõi, máy thở tạm thời trước khi chuyển tầng), trình độ của nhân viên y tế chưa được huấn luyện để nhận diện sớm và xử trí ban đầu bệnh nhân nặng.
Hiện tôi thấy lãnh đạo tập trung vào xây thêm 2-3 bệnh viện hồi sức bệnh nhân Covid ở tầng 5, và kêu gọi nhân lực từ các tỉnh về hỗ trợ bệnh viện ở tầng này, nhưng theo lập luận của tôi, để giảm tử vong, cần tập trung vào củng cố tầng 2, 3, 4. Đặc biệt, theo tôi yếu nhất là hệ thống chuyển viện và liên thông tuyến giữa các tầng.
Ở các tầng 2, 3, 4, Sở Y tế cần đánh giá một cách khách quan và trung thực về trang thiết bị, và nhân lực để giúp nhân viên y tế có đủ điều kiện theo dõi, chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
Mặc dù chúng ta luôn nói đủ nhưng nhân viên y tế luôn nói thiếu. Thực hư phải được đánh giá một cách khoa học, chính xác, tính toán cơ số trên số bệnh nhân, tình trạng bệnh nhân ở mỗi tầng.
Nếu thật sự thiếu, nên công khai danh sách cần hỗ trợ, cụ thể con số cho mỗi loại bao nhiêu, bệnh viện nào cần, có kiểm soát, để các doanh nghiệp và các Mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ, bởi người cho và làm từ thiện không hề so đo tính toán. Có như thế bệnh nhân những nơi này mới bớt trở nặng và được phát hiện sớm để tránh tử vong.
Nếu tăng, tôi sẽ tăng số bệnh viện tầng 3 sao cho mỗi quận có 1-2 bệnh viện thuộc tầng này, để bệnh nhân trở nặng từ nhà sẽ vào được ngay nơi gần nhất vì các bệnh viện dã chiến tầng 2 đôi khi quá xa.
Tôi đặc biệt lưu ý nhóm bệnh viện tầng 4, có những bệnh viện phải tách đôi và chữa bệnh nhân nền khá nặng mắc Covid, song song với bệnh nhân thường. Theo tôi, nhân lực và trang thiết bị cho nhóm bệnh viện này phải được tăng cường không thua kém tầng 5 trừ ECMO.
Nếu được, tôi sẽ tăng thêm số bệnh viện ở tầng này (bằng cách chọn thêm các bệnh viện và hoạt động theo cơ chế tách đôi), phân đều cho các quận, mỗi quận phải có ít nhất 1-2 bệnh viện thuộc tầng này để những bệnh nhân trở nặng sẽ được cấp cứu ngay, vì bệnh viện tầng 5 không dễ có chỗ ngay.
Xe cấp cứu và các phương tiện vận chuyển
Tôi rất lo lắng về hệ thống chuyển viện, ngay cả từ trước khi dịch bệnh xảy ra. Hãy đếm thử xem có bao nhiêu xe cấp cứu ở các bệnh viện lớn nhỏ đạt chuẩn như ở các nước?
Hiện nay, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM đã bổ sung lực lượng taxi hỗ trợ trung tâm cấp cứu 115 nhưng theo tôi vẫn không đủ về số lượng và chất lượng. Dường như thời gian chờ đợi vẫn rất lâu, hiện không có dữ liệu để kết luận chính xác như tôi đã trình bày ở trên. Để cải thiện hệ thống này cần:
- Xe cấp cứu và các phương tiện vận chuyển nên có mặt tại 1 trạm tập kết ở mỗi quận, có số liên lạc và điều hành riêng theo từng quận để tránh nghẽn mạch (nếu tất cả các quận huyện đều cùng gọi vào số 115), có thể di chuyển đến nơi thật nhanh, vì chúng ta không có các trạm paramedic cấp cứu như các nước. Số liên lạc này phải được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông. Chỉ thêm 200 xe taxi cho tất cả các quận với dân số 10 triệu dân là quá ít.
- Xe cấp cứu ở các bệnh viện tầng 2, 3, 4 nên được trang bị thêm trang thiết bị cấp cứu hỗ trợ thở khác trong xe, ngoài bình oxy.
Nói ra những điều này để chúng ta thấy muốn giảm tỉ lệ tử vong, phải tiếp cận một cách có hệ thống dựa trên các cơ sở dữ liệu. Tôi không muốn các tỉnh thành khác trong đất nước mình, Hà Nội, Đà Nẵng và tất cả các tỉnh khác lâm vào hoàn cảnh như TP.HCM hiện nay.
Vậy ngay từ đầu hãy chuẩn bị và tiếp cận các vấn đề một cách hệ thống, đưa ra những quyết sách cho từng địa phương một cách hợp lý dựa trên cơ sở khoa học.
PGS.TS Vũ Minh Phúc
Chủng ngừa Covid-19 và việc chọn lựa vắc xin
Điều quan trọng nhất của chủng ngừa là giúp giảm số bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong và gánh nặng cho hệ thống y tế.