Sau một loạt các vụ tấn công gây chết người ở các tiệm massage châu Á ở khu vực Atlanta, trong đó dẫn đến 8 người gốc Á bị giết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã có những tuyên bố lên án mạnh mẽ hành vi thù hận và phân biệt chủng tộc. 

{keywords}
Một phụ nữ cầm biểu ngữ ghi thông điệp "Chúng tôi cũng là người Mỹ" như thể hiện sự chua chát của những người gốc Á khi bị phân biệt đối xử ở Mỹ

Mặc dù bối cảnh của vụ phạm tội này vẫn chưa được làm rõ, cũng như tâm lý chống lại người gốc Á đã đóng vai trò như thế nào trong những vụ đặc biệt thế này, thì những con số thống kê đã cho thấy người gốc Á đang ngày càng bị phân biệt đối xử ở Mỹ, đặc biệt từ khi bùng nổ Covid-19. 

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, 3 trong số 10 người Mỹ gốc Á (31%) cho biết họ là chủ đề của những lời chế giễu hoặc đùa cợt phân biệt chủng tộc từ khi đại dịch bắt đầu. Trung tâm báo cáo Stop AAPI Hate cũng tiết lộ rằng họ nhận được báo cáo về 3.795 vụ tấn công nhắm vào người châu Á từ tháng 3/2020 tới tháng 2 năm nay. 

Mặc dù quấy rối bằng lời nói nhắm vào người châu Á chiếm phần lớn trong các vụ này (68%), nhưng có tới 11% các vụ hành hung thân thể. Một con số đáng báo động. Trong đó, người Trung Quốc là nhóm nạn nhân đông nhất (42,2%), sau đó đến người Hàn Quốc (14,8%), người Việt Nam (8,5%) và người Philippines (7,9%). 

Đây là lúc chúng ta cần phải tìm hiểu căn nguyên sâu xa của việc kỳ thị người gốc Á tại Mỹ, cũng như việc kỳ thị này có gì khác biệt so với việc kỳ thị chủng tộc đối với người da đen hay các nhóm thiểu số khác.

Tìm kiếm ai đó để đổ tội   

Trong lịch sử, mỗi khi khủng hoảng xã hội xảy ra, người ta thường có khuynh hướng tìm kiếm ai đó để đổ tội. Ở Mỹ, người gốc Á hiện là nhóm gánh chịu tâm lý này vì Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, sự kỳ thị người gốc Á không phải đột nhiên xuất hiện cùng với Covid-19, mà có căn nguyên sâu xa hơn. Đại dịch chỉ là cái cớ để tâm lý này có dịp bùng phát. 

Trên thực tế, người gốc Á chỉ chiếm vỏn vẹn 6% dân số Mỹ, thấp hơn nhiều so với 18,3% người Latinh và 13,4% người da đen. Thế nhưng họ lại là nhóm thiểu số với những thành tựu vượt trội. Người Mỹ gốc Á là nhóm có tuổi thọ cao nhất, thu nhập bình quân hộ gia đình cao nhất, và tỷ lệ phạm tội thấp nhất. 

Thu nhập bình quân hộ gia đình của nhóm người Mỹ gốc Á hiện tại là 74.829 USD, cao hơn 39% so với thu nhập trung bình của người dân Mỹ (53.657 USD). Trong đó, nhóm người Mỹ gốc Ấn có thu nhập bình quân hộ gia đình cao nhất, 101.591 USD. Tiếp theo là các nhóm người Mỹ gốc Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, đều có mức thu nhập trung bình hộ ở mức xấp xỉ 70.000 USD, vượt trội so với các nhóm khác. 

Về mặt học vấn, những học sinh, sinh viên người nhập cư gốc Á ở Mỹ cũng thuộc nhóm thành công nhất. 49% người gốc Á có bằng đại học so với 28% tỷ lệ của cả nước. Nhóm học sinh gốc Á cũng chiếm tới 1/3 số thí sinh tham gia các cuộc thi toán học và vật lý quốc gia. 

Trên thực tế, sự kỳ thị với người gốc Á ở Mỹ không chỉ là vấn đề tâm lý nữa, mà nó còn được phản ánh trong những chính sách của nhà nước. Trong khi những người Mỹ gốc Phi được hỗ trợ tiếp cận đại học nhờ “chính sách nâng đỡ”, thì người Mỹ gốc Á phải chịu nhiều bất lợi.

Ví dụ, trong kỳ thi tuyển chọn đầu vào của ĐH Harvard, học sinh gốc Á cần đạt điểm cao hơn nhiều so với học sinh da trắng và càng cao hơn những học sinh da đen cùng dự tuyển. Ở một số trường đại học khác cũng vậy, sinh viên gốc Á cũng phải đạt điểm cao hơn nhiều so với sinh viên da trắng và da đen trong các kỳ thi tuyển sinh.

Chỉ tới năm ngoái, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mới cáo buộc trường ĐH Yale về tội phân biệt đối xử với sinh viên Mỹ gốc Á. Một cuộc điều tra kéo dài 2 năm cho thấy, người Mỹ gốc Á có ít cơ hội được nhận vào đại học hơn so với người da đen dù thành tích học tập tương đương.

Bản chất của cảm xúc kỳ thị

Nhà tâm lý học Susan T. Fiske và các đồng nghiệp đã khám phá ra bản chất của cảm xúc kỳ thị chống lại các nhóm thiểu số. Theo đó, cảm xúc này về cơ bản được định hình bởi 2 yếu tố: 

Tình cảm nồng nhiệt: Một nhóm người thiểu số có thể bị gắn với định kiến là nhóm người nồng nhiệt, thân thiện, đáng tin; hoặc là lạnh lùng, không thân thiện, không đáng tin. 

Năng lực: Một nhóm người thiểu số có thể bị gắn với định kiến là nhóm người tự tin, chăm chỉ, tham vọng; hoặc lười biếng, kém cỏi. 

Dựa trên 2 yếu tố đó, các nhóm người thiểu số có thể bị định kiến bằng 4 kiểu hỗn hợp sau: (1) nồng nhiệt và có năng lực, (2) nồng nhiệt và kém cỏi, (3) lạnh lùng và có năng lực, (4) lạnh lùng và kém cỏi. Những khảo sát thực tiễn đã xác nhận rằng, những định kiến này đang được gắn cho những nhóm người cụ thể.

Ví dụ, người Do Thái và người châu Á thường được những người tham gia khảo sát (ngẫu nhiên) cho điểm cao cho yếu tố năng lực nhưng lại được điểm rất thấp cho yếu tố nồng nhiệt. Họ được xếp vào nhóm 3, tức là nhóm lạnh lùng và có năng lực. Nhóm người này vừa được ngưỡng mộ những cũng dễ bị đố kị, ganh ghét. 

Một nghiên cứu trắc nghiệm khác của Monica H. Lin dựa trên 1.296 người tham gia cũng đưa ra kết quả tương tự. Người Mỹ gốc Á nói chung được đánh giá là có năng lực tốt nhưng không hoà đồng. Các định kiến về người gốc Á có thể được cụ thể hoá như sau: 

-           Họ không ngừng theo đuổi mục tiêu tiền bạc

-           Họ bị ám ảnh bởi cạnh tranh

-           Họ luôn nghĩ mình thông minh hơn người khác

-           Họ luôn phấn đấu để trở thành số 1

-           Họ luôn nỗ lực để có thật nhiều ảnh hưởng trong xã hội

-           Họ luôn so đo kết quả với những người khác

-           Họ luôn muốn vượt lên người khác, cạnh tranh quá mức

-           Họ thích thành công về kinh tế, bất kể chênh lệch thu nhập lớn

Những người Mỹ gốc Á cũng bị đánh giá là ít dành thời gian để giao tiếp với xã hội hơn so với các nhóm người khác. Nghiên cứu kết luận: “Người gốc Á là đối tượng bị gắn với các tình cảm ngưỡng mộ, phẫn nộ và đố kỵ. Họ miễn cưỡng được đánh giá cao vì năng lực, nhưng lại bị ghét vì thiếu hòa đồng”. 

Thật vô lý khi tại một nước như Mỹ, nơi đức tính cần cù và sự thành công được đề cao, thì một nhóm người lại bị phân biệt đối xử vì họ... quá thành công! 

TS Rainer Zitelmann 

Hộ chiếu vắc xin và nỗi lo bị Big Tech lợi dụng

Hộ chiếu vắc xin và nỗi lo bị Big Tech lợi dụng

Các quốc gia khắp thế giới, WHO, WEF, EU và các doanh nghiệp tư nhân đang gấp rút tung ra hộ chiếu vắc xin. Tuy nhiên, các nước cũng chưa đưa ra được các yêu cầu chung về mặt đạo đức và pháp lý.

Sức mạnh chính trị của người gốc Á ở Mỹ

Sức mạnh chính trị của người gốc Á ở Mỹ

Phân chia theo thế hệ, sắc tộc và giai cấp, hiện bị ảnh hưởng bởi một loạt các cuộc tấn công có động cơ chủng tộc, người Mỹ gốc Á đang phát triển nhanh chóng như những chủ thể chính trị.