- “Muốn cơ thể khỏe mạnh các bộ phận, bộ máy của cơ thể phải mạnh đều, muốn quốc gia mạnh các địa phương, các bộ ngành phải mạnh” – một độc giả chia sẻ cùng Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường.
LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Sau khi đăng tải một số bài viết đầu tiên, chúng tôi đã nhận được rất nhiều bình luận trong từng bài cũng như các ý kiến/ bài viết gửi về email [email protected].
Dưới đây là bài lược trích một số ý kiến trong số đó, mời độc giả cùng đọc và thảo luận.
Xây dựng khát vọng tự lực tự cường từ cơ sở
Bài viết của độc giả Nguyễn Ái gửi đến Diễn đàn nhấn mạnh, muốn cơ thể khỏe mạnh các bộ phận, bộ máy của cơ thể phải mạnh đều, muốn quốc gia mạnh các địa phương, các bộ ngành phải mạnh.
Theo đó, tác giả chỉ ra thực trạng hiện nay: Hoạt động tái đầu tư sản xuất và chi cho bộ máy hoạt động của quốc gia phải trông chờ vào nguồn thu của quốc gia, nguồn thu cơ bản vẫn phải là từ nguồn thu ngân sách. Theo số liệu thống kê năm 2016, trong số 63 tỉnh thành cả nước chỉ có 13 tỉnh thành phố tự lo được ngân sách và có nộp về Trung ương (năm 2017 “tiến bộ hơn” có 15 tỉnh). Một nước có gần 80% các địa phương phải sống nhờ “nguồn sữa” từ trên hỏi làm sao chúng ta thoát nghèo?
Từ đó tác giả đưa ra một số kiến nghị liên quan:
Nhà nước có những chính sách đúng đắn để kích hoạt nền kinh tế các địa phương phát triển, tạo môi trường cho các địa phương thực hiện khát vọng “tự lực, tự cường”.
Hàng năm Trung ương giao chỉ tiêu để các địa phương “tự lập, tự cường”, có giải pháp mạnh và kiên quyết để giảm dần tình trạng “Trung ương nuôi địa phương”, ấn định thời gian để các địa phương tự nuôi mình và có đóng góp cho Trung ương. Khi đó chắc chắn bài toán bội chi, nợ công sẽ giảm và kiểm soát được.
Giao khoán biên chế, tự chủ nguồn chi cho các địa phương, các ngành theo quan điểm dân gian “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, Trung ương không bù, địa phương lạm chi tự phải tìm ra giải pháp để cân đối thu chi.
Thực hiện triệt để quan điểm tiết kiệm, kiểm soát nguồn chi nhất là các dự án ngàn tỷ. Kiên quyết loại trừ “nhóm lợi ích”, “sân trước sân sau” đảm bảo cho nguồn vốn quốc gia chi đúng mục tiêu, hiệu quả.
Về khía cạnh con người, lựa chọn đội ngũ cán bộ địa phương có năng lực, có khát vọng tự lực tự cường, loại trừ cho được những cán bộ “đầu óc nhỏ, ý chí cùn, chỉ biết tư lợi”.
Phi thương bất phú
Đây là trọng tâm trong bài viết của độc giả Trần Hoàng Phong, xuất phát từ lập luận rằng: Phi thương bất phú; nghĩa là muốn giàu thì người dân phải biết làm thương mại.
Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp thương mại đang sở hữu một loại hàng hoá chưa được định giá, đó là sức lao động của người lao động. Trong khi giá trị hàng hóa sức lao động quyết định giá trị các loại hàng hóa khác trên thị trường. Và đây chính là một nguyên nhân sâu xa dẫn đến tính cạnh tranh kém của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường cả trong lẫn ngoài nước.
Đất nước hùng cường là mong ước của tất thảy người dân Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực thương mại nói riêng. Nguồn tài nguyên vật chất là hữu hạn, sức sáng tạo của con người là vô hạn. Một quốc gia định hướng phát triển dựa vào tài nguyên vật chất thì khi tài nguyên cạn kiệt, sự phát triển sẽ dừng lại, còn nếu biết dựa vào sức sáng tạo của con người thì sự phát triển là không có giới hạn.
Do vậy, theo độc giả Trần Hoàng Phong, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thương mại, chính là điều kiện tiên quyết cho nâng cao chất lượng phát triển và sự bền vững của ngành thương mại. Bài học của Honda Nhật Bản là tìm cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, và đạt lợi nhuận bền vững, chứ không phải chạy theo việc mở rộng thị trường đơn thuần: người tốt - sản phẩm tốt.
Một người lái đò có thể đưa con đò của họ qua sông với những gì mà họ học được từ kinh nghiệm của họ và ông cha. Nhưng với kiến thức đó họ không thể điều khiển một con tàu trị giá hàng tỷ đồng ra biển lớn.
Không có nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp về thương mại thì Việt Nam không thể trở thành trung tâm thương mại của vùng Đông Nam Á, không thể hội nhập kinh tế thế giới được.
Đẩy lùi suy nghĩ, thói quen “ăn xổi ở thì”
Độc giả Nguyễn Luân trong bài viết ngắn gửi đến Diễn đàn, có điểm danh một số vấn đề nổi bật. Trong đó có thể kể ra:
Về vấn đề thị trường, theo độc giả Nguyễn Luân, thị trường và môi trường kinh doanh trong nước chúng ta hiện nay ảnh hưởng rất nhiều bởi địa lý và văn hóa truyền thống. Kinh doanh của chúng ta chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ, đa ngành, đa lĩnh vực. Điều này làm giảm hiệu quả kinh tế và tính chuyên môn hóa cũng như chất lượng trên từng sản phẩm.
Do đó, văn hóa truyền thống của chúng ta cần được đổi mới theo hướng hiện đại. Cần đẩy lùi được suy nghĩ, thói quen ăn xổi ở thì, đầu cơ trục lợi, kinh doanh bất chấp tất cả... Cần hướng thị trường và thị chúng theo hướng kinh doanh bền vững, đảm bảo chất lượng, uy tín, tạo dựng lòng tin và thương hiệu...
Còn về vấn đề quản lý Nhà nước, độc giả Nguyễn Luân chỉ ra, việc quản lý điều hành của Nhà nước hiện nay đang theo hướng cấp phép. Điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tệ quan liêu, nhũng nhiễu, tham ô, hối lộ... Muốn giải quyết vấn đề trên thì nên thay đổi theo hướng từ cấp phép sang chứng nhận. Nhà nước là đơn vị có uy tín, đứng ra chứng nhận các mặt hàng có đủ tiêu chuẩn hoặc xếp loại các mặt hàng trên thị trường theo các cấp độ chất lượng khác nhau.
Muốn như vậy Nhà nước phải là đơn vị uy tín, có trách nhiệm trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng. Người dân phải tin tưởng được các sản phẩm do Nhà nước chứng nhận.
Về vấn đề biên chế và cơ cấu tổ chức trong cơ quan Nhà nước, theo độc giả Nguyễn Luân, nên giao toàn quyền cho người đứng đầu các cơ quan tổ chức quyết định. Người đứng đầu này phải được lựa chọn kỹ càng và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm (thay vì tập thể chịu trách nhiệm) nếu để xảy ra sai sót gì. Chúng ta phải chuyển từ quản lý quá trình sang quản lý sản phẩm đầu ra.
Thay vì quản lý số lượng biên chế, chúng ta quản lý bằng quỹ lương, giao khoán cho các tỉnh, các đơn vị Nhà nước một quỹ lương tương ứng với doanh thu của các đơn vị.
Hải Tâm (tổng hợp)
Bạn có đồng tình với những ý kiến trên đây hay có quan điểm khác? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi qua phần bình luận bên dưới hoặc gửi bài viết về email: [email protected]
Xem thêm các bài viết khác của Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đăng tải trên Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet:
Vì sao Việt Nam tụt hậu?
Câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không những không đạt được mục tiêu đề ra trong hai chính sách lớn tôi nêu ở đây, mà ngược lại?
Đã giải phóng sức dân, cần giải phóng sức Nhà nước
Việc thực hiện mục tiêu Dân giầu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh đã đặt ra yêu cầu phải giải phóng sức Nhà nước tương xứng với sức dân đã được giải phóng.
“Khát vọng Việt Nam” khi tụt hậu không còn là "nguy cơ”
"Chúng tôi thừa nhận Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam là rất lớn”.
Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?
Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?
Để có thể đạt được điều mong ước, khát vọng và quyết tâm làm cho bằng được là điều tiên quyết Việt Nam cần phải có.
Vượt trần thể chế
Nếu không quyết tâm cải cách, chúng ta mãi chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, không có gì đáng tự hào.
Vì Việt Nam hùng cường, cần gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp tư nhân
Nhìn lại suốt quá trình lịch sử, kinh tế đất nước cứ khi nào phát triển là luôn gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, hoặc ngược lại.