Không phủ nhận công cuộc cải cách tư pháp diễn ra trong 15 năm nay có những thành tựu. Việc minh oan cho nhiều người thể hiện rằng: cải cách tư pháp THỰC SỰ hướng đến quyền con người. Nhưng cũng chính những trường hợp được minh oan ấy lại đặt ra vấn đề: vẫn còn không gian để tiếp tục cải cách tư pháp.
Những Bộ luật tố tụng Hình sự (2003, 2015) nếu đọc kỹ thì đã tiệm cận với các chuẩn mực về tố tụng. Việc kéo công tố xuống cho ngang hàng với bào chữa trong mô hình phòng xét xử đã đạt được về mặt hình thức và cả tranh tụng tại tòa. Việc quy định bị can nếu bị điều tra tội từ 20 năm tù trở lên phải có luật sư ngay từ đầu đã được luật hóa. Những chế định về bổ trợ tư pháp khác đã có bước tiến.
Việc thiết lập và ban hành án lệ, dù nhiều người còn băn khoăn, cũng mở ra một bước mới, bổ sung cho những bất cập nếu có của pháp luật. Việc công khai bản án cũng giúp các thẩm phán thận trọng, cẩn trọng hơn ngay cả trong câu cú chấm phẩy…
Ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa, ở Bắc Giang) được tuyên vô tội sau khi ngồi tù oan 10 năm. |
Nhưng Nghị quyết 49/2005 của Trung ương về cải cách tư pháp có một nút thắt lẽ ra phải được sớm tháo cởi: “Chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện việc chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án cho Bộ Tư pháp”. Rất có thể, định hướng này của Trung ương xuất phát từ những vụ oan, sai mà tinh thần cải cách tư pháp muốn giảm thiểu.
Thực tế từ các vụ án oan-sai đều cho thấy: các bị can, bị cáo đều tố rằng mình bị cán bộ bức cung, nhục hình nên phải khai nhận tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn, người được minh oan mấy năm trước kể: ngoài việc phải nhận tội thì ông bị bắt phải “tập luyện” đâm hình nộm đến mức thuần thục. Lý do nhận tội, không chỉ ông Chấn, mà những “nạn nhân” khác của bức cung, nhục hình như Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén từng giãi bày sau khi được minh oan: “Nhận tội để sống để còn có cơ hội mà kêu oan”.
Có những bị cáo như ông Bàn Văn Thái (Hàm Yên, Bắc Giang) 14 phiên xử là 14 lần ông phản cung cho rằng mình bị bức cung, nhục hình. Sau khi được đình chỉ năm 2015, trình bày với Đoàn giám sát của UB Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Bàn Văn Thái thuật lại: Họ (tức cơ quan điều tra) đánh tôi từ 1h chiều đến 5h chiều nên tôi phải nhận, nhận để sống, để gặp được cha mẹ mà nói tôi không phạm tội giết người. 14 lần phản cung cũng là 14 lần ông phải chịu những ngón đòn, mà ông tả là “bị gí dùi cui điện nhiều lần, vào ngực, có khi cả vào chỗ kín, tôi đau quá và lại nhận tội”.
Nhưng không phải ai cũng có cơ hội “sống và kêu oan” như những trường hợp trên đây…
Có thể, những vụ án oan sai được nêu trên đây chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong số hàng trăm, hàng nghìn… vụ án hình sự. Nhưng bởi vì quyền con người đã được long trọng hiến định, nên dù chỉ một vài trường hợp oan do bức cung, nhục hình cũng đủ phương hại đến niềm tin của công chúng vào công lý.
Vì vậy, có thể hiểu vì sao Nghị quyết 49/2005 vừa ra đời thì Bộ Tư pháp lập tức đề xuất được tiếp nhận “trọn gói” trại giam từ Bộ Công an. Trong giải trình của mình khi đó, Bộ Tư pháp nói rằng: kinh nghiệm của phần lớn các nước, kể cả Trung Quốc cũng tách biệt điều tra và giam giữ như vậy. Bộ Tư pháp lý giải: nếu CQĐT vừa điều tra lại vừa trực tiếp giam giữ thì không bảo đảm khách quan.
Nhưng rồi vấn đề lại chìm đi, mãi đến khi thảo luận Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, UB Tư pháp của Quốc hội mới lại nêu lại đề xuất chuyển trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp. Đề xuất nhằm tách bạch các hoạt động giam giữ và điều tra để ngăn ngừa giảm bớt bức cung nhục hình, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự. Nhiều đại biểu quốc hội, nguyên đại biểu quốc hội cũng đề xuất như vậy.
Đến nay, mới chỉ có thi hành án dân sự là được Bộ Tư pháp nắm giữ. Cũng có nghĩa là một nội dung rất đúng, rất trúng, làm nền tảng cho cải cách tư pháp của Trung ương, Bộ Chính trị từ hơn 15 năm qua vẫn chưa được thực hiện.
Nếu Nghị quyết 49/2005 của Trung ương, Bộ Chính trị được thi hành cách triệt để thì có lẽ những vụ oan-sai sẽ giảm đến mức tối thiểu.
Chân Luận