Cần thái độ mạnh mẽ của cả các nhà lập pháp – như những người yêu nước – để giải quyết vấn đề “ai làm người lương thiện”.
Đề án 12 do chính phủ giao cho Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) về “Liêm chính trong kinh doanh” nghe rất tốt đẹp về mặt nội dung. Nhưng nó hoàn toàn có thể trở thành hình thức: bản thân doanh nghiệp Việt Nam không muốn liêm chính, làm vậy là thiệt thân.
Từ chuyện một bài hát
Nhạc sỹ Lê Đức Hùng (nghệ danh Mew Amazing) là tác giả của một trong những ca khúc “hot” nhất năm 2015 – Thật bất ngờ. Đó là một ca khúc mô tả lại nền giải trí đầy những thị phi và các giá trị ảo của nước ta. Bài hát đứng đầu hầu hết các bảng xếp hạng âm nhạc online, và MV của bài hát là ứng viên nặng ký cho Giải âm nhạc cống hiến 2016.
Chuyện gần như hiển nhiên: có một nhãn hàng lớn tìm đến Mew Amazing và đề nghị mua lại bản quyền ca khúc này để quảng bá cho sản phẩm của họ.
Cần biết thêm là Mew Amazing còn rất trẻ, đang trong giai đoạn tạo dựng sự nghiệp, đang bán từng bài hát để dựng một studio cho bản thân mình.
Và chuyện có thể sẽ xuôi chèo mát mái, Mew nhận được một khoản không tồi để đầu tư cho studio, nếu như cái nhãn hàng kia không phải là thương hiệu nước giải khát đình đám số 1 thị trường bây giờ. Chàng trai trẻ từ chối thẳng thừng. Và lý do: là anh đánh giá thấp sự liêm chính của công ty đó.
Thương hiệu nước giải khát này đã trải qua một scandal truyền thông vô tiền khoáng hậu sau khi xuất hiện trong một vụ án hình sự. “Tui không thích ruồi” – Mew tuyên bố về lý do “chê tiền”. Cậu kể về sự từ chối này với nụ cười tươi rói, như là một chuyện đùa nhẹ nhàng. Không căng thẳng. Đó gần như là chuyện đương nhiên cậu phải làm.
Một scandal truyền thông có thể được lý giải theo nhiều cách, thậm chí là có nhiều người cảm thông với nhãn hàng kia, hoặc là dưới góc độ luật pháp thì ai cũng có quyền nói tôi đã làm phận sự của mình. Nhưng câu chuyện của Mew Amazing nói lên một khía cạnh không thể phủ nhận: cảm tính của người tiêu dùng, hay là của đại chúng, về sự liêm chính trong kinh doanh vẫn cực mạnh.
Liêm chính trong kinh doanh không chỉ hô hào. Ảnh minh họa |
Trong số các giá trị cốt lõi của kinh doanh và tuyển dụng nhân sự mà Warren Buffet, nhà đầu tư huyền thoại của thế kỷ 20 nhắc đến, thì sự liêm chính luôn được đặt lên hàng đầu. Nó là một loại “hàng hoá” vô giá.
Khi vấn đề liêm chính được đặt ra, thì lúc đó không còn ai muốn bàn đến chất lượng sản phẩm nữa. Các nhãn hàng lớn nhất thế giới hiểu về điều này. Coca-Cola đã từng phải trần tình trước người dân Mỹ sau khi bị phát hiện tài trợ cho các nhà nghiên cứu dinh dưỡng hàng đầu nước này (để lờ đi tác hại của việc uống nước ngọt có gas?). Chuỗi đại siêu thị Wal-Mart từng bị “đánh” tại Mỹ vì thực hiện các hành vi hối lộ tận… Mexico. Lúc đó, không ai nói rằng tôi bán sản phẩm tốt, mục đích không biện hộ được cho hành vi.
Những người theo dõi tin tức quốc tế thường xuyên hẳn vẫn nhớ rằng một trong những vụ phá sản lớn nhất lịch sử thế giới liên quan đến sự liêm chính. Cổ phiếu của đại tập đoàn năng lượng Enron trở thành giấy vụn sau khi họ bị phát hiện có mờ ám trong kiểm toán.
Liêm chính là để hô hào?
Không phải đến khi Mew Amazing tuyên bố bán bài hát hot nhất 2015 cho nhãn hàng kia, thì người ta mới hiểu rằng ý thức của cộng đồng về sự liêm chính mạnh đến mức nào. Mặc kệ nhãn hàng thanh minh, mặc kệ các luật gia khẳng định rằng công ty đó đã hành xử đúng luật trong vụ án hình sự mà họ vướng vào. Chỉ cần “dấu hiệu của sự ám muội” là đủ giáng những đòn đau thương trị giá hàng chục tỷ đồng vào một thương hiệu. Xin nhắc lại, chỉ cần dấu hiệu.
Một doanh nghiệp có khả năng tồn tại trên thị trường mà không cần sự liêm chính, tức là họ đang sử dụng trí tuệ và năng lượng của mình để củng cố những giá trị tiêu cực của xã hội: tham nhũng, cơ chế xin-cho, hủy hoại môi trường đầu tư,... Một doanh nghiệp không có sự liêm chính mà vẫn tồn tại khiến cho chính người tiêu dùng mất niềm tin vào các doanh nghiệp trong nước – điều vô cùng nguy hại. Xã hội, cho dù đang thiếu minh bạch, vẫn mang bản năng căm ghét sự thiếu liêm chính.
Nhưng có đến 70% số các doanh nghiệp được hỏi vẫn khẳng định rằng họ đang đưa hối lộ một cách tự nguyện.
Sự liêm chính không thể hô hào: trong một môi trường kinh doanh nơi mà sự liêm chính là một dạng thiệt thòi; trong một nền hành chính phức tạp cho phép việc đòi hỏi diễn ra; trong một môi trường đầu tư nơi các doanh nghiệp điên đầu vì các loại thuế-phí; thì sự liêm chính luôn là một điều xa xỉ.
Đề án 12 của chính phủ về “Liêm chính trong kinh doanh” kêu gọi các doanh nghiệp tự thân nâng cao liêm chính trong chính nội bộ, bằng chính sách tuyển dụng và các cơ chế nội bộ khác.
Nhưng khả năng nó trở thành những lời hô hào là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu như môi trường để sự liêm chính phát huy không được cải thiện.
Đến cuối ngày, trước rừng thủ tục hành chính, trước bài toán lợi nhuận méo mó vì thuế phí, người ta sẽ vẫn hỏi: “Ai cho tôi làm người lương thiện?”. Việc bắt doanh nghiệp liêm chính trước trong bài toán này, giống như là khẳng định trứng nên có trước gà có sau.
Mew Amazing hay ai đó có thể thể hiện một thái độ mạnh mẽ - như một công dân có lòng. Nhưng nó sẽ chẳng khiến doanh nghiệp phải nghĩ lại. Cần thái độ mạnh mẽ của cả các nhà lập pháp – như những người yêu nước – để giải quyết vấn đề “ai làm người lương thiện”.
Đức Hoàng